(Congannghean.vn)-
(Congannghean.vn)-HLV Miura vừa chốt danh sách 29 cầu thủ trong đội hình U23 Việt Nam chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2016. Trong đó có 3 cầu thủ Sông Lam Nghệ An.
|
Nguyễn Văn Mạnh |
Đáng kể nhất là lần góp mặt đầu tiên của cầu thủ đa năng Phạm Xuân Mạnh. Anh tỏ ra bất ngờ nhưng cũng cảm thấy hạnh phúc khi những nỗ lực của mình đã được tưởng thưởng xứng đáng.
Tại giải U21 Quốc tế 2015 đang diễn ra, Phạm Xuân Mạnh là một trong những cầu thủ gây được ấn tượng mạnh nhất trong màu áo U21 báo Thanh Niên Việt Nam (báo TN.VN). Cầu thủ của SLNA đã ghi 3 bàn thắng và có 1 đường chuyền thành bàn cho đội nhà.
Xuân Mạnh không phải hề xa lạ khi anh liên tục để lại dấu ấn ở các giải trẻ. Tại giải U17 QG báo Bóng đá – cúp Thái Sơn Nam 2012 tại Thừa Thiên Huế, tiền vệ này đã góp công lớn trong chức vô địch của SLNA. Ở giải U19 các năm 2013 và 2014, Xuân Mạnh cũng cùng đội bóng xứ Nghệ cán đích ở vị trí thứ nhì chung cuộc.
“Tôi rất bất ngờ và hạnh phúc khi có tên trong danh sách U23 Việt Nam. Nhưng đó cũng là sự ghi nhận sau những tháng ngày nỗ lực tập luyện”, Xuân Mạnh chia sẻ cảm xúc khi được triệu tập vào thành phần U23 Việt Nam.
Tuy nhiên, nỗ lực tập luyện của cầu thủ Yên Thành này không chỉ để được khoác lên màu áo ĐTQG. Gia cảnh khá khó khăn khi mẹ ở nhà làm nội trợ trong lúc ba làm công nhân gỗ, ngày kiếm được vài trăm ngàn cũng là động lực mạnh mẽ để Xuân Mạnh luôn tập luyện với tinh thần cao nhất. “Mỗi khi nghĩ đến ba mẹ thôi thúc tôi phải nỗ lực tập luyện hơn trên sân cỏ để hy vọng một ngày nào đó có thể giúp đỡ được gia đình của mình”, Xuân Mạnh tâm sự.
Nói về chuyên môn, cầu thủ của SLNA này cho biết, anh đã đảm nhiệm tất cả các vị trí trên sân ngoại trừ thủ môn. Tại giải U21 Quốc tế đang diễn ra, HLV Phạm Minh Đức đã bố trí anh đá 3 vị trí khác nhau là tiền vệ cánh phải, tiền vệ trung tâm và tiền đạo.
Sự đa năng của Xuân Mạnh cũng là một trong những lý do dẫn đến quyết định triệu tập phút chót của ông Toshiya Miura. Ông thầy người Nhật Bản rất thích những cầu thủ có thể chơi nhiều vị trí như Xuân Mạnh.
Phạm Mạnh Hùng là gương mặt thứ 2 của SLNA được tin tưởng. Anh không quá xa lạ với khả năng sút phạt bẩm sinh. Thường thì các tiền vệ luôn được các HLV giao cho nhiệm vụ thực hiện những tình huống đá phạt trực tiếp. Nhưng ở SLNA cũng như U23 Việt Nam, người lĩnh ấn tiên phong trong các pha sút cố định ấy là trung vệ Mạnh Hùng. Chứng kiến những cú cứa bóng điệu nghệ với độ xoáy cực lớn của Hùng, thật khó tin nó được tạo ra bởi cái chân trái của một cầu thủ vốn chơi ở vị trí chuyên trách... phá bóng.
|
Bấm Play để xem video những pha sút phạt của Mạnh Hùng |
Không phải đến thời điểm này, Phạm Mạnh Hùng mới cho thấy khả năng sút phạt bằng cái chân trái ma thuật của mình. Ngay từ các giải trẻ, cầu thủ của SLNA này đã cho thấy tố chất của một “sát thủ” trong những tình huống cố định. Bản năng săn bàn ấy của Phạm Mạnh Hùng đã được bộc lộ ở VCK U17 QG – cúp báo Bóng đá 2010 tại Đà Nẵng.
