Phóng sự

Ghi ở 'tâm bão' HIV của miền Tây xứ Nghệ (Kỳ 1)

14:40, 19/12/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Huyện Quế Phong từ trước tới nay luôn là “điểm nóng” về ma túy, không chỉ của Nghệ An mà còn là tâm điểm của cả nước. Hệ lụy từ “nàng tiên nâu” bủa vây dai dẳng, đặc biệt là tình trạng người nhiễm HIV tăng cao theo từng năm đã đặt huyện biên giới của miền Tây xứ Nghệ này vào tình trạng “báo động”.

Kỳ 1: Chuyện buồn ở huyện có gần 2.000 người nhiễm HIV

Tính đến tháng 11/2018, trên địa bàn huyện Quế Phong có tới 1.914 người nhiễm HIV. Trong đó, hiện đang có mặt và điều trị tại địa phương 1.113 người, đã tử vong 620 người, còn sống nhưng đi làm ăn xa hoặc chuyển đi nơi khác 174 người.

Bản Tạng, xã Tiền Phong - nơi có 5 người chết và 20 người bị nhiễm HIV
Bản Tạng, xã Tiền Phong - nơi có 5 người chết và 20 người bị nhiễm HIV

Cùng với huyện Kỳ Sơn ở mạn Tây Nam, huyện Quế Phong ở phía Tây Bắc đã tạo thành một cánh cung, ôm trọn biên giới miền Tây của tỉnh Nghệ An giáp với nước bạn Lào. Đây là một lợi thế không hề nhỏ để giao thương, phát triển kinh tế và tăng cường mối giao hảo cho nhân dân của 2 nước sinh sống dọc biên giới, tuy nhiên bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về ANTT.

Thực tế trong nhiều năm qua, tội phạm xuyên quốc gia đã chọn huyện biên giới này để làm “thánh địa” xuất phát điểm cho hành vi phạm tội của mình, đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy. Cơn lốc ma túy từ Lào tràn vào huyện nghèo này khiến nhiều người dân vướng vào nghiện ngập. Tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn khiến tỉ lệ nhiễm HIV ở đây tăng cao. Theo thống kê mới nhất, toàn huyện Quế Phong hiện có xấp xỉ 2.000 người nhiễm HIV. Đây thực sự là con số đáng báo động và thực tế số lượng người nghiện trên địa bàn đang biến động từng ngày.

Từ trung tâm TP Vinh, vượt hơn 200 km trong cái lạnh tê tái của mùa đông xứ Nghệ, chúng tôi đến với huyện Quế Phong vào 1 ngày cuối năm. “Bão” ma túy tràn qua, càn quét huyện nghèo này trong suốt hơn 20 năm qua không chỉ khiến nhiều gia đình, nhiều phận người mà có cả những bản làng nơi đây đã thực sự “ngã gục”. Bản Tạng, xã Tiền Phong là 1 điển hình về sự tàn phá mãnh liệt của “cái chết trắng” ở miền biên viễn này.

“Tại bản đã có 5 trường hợp qua đời vì nhiễm HIV. Trường hợp đáng thương nhất là em Lô Thị H. (SN 2000) vừa qua đời tuần trước”.  Đó là câu nói trầm buồn của ông Vi Văn Tiến, Trưởng bản Tạng mở đầu câu chuyện với chúng tôi khi nói về căn bệnh thế kỷ tại địa phương. Qua lời kể của ông Tiến, H. vốn sinh ra đã không có bố, sau này, mẹ của H. lấy chồng và sinh thêm 2 em, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Vì nhà nghèo nên em đành phải bỏ dở việc học khi vừa lên lớp 4 để ở nhà phụ giúp bố mẹ. Thương bố mẹ vất vả, thấy 2 em có nguy cơ không được đi học giống chị, mới 13 tuổi, H. đã quyết định đi làm thuê khắp nơi từ địa phương đến các thành phố lớn.

