Phóng sự
Quyết liệt ngăn chặn tình trạng vượt biên bán con (Bài 1)
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng phụ nữ mang thai vượt biên sang bên kia biên giới sinh đẻ rồi bán con, gây nên tình hình phức tạp, trong khi việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn vì vướng phải các quy định, chế tài của luật pháp.
Một góc bản Đỉnh Sơn - nơi có nhiều phụ nữ mang thai vượt biên sang Trung Quốc sinh đẻ rồi bán con |
Bài 1: Những người mẹ vượt biên bán con
Số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2018, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, đã có 25 phụ nữ mang thai sang Trung Quốc sinh đẻ rồi bán con nơi xứ người. Mặc dù đây không phải là hiện tượng phổ biến, mới diễn ra trong thời gian gần đây và nạn nhân nhằm vào chủ yếu là những người dân tộc Khơ Mú, nhưng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người. Công an Nghệ An đã phát hiện, thậm chí đã xử lý một số trường hợp nhưng vướng vào những kẽ hở của pháp luật nên quá trình đấu tranh, ngăn chặn vẫn chưa có hiệu quả.
Một ngày đầu năm 2019, theo chân cán bộ Công an huyện Kỳ Sơn, chúng tôi có mặt tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm để nghe nói chuyện, tuyên truyền cho bà con nơi đây hiểu tác tại của việc sang bên kia biên giới bán bào thai, mới thấy được sự gian nan, vất vả của lực lượng chức năng trong cuộc chiến chống lại những phương thức, thủ đoạn mới của bọn buôn người ở miền biên viễn này.
Ông Hà Văn Thái, Trưởng Công an xã Hữu Kiệm cho biết: Trên địa bàn xã đã phát hiện 21 phụ nữ mang thai vượt biên trái phép sang Trung Quốc sinh nở rồi bán con. Nguyên nhân chủ yếu là do đời sống vật chất của người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế. Bà con nơi đây phần lớn chưa có kiến thức kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ nhiều con mà không chăm sóc, nuôi dưỡng được nên khi nghe người khác đi bán con trót lọt trở về, không ít chị em phụ nữ mang thai đã sang Trung Quốc để bán “khúc ruột” của mình mà không biết rằng, làm như vậy là vi phạm pháp luật.
Moong Thị O. (33 tuổi) trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, vừa trở về từ bên kia Trung Quốc sau khi sinh đẻ và bán đứa con vừa lọt lòng, kể: Khi đang mang thai đứa con út (hiện đã bán), chị O. không có ý định bán đi. Mặc dù thời điểm đó nhiều người rủ rê, thậm chí cả những người vừa đi bán con trở về, có tiền rủng rỉnh để mua sắm vật dụng, trang trải nợ nần nhưng chị vẫn kiên quyết không làm điều trái đạo lý.
Thế nhưng, tầm khoảng tháng 3/2017, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhà đông con, lại đúng vào thời gian gia đình chị cần một khoản tiền để chữa bệnh cho chồng, nên khi nghe đứa em gái ruột giới thiệu, O. đã cùng với nhiều phụ nữ khác trong bản, bụng mang dạ chửa vượt biên sang bên kia biên giới, chờ sinh đẻ xong để bán ngay đứa con vừa mới lọt lòng cho những kẻ buôn người.
Một trường hợp khác là chị Moong Thị T. (SN 1992) trú tại bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm. Từng có “kinh nghiệm” 2 năm sang Trung Quốc bán bào thai, T. thản nhiên kể: Do nhà quá nghèo, làm ăn không ra, phải bán con để lấy tiền. T. lấy chồng năm 17 tuổi, hiện đang nuôi 2 đứa con, ngoại trừ 2 lần khác vượt biên sinh đẻ rồi bán con.
Giữa năm 2018, khi đang mang thai đứa con tiếp theo, có người chỉ lối, T. thỏa thuận với chồng rồi trung tuần một ngày tháng 10, T. đón xe ra Móng Cái (Quảng Ninh) khi cái thai trong bụng đã được 8 tháng. Sau khi có người đón sẵn, đưa vào sâu nội địa Trung Quốc chăm sóc cẩn thận, thêm một thời gian thì T. chuyển dạ và sinh tại bệnh viện. Một cháu trai kháu khỉnh nhưng đẻ xong bị bồng đi ngay, không cho mẹ con nhìn mặt nhau. “Thù lao” mà T. nhận được chỉ là 10.000 nhân dân tệ (tương đương với khoảng 34 triệu đồng) chứ không phải 50 - 60 triệu đồng như lời hứa ban đầu. Ngay khi vừa trở về, T. đã bị Công an xã gọi lên răn đe, bắt viết cam kết không tái diễn.
