Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//the-thao/song-lam-nghe-an/201401/nghiep-bong-da-va-ngon-lua-dam-me-437232/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//the-thao/song-lam-nghe-an/201401/nghiep-bong-da-va-ngon-lua-dam-me-437232/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nghiệp bóng đá và ngọn lửa đam mê - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 06/01/2014, 05:22 [GMT+7]

Nghiệp bóng đá và ngọn lửa đam mê

(Congannghean.vn)-Khi còn là cầu thủ, họ là những ngôi sao trên sân cỏ, được nhiều người hâm mộ. Họ thuộc tầng lớp có thu nhập cao so với mặt bằng chung của xã hội. Cũng vì đồng tiền nhiều khi kiếm dễ dàng nên một số cầu thủ đã không thắng được ma lực đồng tiền, lún sâu vào vòng lao lý, tan gia bại sản. Nhưng cũng có người phát huy được khả năng kinh doanh của mình từ những khoản vốn tích góp trong sự nghiệp cầu thủ. Điểm chung của họ là vẫn còn cháy bỏng niềm đam mê với trái bóng tròn. Mỗi khi có dịp, họ lại cháy hết mình trên sân như ngày nào…
 
Đau đáu một niềm đam mê với quả bóng tròn
 
Trên địa hạt bóng đá xứ Nghệ, không ai không biết đến tiền vệ Phan Thanh Tuấn. Cầu thủ mang áo số 15 với biệt danh “Tuấn Tồn” đã chinh phục được người hâm mộ bằng lối chơi kỹ thuật thông minh của một “ông chủ” khu vực giữa sân. Ở SLNA, anh gần như đã có đủ các danh hiệu cùng đội bóng. Chính vì thế, ở SLNA, anh được các đàn em ngưỡng mộ xem là một thần tượng, tấm gương để phấn đấu. Thêm vào đó, cuộc sống ngoài sân cỏ, “Tuấn Tồn” được biết đến là bậc đàn anh “chịu chơi”, thông thoáng với đàn em. Nhưng cũng vì sự nổi tiếng và việc dễ dàng kiếm được đồng tiền nên Phan Thanh Tuấn mở rộng các mối quan hệ xã hội bằng những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng. Và anh phải trả giá cho lối sống buông thả của mình khi bị “nàng tiên nâu” ập vào người lúc nào không ai hay. Tiền tài, danh vọng cũng trôi dần theo những làn khói thuốc. Đó cũng là lý do chính mà anh nhiều lần được gọi tập trung vào ĐTQG nhưng chưa bao giờ được khoác áo thi đấu trong những giải đấu chính thức.
 
Sau này, nhiều cầu thủ SLNA cùng thời điểm đó kể lại, những lần ra tập trung cùng đồng đội vào ĐTQG, Tuấn vẫn có mặt, nhưng khi đến buổi kiểm tra y tế thì anh đều vắng mặt và tự xách đồ về quê. Giai đoạn cuối sự nghiệp, cầu thủ Phan Thanh Tuấn không còn rủng rỉnh tiền bạc nữa, phải vay mượn khắp nơi, kể cả những cầu thủ trẻ vừa chân ướt, chân ráo lên Đội 1. Chính lối sống buông thả đã phá tan mái ấm gia đình, khi vợ anh không thể chịu đựng nổi cũng bồng con trai đi xây dựng hạnh phúc khác.
 
Câu chuyện tiền vệ tài hoa trên sân cỏ này bị thân bại danh liệt vì ma túy là bài học thức tỉnh nhiều cầu thủ ở lò SLNA. Ở Nghệ An đã từng có giai thoại, Nguyễn Hữu Thắng lúc đó là Đội trưởng SLNA phải đến nhà riêng của Phan Thanh Tuấn quỳ khóc với mẹ của Thanh Tuấn, vì không thể kéo được Tuấn ra khỏi sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”, khiến cho danh vọng tiêu tan, gia đình tan nát (Nguyễn Hữu Thắng xem mẹ của Phan Thanh Tuấn là mẹ nuôi). Lần đó, Phan Thanh Tuấn cũng đứng ngoài sân chứng kiến cảnh trên và anh hứa làm lại cuộc đời. Bây giờ, tiền vệ tài hoa này phải chạy xe máy ôm kiếm tiền nuôi bản thân và mẹ già. Song, với bóng đá, anh vẫn chưa tắt được niềm đam mê. Mỗi lúc có dịp, anh lại xỏ giày vào sân chơi bóng cùng đồng đội cũ trong đội “lão tướng” (một đội bóng chiều tà do những danh thủ xứ Nghệ lập nên).
 
Nếu cuộc đời tiền vệ Phan Thanh Tuấn là một bi kịch do anh tạo nên thì Lê Quốc Vượng cũng bi đát không kém. Nhưng may mắn hơn, Quốc Vượng đã tạo được một bước ngoặt để làm lại cuộc đời từ chính sức lao động và thỏa mãn niềm đam mê với trái bóng tròn. Cách đây hơn một năm, tôi đến nhà riêng gặp Vượng ở khu vực phường Cửa Nam (thành phố Vinh), cũng là thời điểm Vượng đang còn nung nấu một niềm đam mê được trở lại sân cỏ, được chơi bóng đá chuyên nghiệp sau khi chia tay với đội bóng CLB Thanh Hóa. Tôi cũng không ngờ, sau cuộc gặp lần đó, Vượng cũng chấm dứt với bóng đá đỉnh cao, từ giã sự nghiệp quần đùi, áo số vì những vướng mắc pháp lý với đội bóng xứ Thanh không thể gỡ. Tôi biết, tình yêu với trái bóng tròn vẫn còn cháy bỏng trong con người nhỏ nhắn, một tiền vệ mạnh mẽ trên sân cỏ. Cách đây gần hai tháng, tôi lại gặp Vượng. Lần này, ở một hoàn cảnh khác, đó là trên một sân bóng chiều tà ở TP Vinh. Hỏi ra mới biết, anh đang đi đá giải cho công ty nơi anh làm việc - Đội bóng Công ty Du lịch Văn Minh, tham dự giải bóng đá “phủi”.
 
