Phóng sự

Cạm bẫy nơi 'miền đất hứa'

08:34, 06/12/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Thông qua hình thức dán tờ rơi, quảng cáo về những công việc nhẹ nhàng, nhàn hạ nhưng lương cao ở chốn phồn hoa đô thị, những kẻ mua bán người đã dụ dỗ không ít sơn nữ ở các vùng núi cao về thành phố để tìm kiếm cơ hội việc làm, thực chất là một chiêu trò mới của những kẻ “buôn người”.
 
Thời gian qua, lực lượng công an đã tích cực phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng giải cứu những nạn nhân của tệ nạn buôn bán người, đồng thời vạch trần những thủ đoạn tinh vi của các đường dây mua bán phụ nữ, tuyên truyền cảnh báo tới người dân.
 
Cạm bẫy từ những tờ rơi “tuyển dụng”
 
Ông Cụt Văn Thông (67 tuổi, trú tại bản khe Tang, xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn, Nghệ An) kể: Thời gian gần đây, tại bản khe Tang xuất hiện một nam thanh niên đi dán tờ rơi tuyển dụng lao động từ đầu đến cuối bản. Nội dung chỉ tuyển dụng lao động nữ, tuổi từ 18-25, làm công việc chọn bài, rót bia và hát karaoke cùng khách với mức lương trung bình từ 12 đến 15 triệu đồng và có chỗ ăn ở.
 
Theo ông Thông, hình ảnh những tờ rơi này đã quá quen thuộc, vì hầu như năm nào cũng có người đến bản làng của ông để “tuyển dụng”, đến nỗi cả bản giờ chỉ còn trẻ con với người già, những người này cũng không thôi thông báo... tuyển dụng! Mấy năm về trước, cháu gái ông Thông là Cụt Thị V. (SN 1997), cùng 2 sơn nữ khác nghe theo lời dụ dỗ ngọt ngon của người có số điện thoại ghi trong tờ rơi kiểu như thế này, đã xuống núi, ra thành phố làm việc mang theo giấc mơ thoát nghèo. Đổi đời đâu chẳng thấy, chỉ biết rằng mấy năm nay nó biệt tích không tin tức, số tiền hằng tháng trích gửi về cho bố mẹ trả nợ ngân hàng như lời hứa trước ngày đi cũng chẳng thấy đâu. 
Công an Nghệ An bàn giao những nữ sinh bị dụ dỗ bỏ nhà đi tìm kiếm việc làm
Công an Nghệ An bàn giao những nữ sinh bị dụ dỗ bỏ nhà đi tìm kiếm việc làm
Ông Lương Thịnh Vượng, Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho biết thêm, xác định đây là những tờ rơi tuyển dụng lao động trái phép, vì không có cơ quan, địa chỉ tuyển dụng lao động cụ thể, chỉ có số điện thoại của một người không rõ danh tính, địa chỉ để liên hệ. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đi gỡ các tờ rơi này, đồng thời khuyến cáo người dân không tin và đi làm theo các kiểu tuyển dụng lao động trái phép này nhưng việc thông báo vẫn tiếp diễn, gần như là theo chu kỳ.
 
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, tình trạng phát tờ rơi quảng cáo, tuyển dụng theo kiểu “giăng bẫy” này diễn ra từ nhiều năm qua, rải rác tại nhiều bản làng xa xôi, hẻo lánh ở các xã vùng cao, biên giới của miền tây Nghệ An.
 
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và cả thực trạng thiếu công ăn việc làm của thanh thiếu niên mới lớn ở đây, không ít kẻ buôn người đã núp bóng là những doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để dụ dỗ, lôi kéo các chị em gái, đặc biệt là các cháu mới lớn, thậm chí nhiều bé gái đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Với chiêu trò cũ nhưng đánh trúng tâm lý của đa số chị em, khi đưa ra mức lương hấp dẫn, kèm theo lời hứa như đinh đóng cột là công việc nhẹ nhàng, không lo nơi ăn chốn ở... đã khiến không ít chị em sảy chân, trốn gia đình, bỏ học hành để rồi rơi vào những cái bẫy mua bán người đã được giăng sẵn.
 
Khi đối tượng nhằm vào là nữ sinh
 
Thượng tá Nguyễn Hải Đăng - Trưởng Công an huyện Con Cuông (Nghệ An) cho biết, thực trạng các chị em gái bỏ nhà, bỏ trường lớp để đi theo tiếng mời gọi của kẻ lạ mặt về những công việc nhàn hạ, lương cao ở xứ người diễn ra khá phổ biến ở các bản làng vùng cao của huyện Con Cuông nói riêng và các huyện biên giới của tỉnh Nghệ An nói chung.
 
