Thứ Sáu, 22/05/2020, 10:10 [GMT+7]

Willander Fonseca: 'Trọng Hoàng sở hữu bộ gen vượt tầm đẳng cấp Việt Nam'

Willander Fonseca, cựu HLV thể lực của đội tuyển Việt Nam kể về câu chuyện của đời mình. Là một người đi qua nhiều quốc gia, anh thừa nhận gen di truyền tạo ra sự khác biệt trong trình độ giữa châu Âu, châu Mỹ với châu Á. Nhưng Fonseca cũng tin rằng, với tầm vóc của Việt Nam, việc vươn tầm châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản là có cơ sở. 

Tôi có một gia đình… quốc tế 

Fonseca này, tôi thấy anh biết cả tiếng Campuchia, tiếng Thái rồi cả tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha. Là công việc yêu cầu anh phải thạo nhiều ngoại ngữ như vậy thì phải? 

Tôi nghĩ xuất phát từ bản thân gia đình tôi trước tiên đã. Bạn biết đấy, tôi là người Brazil - một đất nước pha trộn nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ của nhiều nước khác nhau trên thế giới. Khởi đầu của người Brazil là gốc Ấn Độ. Họ ở trần, săn bắn, hái lượm. Rồi sau đó, người Bồ Đào Nha đến và chiếm lấy quyền kiểm soát mảnh đất này. Họ dạy tiếng Bồ Đào Nha cho người dân bản xứ. Đó là lý do vì sao, tiếng Bồ Đào Nha trở thành ngôn ngữ chính ở Brazil. Rồi sau đó, những người châu Phi đến đây. Đó là một câu chuyện buồn. Người châu Phi trở thành nô lệ. Mọi thứ kéo dài vài trăm năm trước khi được chấm dứt. Rồi những người châu Á, châu Âu đến Brazil. Đất nước này lai nhiều gốc gác với nhau. 

Ông ngoại tôi thực ra lại là người Bồ Đào Nha trước khi đến Brazil sinh sống. Ông lấy bà ngoại vốn là người Italia đến Brazil. Hai người sinh ra mẹ tôi. Còn ông nội tôi lại là nô lệ da đen. Bà nội có gốc Ấn Độ. Họ sinh ra bố tôi ở Brazil. Bố mẹ tôi gặp nhau và sinh ra tôi cũng ở đất nước này. 

Rồi tôi lấy một cô gái tại Thái Lan. Con trai tôi sinh ra ở Thái Lan. Vậy là nó lại có 2 dòng máu. Một nửa Brazil và một nửa Thái Lan. Tôi có một gia đình đa quốc gia như vậy đấy. 

Nói đến Brazil là nói đến bóng đá. Trái bóng của đất nước này ảnh hưởng đến cuộc sống của anh thế nào? 

Không chỉ là tôi mà là gia đình tôi. Bóng đá đã giúp gia đình tôi thoát nghèo. Bố tôi sinh ra ở một gia đình rất nghèo. Brazil có một khu dành cho người nghèo, không có tiền. Vì thế, bố tôi từ lúc 13 tuổi đã phải bươn trải kiếm sống. Ông tìm đến đá bóng để hy vọng đổi đời. Học viện Botafogo là phao cứu sinh của ông khi ấy. Khi ông tròn 18 tuổi, lãnh đạo Botafogo đến và nói: "Này, cậu có muốn chơi cho đội 1 của CLB không? Nhưng đổi lại, cậu phải rời nơi sống hiện tại của mình. Khu ổ chuột đó quá tệ. Chúng tôi không muốn cầu thủ của mình sống ở một nơi như thế. Cậu hãy đến trại tập trung của CLB đi!" Ông ấy đáp lại rằng: Ok! Nhưng tôi muốn gia đình tôi phải được đi cùng. Và Botafogo gật đầu. Gia đình tôi được đến một nơi tiện nghi hơn. 

Bố tôi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp tại Brazil. Ngay từ trước khi tôi sinh ra, ông ấy đã là như thế. Tôi lớn lên với hình ảnh của bố. Ông trở thành thần tượng của tôi. Tôi ao ước trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng bạn biết đấy, Brazil có quá nhiều cầu thủ giỏi. Còn tôi, tôi không đủ trình độ để đạt đến một đẳng cấp cao. Hơn nữa, tôi lại gặp vấn đề về tim. Tôi quyết định dừng lại và hướng đến nghề huấn luyện. Tôi mong rằng điều đó giúp cho tôi đạt đến đẳng cấp mong muốn.

