Theo báo "Bưu điện Washington", các máy bay do thám không người lái của Mỹ đã lùng sục các địa điểm trên khắp Iran, đi qua hàng trăm địa chỉ bị tình nghi là những cơ sở hạt nhân của nước này, trước khi quân đội Iran tuyên bố bắn rơi một máy bay do thám hồi tháng 12/2011. Hoạt động do thám này là một phần trong kế hoạch của Mỹ tăng cường các hoạt động tình báo nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran và kế hoạch trên đã được thúc đẩy kể từ những năm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống George Bush.
Cơ sở hạt nhân dưới lòng đất của Iran được chụp từ vệ tinh (Ảnh: AFP) |
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã lên kế hoạch yêu cầu Iran đóng cửa ngay lập tức và dỡ bỏ một cơ sở hạt nhân bí mật mới được hoàn thành gần thành phố Qum.
Dẫn lời các nhà ngoại giao giấu tên của Mỹ và châu Âu, báo "Bưu điện Washington" cho biết, tại các cuộc đàm phán sắp tới, Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng kêu gọi Iran ngừng sản xuất nhiên liệu urani và vận chuyển số nhiên liệu đang được dự trữ ra khỏi Iran.
Trong khi chương trình hạt nhân của Iran đang gây cãi và khiến phương Tây đã đưa những biện pháp trừng phạt khắt khe thì trong ngày 8/4, Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo, một chiến dịch quân sự nhằm vào Iran vì chương trình hạt nhân của nước này sẽ gây nguy hiểm cho an ninh khu vực và ảnh hưởng xấu đến phục hồi kinh tế toàn cầu.
Giám đốc cơ quan phụ trách các vấn đề Tây Á và Bắc Phi của Trung Quốc, ông Trần Tiểu Đông cho biết, nếu sử dụng biện pháp quân sự với Iran, chắc chắn nó sẽ dẫn tới sự trả thù, gây ra một cuộc xung đột quân sự lớn hơn, làm trầm trọng hơn những bất ổn trong khu vực. Điều này cũng đe doạ an ninh tại eo biển Hormuz và các tuyến vận chuyển chiến lược khác, làm giá dầu thế giới tăng cao và gây cản trở cho sự phục hồi kinh tế thế giới. Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm phải ngăn chặn một cuộc chiến tranh.
Cuộc “khẩu chiến” giữa Mỹ và Israel với Iran trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây với những lời đe doạ tấn công dựa trên cáo buộc vô căn cứ rằng, chương trình hạt nhân Iran là hướng tới mục đích quân sự.
Iran luôn bác bỏ những cáo buộc này đồng thời cho rằng “là một nước tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), và là thành viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran có quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình.
IAEA đã tiến hành các cuộc thanh sát cơ sở hạt nhân Iran nhưng chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy chương trình hạt nhân của Iran là để chế tạo vũ khí hạt nhân.