Theo danh sách Công an xã Hữu Kiệm lập và cung cấp, tại bản Đỉnh Sơn 1 có 7 phụ nữ đã vượt biên bán bào thai, trong khi bản Đỉnh Sơn 2 có đến 11 trường hợp. Điều đáng nói, cả bản tính đến thời điểm này chỉ có 75 nóc nhà. Ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết: Vấn đề này, chính quyền đã nắm được, nhiều lần tuyên truyền, phân tích, vận động bà con không nên bán con, nhưng do đời sống khó khăn nên chế tài xử lý rất bất cập. Mặc dù từng trường hợp cụ thể, ngay khi bán con trở về xã đã gọi hỏi, răn đe nhưng vẫn không ngăn chặn được.
Một người mẹ đang rất ân hận từ sau khi vượt biên sang Trung Quốc bán con |
Trong số những trường hợp vượt biên để bán con, không phải ai cũng được các đối tượng “cò” trả tiền sòng phẳng. Một số trường hợp bị quỵt phần lớn số tiền so với thỏa thuận, thậm chí có trường hợp chỉ nhận được 10 triệu đồng, trừ lộ phí khi về đến nhà chỉ còn 6 triệu đồng. Một cái giá quá rẻ rúng cho một đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời và công 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau của người mẹ.
Đau xót nhất, có lẽ là trường hợp của chị Moong Thị L. (SN 1990) trú tại xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn). Tháng 9/2018, khi đang mang thai đứa con thứ 6 ở tháng thứ 8, L. theo chân 4 phụ nữ khác vượt biên sang Trung Quốc để sinh con rồi bán, với mong muốn có chút tiền về lo cho chồng và 5 đứa con, trong đó đứa lớn mới 14 tuổi và đứa nhỏ nhất chưa đầy 3 tuổi.
Ngày 20/9/2018, tại xứ người, L. lên chuyến xe định mệnh khi di chuyển đến địa phận xã Dương Cao, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc thì gặp nạn, L. đã tử vong. Vấn đề này, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) cũng xác nhận: “Công an huyện Lâm Chương sau đó đã điều tra và bắt được lái xe gây tai nạn. Buộc lái xe phải chi trả tiền viện phí và bồi thường 1.000 nhân dân tệ cho những người bị thương. Công an sở tại đang nghi vấn về đường dây buôn bán trẻ em qua biên giới (đưa phụ nữ Việt Nam mang thai qua Trung Quốc để đẻ, sau đó bán lại cho những gia đình giàu có nhưng hiếm muộn ở Trung Quốc), do Moong Thị Ba và người chồng Trung Quốc cầm đầu. Vì các trường hợp này đều được Ba đưa qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và không có giấy tờ tùy thân”.
Anh Lương Văn Hồng, chồng chị L. buồn bã chia sẻ: Vợ giấu chuyện đi bán con. Từ trên rẫy về nhà nhìn thấy 5 đứa con nheo nhóc ôm nhau dưới bậu cửa đợi bố mẹ về, anh có linh cảm không tốt. Đến khi Sở Ngoại vụ Nghệ An báo tin về vụ tai nạn, anh rụng rời chân tay, dù khó khăn nhưng vẫn phải bán toàn bộ 6 con bò, vay thêm để có đủ 130 triệu đồng sang Trung Quốc đưa tro cốt 2 mẹ con về. Đến nay, những người phụ nữ khác đi cùng với L. trên chuyến xe đó vẫn chưa trở về và bặt tin tức từ ngày rời bản, không ai biết hiện đang lưu lạc chốn nào. Chỉ thương những đứa trẻ, mỏi mắt ngóng trông mẹ từ phương xa, chẳng biết liệu có còn trở về được nữa hay không.
Thậm chí, ở xã Hữu Kiệm xảy ra trường hợp hy hữu khi anh Lương Văn Thương ở bản Chà Lắn, đã làm đơn kiện lên tận trưởng bản vì vợ anh là Lương Thị M., từ tháng 4/2017 đã nghe theo lời dụ dỗ của bà Moong Thị Ba - một phụ nữ cùng bản sang Trung Quốc bán đứa con thứ 6 của 2 vợ chồng, khi mới mang thai ở tháng thứ 8. Sau nhiều lần đòi gắt gao, đến nay bà Ba đã đưa cho vợ chồng anh Thương 15 triệu đồng.
(Còn nữa)
Thiên Thảo