Phóng sự
Ghi ở 'tâm bão' HIV của miền Tây xứ Nghệ (Kỳ 2)
(Congannghean.vn)-Huyện Quế Phong từ trước tới nay luôn là “điểm nóng” về ma túy, không chỉ của Nghệ An mà còn là tâm điểm của cả nước. Hệ lụy từ “nàng tiên nâu” bủa vây dai dẳng, đặc biệt là tình trạng người nhiễm HIV tăng cao theo từng năm đã đặt huyện biên giới của miền Tây xứ Nghệ này vào tình trạng “báo động”.
Kỳ 2: Gian nan cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS
Nắm được thực tế số lượng, thậm chí chính xác đến từng thời điểm nhưng những người làm công tác tuyên truyền, ngăn ngừa đại dịch HIV/AIDS ở huyện biên giới Quế Phong đã gặp phải không ít khó khăn. Tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị; tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, trong khi các đường lây lan có nguy cơ tăng cao, ít được người dân coi trọng là những rào cản nhất định.
Công an huyện Quế Phong phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức ra quân tuyên truyền phòng, chống ma túy, HIV/AIDS trên địa bàn |
Những “đốm sáng lạ”
Tiêu điều, xác xơ vì ma túy, thế nhưng trong cuộc chiến đương đầu với hệ lụy từ ma túy, mà trực tiếp ở đây là đại dịch HIV/AIDS, tại huyện biên giới Quế Phong đã có không ít người tích cực, mạnh mẽ đứng lên để tuyên chiến với những hệ lụy từ “cái chết trắng” mang lại. Thậm chí, là nạn nhân, mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng nhiều người đã đứng lên, trở thành những đồng đẳng viên để kêu gọi người dân nói không với ma túy. Một trong số đó là trường hợp của chị Lô Thị N. (SN 1982) trú tại bản Tạng, xã Tiền Phong. Hơn 7 năm trước, chị bị lây nhiễm HIV từ chồng.
Trong căn nhà cấp 4 được chính quyền hỗ trợ xây dựng, chị N. kể, chồng chị là anh Lô Văn Đ. (SN 1980) bị nghiện ma túy. Thời điểm đó, thấy rất nhiều người trong bản tiêm chích ma túy bị nhiễm HIV và chết vì AIDS, biết chồng sa vào “cái chết trắng”, chị đã ra sức can ngăn nhưng lực bất tòng tâm. Hậu quả tất yếu, năm 2011, anh Đ. qua đời vì sốc thuốc. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, thấy sức khỏe yếu, chị đi khám thì trời đất như sụp dưới chân khi cầm trên tay tờ giấy kết luận bản thân dương tính với HIV.
Suy sụp hoàn toàn, đã không ít lần chị N. có ý định tìm đến cái chết, nhưng rồi nhìn cô con gái nhỏ may mắn không bị nhiễm bệnh, chị lại không đành. Bằng nghị lực của 1 người mẹ, chị N. tập cho mình tư tưởng thoải mái, lạc quan để sống chung với bệnh tật. Chị chủ động đến cơ sở lấy thuốc ARV hàng tháng, uống đều đặn mỗi ngày, nhờ vậy mà đến nay sức khỏe chị luôn ổn định. Cũng trong thời gian này, chị được tiếp xúc với nhiều người đồng cảnh nhưng không có tinh thần “thép” như chị. Họ sống mặc cảm, bi quan, không ít người nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết bằng cách tự tử.
Với tâm nguyện giúp những người cùng cảnh ngộ vượt lên số phận, chị N. đã tiên phong, trở thành tuyên truyền viên tự nguyện đầu tiên của bản Tạng. Chị bắt đầu dành thời gian đến từng nhà có người nhiễm “H”, động viên họ dùng thuốc, giải thích cho họ hiểu về căn bệnh mà họ đang mắc phải. Không chỉ dừng lại ở đó, những lúc rảnh rỗi, chị N. thường đi quanh bản làng để nhặt những ống kim tiêm vứt bừa bãi, gom lại đốt rồi đào hố chôn lấp để phân hủy, giữ môi trường xanh, sạch cho địa phương.
