Phóng sự
Từ dự án nhà máy lọc dầu 'treo', nhiều cán bộ vào vòng tố tụng hình sự
TAND tỉnh Phú Yên vừa thụ lý hồ sơ vụ án hình sự "cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" do cơ quan kiểm sát cùng cấp truy tố cựu Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa (Phú Yên) cùng 14 bị can...
Vụ án thu hút sự quan tâm dư luận ở Phú Yên vì sau nhiều năm ì ạch, một dự án tỉ đô được ví như "giấc mơ vàng" đã phải "khai tử", trong khi hàng loạt cán bộ phải vào vòng tố tụng hình sự…
Từ dự án "giấc mơ vàng" tỉ đô…
Với tiềm năng đất đai trải dài và mở rộng từ vùng biển đến miền núi, hàng chục năm qua Phú Yên thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Với mục tiêu đó, tháng 11-2007, UBND tỉnh Phú Yên cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy lọc hóa dầu (LHD) Vũng Rô do Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư.
Đây là dự án liên doanh giữa Công ty Techno Star Management L.t.d - Vương quốc Anh và Công ty Dầu khí Telloil - Cộng hòa liên bang Nga. Khi khởi đầu, dự án có vốn đầu tư 1,7 tỉ USD, công suất mỗi năm 4 triệu tấn dầu thô, dự kiến trong năm 2011 sẽ vận hành.
Sau ba lần đề nghị điều chỉnh, nguồn vốn đầu tư tăng lên 3,2 tỉ USD, dự án đầu tư trên diện tích 534 ha đất và 1.300 ha mặt nước ở xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, trong đó có 404 ha xây dựng Nhà máy LHD Vũng Rô với công suất mỗi năm hơn 8 triệu tấn dầu thô và 134 ha cảng Bãi Gốc có công suất mỗi năm 17 triệu tấn hàng hóa. Dự kiến khi dự án hoạt động sẽ đóng góp ngân sách nhà nước mỗi năm 111 triệu USD và thu hút 1.300 lao động.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên thực thi lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Tài. |
Nhà máy LHD Vũng Rô được ví như "giấc mơ vàng", mở ra cơ hội để Phú Yên đột phá, phát triển kinh tế bền vững vì dự án có số vốn đầu tư cực "khủng". Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên và các cơ quan chức trách ở địa phương cùng người dân trong vùng dự án luôn tạo điều kiện thuận lợi để Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô sớm triển khai đầu tư dự án.
Ngày 5-9-2012, UBND tỉnh Phú Yên ban hành thông báo thu hồi đất giai đoạn 1 dự án Nhà máy LHD Vũng Rô. Hơn 5 tháng sau đó, theo kết luận và chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, ngày 3-4-2013, UBND huyện Đông Hòa thành lập Ban giải phóng mặt bằng dự án gồm 14 cán bộ, công chức, viên chức do Phó Chủ tịch thường trực Huỳnh Ngọc Sương làm Trưởng ban, thực hiện nhiệm vụ đo đạc, kiểm kê đất đai, tài sản, vật kiến trúc, cây trồng… của các tổ chức, cá nhân trong vùng dự án để xác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Sau cuộc kiểm kê đó, UBND huyện Đông Hòa lần lượt phê duyệt, chỉ đạo Trung tâm PTQĐ huyện Đông Hòa lập thủ tục chi trả bồi thường, hỗ trợ 254 trường hợp với tổng số tiền hơn 96 tỉ đồng.
Cũng từ thời điểm đó, theo chỉ đạo của UBND huyện Đông Hòa, hàng trăm gia đình người dân ở xã Hòa Tâm chưa được bồi thường, hỗ trợ không được phép chuyển nhượng đất đai, xây dựng, nâng cấp và mở rộng nhà ở, trồng cây dài ngày. Tiếc rằng sau lễ động thổ ngày 9-9-2014, dự án vẫn trong tình trạng "đắp chiếu".
UBND tỉnh Phú Yên cùng các cơ quan chức trách đã có nhiều cuộc làm việc và gửi nhiều văn bản thúc nhắc nhưng Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô không có động thái tích cực nào, mà tiếp tục tìm kế "hoãn binh" với lý do điều chỉnh mục tiêu đầu tư, tái cơ cấu nhân sự, xây dựng phương án tài chính… rồi tiếp tục "treo" dự án trên giấy, trong khi chủ đầu tư không chứng minh được năng lực tài chính đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ.