Trình độ học vấn thấp, khả năng đọc, viết, nói tiếng phổ thông chưa thạo, lại chưa đủ tuổi công dân, làm ăn chân chính không ai nhận, thân gái bơ vơ 1 mình nơi “đất khách quê người” đã khiến em sa vào tệ nạn xã hội. 2 tháng trước, H. trở về nhà trong tình trạng sức khỏe yếu, người gầy gò, thường xuyên buồn nôn, táo bón. Gia đình đưa đi khám và phát hiện em bị nhiễm HIV đã chuyển qua AIDS. Cô gái trẻ ra đi khi tuổi vừa chớm xuân xanh trong sự bàng hoàng, thương tiếc của người thân, hàng xóm.

Theo chân trưởng bản, chúng tôi ghé thăm mái nhà tranh xập xệ ven đường, đó là nơi ở của 3 mẹ con chị Lô Thị L. (SN 1974). Hơn 6 năm về trước, chị L. cùng chồng sử dụng, mua bán ma túy và bị đi tù. Ngày được trả tự do trở về nhà, chồng đã bỏ đi, 1 mình chị L. nuôi 3 con nhỏ. Không vượt qua được cám dỗ phận người, chị tiếp tục tìm đến ma túy và tái nghiện, cuộc sống nghèo khó không đủ tiền dùng ma túy nên đã dùng chung kim tiêm với nhiều người. Hệ quả tất yếu là chị L. bị nhiễm HIV. Cuộc sống vốn đã xơ xác nay càng thêm tiêu điều khi chị L. vừa nghiện, lại ốm đau bệnh tật triền miên. Nhiều năm qua, 4 mẹ con chị L. cứ thế sống leo lắt qua ngày trong lều tranh dột nát, bốc đủ thứ mùi xú uế, nhà không có bất cứ vật dụng gì đáng giá.

Cuộc sống leo lắt của chị Lô Thị L. cùng 4 người con trong căn nhà xập xệ
Cuộc sống leo lắt của chị Lô Thị L. cùng 4 người con trong căn nhà xập xệ

Trưởng bản Vi Văn Tiến cung cấp thêm: Bản Tạng hiện có 182 hộ dân, 763 nhân khẩu. Trong đó, hộ nghèo chiếm tới 54% dân số (83 hộ), chủ yếu là người Thái (95%). Theo hồ sơ quản lý, bản đã có 5 người chết vì HIV/AIDS và 20 người nhiễm HIV, hiện đang điều trị tại địa phương. Các trường hợp nhiễm “H” thường nằm trong độ tuổi 17 - 45, đa số do nghiện ma túy, trong đó có 2 trường hợp vợ bị lây từ chồng.

Thống kê cho thấy, Quế Phong là huyện miền núi biên giới có tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất tỉnh Nghệ An. Trong những năm qua, con số này không ngừng tăng lên một cách chóng mặt với diễn biến rất phức tạp. Cụ thể, theo số liệu mới nhất của Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, tổng lũy tích nhiễm HIV tính từ ca đầu tiên cho đến nay đang có xu hướng tăng mạnh theo từng năm. Nếu như vào năm 2009, toàn huyện chỉ mới phát hiện 127 người nhiễm thì đến tháng 11/2018, con số lên tới 1.914 người (tăng 15 lần chỉ sau 10 năm). Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện có 106 người phát hiện nhiễm HIV, trung bình mỗi tháng 7 - 8 trường hợp mới được phát hiện.

Một số địa phương có tỉ lệ người nhiễm HIV cao là xã Tiền Phong với 541 người, đã tử vong 170 người; xã Mường Nọc có 368 người, đã tử vong 148 người; xã Châu Kim có 201 trường hợp, xã Đồng Văn 146 trường hợp, xã Quế Sơn 153 trường hợp, xã Cắm Muộn 133 trường hợp, xã Quang Phong 108 trường hợp… Đó là chưa kể một bộ phận không nhỏ đang có nguy cơ cao, đã bị nhưng còn giấu bệnh, không đi xét nghiệm hoặc chưa phát hiện bệnh.

Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An phát hiện 9.594 trường hợp nhiễm HIV; 5.864 trường hợp nhiễm HIV chuyển sang AIDS; 3.993 trường hợp tử vong do AIDS. Tỉ lệ nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy chiếm 81,9% trong tổng số người nhiễm. Trong số này, TP Vinh và các huyện Diễn Châu, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Quỳ Hợp chiếm khoảng 65% tổng số người nhiễm HIV đang được quản lý trên toàn tỉnh.

                        (Còn nữa)

Kim Chi

Các tin khác