Chủ Nhật, 12/04/2020, 09:03 [GMT+7]

Đức tin song hành cùng dân tộc

(Congannghean.vn)-Chỉ hơn 3 tháng xuất hiện trên toàn cầu đến nay, dịch COVID-19 trở thành kẻ thù chung của toàn nhân loại. Được xác định là khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc chiến chống COVID-19 đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và hàng đầu của mọi quốc gia. Chính trong những lúc này, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của mỗi người dân lại thổi bùng mạnh mẽ. Thế nhưng, đâu đó, vẫn có những nốt lặng buồn trong ý thức của một số người.
Các tổ chức tôn giáo Nghệ An đã tổ chức ủng hộ, hỗ trợ nhu yếu phẩm, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19
Các tổ chức tôn giáo Nghệ An đã tổ chức ủng hộ, hỗ trợ nhu yếu phẩm, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19
Cùng với các lực lượng khác, các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa phòng, chống dịch COVID-19. Ngay sau ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Công văn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tiếp tục tham gia phòng, chống dịch COVID-19, các tôn giáo đã nỗ lực vào cuộc để cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tích cực vận động, tuyên truyền để các tín đồ, tăng ni, phật tử và nhân dân hiểu rõ về dịch bệnh, đồng thời đưa ra các biện pháp phòng bệnh hợp lý, tránh lây lan ra diện rộng. Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng ra Thông báo về việc phòng, chống dịch COVID-19, trong đó đề nghị các giáo phận, giáo xứ, dòng tu, chủng viện một số biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh đó, trong các Thánh lễ, đều giới hạn hết sức có thể các lễ hội và những cuộc hành hương đông người trong thời gian dịch bệnh chưa được ngăn chặn.
 
Trước diễn biễn phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị 15 và 16, trong đó yêu cầu dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Mục tiêu cao nhất là hạn chế tiếp xúc đông người, không cho virus lây lan trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của người dân, bà con giáo dân và các tăng ni, phật tử.
 
Trên thực tế, trong thời gian qua, đồng hành cùng dân tộc, nhiều tăng ni, phật tử, các chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã sát cánh, vận động mọi người cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tích cực ủng hộ cho chính quyền, địa phương để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Điển hình, vào ngày 6/4, đại diện Tòa Giám mục giáo phận Vinh, Trường Đại chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê và Giáo xứ Xã Đoài đã đến Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc để ủng hộ 32.215.000 đồng. Đây là số tiền được các Giám mục, Linh mục và bà con giáo dân tại Giáo xứ Xã Đoài chung tay đóng góp với mục đích chia sẻ khó khăn với chính quyền và nhân dân các địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19. Cùng ngày, Giáo họ Xuân Hợp ở huyện Quỳ Hợp đã thông qua Ủy ban MTTQ xã Nghĩa Xuân để ủng hộ 5 triệu đồng vào Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 huyện Quỳ Hợp.
Các tổ chức tôn giáo Nghệ An đã tổ chức ủng hộ, hỗ trợ nhu yếu phẩm, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19
Các tổ chức tôn giáo Nghệ An đã tổ chức ủng hộ, hỗ trợ nhu yếu phẩm, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19
Số tiền này do 12 hộ dân của Giáo họ Xuân Hợp quyên góp ủng hộ với mong muốn động viên lực lượng đang trực tiếp làm nhiệm vụ tại khu cách ly và cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhằm động viên các lực lượng làm nhiêm vụ cũng như người dân ở các khu cách ly tập trung, bệnh viện, các chùa trong tỉnh Nghệ An đã kịp thời tổ chức chương trình thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm. Vào chiều 31/3, sau một thời gian ngắn tổ chức quyên góp, đoàn phật sự chùa Phổ Môn, xã Nghi Liên (TP Vinh) đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc để trao cho lực lượng làm nhiệm vụ tại đây 1.000 chiếc khẩu trang và 50 thùng nước khoáng. 
 
