Phóng sự
Nghệ An: Phường Lê Lợi 'hô biến' 530m² đất như thế nào?
Năm 2016, ông Nguyễn Hồng Hân làm đơn gửi UBND phường Lê Lợi đề nghị chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng địa ốc Bến Thành đưa 530m² đất lúa của mình vào diện đền bù như các hộ xung quanh.
Nhưng chính quyền địa phương trả lời, đất ông Hân không làm được chế độ bồi thường trong dự án Khu đô thị Nam Lê Lợi. Lý do khu đất của ông Hân là đất mồ mả trái quy định nhà nước.
Điều kỳ lạ, sau khi chủ đầu tư bàn giao 5.000m² đất cho chính quyền quản lý, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Lợi liên tục đến nhà ông Hân, vận động và "hô biến" 530m² đất của ông Hân đưa vào xây dựng các hạng mục không phép trên khu đất 5.000m².
"Xã hội hóa" hay "Lợi ích nhóm"
Khu Đô thị Nam Lê Lợi có tổng diện tích 9,26ha, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 418 năm 2016. Theo đó, đất xây dựng khu tái định cư 2.012,35m², đất xây dựng khu ở mới là 80.674,42m², gồm: Nhà liền kề 356 căn, cao 3 tầng, diện tích mỗi căn từ 82-205m².
Nhà biệt thự gồm 20 căn, cao 3 tầng, diện tích mỗi căn từ 356-446m². Đất xây dựng các công trình công cộng có diện tích gần 10.000m², trong đó gần 5.000m2 để xây dựng Khu trung tâm thể dục thể thao, theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tháng 3-2012.
Sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định pháp luật, Công ty CP Đầu tư địa ốc Bến Thành tiến hành chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các hộ dân, đồng thời xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Nhiều nhà liền kề, nhà biệt thự 3 tầng cũng được xây dựng, đưa vào sử dụng, trở thành khu đô thị sầm uất, hiện đại nhất nhì thành phố Vinh.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là, trong tổng diện tích gần 10.000m² để xây dựng Trường Tiểu học Lê Lợi, 2 Nhà văn hóa, trong đó có hơn 5.000m² đất được chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng địa ốc Bến Thành bàn giao cho UBND phường Lê Lợi tháng 8-2018 để xây dựng Khu Trung tâm thể dục thể thao theo quy hoạch tổng thể, đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tháng 3-2012.
Nhưng chính quyền địa phương này có động thái ngược đời, không những vi phạm luật xây dựng còn khiến dư luận bức xúc, hoài nghi, trong đó có việc họ bố trí "ngầm" một cán bộ quy tắc của phường, tiến hành xây dựng hàng loạt các hạng mục trái phép trên khu đất 5.000m², gồm: Xây dựng nhà điều hành, 2 sân bóng đá lát cỏ nhân tạo, một sân bóng chuyền và một bể bơi.
Tất cả các hạng mục xây dựng trên không có trong các hạng mục quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 418/QĐ.UBND-XD ngày 26-01-2016 của UBND tỉnh Nghệ An cấp cho Công ty CP Bến Thành.
Ngoài bể bơi đang xây dựng, còn các hạng mục xây dựng trái phép trên đã đưa vào kinh doanh gần 2 tháng, do người thân của cán bộ quy tắc phường Lê Lợi quản lý, kinh doanh, bán vé thu tiền hàng ngày.
"Người đến đây chơi đông lắm, nhất là những ngày cuối tuần, giá tiền vào sân bóng đá là ba trăn năm chục ngàn đồng trên một giờ. Ngoài ra họ còn bán bia, nước uống đủ các loại, thu nhập hằng ngày cũng khá"
Hai sân bóng đá cỏ nhân tạo xây dựng sát nhau đã đưa vào kinh doanh, chính quyền địa phương không quản lý. |
Sáng 11-1-2019, phóng viên có mặt tại trụ sở UBND phường Lê Lợi, TP. Vinh. Đề cập những vấn đề như dư luận bức xúc cho rằng lãnh đạo UBND phường chung tiền xây dựng các hạng mục trái phép trên để kinh doanh khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị UBND phường Lê Lợi Bùi Việt Hùng tiết lộ rằng, người được UBND phường "chọn mặt gửi vàng" đứng ra "làm chủ đầu tư" xây dựng các hạng mục trái phép trên khu đất gần 5.000m² là ông Nguyễn Đình Sơn (53 tuổi), công chức Đội quy tắc phường Lê Lợi.
Vị Phó Chủ tịch phường Lê Lợi cũng thừa nhận, các hạng mục trái phép trên chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, không có trong các hạng mục quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 418/QĐ.UBND-XD ngày 26-1-2016 của UBND tỉnh Nghệ An cấp cho Công ty CP Bến Thành.
