Phóng sự
Sự cứng rắn đúng đắn, kịp thời
Rõ ràng là trong một bộ máy, nếu những mắt xích hỏng hóc được thay thế kịp thời, bộ máy đó chắc chắn sẽ hoạt động trơn tru và hiệu quả đạt tối ưu!
Tôi thật sự không giấu được sự hưng phấn khi biết về việc trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát ngôn, động thái hết sức quyết liệt, cứng rắn nhằm thúc đẩy sự chuyển động mạnh mẽ hướng tới thành tựu của Chính phủ kiến tạo. Thủ tướng Chính phủ nói thẳng với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): “Nếu để thiếu điện, một số đồng chí phải mất chức”. Rất dứt khoát, rất ngắn gọn, rất súc tích mà vô cùng đầy đủ, đã đến lúc phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu, đã đến lúc phải ép buộc các mắt xích quan trọng trong nội các phải chuyển động cùng Thủ tướng Chính phủ. Chứ không thể nào việc gì cũng phải để Thủ tướng giải quyết. |
Trong bất kỳ một tổ chức lớn nhỏ nào cũng vậy, khi được cấp trên giao nhiệm vụ mà không hoàn thành thì đều phải chịu trách nhiệm trước tổ chức. Về mặt nguyên tắc là như thế, song, lắm khi chúng ta hay thấy có trường hợp là ông này, bà kia viện muôn vàn lý do để thoái thác trách nhiệm của mình. Trong đó, có nhiều trường hợp là do họ làm việc thiếu trách nhiệm, yếu kém chứ không phải do nguyên nhân khách quan nào khác.
Một nhân viên trong một công ty yếu kém, thiếu trách nhiệm có thể ảnh hưởng đến tiến độ, công việc của cả nhóm. Song một cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm mà đó là cán bộ quản lý trong bộ ngành thì mức ảnh hưởng tiêu cực đến tập thể, đến xã hội càng khủng khiếp hơn. Như một thuyền viên tắc trách có thể tàu vẫn chạy nhưng một thuyền trưởng yếu kém trên tàu có thể khiến con tàu đó đắm bất cứ lúc nào!
Có thể trước đây, do còn sự nể nang, còn “vùng cấm” nên có một số vụ việc cán bộ yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không bị xử lý một cách nghiêm khắc. Song, bây giờ điều đó đã hoàn toàn khác với một Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Nếu để thiếu điện, một số đồng chí phải mất chức”, thái độ cương quyết đó của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khiến dân chúng không khỏi nức lòng. Người ta không chỉ vui sướng vì sự quan tâm sát sao của Chính phủ trong việc chỉ đạo EVN đảm bảo cung cấp điện cho nhân dân mà còn vô cùng phấn khởi bởi tinh thần mới, rất cứng rắn của Chính phủ đối với trách nhiệm của cán bộ trong các bộ ngành.
Người viết bài này từng nhiều lần công tác tại các dự án nhiệt điện mới là Sông Hậu 1 và Long Phú 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, tại tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.
Đây là hai dự án trọng điểm quốc gia thuộc quy hoạch điện VII, dự án nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mới thấy rằng, Chính phủ quan tâm sát sao đến dự án, nguồn điện như thế nào.
Thời gian qua, hai dự án bị vướng phải những khó khăn nhất định, bị chậm tiến độ. Trước tình hình đó, Ban Quản lý Dự án, PVN đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của Chính Phủ, Bộ Công thương nhằm tháo gỡ khó khăn.
Đoàn công tác của Chính phủ cũng đã đến làm việc với ban quản lý dự án, hỗ trợ, chỉ đạo các bộ ngành liên quan phối hợp giải quyết những khó khăn vướng mắc tại dự án để đảm bảo nhà máy sớm hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia.
Trở lại câu nói đặc biệt cứng rắn: “Nếu để thiếu điện, một số đồng chí phải mất chức” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Như Thủ tướng đã nói thì không phải đột ngột mà ông quyết liệt như vậy mà là vì đã “nói nhiều lần”, đã “viết rất nhiều thư cho các đồng chí có liên quan về việc chuẩn bị điện ngay từ đầu năm” rồi. Nhưng kết quả đến giờ là vẫn bị dọa cắt điện!
Thiếu điện được bộ, ngành báo cáo là do thiếu nguồn cung từ thủy điện do các hồ thiếu nước và do thiếu nhiên liệu than cho nhà máy nhiệt điện. Song, lý do này đã bị bên ngành than khoáng sản phản bác rằng, họ cung cấp đủ than theo hợp đồng với EVN nhưng do các ông điện than không chủ động ký hợp đồng mua dài hạn (!?) Phải chăng có sự tắc trách ở đây?
Thủ tướng đã chỉ đạo, thậm chí đã “tâm thư” rất nhiều lần, và từ lâu nhưng vẫn không đảm bảo đủ điện trong năm 2019 thì lý do vì đâu? Ngoài lý do khách quan, chắc chắn có những cán bộ làm việc kém hiệu quả, yếu kém năng lực nên dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ. Đó là những người “phải mất chức”!
Thật ra, không phải đến vụ này, Thủ tướng Chính phủ mới thể hiện sự cứng rắn trong công tác cán bộ của mình. Đầu năm nay, trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội, Thủ tướng đã nhấn mạnh đến sự kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp...
Có thể nói, tinh thần Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang ngày được thể hiện rất rõ trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong công tác cán bộ; đó là sự mạnh dạn “trảm”, thay thế những cán bộ làm việc kém hiệu quả, yếu năng lực.
Rõ ràng là trong một bộ máy, nếu những mắt xích hỏng hóc được thay thế kịp thời, bộ máy đó chắc chắn sẽ hoạt động trơn tru và hiệu quả đạt tối ưu! Một lần nữa, xin hoan nghênh tinh thần của Thủ tướng, của một Chính phủ kiến tạo!
Nguồn: ANTG/Báo CAND