Thứ Năm, 09/04/2020, 08:34 [GMT+7]

Niềm tin và hy vọng

Với lời hiệu triệu như tiếng gọi non sông “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!”, mỗi người dân Việt như nghe Tổ quốc gọi tên mình, sẽ xung phong “ra trận” theo những cách khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh mới, phương cách mới của một cuộc “chiến tranh nhân dân” kiểu mới. Nhưng tinh thần thì trăm triệu người như một, “như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận” .
Bộ tem 'Chung tay phòng, chống dịch Covid-19' Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Bộ tem 'Chung tay phòng, chống dịch Covid-19' Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Hơn 2 tháng qua, những khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch” đã trở nên quen thuộc. Hình ảnh những người lãnh đạo Đảng, Chính phủ bận rộn với những cuộc họp xuyên ngày đêm cũng đã trở nên quen thuộc. Những khó khăn của cuộc sống do tác động của “đất nước thời chiến” cũng bắt đầu được cảm nhận rõ hơn. Nhưng không phải tất cả đã nhận thức được “thời chiến” ấy như thế nào.

Cho đến buổi sáng thứ Bảy ngày 28/3/2020.

Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng,… vắng lặng đến tê người. Một sự vắng lặng bất thường của những thành phố lớn sầm uất, của một đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Cuộc chiến với một kẻ địch phi truyền thống, phi phép tắc, phi quy luật đã thực sự bước vào giai đoạn cam go nhất, quyết liệt nhất. Thế giới những ngày qua, khi dịch bệnh Covid – 19 tràn tới, sự cam go không chỉ ở số người nhiễm bệnh, mà còn là ở phép thử đối với lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của một dân tộc, đối với tính ưu việt và bền vững của một thể chế. Tính ác liệt không chỉ ở số người tử vong, mà hiển hiện từ những hệ lụy xã hội, nhất là khi kinh tế bị đình trệ, cuộc sống người dân lâm vào khó khăn. Sự tàn phá không nằm ở nhà đổ, cầu sập, mà bộc lộ rõ ở sự sụp đổ niềm tin, tính cố kết xã hội, hay nỗi hoang mang về tâm lý, nhận thức, rồi cả sự bộc lộ nhân cách của mỗi con người.

Trong cuộc chiến này cam go, ác liệt ấy, nếu Đảng và Nhà nước không quyết liệt coi sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết với những quyết sách, hành động đúng đắn, rõ ràng; nếu dân tộc không đoàn kết, mỗi người dân thờ ơ, vô trách nhiệm, thì điều gì sẽ xảy ra?

Đứng trước thách thức lớn lao đối với đất nước, chiều ngày 30/3/2020, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có lời kêu gọi toàn thể quốc dân đồng bào “Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa” . Một lời hiệu triệu đúng vào thời điểm cần thiết nhất để toàn dân một lòng đối mặt với một kẻ địch lạ và mới, một kiểu chiến tranh không tiếng đạn bom mà nguy hiểm khôn cùng.

Đối mặt với thách thức to lớn, phức tạp, khó lường và nguy hiểm đó, chúng ta tiếp tục vận dụng những tinh hoa, bản sắc đã làm nên một Việt Nam sừng sững qua những thăng trầm lịch sử.

Đó là toàn Đảng, toàn dân đồng lòng một mục tiêu bất biến vì Tổ quốc và nhân dân. Nói một cách khái quát hóa, là vì con người. Chính vì mục tiêu cao cả đó mà tính mạng và sức khỏe nhân dân trên hết, vì mục tiêu nhân văn đó mà vừa kiên cường chống dịch vừa tập trung chăm an sinh xã hội, lo đời sống nhân dân,  dù nguồn lực đất nước còn hết sức hạn chế.

Đó là đường lối đúng đắn, tư duy khoa học, xuất phát từ việc biết mình, biết người. Tự tin rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, nhưng cũng hết sức cẩn trọng vì hiểu đất nước đủ sức chống chọi đến đâu và kẻ địch nguy hiểm đến nhường nào; để bền chí, quyết tâm tập trung mọi nguồn lực vào chống dịch, nhưng cũng thể hiện rõ tầm nhìn khi sớm dự kiến một kế hoạch “hậu dịch” để đất nước quay lại đường băng cất cánh, chắt chiu mọi cơ hội để nhân dân mau chóng vượt khó khăn.