Mặc dù các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể đã phối hợp với gia đình, nhà trường thường xuyên tổ chức biện pháp tuyên truyền, cảnh báo nhưng xuất phát từ nhận thức, một phần do cuộc sống khó khăn, nhiều người đã nhắm mắt đưa chân. Trong số này, gần đây có cả những nữ sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, lợi dụng việc ở tập trung tại các khu nội trú, đã bỏ trường, bỏ lớp để đi làm ăn xa.
 
Gần đây nhất, vào ngày 8/10, Công an huyện Con Cuông đã bàn giao 2 cháu bé là La Thị Ngh. (SN 2004) và Lê Thị M. (SN 2004), cùng trú tại bản Cò Phạt, xã Môn Sơn về cho gia đình sau nhiều ngày mất tích. Trước thời điểm này khoảng hơn một tháng, Công an huyện nhận được trình báo từ phía gia đình về việc cả 2 em Ngh. và M. (hiện đang là học sinh lớp 9A2, Trường THCS Môn Sơn, theo diện bán trú) bỗng dưng bỏ học, rủ nhau bỏ nhà đi đâu không ai biết. Cả thầy cô, bạn bè lẫn người thân đều không thể liên lạc được.
 
Sau khi vào cuộc điều tra, Công an huyện Con Cuông phát hiện thời gian gần đây nhiều lần thấy hai nữ sinh này giao lưu với hai thanh niên lạ mặt, đơn vị đã nhanh chóng xác minh rõ danh tính hai nam thanh niên liên quan là La Văn Hùng (22 tuỏi) và Kha Văn Chài (22 tuổi), trú tại bản Mọi, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông.
Công an Nghệ An tổ chức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mua bán người
Công an Nghệ An tổ chức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mua bán người
Từ nguồn tin này, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, sau khi điều tra, xác minh và lần theo các mối quan hệ quen biết của các đối tượng ở các tỉnh khác, Công an huyện Con Cuông đã xác định được nơi ở hiện tại của hai nữ sinh. Em Lê Thị M. làm nhân viên cho một quán cà phê tại xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, còn em La Thị Ngh. đang lao động tự do tại một vườn ươm cây giống tại xã NThol Hạ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
 
Ngay sau đó, Công an huyện Con Cuông trực tiếp vào tỉnh Lâm Đồng đưa 2 em về quê trong tình trạng sức khỏe ổn định, không bị thương hay bị xâm hại. Hiện, 2 em đã được bàn giao về cho gia đình. Công an huyện Con Cuông đang tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi để có hướng xử lý đối với La Văn Hùng và Kha Văn Chài.
 
Chia sẻ về việc bỏ học để đi làm, hai nữ sinh này cho biết, nghe theo lời ngọt ngon của Hùng và Chài về một tương lai xán lạn ở xứ người, khi kiếm được rất nhiều tiền nhưng không quá vất vả, các em đã dại dột trốn gia đình, thầy cô để đến vùng đất lạ. Tuy vậy, cuộc sống không như viễn cảnh mà hai nam thanh niên kia vẽ ra. May mắn, lực lượng công an đã nhanh chóng giải cứu thành công. Hiện, cả M. và Ngh. đều đã được tạo điều kiện để trở lại lớp học bình thường.
 
Cuối tháng 9, Công an huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cũng giải cứu thành công 3 nữ sinh Lương Thị H. (SN 2005), Vi Thị Cẩm L. (SN 2005) và Nguyễn Thị Thu T. (SN 2007) đều trú tại xã Châu Hồng khi các em nghe theo kẻ xấu, bỏ nhà xuống TP Vinh tìm việc làm khi đang là học sinh của một trường trung học phổ thông trên địa bàn.
 
Số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho thấy, từ đầu năm đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 11 vụ, 17 bị can về tội danh “Mua bán người”. Hơn 90% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, 98% nạn nhân trong các vụ mua bán người bị bán ra nước ngoài, trong đó bán sang Trung Quốc chiếm hơn 95%. Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài đã bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa, cưỡng bức lao động.
 
Hiện nay, số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trên địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An có 75 người bị bán ra nước ngoài, trong đó có 52 người đã trở về. Mới đây nhất, vào tháng 11, Công an huyện Tương Dương (Nghệ An) đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với 2 chị em gái Lô Thị Thường (43 tuổi) và Lô Thị Vân (48 tuổi), cùng trú tại bản Văng Môn, xã Yên Hòa về hành vi mua bán người.
 
Trước đó, Thường từ Trung Quốc về quê nhà, bàn với chị gái là Lô Thị Vân lừa bán chị Lô Thị Hồng (31 tuổi, trú tại bản Văng Lin, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương) sang Trung Quốc với giá giá 2,5 vạn nhân dân tệ (khoảng 120 triệu đồng) cho một người đàn ông bản địa để làm vợ.
 