Một trường hợp khác là vợ chồng anh Moong Văn H. (SN 1989) và chị Lô Thị T. (SN 1990) trú tại bản Cắng, xã Mường Nọc. Người đàn ông chưa bước qua tuổi 30 nhưng đã trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời. Câu chuyện bắt đầu vào năm 2005, H. bị lôi kéo vào những cuộc vui thâu đêm rồi “bập” vào ma túy lúc nào không hay. 2 năm sau, H. cưới vợ trong tình cảnh nghiện ngập nên niềm vui ngắn chẳng tày gang, những lần thiếu thuốc lên cơn đã phá tan niềm hạnh phúc nhỏ nhoi vừa góp nhặt. Bao nhiêu tài sản có giá trị trong nhà đều lần lượt “đội nón ra đi”.
Cách đây 5 năm, lúc chuẩn bị mang thai đứa con thứ 3, vợ chồng H. đi khám thì “sét đánh ngang tai” khi cả 2 đều dương tính với HIV. “Thời điểm đó, về làng ai cũng kỳ thị, xa lánh gia đình khiến tôi cảm thấy tự ti, không dám tiếp xúc với ai”, chị T. kể lại. Thấm thía lỗi lầm của mình, H. quyết tâm cai nghiện. Đến nay, anh đã từ bỏ được ma túy và làm lại cuộc đời. Cả 2 vợ chồng đang điều trị bằng thuốc ARV, may mắn khi 3 đứa con đi xét nghiệm đều đặn và không bị nhiễm.
Gian nan cuộc chiến phòng, chống HIV
Ông Lang Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế Quế Phong cho biết: Ca nhiễm đầu tiên tại huyện Quế Phong được phát hiện từ năm 1999. Về sau, địa bàn có nhiều dự án đầu tư như thủy điện, khai thác vàng… khiến nhiều người tứ xứ đổ về, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, điển hình là ma túy. Tiêm chích chung bơm kim tiêm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng HIV tăng nhanh. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế và trình độ học vấn của người dân thấp nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lừa lọc, dụ dỗ.
“Mặc dù các ban, ngành, địa phương đã phối hợp phòng, chống “H” quyết liệt tại huyện Quế Phong, song vấn đề này vẫn đang diễn biến rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Trong 2 năm trở lại đây, lây nhiễm từ tiêm chích ma túy đã giảm đáng kể, thay vào đó tình trạng quan hệ tình dục không an toàn ngày càng tăng dẫn đến xu hướng lây nhiễm “H” tăng cao. Điều này rất đáng lo ngại khi con đường lây nhiễm HIV từ chồng sang vợ, con ngày càng nhiều”, ông Sầm Văn Lâm, Thư ký chương trình phòng, chống ma túy, HIV/AIDS huyện Quế Phong cho biết.
Người nghiện nhiều, nhiễm HIV lớn nhưng công tác điều trị và chữa bệnh gặp khó khăn vì đa số thường coi nhẹ chuyện chữa trị dẫn đến tỉ lệ thành công không đạt như ý muốn, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng dân cư càng cao.
Hằng năm, Trung tâm Y tế huyện Quế Phong đã phối hợp với nhiều tổ chức áp dụng các phương pháp khoa học tiên tiến để xét nghiệm nhanh, phát hiện sớm. Thậm chí, tổ chức nhiều đợt xét nghiệm lưu động tại các thôn, bản có tỉ lệ HIV/AIDS cao, tư vấn và lập hồ sơ ngay với các trường hợp nhiễm “H”. Ngoài ra, để bà con chủ động phòng, chống bệnh, Trung tâm đã tư vấn các kiến thức dự phòng lây nhiễm HIV qua chương trình phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su, khuyến khích và hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách, giới thiệu các dịch vụ khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao.
Trung tá Vi Văn Quang, Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về Hình sự - Kinh tế - Ma túy và Môi trường Công an huyện Quế Phong cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành tập trung đưa những đối tượng chích hút ma túy đi cai nghiện, chú trọng phòng, chống HIV/AIDS trong các nhà tạm giam. Cùng với đó, chỉ đạo sát sao điều tra, triệt xóa các tụ điểm sỉ lẻ các loại ma túy. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau, Công an huyện đã truy quét, bắt giữ nhiều đối tượng trong các đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn.
Để “chống” đi đôi với “phòng”, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong trường học, thôn bản, tổ chức nhiều buổi sinh hoạt phòng, chống “H”, phát động các cuộc thi về phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ vậy, đã chủ động phòng ngừa và ngăn chặn, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Kim Chi