Phóng sự
Lỗi chủ quan của người cầm lái
Cứ mỗi lần có một tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra, tất cả mọi người đều đau đớn xót xa, tất cả mọi ban ngành đều nói về giải pháp, tất cả nguồn năng lượng của xã hội đều tập trung vào phân tích mổ xẻ… Nhưng rồi hệt như ngày với tháng trôi qua, những xót xa giải pháp mổ xẻ lẳng lặng biến mất hoặc bị nhấn chìm vào dòng thông tin chủ lưu khác xuất hiện sau đó. Mất bò mới lo làm chuồng, mà cũng có lúc, bò mất cứ mất, chuồng không làm cứ không làm. Cuối cùng, chỉ còn lại nước mắt. |
Ba năm trước, anh trai duy nhất của tôi đang trên đường về nhà sau một ngày làm việc ở công trường, còn cách nhà còn chừng vài kilomet, vậy mà anh mãi mãi không về nữa. Chiếc xe máy rồ ga chạy vượt qua xe tải khác thì va chạm với xe máy của anh tôi đang về ở chiều ngược lại. Anh tôi không may đã ra đi ngay lúc đó. Cái chết đột ngột của anh để lại nỗi đau đớn đến xé lòng cho những người ở lại.
Khoảng thời gian 3 tháng sau đó, tôi bị stress, đêm cứ nằm mơ gặp anh. Hai anh em chỉ ôm nhau mà khóc. Tôi biết, đời người là vô thường. Song, có những mất mát sẽ để lại nỗi niềm suốt cả cuộc đời, và cả niềm day dứt khôn nguôi.
Trước đó hơn tháng, anh có pha trà ngồi đợi tôi về thăm ba rồi ghé uống với anh. Nhưng hôm đó bận việc, tôi đã về luôn. Và đó cũng là lần tôi từ chối gặp anh lần cuối…
Mỗi ngày, có bao nhiêu người anh trai của những đứa em như tôi, người cha của những đứa con như cháu tôi,… có bao nhiêu người thân của gia đình như gia đình tôi mà họ ra đi nhưng không thể trở về vì tai nạn giao thông trên đất nước này.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi. |
Có bao nhiêu người em day dứt vì không còn cơ hội cuối để ngồi xuống cùng nhau uống chén trà với anh; rồi bao nhiêu người vợ, người con không thể cùng chồng, cha ăn một bữa cơm tối nữa,…
Theo thống kê mà Bộ Công an vừa công bố, trung bình mỗi ngày trên cả nước xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông khiến cho 23 người chết. Trong năm 2018, cả nước xảy ra hơn 18.700 vụ, làm chết hơn 8.200 người và làm bị thương hơn 14.800 người.
Nếu so với năm 2017 thì số vụ và số người thương vong đã giảm đi. Nhưng những vụ tai nạn thảm khốc, đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn còn rất nhiều.
Bến Lức, Long An quê tôi vốn yên bình, một ngày gần đây bỗng dậy sóng vì vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Đó là vụ tài xế lái xe container đã càn qua hàng chục xe máy đang dừng đèn đỏ. Tai nạn đã làm 4 người chết, hàng chục người bị thương. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn và ma túy đối với gã tài xế kia đều dương tính.
Điều đáng nói nhất là sau nhiều giờ gây tai nạn, tài xế mới ra trình diện Công an, nhưng nồng độ cồn trong máu vẫn cao. Điều đó cho thấy, lúc gây tai nạn, có thể gã tài xế này đang trong tình trạng vô thức vì rượu bia!
Hệ thống phanh của chiếc container hung thần hoạt động bình thường, đó là kết luận của cơ quan chức năng. Chiếc xe đang lưu thông với tốc độ đúng quy định là khoảng 50 km/h, không có biểu hiện tăng ga đột ngột. Như vậy cũng có khả năng tài xế đã không nhấn phanh, hoặc đang ngủ gật nên không nhìn thấy nhiều người đang dừng đèn đỏ?!
Những người đang rời quê lên thành phố sau kỳ nghỉ lễ tết Dương lịch, những người dân địa phương đang mưu sinh trên con đường quen thuộc hằng ngày,… tất cả trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với họ, người thân họ dưới bánh xe của gã tài xế say rượu.