Thấy những động thái ngược đời của chính quyền địa phương, phóng viên nêu câu hỏi: UBND phường với trách nhiệm là thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, nắm, hiểu biết về Luật Đất đai, các văn bản dưới luật liên quan đến quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, nhưng UBND phường lại bố trí công chức quy tắc đứng ra đảm nhận việc xây dựng các hạng mục khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt?… Ông Hùng không tranh luận, chỉ ngồi im lặng. Một lúc sau thì vị Phó Chủ tịch đáp lại ngắn gọn: "Lãnh đạo phường chúng tôi cũng nhận ra sai rồi".
Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy phường Lê Lợi cũng thừa nhận, việc UBND phường vội vàng cho tiến hành xây dựng các hạng mục khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là sai.
"Đảng ủy phường đã họp và chỉ ra những cái sai của UBND phường và đề nghị Chủ tịch phường phải đình chỉ ngay việc đang thi công bể bơi, đồng thời báo cáo Thành ủy, UBND TP Vinh để cho ý kiến chỉ đạo, xử lý", Bí thư Đảng ủy phường Lê Lợi nói. Còn ông Lê Sỹ Chiến- Phó Chủ tịch UBND TP Vinh phụ trách đô thị cho biết: "Hiện UBND thành phố đang cho cán bộ kiểm tra tổng thể, sau khi có kết luận chúng tôi sẽ thông báo với báo chí, anh em thông cảm".
"Hô biến" 530m² đất không thuộc diện đền bù như thế nào?
Qua tìm hiểu được biết, trong khu đất hơn 5.000m2 nói trên hầu hết là đất nông nghiệp đã được chủ đầu tư đền bù và bàn giao "đất sạch" cho chính quyền địa phương quản lý. Tuy nhiên, duy nhất có trường hợp gia đình ông Nguyễn Hồng Hân có 530m² đất trồng lúa nằm trong khu vực hơn 5.000m² trên, nhưng không được UBND phường xem xét đưa vào diện đền bù.
Ông Hân thấy vô lý, viết đơn kiến nghị lên UBND phường Lê Lợi, chính quyền trả lời không được đền bù vì đất có mồ mả, trái quy định. Thế nhưng một điều vô lý đã xảy ra, sau đó, đích thân chủ tịch UBND phường Lê Lợi liên tục đến nhà gặp ông Hân vận động, "nhượng bộ" toàn bộ số đất trên "cho UBND phường".
Đầu năm 2018, lãnh đạo UBND phường bố trí "ngầm" cán bộ quy tắc tiến hành xây dựng các hạng mục xây dựng trái phép trên khu đất 5.000m2, trong đó có 530m2 đất của ông Hân.
Vậy làm sao có chuyện ngược đời trên? Để rộng đường dư luận, sáng thứ bảy 12-1-2019, đúng hẹn, phóng viên đã gặp ông Thái Giáp Vinh, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi tại phòng làm việc. Tại đây, ông Vinh thừa nhận trong khu đất 5.000m2 có đất của ông Hân.
Cũng theo vị Chủ tịch này cho biết, khi Công ty CP Xây dựng địa ốc Bến Thành được phép đầu tư xây dựng khu đô thị Nam Lê Lợi, chủ đầu tư đã thanh toán cho các hộ có đất nông nghiệp trong khu đô thị Nam Lê Lợi. Riêng 530m² đất của ông Hân thì không thuộc diện lập phương án đền bù theo quy định Nhà nước và cũng không tiến hành giải phóng mặt bằng.
"Vì trong trích lục thửa đất đất ghi năm 1993-2011 là 562m² đất nghĩa địa. Nhưng trong sổ giao khoán nhận đất của HTX Xuân Thành thì ghi đất xứ đồng", vị Chủ tịch phường nhấn mạnh.
Những biệt thự 3 tầng tại khu đô thị Nam Lê Lợi. |
Phóng viên thắc mắc, Chủ tịch phường nói là đất ông Hân không thuộc diện lập phương án đền bù theo quy định Nhà nước, không được giải phóng mặt bằng, vậy dựa vào quy định nào để lãnh đạo phường đứng ra giải phóng mặt bằng, lấy 530m² đất của ông Hân, đồng thời xây các hạng mục trái phép trên khu đất 5000m², trong đó có đất ông Hân?
Vị Chủ tịch phường lý giải: Do không có nơi sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, không có kinh phí, để giải quyết nút thắt này, lãnh đạo UBND phường Lê Lợi thực hiện công tác xã hội hóa, kêu gọi cá nhân, tổ chức đứng ra xây dựng.
Tuy nhiên, trước khi xây dựng, đích thân tôi đến gặp ông Hân vận động ông này bàn giao 530m² đất không được đền bù, giải phóng mặt bằng để chính quyền sử dụng, xây dựng. Sau hơn một năm vận động, ông Hân nhất trí, nhưng bảo lô đất trên phải hỗ trợ cho gia đình 500 triệu đồng. Sau nhiều lần, vận động, ông Hân nhất trí lấy 230 triệu đồng. Việc làm trên chúng tôi nhận thấy là sai".