Tôi đã cố gắng để được như thế - một cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng bạn biết đấy, Brazil có rất nhiều cầu thủ giỏi. Tôi không đủ giỏi để đạt đến một đẳng cấp mà tôi mong muốn. Tôi quyết định dừng lại và trở thành HLV. Tôi mong muốn tôi có thể đạt đến đẳng cấp của một HLV mà tôi mong muốn.

Anh nói mình bị bệnh tim? 

Đúng vậy. Đó là khi tôi 19 tuổi. Lúc đó, tôi đang chơi cho U20 Botafogo. Tôi bắt đầu cảm thấy tệ. Bác sỹ nói tim tôi đập nhanh hơn bình thường. Và tôi sốc khi nghe bác sỹ bảo rằng: Cậu sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu như vẫn còn chơi bóng đá. Mà tôi nói rồi đấy. Tôi không đủ giỏi trong thế hệ của tôi. Bạn biết tôi sinh năm nào không? 1987. Không nhiều cầu thủ Brazil mong mình sinh ra trong năm ấy. Họ hay tôi là những người không may mắn. Đơn giản, vì Messi sinh năm 1987. Mọi tài năng cùng thời đều bị anh ấy phủ bóng tại châu Mỹ. 

Không chỉ bóng đá, tôi cũng không thể chơi chuyên nghiệp một môn thể thao nào khác. Tôi vẫn có thể đến phòng gym, chạy, bơi nhưng không thể là cường độ chuyên nghiệp. Lúc tôi suy sụp nhất cũng là lúc bố tôi đến và nói với tôi rằng: Hãy học đi. Học để trở thành một huấn luyện viên chuyên nghiệp. Một tuần sau, tôi treo giày. Đồng thời, tôi nhận được học bổng về khóa làm huấn luyện viên. 

Hành trình trở thành HLV với anh sau đó thế nào? 

Sau khóa học đó, tôi làm HLV thể lực của đội U15, U20 của Botafogo. Bố tôi sau đó cũng làm HLV cho nhiều CLB từ Brazil đến Saudi Arabia. Tôi làm trợ lý cho ông ở bất cứ CLB mà ông đi đến. Nhưng mọi thứ sau đó không đơn giản. Nhiều người nói với bố tôi rằng: Này Amir (tên của bố Fonseca), con trai cậu cứ đi theo bóng của cậu mãi như vậy hay sao? Và đó là lý do tôi nghĩ mình phải tự đi bằng đôi chân của mình, thay vì cứ theo bước đi của cha tôi. Rồi tôi nghĩ, nếu một ngày nào đó ông nghỉ hữu, tôi sẽ làm gì? Tôi tự hỏi mục tiêu của tôi sẽ cứ thế này mãi hay sao, như con ngựa chỉ quanh quẩn trong trang trại mà chẳng thể tiến xa được nữa? Tôi đã mơ một ngày nào đó được làm HLV trưởng ĐTQG Brazil cơ mà. 

Tôi bắt đầu vạch ra lộ trình của mình. Tôi phải làm việc cho một số CLB nước ngoài. Năm 2015, tôi vẫn chỉ có thể nói được tiếng Bồ Đào Nha chứ không thể nói được tiếng Anh. Rồi một người bạn là cựu cầu thủ DC United (Mỹ) có mở học viện bóng đá. Anh nói với tôi rằng: Này Wil (tên thân mật của Fonseca), hãy qua DC United. Tôi sẽ giúp anh học một khóa tiếng Anh. Tôi đã đồng ý. Nhưng đúng thời điểm đó, Buriram mời tôi sang Thái Lan để làm HLV thể lực cho học viện.

Tôi lăn tăn giữa 2 lựa chọn. Nếu đến Mỹ, tôi chỉ tiêu tiền. Còn đến Thái Lan, tôi có thể vừa kiếm tiền, vừa học tiếng Anh, lại vừa thêm được điều gì đó vào bản CV của mình. Và tôi đến đất nước này. Thật may mắn, tôi gặp vợ tôi và có một gia đình ở đây. Biết đâu nếu không sang Thái Lan, tôi vẫn sẽ là một gã trai độc thân vui tính (cười).    

Thế hệ Công Phượng, Quang Hải có thể đưa Việt Nam đến World Cup 

Buriram mở đầu cho chuyến phiêu lưu Đông Nam Á của anh đấy nhỉ, Fonseca? 

