Phóng sự

Nhận diện thủ đoạn lợi dụng quyền con người để chống phá Việt Nam hiện nay

09:31, 13/12/2018 (GMT+7)
Về lực lượng chống phá, không chỉ những thế lực thù địch, tổ chức phản động hải ngoại mà còn được sự tiếp tay, cổ suý, tiếp sức từ những đối tượng chống phá, những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, cực đoan trong nước.
 
Ngày nay - khi Việt Nam với tư cách một quốc gia độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, hội đủ các điều kiện của một quốc gia ổn định và phát triển, khẳng định vai trò, vị trí ngày càng cao trên trường quốc tế thì thủ đoạn chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch, phản động là dùng các phương thức phi vũ trang, phi bạo lực, chiến lược "diễn biến hòa bình", tác động tạo "tự diễn biến, tự chuyển hoá" trong nội bộ. Chiến lược này ngày nay dựa trên thành quả khoa học, công nghệ, thế giới ảo, hệ sinh thái số - internet, mạng xã hội…
 
Về lực lượng chống phá, không chỉ những thế lực thù địch, tổ chức phản động hải ngoại mà còn được sự tiếp tay, cổ suý, tiếp sức từ những đối tượng chống phá, những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, cực đoan trong nước. Trong đó có cả những kẻ từng đứng trong hàng ngũ cách mạng, nay "trở cờ", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" quay sang chống chế độ, Đảng, Nhà nước ta.
 
Ở bên ngoài, trong nhiều thập kỷ qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm đưa ra các bản "Phúc trình nhân quyền thế giới thường niên", "Phúc trình tôn giáo thế giới thường niên" và "Phúc trình nhân quyền thường niên" của tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW, có trụ sở ở Hoa Kỳ). Trong đó, nhiều nội dung nói về nhân quyền ở Việt Nam trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là không khách quan.
 
Đặc biệt, nhiều tổ chức núp bóng theo dõi nhân quyền đã tập trung xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người, nhất là quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do internet, mạng xã hội. Phúc trình nhân quyền 2017 của tổ chức HRW đưa ra những lời lẽ kiểu ngang ngược như: "yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải ra lệnh chấm dứt tình trạng được gọi là "hành hung những người đấu tranh cho nhân quyền"; "Quốc hội Việt Nam cần hủy bỏ, sửa đổi các điều khoản trong Bộ luật Hình sự Việt Nam có nội dung "mơ hồ", hình sự hóa hành vi "bất đồng chính kiến ôn hòa" với các tội danh về an ninh quốc gia", kêu gọi Việt Nam "chấm dứt chế độ độc đảng"(!).
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tán phát các tài liệu, bài viết có nội dung xuyên tạc sự thật, chống phá đất nước.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tán phát các tài liệu, bài viết có nội dung xuyên tạc sự thật, chống phá đất nước.
Gần đây, sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, 17 nghị sỹ cực đoan Hoa Kỳ đã viết thư đề nghị hai hãng công nghệ lớn Google, Facebook "hãy rời bỏ Việt Nam" và trong một nghị quyết của Liên minh Châu Âu, một số nghị sỹ đã có đánh giá tiêu cực về Luật An ninh mạng, dù hầu hết các quốc gia châu Âu đều có luật này.
 
Ngoài ra, hình thức "điều trần" tại nghị viện Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền, trong đó có vấn đề nhân quyền Việt Nam cũng đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, có tính áp đặt. Thường thì những buổi "điều trần" này chủ yếu là tạo diễn đàn cho những phần tử chống chế độ xã hội, Nhà nước Việt Nam (đã chạy ra nước ngoài) có cơ hội để xuyên tạc Việt Nam "vi phạm nhân quyền"! Trên BBC cũng tương tự như vậy, hãng này hàng tuần thường tổ chức "diễn đàn online", mời những phần tử chống Việt Nam tham gia diễn đàn cũng nhằm mục tiêu xuyên tạc chính sách pháp luật, tố cáo Việt Nam "vi phạm nhân quyền".
 