Một động thái nữa của UBND phường Lê Lợi khiến dư luận bất bình, hoài nghi, ngoài việc xây dựng các hạng mục trái phép trên, không có trong các hạng mục quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 418/QĐ.UBND-XD ngày 26-1-2016 của UBND tỉnh Nghệ, nhưng UBND phường bố trí "ngầm" ông Nguyễn Đình Sơn, cán bộ quy tắc đứng ra xây dựng các hạng mục trái phép trên.
Vị Chủ tịch UBND phường Lê Lợi cũng thừa nhận giá tiền thu của dân vào sân bóng đá cỏ nhân tạo là 350.000đ/giờ, do người thân ông Sơn đứng ra thu tiền. "Tới đây UBND phường sẽ ban hành quy chế hoạt động, thu tiền của người nhà anh Sơn", ông Vinh nói.
Ông Hân cho rằng, 530m² đất mà ông đã giao cho chính quyền phường Lê Lợi là đất ông nhận giao khoán từ năm 1982, lúc đó là đất của HTX Bình Vinh, sau khi hợp nhất với HTX Xuân Thành, thuộc UBND phường Lê Lợi nên lấy tên là HTX Xuân Thành.
"Sổ giao khoán của HTX ghi là đất lúa, vì thời đó giao khoán tính ra lúa để nộp. Và trong sổ giao khoán ghi 420m2, nhưng trong trích lục thửa đất ghi 562m². Thực tế hàng năm tôi nộp thuế theo diện tích là 420m2 để quy ra lúa", ông Hân nói.
Ông Hân cũng cho biết, năm 2016, khi biết Công ty CP Xây dựng địa ốc Bến Thành được phép đầu tư xây dựng Khu đô thị Nam Lê Lợi, và có hỗ trợ, đền bù đất nông nghiệp cho các hộ có đất nằm trong khu đô thị, giá từ 1.200 -1.600 đồng/m², ông Hân đến hỏi thì được UBND phường cho biết, 530m² đất của ông Hân không thuộc diện được giải phóng mặt bằng nên không được đền bù, lý do là đất mồ mả.
Ông Hân cũng cho biết, do quá nể chính quyền địa phương, mà đích thân là vị Chủ tịch phường Lê Lợi liên tục ra vào nhà ông Hân vận động, đề nghị ông Hân ủng hộ phường 530m² đất nói trên, nói là để phường Lê Lợi xây dựng các công trình phúc lợi cho bà con nhân dân phường. Ông Hân đồng ý và bàn giao 530m² đất cho UBND phường Lê Lợi.
Ông Hân kể: "Nếu tính theo giá đền bù của chủ đầu tư là một triệu sáu trăm ngàn đồng trên một mét vông đất, thì lô đất của tôi khoảng trên bảy trăm triệu đồng. Nhưng nghĩ, lãnh đạo phường đưa vào xây công trình phúc lợi cho bàn con phường, hơn nữa đi lại vận động tôi nhiều lần, quá nể, tôi chấp nhận lấy hai trăm ba chục triệu đồng.
Lãnh đạo phường cũng bảo đây là tiền hỗ trợ, không phải là tiền đền bù, bác thông cảm! Sau đó vài ngày thấy anh Sơn cán bộ Quy tắc phường đến nhà nói là để gửi tôi số tiền hỗ trợ 530m² đất.
Khoảng mươi phút sau, thấy anh Thái Giáp Vinh, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi, anh Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch và Chủ nhiệm HTX Xuân Thành cùng đi vào nhà tôi, chứng kiến việc giao nhận tiền", ông Hân kể lại. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, trong hơn 5.000m² đất trên có lô đất khoảng 600m² không có người nhận đã được chủ đầu tư bàn giao đất sạch cho UBND phường Lê Lợi quản lý.
Qua sự việc nêu trên, chúng ta hiểu rõ những hậu thuẫn trong việc chính quyền địa phương tích cực, kiên trì vận động ông Hân để bàn giao lại 530m² nói là để xây dựng công trình phúc lợi, nhưng tiến hành xây dựng hàng loạt các hạng mục trái phép, trong khi đất của ông Hân trước đó UBND phường Lê Lợi trả lời đất không thuộc diện đưa vào đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định Nhà nước.
Dư luận đặt vấn đề, những động thái "tích cực" trên của lãnh đạo UBND phường Lê Lợi nhằm "hô biến" hàng trăm mét vuông đất mồ mả trái phép trên có phải vì xã hội hóa hay lợi ích nhóm? Câu hỏi trên dành lại cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Nguồn: CSTC/Báo CAND