Bằng những cú cứa lòng rất tinh tế, trung vệ Phạm Mạnh Hùng đã điền tên trở thành một trong những chân sút xuất sắc nhất của giải U17 QG - cúp báo Bóng đá 2010 với 3 pha lập công. Thể hiện vai trò của một “lá chắn thép” cùng với khả năng sút phạt điêu luyện, đội trưởng của U17 SLNA đã vượt qua nhiều cá nhân xuất sắc khác để giành giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất giải năm đó.
|
Phạm Mạnh Hùng có chân trái rất 'dị' |
Nói về khả năng sút phạt của cậu học trò, HLV dẫn dắt Phạm Mạnh Hùng khi còn ở đội trẻ - ông Nguyễn Thành Công bật mí: “Các cầu thủ trẻ của SLNA có thói quen là sau mỗi buổi tập, các em thường hay tập thêm. Thực hiện đá phạt là một trong những nội dung các em thường tập. Chính những khoảng thời gian ấy mà khả năng sút phạt của Phạm Mạnh Hùng đã được phát hiện. VCK U17 QG – cúp báo Bóng đá 2010 là thời điểm Hùng phát huy sở trưởng của mình”.
Rõ ràng, việc một cầu thủ đá ở vị trí sở trường là trung vệ như Phạm Mạnh Hùng nhưng lại sở hữu những cú sút phạt có tính sát thương cao là chuyện hiếm có ở bóng đá Việt Nam. Hơn hết, với kỹ năng sút phạt ngày càng hoàn thiện, Phạm Mạnh Hùng được kỳ vọng sẽ là "quân bài trong tay áo" của bóng đá Việt Nam.
Hồ Tuấn Tài là gương mặt thứ 3 của đội bóng xứ Nghệ được gọi lên tuyển lần này. Không chỉ là em họ, Hồ Tuấn Tài còn được chính Văn Quyến dạy bóng đá nên cách chơi có nét giống đàn anh. Tuy nhiên, cầu thủ sinh năm 1995 không sợ bị so sánh và tin rằng mình sẽ không đi vào vết xe đổ của cựu thần đồng bóng đá Việt Nam.
Hồ Tuấn Tài (phải) đang dần chiếm suất chính thức trên hàng công đội bóng xứ Nghệ
CÂY CẦU NỐI MANG TÊN VĂN QUYẾN
Bố Tuấn Tài là em ruột mẹ Văn Quyến. Năm 2006, trong một lần Văn Quyến về quê chơi, bố Tuấn Tài đề nghị cháu thử xem con trai có tố chất để theo nghiệp bóng đá không bởi cậu nhóc đam mê đặc việt với trái bóng, cũng đã lăn lộn với các giải bóng đá thiếu nhi trong làng, xã, huyện. Nhìn Tuấn Tài đá một lần, Văn Quyến quyết định đưa cậu em ra thành Vinh thi vào lò đào tạo SLNA.
“Tôi nhớ rất rõ một buổi sáng đầu năm 2006, khi tôi 11 tuổi, anh Văn Quyến đi chiếc xe Spacy về chở tôi từ huyện Hưng Nguyên lên TP Vinh thi tuyển. Điều tuyệt vời là tôi thi phát đậu ngay”, Tuấn Tài nhớ lại.
Cầu thủ sinh năm 1995 bảo mình không kỹ thuật và tinh quái bằng Văn Quyến nhưng thừa nhận cách chơi giống người anh họ bởi được chỉ dạy riêng rất nhiều. Thuở đó, những ngày SLNA không thi đấu, Văn Quyến lại sang khu đào tạo trẻ của đội, gọi Tuấn Tài ra sân hai anh em tập riêng. Còn cầu thủ nhí sinh năm 1995 mỗi khi có thời gian rảnh cũng ôm ngay trái bóng sang phòng anh để luyện những chiêu đặc biệt từ di chuyển không bóng, rê dắt tới dứt điểm, đá phạt.
“Sau này dù không còn ở SLNA, anh Quyến vẫn luôn rất quan tâm tới tôi. Anh thường xuyên gọi điện để động viên, chỉ dạy. Tôi có chuyện gì thì cũng luôn gọi cho anh đầu tiên. Năm ngoái, khi bị loại khỏi U19 Việt Nam, tôi gọi cho anh Quyến và nhờ anh động viên ngã đâu đứng dậy từ đó tôi mới có thể lao vào tập luyện để rồi sau đó được gọi trở lại. Tôi nhớ rất rõ khi được triệu tập, được biết đá chính hay ghi bàn tôi đều gọi về cho anh khoe với vẻ đầy sung sướng”, Tuấn Tài kể.
Tuấn Tài bảo Văn Quyến không chỉ dạy bóng đá mà còn dạy mình cả cách làm người. “Khi nói chuyện với tôi, anh Quyến luôn chốt một câu rằng không được sa ngã, đừng để người ta dè bỉu, nói rằng thằng này là em Văn Quyến nên giống anh”, tiền đạo mới được đôn lên đội một SLNA đầu mùa giải năm nay xúc động kể.
GIẤC MƠ DANG DỞ CỦA NGƯỜI CHA NGHÈO
Bố cầu thủ người xứ Nghệ đã qua đời được gần 3 năm vì căn bệnh ung thư quái ác nhưng những kỷ niệm trong cậu vẫn luôn vẹn nguyên.