Đúng vậy. Sau Buriram, tôi đến Lào và làm việc cho Lanexang United. Đó là một CLB chuyên nghiệp. Tôi muốn vậy. Mục tiêu của tôi là làm cho các CLB chuyên nghiệp và ĐTQG chứ không dừng lại ở học viện. Chúng tôi vô địch Lao Premier League rồi đánh bại cả SHB Đà Nẵng - đại diện của Việt Nam, rồi thắng các đại diện khác của Campuchia, Myanmar trước khi thua chính Buriram ở chung kết. 

Rồi tôi làm HLV thể lực và trợ lý huấn luyện tại ĐTQG Campuchia. Sau khi hết hợp đồng vào năm 2017, tôi trở lại Brazil dù một số CLB ở Campuchia có gửi lời đề nghị. Đơn giản thôi. Vì bố mẹ tôi chưa được nhìn mặt vợ con tôi lần nào cả. Tôi ở lại Brazil một thời gian trước khi trở lại Thái Lan để chuẩn bị cho khóa học bằng A huấn luyện vào tháng 11. Trong thời gian ấy, tôi nhận được lời mời của Việt Nam. 

Anh thấy thế nào? 

Đó là một sự ngạc nhiên. Bởi khi đó, tôi biết Việt Nam chuẩn bị dự VCK Asian Cup 2019. Đó là một giải đấu lớn. Tôi cũng ngạc nhiên trước kỹ thuật của cầu thủ Việt Nam. Phải nói là rất tốt. Tôi có cảm giác thế hệ này đủ khả năng làm được nhiều thứ vĩ đại cho bóng đá Việt Nam. Tôi hy vọng họ có thể đưa Việt Nam đến World Cup. Ai biết được ấy. Tôi hạnh phúc vì là một thành viên trong đội. Rồi sau đấy, đáng tiếc là tôi không thể ở Việt Nam được lâu. Sau giải U22 Đông Nam Á 2019 tại Campuchia, tôi phải nói lời chia tay vì cần hoàn thành xong khóa học bằng A của mình. Rồi tôi đến làm trợ lý cho ĐT Myanmar. Tại SEA Games, tôi đứng trước cơ hội gặp Việt Nam ở chung kết. Tiếc rằng, giấc mơ ấy đã không thành hiện thực. 

Vậy trong thời gian khoảng 3 tháng ở Việt Nam, anh ấn tượng nhất với cầu thủ nào của Việt Nam? Vì trước đó, anh nói rằng rất ấn tượng với thế hệ này của Việt Nam

Đó là Trọng Hoàng. Anh ấy là mẫu cầu thủ sinh ra để chơi bóng đỉnh cao. Có một thứ năng lượng trong cơ thể của Trọng Hoàng đủ để anh ấy trở thành một cầu thủ đẳng cấp vượt tầm giới hạn Việt Nam. Lúc tôi đến, Trọng Hoàng đang chấn thương dây chằng. Bác sỹ nói với tôi rằng anh ấy không thể thi đấu. Và việc của tôi là phải làm thế nào để Trọng Hoàng chơi được ở Asian Cup. 

Một chương trình đặc biệt kéo dài 1 tuần dành cho Trọng Hoàng được vạch ra.

Hẳn nhiên đặc biệt rồi. Asian Cup là giải đấu mà mọi cầu thủ châu Á để mơ đến. Và Trọng Hoàng, với ông Park Hang Seo là đặc biệt quan trọng. Tôi vừa chữa trị, tập luyện bằng liệu pháp vật lý đến tâm lý. Ok, Trọng Hoàng nói không tốt tiếng Anh. Nhưng một số từ đại loại kiểu good (tốt), bad (không tốt), focus (tập trung), confident (tự tin), strong (mạnh mẽ) thì cậu ấy hiểu. Rồi ngày cuối trước khi trận đấu đầu tiên của Việt Nam (gặp Iraq) diễn ra, tôi hỏi Hoàng: "Cậu đá được bao nhiêu phút?". Hoàng nói: "Có thể là 60 phút". Tôi nói với HLV trưởng: Ok, Hoàng đủ khả năng để ra sân. Và rồi, cậu ấy chơi cả trận. Thậm chí sau đó, Hoàng thi đấu với đẳng cấp rất cao. Cậu ấy có một bộ gen di truyền vượt tầm Việt Nam. Tôi không bất ngờ khi Trọng Hoàng có mặt ở SEA Games. Cậu ấy là một trong những khác biệt giúp Việt Nam có huy chương Vàng. 