Dĩ nhiên, để chị Hồng tin, Vân và Thường nói dối là đưa nạn nhân ra Hà Nội giúp việc nhà hàng lương cao, thực chất là đưa ra Quảng Ninh, sau đó vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Sau một thời gian làm vợ nơi xứ người, cuối tháng 10 vừa qua, nạn nhân trốn được về nước, tố cáo hành vi của hai đối tượng này lên Cơ quan công an.
 
Tạo việc làm, hạn chế lầm lạc
 
Đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và sự thiếu hiểu biết cũng như đời sống kinh tế khó khăn của bà con dân tộc ít người, với những chiếc “bánh vẽ” về công việc nhàn hạ, lương cao, không ít chị em gái miền núi đã sa chân chốn cạm bẫy xứ người. Thậm chí, gần đây loại tội phạm này còn tinh vi hơn khi không xuất hiện tại địa phương mà sử dụng cách thức liên lạc qua điện thoại, qua mạng xã hội, dụ dỗ nạn nhân từ xa, vì thế gây không ít khó khăn trong việc phát hiện, phòng ngừa.
 
Đại tá Nam kể, tháng 8/2018, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đã phối hợp với tổ chức quốc tế Rồng Xanh, giải cứu thành công một trường hợp của tệ nạn mua bán người, bị lừa gạt qua mạng xã hội.
 
Theo đó, vào năm 2015 em Lê Thị H. (SN 1995, trú tại một xã vùng ven của TP Vinh) thông qua mạng xã hội đã quen với một bạn trai tên Quân, không rõ địa chỉ. Khi H. và một người bạn khác than thở về việc muốn kiếm việc làm, Quân hứa sẽ đưa cả 2 người sang Trung Quốc làm trong nhà máy, mức lương 7-8 triệu đồng mỗi tháng. Tưởng thật, hai cô gái trẻ trốn gia đình ra Móng Cái gặp Quân, được người này giao một đối tượng lạ mặt để đưa sâu vào nội địa Trung Quốc.
 
Ở xứ người, hai cô gái bị đem bán cho hai người đàn ông bản địa. Sau gần 3 năm, H. có một đứa con 2 tuổi với người đàn ông tại TP Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) và hiện đang mang thai đứa bé thứ hai. Lợi dụng sự sơ hở trong quản lý của nhà chồng, cô gái này tìm cách liên lạc về nhà và được giải cứu. Trong khi đó, người bạn đồng hành đến nay vẫn đang bặt vô âm tín xứ người.
 
Đại tá Nguyễn Chí Tý, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng Nghệ An, cho rằng, miền tây Nghệ An trong những năm gần đây trở thành “tiêu điểm” của vấn nạn mua bán phụ nữ và trẻ em. Địa bàn biên giới xa xôi, hiểm trở, đời sống khó khăn... chính là những điều kiện thuận lợi cho các đối tượng mua bán người lợi dụng lừa gạt phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái đang học tại các trường phổ thông.
 
Công tác đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn mua bán người. Điều cốt lõi là cần có giải pháp dài hơi giúp chị em ổn định cuộc sống bằng các chính sách hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học công nghệ để phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho đối tượng là những phụ nữ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bọn buôn người... thì chưa làm được.
 
Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy, nhiều nạn nhân sau khi tìm được đường trở về hoặc được giải cứu nhưng do mặc cảm, sợ bị trả thù nên không tố cáo với cơ quan chức năng, gây khó khăn trong việc bắt giữ, xử lý đối tượng phạm tội. Do đó, đối với những đối tượng này, bên cạnh việc gặp gỡ động viên nạn nhân khai báo sự việc để đưa kẻ phạm tội ra xử lý trước pháp luật, các cấp chính quyền và tổ chức xã hội cũng tạo điều kiện thuận lợi để chị em ổn định cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng.
 
Thời gian gần đây, xu hướng tội phạm trong lĩnh vực này nhằm vào trẻ em gái đang theo học tập trung tại các trường học, do nhận thức nên không ít nữ sinh đã sa chân vào vòng xoáy của những kẻ buôn người. Do đó, giữa lực lượng công an và bộ đội biên phòng với ngành giáo dục cần phải lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng vào chương trình giáo dục cho các em học sinh trên địa bàn biên giới.
 
Có như vậy, tệ nạn mua bán người ở các huyện biên giới, miền núi và rẻo cao mới được ngăn chặn từ gốc, để tệ nạn này không còn là nỗi ám ảnh của chị em gái sinh sống trên các địa bàn này.

Nguồn: Theo ANTG

Các tin khác