Quốc Vượng trong màu áo mới: Đội bóng Công ty Du lịch Văn Minh
Quốc Vượng trong màu áo mới: Đội bóng Công ty Du lịch Văn Minh
 
Vượng cho biết, nhiều lần tìm cách tháo gỡ với CLB Thanh Hóa, kể cả vận dụng nhờ các mối thân quen nhưng không thể cứu vãn được cuộc đời cầu thủ khiến anh rất buồn chán. Nhất là anh vừa cưới vợ và sinh con nên rất cần một công việc ổn định, có thu nhập để xây dựng mái ấm gia đình nhỏ của mình. Trong lúc bí bách nhất, anh được bạn thân giới thiệu vào làm ở một công ty trong thành phố Vinh. Lý do khiến Vượng đồng ý gần như lập tức vì Công ty Du lịch Văn Minh này có đội bóng “bán chuyên nghiệp” để anh tham gia. Vào làm việc, bên cạnh mức lương được trả cho công việc bốc vác, vận chuyển hàng hóa của Công ty, anh còn được hưởng thêm “lương” cầu thủ cho những lần đi đá bóng. Anh được trả 6 triệu đồng/tháng (ngoài tiền thưởng nóng cho những trận bóng đá), không bõ bèn gì so với khoản thu nhập mà anh đã từng nhiều lần được nhận khi còn khoác áo các đội bóng chuyên nghiệp như SLNA, HAGL, Thể Công, Thanh Hóa…
 
“Tôi đã sai lầm quá nhiều rồi, nhất là trong vụ bán độ tại Sea Games 2005. Mọi thứ chưa bao giờ là muộn khi mình xác định sẽ làm lại để nuôi gia đình. Tôi làm ở Công ty Du lịch Văn Minh, công việc vất vả nhưng cảm giác kiếm được đồng tiền từ mồ hôi, sức lực của mình thấy hạnh phúc lắm”.
 
“Nặng nợ” với nghiệp cầu thủ thì làm HLV nghiệp dư
 
Câu chuyện của tuyển thủ Hồ Thanh Thưởng lại là một bức tranh mang màu sắc khác. Năm 14 tuổi, anh gia nhập lò đào tạo SLNA và nhanh chóng khẳng định được tài năng vượt trội. Anh được lên Đội 1 SLNA khi vừa tròn 20 tuổi vào năm 2000. Vừa chân ướt, chân ráo thành cầu thủ chuyên nghiệp, anh đã được hưởng trọn niềm vui có danh hiệu đầu tiên của cuộc đời, khi cùng SLNA vô địch mùa giải 2000 - 2001. Tiếp đó là vô địch Cúp Thủ đô, Cúp JVC. Năm 2001, anh được gọi vào đội tuyển Quốc gia để tham dự Sea Games 21. Bóng đá cũng cho anh thỏa niềm đam mê khi được đi thi đấu khắp đất nước, làm việc với nhiều huấn luyện viên khi lần lượt đầu quân cho HN ACB, T&T, đá cho đội bóng của tỉnh Quảng Nam. Nhưng Thưởng lại không có duyên với màu áo đội tuyển Quốc gia, khi vài lần phải xin rút khỏi danh sách tập trung vì chấn thương, gác lại mong muốn được cọ xát với các đội tuyển khác trong khu vực. Chấn thương liên miên khiến anh phải chấm dứt màn “phiêu” trên sân cỏ chuyên nghiệp sớm hơn các toan tính bản thân. Anh bước vào một cuộc phiêu lưu mới - Kinh doanh nhà hàng. Từ một con người vô lo, vô nghĩ, với mức lương, thưởng khá giả, Thưởng “ẹc” (tên tục mà những người bạn thường gọi) được một trải nghiệm mới trên thương trường với những toan tính, những khổ ải của cuộc sống bon chen.
 
Hồ Thanh Thưởng hạnh phúc với công việc mới:  HLV cho đội phong trào
Hồ Thanh Thưởng hạnh phúc với công việc mới: HLV cho đội phong trào
 
Yêu, đam mê nên không đành lòng từ giã bóng đá. Thời gian rảnh là anh tham gia các trận đá bóng “phủi” và gặp lại những người đồng đội một thời như Thanh Hoàn, Hải Nam, Đức Lam…  Sẵn trước đây khi còn là cầu thủ, Hồ Thanh Thưởng đã theo học 1 năm tại Trường ĐH TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh), nên mỗi khi có dịp, anh lại được “thuê” làm HLV cho các đội bóng cơ quan, xí nghiệp tham dự giải đấu thuộc ngành.
 
Thay lời kết
 
Cuộc đời cầu thủ chuyên nghiệp ngắn. Điều này họ hiểu hơn ai hết. Mỗi cuộc đời cầu thủ là một hoàn cảnh, là một miếng ghép trong tổng thể của xã hội. Mỗi cầu thủ đều có hướng đi riêng, một cách nhìn nhận khác về cuộc sống, nhưng trong sâu thẳm trái tim họ vẫn đau đáu một niềm đam mê với trái bóng. Cho dù sa cơ hay thành đạt, họ vẫn mong muốn được tìm về những khoảnh khắc bên quả bóng tròn. Ai đó gọi cầu thủ là “những kẻ ăn mày dĩ vãng” là thế.
.

Ngọc Minh