Gien di truyền định nghĩa sự khác biệt 

Anh nói đến gen di chuyền (DNA). Nó quan trọng với bóng đá như thế nào? 

Tôi kể với anh về người Brazil rồi nhỉ. Chúng tôi là sự trộn lẫn của châu Phi, châu Âu và châu Á. Vì thế, chúng tôi có nhiều hơn một bộ kỹ năng trong cơ thể. Khi nhìn vào ĐTQG Brazil, người ta có thể thấy sự đa dạng ấy. Chúng tôi có cầu thủ da trắng cao lớn, cầu thủ da màu bền bỉ, khỏe mạnh… Khi đến châu Á, tôi thấy đa số cầu thủ có hình thể giống nhau. Chúng ta không thể thay đổi được quá nhiều ở điều ấy. Vì đó là cấu trúc gen. 

Hãy so sánh xem gien ảnh hưởng thế nào nhé. Nói về cân nặng đi. Cầu thủ Brazil nặng từ 75-80 kg. Cầu thủ châu Á nặng trung bình 50-55 kg. Cơ bắp, xương, hệ liên kết cớ bắp ảnh hưởng đến sức mạnh. Cầu thủ nặng 80 kg kia có thể chạy nhanh hơn, nhảy cao hơn, sút mạnh hơn cầu thủ nặng 55 kg. Nếu chỉ xét trong 1 trận đấu, chúng ta có thể không thấy sự khác biệt ấy. Nhưng nếu là một giải đấu diễn ra liên tục thì sẽ có sự khác biệt. Một cầu thủ đã có trình độ đẳng cấp 10 (level 10) và một cầu thủ chỉ ở đẳng cấp 7 (level 7) đối đầu với nhau. Có thể cầu thủ ở đẳng cấp level 7 kia có thể nhận xúc tác thêm từ nỗ lực, tinh thần để cố gắng đá ngang ngửa cầu thủ đẳng cấp level 10 trong một trận đấu. Nhưng năng lượng mà anh ta phải bỏ ra để đá ngang ngửa ấy tất nhiên là nhiều hơn hẳn so với đối phương. Anh ta sẽ yếu đi khi bước vào giai đoạn dài. 

Và đó cũng là vấn đề đẳng cấp của những cầu thủ châu Âu, châu Mỹ so với châu Á. Nhìn từ World Cup, chúng ta cũng thấy rất rõ điều ấy mà. 

Vậy, cầu thủ Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung phải thu hẹp nó bằng cách nào? 

Có những thứ thuộc về thói quen và đặc thù. Chúng ta nói về dinh dưỡng nhé. Người Brazil thích ăn thịt bò hàng ngày. Thức ăn tại đây rất giàu đạm, béo và nhiều năng lượng. Còn người châu Á thích kiểu low carb. Họ thích ăn cá, ăn canh. Chính vì thế, chúng ta ít thấy người béo ở châu Á. Vậy là một điểm phải chỉ ra. Khi bạn là một cầu thủ chuyên nghiệp, bạn phải có sự cân bằng. Bạn phải biết điều chỉnh rằng khi nào cần thêm đường, cần thêm tinh bột, uống bao nhiêu lít nước/ngày. Bạn phải có chế độ ăn uống đúng với việc vận động chuyên nghiệp chứ không thể theo văn hóa của quốc gia bạn sống. Bạn không thể ăn thịt bò hàng ngày. Ngược lại, bạn cũng không thể ăn canh cả ngày. 

Rồi. Chúng ta nói đến phong cách tập luyện. Brazil và châu Á khác với nhau về cách tập luyện. Tôi không nói ai tốt hơn ai. Nhưng đó đơn giản là sự khác biệt. Tôi biết có một GĐKT của Uruguay có than phiền cầu thủ Hà Nội lười tập luyện. Nhưng thực ra, đó đơn thuần chỉ là sự khác biệt trong phong cách tập luyện mà thôi. 

Là HLV thể lực, anh thấy thể lực của cầu thủ Việt Nam thế nào? Quang Hải trong 2 năm qua đá tới 125 trận đấy.

Tôi nghĩ đó là bình thường. Đừng bất ngờ với con số ấy. Cầu thủ lớn trên thế giới thường xuyên thi đấu với trung bình 50 trận/năm. Nếu chúng ta muốn ở một đẳng cấp cao hơn, ít nhất là so với chính chúng ta thì hãy sẵn sàng thi đấu với mật độ như thế. Đừng thần thánh hóa con số ấy làm gì cả. 