“Với bố tôi có rất nhiều kỷ niệm, đáng nhớ nhất là chuyện xảy ra khi tôi khoác áo U15 SLNA. Hôm đó tôi cùng vài đồng đội ngồi uống nước ở quán trước cổng CLB, đúng lúc bố tôi đi làm qua. Tôi giơ tay vẫy nhưng bố nhìn lướt rồi đi thẳng. Thấy lạ tối về tôi hỏi sao bố làm ngơ tôi, bố bảo lúc đó quần áo lấm lem, lại đi bộ, sợ các bạn cười chê tôi có bố như vậy. Tôi nói rằng nhà có sao thì phải chấp nhận, mình làm gì cũng được,miễn là không trộm cắp, vi phạm pháp luật, đạo đức... thì không có gì phải xấu hổ. Nghe xong, bố đã ôm tôi vào lòng tràn đầy hạnh phúc”, Tuấn Tài kể.
Ngày Tuấn Tài khoác áo các đội trẻ SLNA, mỗi khi đấu tập nội bộ, bố cậu lại tới xem. Kết thúc trận đấu, ông luôn xuống xoa đầu con trai, bảo rằng một ngày không xa sẽ được chứng kiến cậu khoác áo đội một, chinh chiến ở V.League. Đáng tiếc, bố Tuấn Tài đã mãi mãi không được nhìn thấy giây phút mà ông mong ngóng.
Đầu năm 2012, bố Tuấn Tài thấy mệt trong người, ra bệnh viện Nghệ An khám, các bác sĩ nói bị suy nhược, cho thuốc về nhà uống. Uống mãi nhưng không thuyên giảm, thậm chí trong người còn thấy đau hơn, 2 tháng sau ông khăn gói ra Hà Nội kiểm tra và ngã ngửa khi biết mình bị ung thư gan giai đoạn cuối và một tuần sau thì qua đời.
Trước thềm mùa giải 2015, ngay khi biết tin được lên đội một, Tuấn Tài đã xin nghỉ tập một buổi sáng để đi xe về nhà, thắp hương báo cho bố biết giấc mơ của ông đã thành sự thực.
“Bố mẹ tôi trước đây cùng làm công ở xưởng gỗ. Sau khi bố mất, mẹ bỏ việc này bởi nơi đó gợi lại quá nhiều kỷ niệm buồn, thêm vào đó lương thấp không đủ nuôi tôi và chị gái. Nhờ sự giúp đỡ của anh Văn Quyến, mẹ tôi có vốn mở một gian hàng nhỏ ở chợ Thầu, xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, buôn bán thịt, cá. Nhờ vậy, kinh tế gia đình mới bớt khó khăn”.
Thương mẹ một mình vất vả thức khuya, dậy sớm quanh năm buôn bán, mỗi khi đội được nghỉ, Tuấn Tài lại về giúp. Cựu thành viên của U19 Việt Nam không nề hà việc gì, xắn tay vào bán hàng khiến nhiều người dân nơi đây ngỡ ngàng. Giấc mơ của Tuấn Tài là có thể đá bóng kiếm kha khá tiền để mẹ không còn phải vất vả buôn bán. Hiện tại, do mới lên đội một nên lương cầu thủ sinh năm 1995 rất thấp, chỉ vài triệu đồng. Tuy nhiên, được bao nhiêu cậu lại gửi hết về cho mẹ.
“Mẹ tôi vất vả, lam lũ cả đời rồi. Tôi muốn kiếm tiền từ đá bóng để phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già, không còn đầu tắt mặt tối ở chợ nữa”, Tuấn Tài nói trong nghẹn ngào.
Trong trận đấu gặp Thanh Hóa, khi ghi được bàn đầu tiên cho đội một SLNA, Tuấn Tài có màn ăn mừng cảm động, vén áo khoe dòng chữ “Yêu mẹ nhiều lắm”. Biết câu chuyện cảm động về gia đình Tuấn Tài, Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quyết Thắng đã gửi tặng cầu thủ này 10 triệu đồng.
“Nếu không có anh Văn Quyến chỉ lối đưa đường, tôi có thể đã không theo con đường bóng đá chuyên nghiệp, để rồi có được như bây giờ”, Hồ Tuấn Tài chia sẻ.
Thần tượng Cristiano Ronaldo
Ngoài người anh họ Văn Quyến, trong thế giới bóng đá Tuấn Tài còn thần tượng Cristiano Ronaldo. “Tôi mê Ronaldo không chỉ vì kỹ thuật điêu luyện mà còn bởi ý chí vươn lên vô cùng mạnh mẽ. Anh ấy đã chiến đấu để vượt lên mọi nghịch cảnh, trở thành ngôi sao số một trong thế giới bóng đá. Tôi muốn bản thân cũng có tinh thần vượt khó như anh ấy”, ngôi sao trẻ của SLNA tâm sự.
.