Ở trong nước, trong bối cảnh internet, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, một số tổ chức mạng, một số cá nhân đã lập tài khoản, nhất là trên Facebook, phát tán thông tin xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, Đảng, Nhà nước ta. Chẳng hạn, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã lập tài khoản facebook "Mẹ Nấm", tán phát hơn 1.200 trang tài liệu trên facebook. 
 
Trên tài khoản "Mẹ Nấm" đã chia sẻ, bình luận, viết sai sự thật, đả kích, nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam. Đáng chú ý có tài liệu xuyên tạc trắng trợn có tên "Stop police killing civilians" (Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường). 
 
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn tạo lập "mạng lưới blogger Việt Nam", khởi xướng, kêu gọi người dân trong và ngoài nước tham gia "chiến dịch tranh đấu cho tự do - dân chủ - nhân quyền"; đòi trả tự do cho số tù nhân mà Quỳnh gọi là "tù nhân lương tâm"; lập "phái đoàn" tiếp xúc với các đại sứ tại Việt Nam và cho rằng thời cơ đã chín muồi cho chiến dịch để "thay đổi đất nước"!...
Xét xử các bị cáo trong vụ gây rối tại Bình Thuận.
Xét xử các bị cáo trong vụ gây rối tại Bình Thuận.
Đặc trưng của những thủ đoạn mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng quyền con người để chống phá trong thời gian qua là:
 
(1) Về nội dung, chúng tập trung vào quyền tự do ngôn luận báo chí, tự do sử dụng internet, mạng xã hội. Đỉnh cao của chiến dịch chống phá nói trên là trong dịp Quốc hội thảo luận dự án Luật Đặc khu và thảo luận, thông qua Luật An ninh mạng (Kỳ họp thứ 5, tháng 6/2018). Số này chỉ trích, xuyên tạc việc Luật An ninh mạng "vi phạm quyền riêng tư" - một quyền quan trọng trong quyền con người!
 
Nội dung thứ hai mà các thế lực thù địch thường lợi dụng để chống phá chế độ xã hội, Nhà nước ta, đó là xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nội dung của những thông tin mà chúng tán phát trong thời gian gần đây là cường điệu, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Luận điệu các đối tượng tung ra như chống tham nhũng thực chất là "cuộc đấu đá nội bộ", là cuộc tranh giành giữa "nhóm lợi ích mới với nhóm lợi ích cũ"; tham nhũng ở Việt Nam không bao giờ có thể chống được "vì đó là sản phảm của chế độ độc quyền đảng trị"… 
 
Đồng thời với tán phát thông tin chống phá chế độ, nhà nước ta, chúng tuyên truyền cho mô hình "đa nguyên chính trị", "đa đảng đối lập", đặc biệt là mô hình Hoa Kỳ. Theo chúng, đây là mô hình xã hội tôn trọng các quyền con người mà "Việt Nam nên hướng tới"!
 
Trong quan hệ quốc tế, các thế lực thù địch thường tập trung đả phá vào đường lối đối ngoại đa phương hóa và chính sách quốc phòng "ba không" của Đảng và Nhà nước ta (chính sách quốc phòng ba không: "không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia"). Các đối tượng phê phán, xuyên tạc chính sách quốc phòng "ba không" là nguy hiểm, là "tự trói tay mình"…
 
(2) Về phương thức, thủ đoạn chống phá chế độ xã hội, Nhà nước ta bao gồm cả hai hình thức trực tiếp và gián tiếp. Một số tổ chức nhân quyền tự xưng trong nước đã tiếp xúc với đại sứ nhiều nước phương Tây; đón gặp lãnh đạo các quan chức ngoại giao đến Việt Nam để trình bày và gửi thư "thỉnh nguyện", tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền… Có đối tượng đã tìm cách móc nối với các thế lực thù địch để được "mời ra nước ngoài" nhằm tiếp cận cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc nhưng không thành.
 
Một thủ đoạn mà các thế lực chống chính quyền hiện nay là kích động người dân tụ tập đông người, biểu tình gây rối, còn gọi là "hội chứng đám đông", "bất tuân dân sự". Phương thức này là một chiêu trò "kinh điển" của các lực lượng chống nhà nước hiện hữu đã từng diễn ra ở Trung Đông, Bắc Phi. "Bất tuân dân sự" là hành vi chống chính quyền từ thấp đến cao, thường thì chưa tới mức chính quyền các nước phải sử dụng bạo lực để đối phó. 
 