Vậy làm thế nào để cầu thủ Việt Nam chúng tôi có thể sẵn sàng chơi 50 trận/năm như thế? Quang Hải, Hùng Dũng,… chỉ là những trường hợp rất điển hình.

Hãy sẵn sàng về mọi mặt, từ tập luyện sức bền, sức mạnh cho đến dinh dưỡng. Một giải đấu ngắn, bạn có thể bung hết năng lượng mình có sẵn. Nhưng nếu đó là một giải đấu dài hơi, sự tích trữ về mặt năng lượng thông qua những yếu tố trên mới giúp cơ thể phục hồi nhanh được. 

Ngoài ra, tôi nghĩ một điểm quan trọng nữa là việc ăn gì trước và sau trận đấu. Trước trận, các cầu thủ nên ăn các dạng thực phẩm tiêu thụ đường chậm như cơm, gạo, bánh… Bởi nếu đường tiêu thụ nhanh vào máu, hormone insullin sẽ tăng lên, dẫn đến cảm giác mệt mỏi. Chúng ta chỉ sử dụng các thực phẩm tiêu thụ đường nhanh như sữa chua, đậu, dâu… vào sau trận, thời điểm đã tiêu tốn nhiều năng lượng, cần phải hồi phục. 

Theo quan sát của tôi, cũng có cầu thủ Việt Nam ý thức được điều này. Nhưng cũng có nhiều cầu thủ trẻ chưa nhận ra tầm quan trọng về các món ăn trong ngày thi đấu. Chẳng hạn ở giải U22 Đông Nam Á, các cầu thủ bỗng dưng ăn mít trước trận đấu - một thức ăn khó tiêu.

Bất cứ cầu thủ Việt Nam nào cũng lấy Cristiano Ronaldo là hình mẫu để noi gương tập luyện cũng như ăn uống. Theo anh, họ có thể làm được như Ronaldo? 

Tại sao lại không nhỉ? Nhưng bạn biết điều gì quan trọng nhất ở Ronaldo không? Đó là tinh thần của anh ấy. Bữa ăn của Ronaldo một ngày có thể chia làm 5 bữa, thậm chí nếu chia nhỏ ra là 9 bữa. Thêm vào đó là thói quen tập luyện, cách anh ấy tiêu năng lượng… Hơn nữa, Ronaldo có sự tự tin rất lớn. Anh ấy luôn nghĩ rằng mình có thể vượt qua tất cả.

Nhân trường hợp của Ronaldo, tôi cũng muốn nói với các cầu thủ Việt Nam rằng mỗi quốc gia sẽ có một cầu thủ thay đổi câu chuyện bóng đá. Ở Bồ Đào Nha là Ronaldo. Ở Liberia là George Weah. Ở Romania là Hagi. Còn ở Việt Nam, với thế hệ hiện tại, tôi tin sẽ có người làm nên chuyện. Ai biết được đó là Quang Hải, Công Phượng hay cầu thủ nào khác? Điều quan trọng là tinh thần.

Các cầu thủ hãy dừng nghĩ mình kém Thái Lan, Trung Quốc hay Hàn Quốc... Hãy tự tin rằng chúng ta có thể chơi bóng ở các quốc gia lớn tại châu Á và mạnh dạn nghĩ Việt Nam có thể đánh bại bất cứ đội bóng nào.

Hỏi câu cuối, trong 5 năm làm việc ở Đông Nam Á, anh ấn tượng điểm gì? 

Hẳn nhiên đó là tình cảm của con người nơi đây. Họ thân thiện, hiếu khách. Tôi không thể hạnh phúc hơn khi một người Việt Nam mở cửa kính ô tô khi thấy tôi đang trên đường và nói rằng: “Fonseca, chúng tôi yêu anh. Thật tuyệt vời”. Bóng đá Đông Nam Á cũng từng bước tiến lên. Tôi thấy Campuchia, Myanmar đang nỗ lực để thu hẹp trình độ với Việt Nam, Thái Lan. Và Việt Nam, Thái Lan cũng nỗ lực thu hẹp khoảng cách với những đội top đầu châu Á. Nhưng tất nhiên có một điểm mà tôi cũng thấy kỳ lạ. Có những chức vụ như kit-man (người chuyên phục vụ thiết bị, dụng cụ tập luyện… cho đội bóng) lại có lúc kiêm luôn cả bác sỹ rồi HLV. Họ đáng ra phải hưởng mức lương cao hơn cho những công việc làm thêm với trình độ cao như thế. 

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

 

.

Nguồn: Bongda+