Phóng sự

Tê tái những mảnh đời co ro trong đêm lạnh

14:50, 05/01/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Giữa cái lạnh dưới 10 độ, Hà Nội đang trải qua những ngày rét nhất từ đầu mùa. Thế nhưng đâu đó nơi góc phố, gầm cầu, nhà ga… vẫn còn những người vô gia cư ngày đêm phải gồng mình chịu đựng cơn buốt giá. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng họ đều có điểm chung - đó là không có nơi để trở về.
 
Những phận đời giữa đêm đông
 
Người Hà Nội đang nhọc nhằn đi qua những ngày khắc nghiệt nhất của mùa đông, nhịp sống vốn ồn ã bỗng như chững lại trong cái rét tê người. Đâu đó nơi góc phố, đầu đường là những người vô gia cư sùm sụp, co mình tìm chỗ qua đêm. 
 
Ngồi trong một cây ATM đầu phố Quang Trung, cụ Bùi Văn Huy (Cao Phong, Hoà Bình) co ro vén những tấm áo cũ rồi rít một hơi thuốc thật dài, nói: "Hà Nội mấy hôm nay lạnh lắm… Đợt lạnh này lại rơi vào đúng kỳ nghỉ nên đường thưa thớt, chẳng có mấy ai qua lại cả. Chúng tôi vạn bất đắc dĩ không nhà không cửa mới phải bám trụ nơi đây".
 
Với những người vô gia cư ở Hà Nội, họ sợ nhất những ngày này, bởi họ không chỉ đói cơm rét áo, lo chỗ nương thân không đủ ấm mà còn là nỗi cô đơn đến cùng cực. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một số phận nhưng điểm chung nhất của họ đều là sự khao khát một ái ấm gia đình. 
 
Cụ Huy cập quạng lần mò tìm cho mình chỗ nương náu qua đêm đông, tay run run kéo tấm chăn mỏng kể lại hoàn cảnh của mình. Trước cụ từng là bộ đội chống Pháp, khi trở về quê hương lấy vợ rồi sinh con đẻ cái, làm kinh tế. 
 
Vốn là người hoạt bát, chịu khó nên gia đình cũng có chút của ăn của để. Những tưởng cuộc sống khi về già được an nhàn thì cả 6 người con đều đổ đốn, không muốn nuôi dưỡng cụ. Buồn chán, uất ức, cụ Huy buộc lòng phải lang bạt xuống Hà Nội kiếm sống. 
 
Cụ bảo, giờ cụ như ngọn đèn trước gió vậy, xuống Hà Nội không người thân thích, lang thang xin ăn, ngày không ốm đau thì ai thuê gì làm nấy: "Tháng trước tôi có về giỗ bà ấy, các con thấy tôi về, chúng nó tỏ ra lo lắng vì sợ tôi ở nhà. Tôi biết ý như vậy nên về chỉ thắp hương cho bà ấy xong rồi lặng lẽ bắt xe xuống Hà Nội ngay. Chả giúp gì được các con thì mình cũng tránh làm phiền chúng nó. Nhiều khi nghĩ cũng tủi thân lắm xem như số mình nó vậy, ông giời đày đọa thì phải chịu thôi".
Một em bé vô gia cư ngủ say giữa đêm đông Hà Nội.
Một em bé vô gia cư ngủ say giữa đêm đông Hà Nội.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2018, những người còn trụ lại đất Hà thành chủ yếu là dân ngoại tỉnh. Vì mưu sinh, vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt mà họ phải xa quê. 
 
Ông Bùi Văn Nghinh (75 tuổi, Thanh Hoá) ngồi run bần bật bên chiếc điếu cày với chiếc áo mưa mỏng manh, ông nói: "Đợt gió mùa này về đột ngột, tôi không kịp chuẩn bị quần áo ấm nên hãi quá. Dù thấy trong người khác khác nhưng vẫn phải cố gắng kiếm được đồng nào hay đồng đó. Ở quê còn bà ấy và hai đứa con tật nguyền nữa. Mình có thể đói, rét chứ không để vợ con ở nhà khổ được". 
 