Hay như đoàn phật sự chùa Đức Hậu, xã Nghi Ân, TP Vinh do Đại đức Thích Định Tuệ - trụ trì chùa đã đến trụ sở UBMTTQ TP Vinh trao tặng quà ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 số tiền 30 triệu đồng. Đồng thời, đến thăm, tặng quà cho các chiến sĩ và những người cách ly tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Trung đoàn 764. Tại đây, đoàn phật sự đã trao tặng một số nhu yếu phẩm (khẩu trang y tế, nước uống, nước rửa sát khuẩn) trị giá 25 triệu đồng. Theo đó, tính đến hết ngày 1/4, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã đóng góp trên 4 tỉ đồng phòng, chống dịch COVID-19; gần 500.000 khẩu trang, hàng chục tấn gạo, hàng nghìn thùng mì và suất ăn miễn phí...
 
Dẫn chứng như trên để thấy rằng, trong sức mạnh đoàn kết của nhân dân cả nước chung tay đẩy lùi dịch COVID-19 có sự góp sức, góp công của rất nhiều giáo dân, tăng ni, phật tử… Điều đó là minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất cho sức mạnh, lòng yêu nước của nhân dân cả nước nói chung giữa hoạn nạn, dịch bệnh. Thế nhưng, ở một số tỉnh khác, vẫn còn một số người vẫn chưa thực sự hợp tác và tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh. Vừa qua, có giáo xứ ở Hà Tĩnh đã tổ chức cho hàng trăm giáo dân cầu nguyện, bất chấp Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly, phòng, chống dịch COVID-19. Việc làm của các linh mục đã đi ngược với chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, của chính quyền các cấp và Tòa Giám mục về công tác phòng ngừa dịch COVID-19, gây nguy hiểm cho chính bà con giáo dân và cả cộng đồng.
 
“Bàn thờ tôn giáo có nhiều, bàn thờ Tổ quốc chỉ có một”. Thiết nghĩ, đó chính là lời hiệu triệu của đồng bào có tôn giáo nói chung để chung sức cùng đất nước chống giặc COVID-19 vào giai đoạn hiện nay. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 rất cần sự chung tay, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ và tham gia đẩy lùi đại dịch. Tuy nhiên, mọi sự nỗ lực của cả cộng đồng sẽ khó thành công nếu vẫn còn một vài cá nhân thiếu ý thức trong phòng dịch bệnh. Lịch sử dân tộc đã minh chứng, trong mọi giai đoạn lịch sử, nhất là những lúc đất nước rơi vào khó khăn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta, trong đó có sự đóng góp tích cực của đồng bào giáo dân đã góp phần bảo vệ và xây dựng nước Việt Nam hùng cường.
 
Song hành với đức tin về tinh thần, người có tôn giáo cũng có trọng trách là một công dân tốt, một người dân của nước Việt Nam ta. Đối với các chức sắc, tín đồ tôn giáo, lòng yêu nước thể hiện lúc này chính là chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Chính phủ: Không tổ chức sinh hoạt tôn giáo, không hoạt động tập trung đông người, thay đổi hình thức sinh hoạt tôn giáo truyền thống sang sinh hoạt tôn giáo qua hoạt động trực tuyến, qua các trang truyền thông của tổ chức tôn giáo. Đồng thời, thực hiện nghiêm theo khuyến cáo của ngành Y tế.
 
Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi toàn dân chung sức để chiến thắng đại dịch: “Hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Phát biểu trong phiên họp Chính phủ ngày 6/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Trân trọng cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về kinh tế. Hơn thế nữa, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ đã có muôn vàn hành động đẹp, hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch. Hơn lúc nào hết, lòng yêu nước của mỗi người dân càng phải được thể hiện rõ ràng và quyết liệt nhất, không phải ở hành động cầm súng chiến đấu với kẻ thù mà là tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với nhân dân, với người thân và chính sức khỏe của mình...
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6/4, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đã ký văn bản yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Giám mục các giáo phận về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, yêu cầu tạm ngưng cử hành Thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo có sự tham dự của giáo dân; tổ chức Thánh lễ trực tuyến để giáo dân tham gia qua mạng xã hội. Hy vọng rằng, sự việc xảy ra tại giáo xứ ở Hà Tĩnh chỉ là trường hợp cá biệt và sẽ không lặp lại. Bà con giáo dân, các tín đồ tôn giáo sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, góp sức và thể hiện trách nhiệm chung để đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm.
.

TRẦN LÂM

.