"Giấc mơ vàng" tỉ đô khép lại dần rồi…vụt tắt, nên đầu tháng 3-2018, Ban quản lý khu kinh tế Phú Yên đã phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy LHD Vũng Rô sau hơn 10 năm giẫm chân tại chỗ, trong khi đời sống và sản xuất của người dân ở xã Hòa Tâm đã vấp phải không ít khó khăn.
Bị cáo Nguyễn Tài cùng các đồng phạm tại phiên tòa hình sự ngày 14-9-2016. |
…Đến vụ án cố ý làm trái
Giữa lúc dự án Nhà máy LHD Vũng Rô đang "sống dở, chết dở" thì Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa Nguyễn Tài, Phó Chủ tịch thường trực Huỳnh Ngọc Sương cùng 13 cán bộ dưới quyền và một công dân lần lượt vào vòng tố tụng hình sự vì cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, giải quyết bồi thường đất đai, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho 13 trường hợp trái pháp luật, gây thiệt hại công quỹ nhà nước gần 9,3 tỷ đồng.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Yên, nổi cộm nhất trong số 3 đối tượng được bồi thường về đất và tài sản trên đất trái pháp luật là trường hợp ông Nguyễn Kiên Cường - Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Đông Hòa có 13.864m² đất thuộc diện bị thu hồi, nhưng tổ kiểm kê không xác định vị trí, ranh giới, nguồn gốc thửa đất, tỷ lệ cây trồng, mà vẫn lập thủ tục, áp giá bồi thường gần 208 triệu đồng đất rừng sản xuất và 199 triệu đồng tài sản hồ nuôi tôm xây dựng trên đất lấn chiếm trái phép là trái quyết định số 10/2013/QĐ-UBND ngày 23-4-2013 của UBND tỉnh Phú Yên.
Quái chiêu hơn nữa là ông Nguyễn Kích - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (PTQĐ) huyện Đông Hòa không kê khai bồi thường 13.525m² đất theo quy định, nhưng vẫn được các cán bộ dưới quyền "tích cực" lập thủ tục áp giá bồi thường trái quy định gần 203 triệu đồng; bà Võ Thị Nương - trú ở thị trấn Hòa Vinh xây nhà trái phép trên đất mua lại của người khác tại xã Hòa Tâm, chính quyền địa phương đã lập biên bản vi phạm hành chính, thế nhưng đối tượng này vẫn được bồi thường trái pháp luật hơn 158 triệu đồng sau khi có sự can thiệp, chỉ đạo làm theo… lệ làng của ông Nguyễn Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa.
Khôi hài và trớ trêu hơn nữa là thời điểm đó ông Nguyễn Kiên Cường đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với chức danh Trưởng phòng tài chính - kế hoạch huyện Đông Hòa nhưng vẫn được "ưu ái" hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm hơn 366 triệu đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Hưng Thái - Chi cục trưởng Chi cục thống kê huyện Đông Hòa được hỗ trợ 780 triệu đồng; một số trường hợp đang hưởng lương hưu, không trực tiếp sản xuất, không thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, không thường trú ở xã Hòa Tâm như ông Nguyễn Thành Nhân - cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Hòa và Lương Tấn Thuận - cựu Chi cục trưởng Chi cục thống kê huyện Tây Hòa nhưng vẫn được hỗ trợ 780 triệu đồng. Thậm chí 4 người cư trú ở TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa là Nguyễn Tui, Nguyễn Văn Phổ, Nguyễn Như Nam, Nguyễn Văn Dựa không có đủ điều kiện theo quy định nhưng vẫn được hỗ trợ với tổng số tiền gần 2 tỉ đồng.
Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô ở Phú Yên sau 10 năm "treo" trên giấy. |
Nghiêm trọng và liều lĩnh nhất là trường hợp ông Nguyễn Hữu Phí - trú ở phố Bà Triệu, phường 7, TP Tuy Hòa kê khai 11 thửa đất với tổng diện tích 70.118m² thuộc diện giải tỏa. Khi biết hạn mức bồi thường cho mỗi trường hợp không vượt quá 20.000m², ông Phí đến gặp Nguyễn Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa và được vị cán bộ chủ chốt này cùng một số cán bộ hướng dẫn "vẽ" ra 4 giấy chuyển nhượng hồ tôm cho 4 người thân trong gia đình từ năm 2004 rồi nhờ Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm cùng một số cán bộ của huyện Đông Hòa thẩm định, phê duyệt bồi thường hơn 3,7 tỷ đồng. Ngay sau đó, 4 người được "chuyển nhượng" hồ tôm phải lập giấy ủy quyền để ông Phí nhận số tiền nêu trên, hưởng lợi bất chính.
Khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên vào cuộc, ông Nguyễn Tài không thừa nhận hành vi phạm tội, chối cãi nhiều sai phạm do chính mình chỉ đạo. Nhưng rất nhiều chứng cứ tài liệu cơ quan điều tra thu thập được cho thấy vị cán bộ này cố ý hủy phương án bồi thường này để tổ chức bồi thường theo phương án khác không đúng pháp luật; chỉ đạo cán bộ dưới quyền ở Phòng tài nguyên - môi trường (TN-MT), Trung tâm PTQĐ huyện Đông Hòa "xé rào, phá luật", thậm chí còn "bật đèn xanh" cho đối tượng có đất đai rộng lớn "biến hóa" hồ sơ, lập thủ tục "lách luật" để được bồi thường tiền tỉ… Đặc biệt kết quả giám định kỹ thuật hình sự bút tích trên nhiều văn bản đã khiến cho ông Nguyễn Tài không thể né tránh hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài Chủ tịch Nguyễn Tài, trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiểm kê, bồi thường hỗ trợ tái định cư giai đoạn 1 dự án Nhà máy LHD Vũng Rô, Phó Chủ tịch Thường trực Huỳnh Ngọc Sương cùng Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm PTQĐ Nguyễn Kích, Huỳnh Ngọc Thắng; Trưởng phòng, Phó trưởng TN-MT Nguyễn Kỳ Tổng, Dương Văn Nhân; Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm Lê Văn Hoàng; chuyên viên các phòng nghiệp vụ ở huyện Đông Hòa là Bùi Xuân Quang; Nguyễn Dương Tiến Hùng; Võ Tấn Vinh; Nguyễn Văn Sơn; Nguyễn Trình Văn; Nguyễn Thị Huỳnh Dung; Trần Trọng Duy; Huỳnh Công Dự và ông Nguyễn Hữu Phí, trú ở phố Bà Triệu, phường 7, TP Tuy Hòa đều bị truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, làm ngân sách thất thoát gần 9,3 tỷ đồng.
Vụ án đã từng đưa ra xét xử tại bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên ngày 14-9-2016 với tội danh nêu trên, bị cáo Nguyễn Tài bị tuyên phạt 12 năm tù, Nguyễn Kích lãnh án 10 năm tù, Huỳnh Ngọc Thắng 4 năm tù, 13 bị cáo còn lại bị xử phạt từ 1 đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Do các bị cáo kháng cáo nên sau đó TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên để điều tra lại theo từ cấp sơ thẩm. Để đảm bảo hoạt động điều tra vụ án, ngày 11-9-2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã thực thi lệnh bắt tạm giam đối với cựu Chủ tịch huyện Nguyễn Tài theo phê chuẩn của cơ quan kiểm sát cùng cấp.
Được biết, trong quá trình điều tra và truy tố, các bị can đã khắc phục hậu quả gần 7,9 tỷ đồng, trong số đó Nguyễn Hữu Phí nộp lại hơn 3,7 tỷ đồng, Nguyễn Kích nộp 505 triệu đồng, Nguyễn Tài 500 triệu đồng, Huỳnh Ngọc Sương 324 triệu đồng, Nguyễn Kỳ Tổng 324 triệu đồng… Ngoài ra, hai trong số 9 đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm không đúng pháp luật là Nguyễn Kiên Cường, Nguyễn Hưng Thái đã hoàn trả lại gần 1,4 tỷ đồng.
Nguồn: CSTC/Báo CAND