Ông Nghinh lên Hà Nội mưu sinh cũng tròn 10 năm. Để tiết kiệm tiền lo cho các con, hàng ngày ông Nghinh không dám thuê phòng trọ, tiện đâu nằm đó. Khi thì ở góc chợ, lúc lại nằm ống cống của các công trình xây dựng, có khi lại nằm tạm ở cây ATM nào đó. Nhiều hôm ngủ say ông còn bị kẻ xấu móc hết cả tiền bạc dành dụm được, thậm chí có lần bị mấy kẻ nghiện hút trấn lột. 
 
"Tôi cũng có tuổi rồi, giờ không làm được việc nặng nữa, công việc chủ yếu là dọn dẹp phế liệu, nhặt vỏ chai, vét cống… Một vài năm nay người ta thấy tôi già, người lại yếu yếu nên cũng không muốn thuê làm. Thôi thì cố gắng được ngày nào hay ngày đó, làm đến khi nào không chịu được nữa thì về quê" - ông Nghinh kể.
 
Hơn 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Thắng, 78 tuổi (quê Hải Dương) phải sống cuộc đời lang bạt nay đây mai đó. Vì không lập gia đình nên ông không có cho mình một mái ấm. Cuộc sống không người thân khiến ông nhiều lần muốn gục ngã, muốn buông xuôi tất cả. Càng những ngày giá rét, Hà Nội vắng bóng người ông Thắng lại càng thấy tủi thân, xót xa cho số phận. 
 
Ông Thắng tâm sự: "Nhiều lúc cũng tủi lắm, nhìn thấy người ta có nhà mà về còn mình thì kiếp lang thang, nay ốm mai đau không ai biết. Nhất là những ngày Hà Nội vắng vẻ vì người ta về quê nghỉ lễ tôi lại càng buồn, ước ao giá mà đời mình cũng có chốn dung thân thì đỡ khổ hơn nhiều". 
 
Ban ngày, ông Thắng đi đánh giày để kiếm sống. Chiều đến lại đi làm bảo vệ cho một cửa hàng quần áo ở phố Chùa Bộc. Đêm ông lại trở về góc phố Ngô Quyền để ngủ. Những đêm mưa giông, giá rét ông lại phải thu mình vào những mái hiên nào đó.
Với những người vô gia cư, khái niệm nhà chỉ là nơi tránh mưa, tránh rét.
Với những người vô gia cư, khái niệm nhà chỉ là nơi tránh mưa, tránh rét.
 
Ấm lòng những người vô gia cư
 
Với những người vô gia cư ở Hà Nội, những ngày rét lạnh vừa qua, họ dường như phần nào được an ủi, ấm lòng khi có nhiều nhóm bạn trẻ đã cảm thông với hoàn cảnh của họ, cùng nhau tổ chức phát quà từ thiện cho người vô gia cư. 
 
Trong đó phải kể đến nhóm "Đêm không ngủ", "Áo ấm cho người vô gia cư" hay "Mùa đông không lạnh"… Như nhóm "Đêm không ngủ" đã phát động quyên góp, ủng hộ hiện vật cũng như tiền mặt trong thời gian vừa qua. Các bạn trẻ mong muốn nhóm lên những tia lửa ấm áp để đưa tình yêu thương của mình tới những mảnh đời bất hạnh ngoài xã hội. 
 
Với những người trẻ, họ thực sự xúc động và hiểu được một mặt khác của cuộc sống ngay tại Thủ đô. Nhiều bạn trẻ đã không cầm được nước mắt khi mà khái niệm "nhà" của những người vô gia cư chỉ là ghế đá, vỉa hè, gầm cầu, nhà ga… hay thậm chí là các phòng đặt máy rút tiền tự động. Với những người vô gia cư thì nhà chỉ đơn giản là nơi có thể tránh mưa, tránh rét.
 