Giữa năm 2018, khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Đặc khu và thảo luận, thông qua Luật An ninh mạng, nhiều kẻ chống chế độ đã sử dụng thủ đoạn này, kích động người dân xuống đường biểu tình, đập phá tài sản, tấn công trụ sở cơ quan Nhà nước. Cho đến nay, TAND ở một số tỉnh đã đưa ra xét xử những kẻ cầm đầu, gây rối.
 
Phương thức gián tiếp chủ yếu là dựa trên internet, mạng xã hội để phát tán tin, bài, móc nối, tập hợp lực lượng ở nhiều vùng miền. Phương thức này thường là lập tài khoản cá nhân trên internet, mạng xã hội, nhất là Facebook để bình luận, viết bài, chat… nhằm phát tán thông tin xuyên tạc chế độ, Đảng, Nhà nước ta. 
 
Không ít kẻ đã dùng phương thức này lập tổ chức mạng để hoạt động. Những kẻ cầm đầu thường lợi dụng tổ chức ảo để tập hợp lực lượng chống nhà nước. Hoạt động của tổ chức ảo thường là ra lời "kêu gọi", lấy chứ ký (ảo), viết thư gửi cộng đồng, gửi một số cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước với nội dung xuyên tạc vụ việc, kêu gọi thả người này, tha người kia mà họ gọi là "tù nhân lương tâm".
Bảo đảm an ninh mạng cũng chính là bảo đảm quyền con người trên không gian mạng.
Bảo đảm an ninh mạng cũng chính là bảo đảm quyền con người trên không gian mạng.
Theo quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, quyền con người với tư cách là một giá trị đạo đức, đó là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Những giá trị này bao gồm: sự tôn trọng nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung và ý thức trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng và nhà nước. Với tư cách là một giá trị pháp lý, quyền con người là quy định pháp luật (trong luật các quốc gia và luật quốc tế) để bảo vệ nhân phẩm, các nhu cầu về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người và nghĩa vụ của mỗi người đối với xã hội và nhà nước.
 
Quyền con người không chỉ có tính phổ quát mà còn có tính đặc thù. Bởi vậy ở tất cả các quốc gia, quyền con người đều có những quy định hạn chế nhất định về quyền con người, nhằm bảo vệ chế độ xã hội, lực lượng cầm quyền - ngăn chặn những lực lượng đối lập lợi dụng quyền con người để lật đổ chế độ, nhà nước hiện hữu. 
 
Tuân thủ luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam cũng có những quy định hạn chế nhất định về quyền con người. Những hạn chế này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng và đạo đức xã hội. 
 
Cho nên những cuộc tụ tập đông người biểu tình gây rối hay "hội chứng đám đông, "bất tuân dân sự", gây mất ổn định, trật tự xã hội tại địa bàn là vi phạm pháp luật; hành vi tán phát thông tin sai sự thật, xuyên tạc chính sách, pháp luật, lịch sử cách mạng trên internet, mạng xã hội… là trái phạm pháp luật; việc lập tổ chức mạng để chống phá đất nước, hòng gây bất ổn xã hội cũng là hành vi phi pháp. Những hạn chế quyền con người vì lợi ích xã hội, cộng đồng thì mục đích cuối cùng cũng nhằm bảo về quyền và lợi ích của mỗi người trong xã hội.
 
Đối với Đảng và Nhà nước ta, bảo vệ và phát huy quyền con người không chỉ là thành quả của cách mạng mà còn là mục tiêu nhất quán trong các giai đoạn cách mạng Việt Nam. Chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người luôn luôn được cập nhật, bổ sung, hoàn thiện, trong đó có quyền tự do ngôn luận, sử dụng internet và mạng xã hội. Tuy nhiên cũng như các quyền khác, tất cả mọi người, các tài khoản sử dụng internet, mạng xã hội phải thực hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm pháp lý, hạn chế những quyền nhất định vì lợi ích quốc gia dân tộc, cộng đồng.

Nguồn: TS Cao Đức Thái/CAND

Các tin khác