Phóng sự
Chuyện nan giải về trụ nước cứu hỏa
11:23, 03/12/2018 (GMT+7)
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Công an TP HCM, trong những tháng cuối năm 2018, cháy lớn sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp khi tốc độ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, giải trí… tăng cao.
Trong khi đó, công tác PCCC còn rất nhiều bất cập, hạn chế. Nhất là tình trạng trụ nước cứu hỏa (TNCH) bị thiếu, hư hỏng, không có nước vẫn là chuyện nan giải trong nhiều năm qua chưa giải quyết rốt ráo được.
Thiếu, hư hỏng trụ nước cứu hỏa
Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh, 5 năm qua (2013-2018), trung bình mỗi năm TP Hồ Chí Minh xảy ra hơn 15 vụ cháy lớn, làm chết 15 người, thiệt hại tài sản hơn 150 tỷ đồng. So với cùng kỳ 5 năm trước đó, số vụ cháy lớn và số người thương vong đều tăng cao.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đưa ra dự báo, cháy lớn sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là những tháng cuối năm 2018, khi tốc độ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, giải trí… tăng cao.
Trong khi đó, công tác PCCC còn nhiều bất cập, hạn chế, nhiều giải pháp phòng cháy mang tính căn cơ như hoàn thiện hệ thống nguồn nước chữa cháy, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, nâng cao ý thức PCCC cho người dân, chủ doanh nghiệp… còn hiệu quả thấp, thậm chí có nơi bỏ ngỏ. Đặc biệt là TNCH bị thiếu, hư hỏng, không có nước vẫn là chuyện nan giải trong nhiều năm qua.
Một trụ nước cứu hỏa bị hư hỏng, mất nắp trên đường Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp. |
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, toàn thành phố hiện có khoảng hơn 9.600 TNCH; trong đó có 7.700 TNCH tiếp nhận bàn giao từ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên và các đơn vị chủ đầu tư khác; 689 trụ lắp đặt mới từ tháng 12-2016 đến nay; 945 TNCH trong các khu chế xuất - khu công nghiệp…
Trong khi đó, theo quy định của cơ quan chức năng, cách 300m phải có một TNCH. Đối chiếu với quy định này, thành phố còn thiếu khoảng 10.000 TNCH.
Ngoài ra, hệ thống TNCH ở nhiều quận, huyện còn xuống cấp, hư hỏng nặng từ nhiều năm qua nhưng công tác duy tu, bảo dưỡng, thay mới chưa được các cấp chính quyền và ngành chức năng triển khai do thiếu kinh phí. Thực tế này đã khiến công tác PCCC luôn bị động, gây rất nhiều khó khăn, hạn chế cho công tác chữa cháy khi dập lửa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến một số vụ cháy lan, cháy lớn xảy ra trong thời gian qua.
Ghi nhận tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, rất nhiều TNCH chỉ tồn tại cho có vì bị hư hỏng nặng, mất nắp, hoen gỉ… Chẳng hạn, dọc đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Quang Trung (quận Gò Vấp), Phạm Hùng (quận 8), quốc lộ 1 (quận Bình Tân)…, nhiều TNCH "há miệng" mất nắp, bị nghiêng. Chưa kể, một số TNCH bị nhét rác, gạch đá vào trong miệng trụ…, một hình ảnh hết sức nhếch nhác, bẩn thỉu.
Đáng nói là trong số 7.700 TNCH do Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh tiếp nhận và quản lý, đến nay đã có 668 TNCH bị hư hỏng, không lấy nước được, cần duy tu, sửa chữa gấp. Không chỉ xuống cấp, hệ thống TNCH tại TP Hồ Chí Minh còn thiếu trầm trọng như kể trên.
Theo Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh, số TNCH trên địa bàn thành phố đã đáp ứng được yêu cầu đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhưng ở các khu dân cư, nhất là những khu nằm trong ngõ hẹp không đảm bảo cung cấp đủ nước chữa cháy cần thiết; ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn bảo vệ TNCH chưa cao.
Vụ cháy cây xăng trên đường Phan Văn Hớn, quận 12. |
Nguồn nước chữa cháy trong doanh nghiệp, đầu tư xây dựng bể nước chữa cháy không đúng tiêu chuẩn quy phạm. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố đều có các bể nước dự trữ chữa cháy, tuy nhiên chỉ phục vụ cấp nước chữa cháy và sinh hoạt nội bộ, không thể cấp nước chữa cháy ra khu vực xung quanh khi cần thiết.
Trước thực tế đó, năm 2015, Phòng Cảnh sát PCCC, cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh, đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan lắp mới hơn 6.800 TNCH trong giai đoạn từ năm 2016-2020. Thế nhưng đến nay, số TNCH lắp mới chỉ được 1.036 trụ, còn thiếu 5.775 TNCH so với kế hoạch, mục tiêu đưa ra. Khu vực thiếu TNCH nhiều nhất tập trung ở các huyện ngoại thành, quận ven thành phố, như: Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, quận 9…
Nhiều nơi thiếu nghiêm trọng, cách nhiều cây số vẫn không có TNCH. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc chưa có kinh phí để thực hiện nên từ năm 2015 đến nay, các TNCH được tiếp nhận bàn giao không được duy tu sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ theo quy định.