Tôi không biết gã tài xế này, nhưng một số người bạn tôi có quen với gã, họ nói đó là một con người bình thường rất thiện lương và chạy xe có nghề.
Thậm chí nhiều người còn cho rằng, gã tài xế này thường ngày với lúc gây tai nạn kinh hoàng dường như là hai con người hoàn toàn khác nhau! Nhưng dù thế nào, gã đã gây ra tội ác rất lớn và sẽ phải đối mặt với pháp luật, với lương tâm của chính gã.
Hàng năm, theo thống kê của ngành y tế, có khoảng 60% vụ tai nạn giao thông mà tài xế vi phạm nồng độ cồn. Tỷ lệ này tăng lên so với năm 2017. Và những vụ tai nạn xảy ra vì lý do này ngày càng thảm khốc hơn. Cách đây không lâu, tại TP. HCM, chiếc “xe điên” của nữ tài xế say rượu đã làm 1 người chết và 5 người khác bị thương một cách oan ức.
Thật ra, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ai đó gây tai nạn trên đường, nhưng tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là lỗi chủ quan của người cầm lái.
Nếu nữ tài xế say rượu ở TP HCM kia ý thức được rằng mình đã say và không thể làm chủ tay lái, bà ta đón taxi về thì tai nạn đã không xảy ra. Gã tài xế lái container gây tai nạn ở Bến Lức nếu về nhà ngủ khi đã say, nếu ông chủ của gã thay tài khác, hàng chục người đang chờ đèn đỏ kia sẽ về nhà trong bình an vô sự,…
Nếu không vượt đèn đỏ, không chạy quá tốc độ, không lái xe vượt ẩu, không vừa lái vừa bấm điện thoại,… thì hàng trăm, hàng nghìn vụ tai nạn cũng sẽ không xảy ra hàng năm. Đó là những lỗi chủ quan hoàn toàn do ý thức của con người.
Nhưng nếu nói những tài xế đó không có ý thức thì có lẽ cũng không hoàn toàn đúng. Tôi tin là ai lên xe rồi cũng đều muốn về nhà an toàn.
Song, nếu như ý thức đó đi kèm với việc thấu cảm với nỗi đau của đồng loại, cụ thể ở đây là nỗi đau từ những vụ tai nạn giao thông thì các lỗi chủ quan trên đường của tài xế sẽ được hạn chế rất nhiều. Bởi nếu biết thương và nghĩ về người tham gia giao thông, họ sẽ không bao giờ lái ẩu.
Thường thì sau mỗi vụ tai nạn, báo chí hay viết nhiều về nỗi đau của những gia đình, những người ở lại, viết về thân phận của những nạn nhân xấu số. Nhưng liệu có bao nhiêu người cầm lái đã đọc những bài viết này và thật sự cảm nhận nỗi đau ấy?! Tôi cũng không biết nữa.
Cuộc đời vốn có nhiều bất trắc, một tích tắc không may trên vôlăng có thể hóa thành họa cho mình và cho người. Nhưng chuyện say rượu bia vẫn lái xe, phóng nhanh vượt ẩu,… thì các tài xế hoàn toàn có thể chủ động nói không với nó. Rất tiếc là đôi khi ý thức khi lái xe của tài xế không làm nổi điều đó!
Để những vụ tai nạn thương tâm không còn xảy ra nữa, đó là cả một quá trình vào cuộc của các ban ngành, từ giao thông đến công an và cả xã hội.
Khi đường sá không còn tình trạng ổ gà, ổ voi khắp mặt đường; khi giao thông được phân luồng hợp lý; khi việc giám sát, xử lý vi phạm giao thông được thực hiện sát sao, nghiêm túc,… tai nạn sẽ giảm đi. Nhưng trước hết, điều mà mọi tài xế có thể làm ngay, đó chính là tham gia giao thông bằng trái tim nồng nàn và cái đầu tỉnh táo.
Hãy để lương tâm mình thấu cảm với đồng loại!
Nguồn: ANTG/Báo CAND