Đó là lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, đồng tâm nhất trí đã làm nên sức mạnh Việt Nam trong chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do. Truyền thống “yêu nước, nhân nghĩa”  đã giúp dân tộc Việt Nam chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh chống những kẻ thù hung bạo nhất, nay lại là cội nguồn sức mạnh của chúng ta trong cuộc chiến chống lại đại dịch ghê gớm nhất đối với nhân loại trong cả thế kỷ qua. 

Đó là sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Khi Việt Nam cùng bạn bè quốc tế sẻ chia, hỗ trợ lẫn nhau, cùng đồng lòng trong gia đình ASEAN, và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các tổ chức quốc tế khác coi là một hình mẫu. Khi mà vị nguyên thủ quốc gia khẳng khái tuyên bố thông điệp với thế giới “Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông sâu sắc và đang hết sức cố gắng, nỗ lực hợp tác thiết thực, phối hợp kịp thời với các nước, nhất là các nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, sự đoàn kết và phối hợp hành động toàn cầu là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho chiến thắng cuối cùng của thế giới trước đại dịch này” . Thông điệp ấy thấm đẫm tính nhân văn, trách nhiệm và tầm nhìn toàn cầu của một Việt Nam XHCN.

Với lời hiệu triệu của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước, “coi sức khoẻ và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” , cả nước đã thực sự tiến hành một cuộc “chiến tranh nhân dân” trong thời đại mới – thời đại chống những thách thức an ninh phi truyền thống ở mức độ toàn cầu. 
Sẽ lại có những thanh niên xông lên tuyến đầu chống dịch; những người lính bộ đội cụ Hồ dành tất cả cho dân; những cựu binh “y tế” tái ngũ; những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng góp từng cân gạo; những em bé nắn nót từng lá thư, vuốt lại từng tờ tiền mừng tuổi. Sẽ lại có những tháng ngày gian khó nhưng đẹp tuyệt vời lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước sục sôi, sự tử tế và nhân văn cao đẹp của người dân đất Việt, ở trong nước cũng như ở khắp năm châu. Sẽ lại có cái tên Việt Nam như một chiến tuyến vững chãi chống thách thức chung của nhân loại – như ngót nửa thế kỷ trước, đã từng trở thành “lương tri loài người”. 

Dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách và gian khó, nhưng trên hết, dân an, dân tin vì Người đứng đầu Đảng và Nhà nước cảm thông, thấu hiểu, “Trong cuộc chiến phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của đồng bào ta” . Vậy nên, với lời hiệu triệu như tiếng gọi non sông “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!” , mỗi người dân Việt như nghe Tổ quốc gọi tên mình, sẽ xung phong “ra trận” theo những cách khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh mới, phương cách mới của một cuộc “chiến tranh nhân dân” kiểu mới. Nhưng tinh thần thì trăm triệu người như một, “như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận” .

“Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia. Đến nay, đã có trên 72 vạn người nhiễm bệnh, gần 3,5 vạn người tử vong ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa” . Nhân loại đang đối mặt với một thách thức chưa từng thấy mang tính toàn cầu. Đất nước bước vào một cuộc chiến chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Nhịp phát triển mạnh mẽ những năm qua buộc phải chậm lại. Đời sống của toàn dân bị xáo trộn theo cách của “thời chiến kiểu mới”. Sẽ có những khó khăn, gian khó, thách thức bộn bề với từng cá nhân, từng gia đình, mỗi tập thể, doanh nghiệp và cả nước. Nhưng, đáp Lời Kêu gọi của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước, toàn thể quốc dân đồng bào và chiến sĩ tràn đầy niềm tin tất thắng, chắt chiu “thời điểm vàng” cho trận quyết chiến này, và không quên chuẩn bị kỹ càng cho ngày trở lại.

Như đã từng tin và chiến thắng, ngày 19/12/1946, “Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta” .

Như đã từng tin và giành đại thắng, ngày 17/7/1966, “nhân dân Việt Nam quyết không sợ! … Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” .

Để rồi tin tưởng, thắng trận lần này sẽ ghi thêm một “chiến công rạng danh non sông”  trong Mùa Xuân lần thứ 90 của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ càng vững TIN vào sự lãnh đạo và đường lối của Đảng, sẽ càng vững vàng tâm thế, tràn đầy HY VỌNG trên chặng đường sắp tới!
 

Lê Hải Bình

Phó Trưởng Ban chuyên trách,

Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại trung ương

 

.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo Trung ương