Tình trạng mất cắp nắp bảo vệ miệng TNCH còn xảy ra nhiều do công tác kiểm tra, bảo vệ TNCH chưa được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, tình trạng các tổ chức, cá nhân tự ý lấy nước từ TNCH sử dụng trái quy định cũng diễn ra phổ biến Các hoạt động trộm cắp này thường diễn ra vào khoảng thời gian sau 22h nên rất khó phát hiện và xử lý.
Bên cạnh đó, các đối tượng này không có thiết bị chuyên dụng để mở trụ nên dẫn đến hư hỏng. Nhiều trường hợp TNCH bị các phương tiện giao thông đụng gãy, nghiêng, chủ phương tiện không phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục hư hỏng. Các công trình thi công đường, hẻm gây ảnh hưởng đến TNCH như làm trụ bị nghiêng, bị lấp.
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Cảnh sát PCCC và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất định mức dự toán kinh phí bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa TNCH trên địa bàn để UBND TP Hồ Chí Minh có cơ sở cấp kinh phí để đảm bảo cấp nước phục vụ công tác chữa cháy kịp thời.
Cần hiểu đúng vai trò của trụ nước cứu hỏa
Theo Phòng Cảnh sát PCCC, cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, đơn vị luôn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định về quản lý và bảo vệ TNCH.
Bên cạnh đó, định kỳ 6 tháng, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra tình trạng hoạt động của TNCH trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện số TNCH bị hư hỏng cần sửa chữa, thay mới để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND thành phố cấp kinh phí thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cấp nước và các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong công tác xử lý các trường hợp xâm phạm TNCH, lấy nước từ TNCH sử dụng trái quy định...
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, công tác quản lý và bảo vệ TNCH trên địa bàn thành phố cũng còn bộc lộ những hạn chế, thiếu kinh phí duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa những trụ nước xuống cấp, hư hỏng; công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan của địa phương trong việc quản lý, kiểm tra và bảo vệ TNCH đôi khi còn chưa được nhịp nhàng, đồng bộ; vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức trách nhiệm cao trong việc bảo vệ TNCH; chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ TNCH nên còn xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc che chắn TNCH, gây khó khăn cho việc tìm kiếm cũng như tiếp cận, khai thác sử dụng TNCH khi có cháy xảy ra...
Phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh với Công an TP Hồ Chí Minh vào sáng 11-9-2018, Đại tá Dương Văn Phóng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, việc thiếu TNCH, không kịp thời khắc phục các TNCH hư hỏng thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chữa cháy, làm giảm hiệu quả việc phòng ngừa cháy lớn.
TP Hồ Chí Minh cần thêm khoảng 10.000 trụ nước cứu hỏa. |
Từ năm 2017, UBND TP Hồ Chí Minh đã ghi vốn 922 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa các TNCH bị hỏng, tuy vậy đến nay công tác này vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân vì Cảnh sát PCCC là đơn vị thụ hưởng, quản lý, sử dụng, nhưng không có chuyên môn sửa chữa các TNCH, do đó phải mời gọi nhà thầu, đơn vị thi công.
Quá trình mời gọi, chưa tìm được nhà thầu thì tiếp tục phát sinh các trụ nước hư hỏng mới, nên công tác sửa chữa cứ kéo dài.
Tại buổi giám sát công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ mới đây, HĐND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu những cơ quan có trách nhiệm phối hợp khắc phục triệt để tình trạng thiếu nước chữa cháy trong năm 2018. Sắp tới, UBND TP Hồ Chí Minh cũng sẽ ban hành bộ định mức dự toán công tác bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa TNCH. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố chỉ đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sawaco) phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC, cứu nạn cứu hộ lắp đặt bổ sung TNCH theo dự án Quy hoạch PCCC đến năm 2025.
Ngoài ra, Sawaco có nhiệm vụ đảm bảo nguồn nước truyền dẫn liên tục, đầy đủ đến TNCH, nhanh chóng điều phối tăng áp lực nước khi có yêu cầu từ lực lượng chữa cháy. Song song đó, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu chính quyền, Công an địa phương tăng cường giám sát, phòng ngừa tình trạng phá hoại, xâm hại TNCH. Đây là hành vi phá hoại tài sản Nhà nước nên phải xử lý nghiêm nhằm nâng tính răn đe.
Phòng Cảnh sát PCCC, cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh đã lập một đội chuyên kiểm tra quản lý nguồn nước, thiết bị cấp nước chữa cháy để phát hiện, xử lý các trường hợp lấy cắp, phá hoại TNCH, đồng thời kịp thời sửa chữa các trụ hư hỏng.
Đặc biệt, chính quyền, đoàn thể cơ sở cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức để người dân hiểu rõ, hiểu đúng vai trò của TNCH; từ đó, chung tay bảo vệ, kịp thời khắc phục các trụ nước hư hỏng. Phòng Cảnh sát PCCC, cứu nạn cứu hộ Công an thành phố cũng đề nghị thanh tra các Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng thành phố lưu ý, xử lý các trường hợp nhà thầu, đơn vị thi công thiếu ý thức làm vùi lấp, hư hỏng trụ nước, yêu cầu khắc phục kịp thời.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần chủ động và phối hợp thực hiện nhanh các giải pháp để hệ thống TNCH trên địa bàn thành phố sớm được sửa chữa, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả PCCC, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.
Nguồn: Phú Lữ/CAND