Không chỉ đóng góp, kêu gọi vật chất để mang tới những người vô gia cư mà các bạn trẻ còn được trang bị kỹ năng giao tiếp hết sức bài bản. Bởi những người vô gia cư đều là những hoàn cảnh đặc biệt, họ là là đối tượng rất nhạy cảm. 
 
Bạn Nguyễn Hải Anh cho hay: "Bọn em chia nhau thành các nhóm nhỏ, phân công nhau đi tìm người vô gia cư tại những địa bàn khác nhau. Khi thấy họ, các tình nguyện viên đỗ xe cách họ một khoảng cách đủ xa để tránh làm phiền, rồi từng tốp ba, bốn người lại gần phát quà, trò chuyện hỏi thăm. Việc cười nói, chụp ảnh luôn hạn chế ở mức tối thiểu nhằm tạo cảm giác thoải mái cho những người sống lang thang trên phố. 
 
Khi tham gia chương trình này nhiều bạn trong nhóm đã hiểu được cuộc sống phía sau sự phồn hoa tấp nập, thấy cần phải sống tích cực hơn, trân trọng những gì mình đang có. Họ như tuổi ông bà, bố mẹ, các em mình vậy, nhưng cuộc sống của họ thật sự cơ cực. Rất nhiều bạn trong nhóm đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến những mảnh đời lạnh run trước gió lạnh".
Người phụ nữ này ước mơ có một mái nhà để trở về.
Người phụ nữ này ước mơ có một mái nhà để trở về.
Cứ vào tối thứ 7, các tình nguyện viên của nhóm "Ấm" lại tập trung tại một quán cà phê nhỏ để phân đồ. Những chiếc khăn siêu nhẹ, vài tấm áo hay đôi giày được các bạn gói ghém cẩn thận trong túi, đồ ăn như bánh mỳ, xôi, sữa được xếp riêng. Mọi việc xong xuôi, họ lại bắt đầu hành trình đem hơi ấm với những mảnh đời "màn trời chiếu đất".
 
Ngồi co ro trên vỉa hè giữa đêm đông lạnh giá, ông Lê Văn Vinh (60 tuổi, quê Hà Tĩnh) đưa bàn tay lạnh cứng đón nhận hộp xôi, chiếc áo từ tay một bạn trẻ. Ông  xúc động bởi từ tối đến giờ bụng ông không có gì ngoài vài ngụm rượu nhạt của người bạn. Ông Vinh kể, trước ông cũng có nhà cửa đàng hoàng nhưng vì bi kịch liên tiếp ập đến gia đình, hơn chục năm nay ông phải lang thang khắp các con phố. Hàng ngày ông ngoài đánh giày còn nhặt rác, nhổ cỏ thuê kiếm sống. 
 
"Tôi cảm động lắm, không ngờ bây giờ có nhiều các cháu trẻ tuổi mà tốt bụng quá. Nhận được quà từ thiện của các cháu vào lúc này quả thực là một ân huệ lớn của cuộc đời. Đôi khi chính con cháu của mình cũng chẳng thể cho mình được" - ông Vinh tâm sự.
 
Cứ như thế 2 năm qua, nhóm "Ấm" đã đi khắp các con phố của Hà Nội để mang đến hơi ấm tình thương cho những người vô gia cư. Mỗi lần đi, trung bình nhóm phát được 20 suất quà gồm đồ ăn và quần áo, hôm nhiều nhất là 50 suất. Người đã có áo ấm, chăn ấm thì nhường cho người chưa có. Ngoài những con phố quen thuộc nhóm còn cử người đi tìm các địa điểm mới ở gầm cầu, bến xe, chợ… 
 
Bạn Lưu Minh kể: "Nhiều khi đến nơi quen thuộc, gặp các bác nằm ngủ còn không dám đánh thức mà lặng lẽ đặt đồ ăn bên cạnh. Khi tỉnh dậy họ sẽ có ngay đồ ăn để lót dạ. Để tránh làm phiền, chúng em thường đỗ xe từ đằng xa, tránh rọi đèn, hoặc cười nói… chỉ có 2 bạn được cử mang đồ ăn tới, người còn lại đừng bên kia đường".
 
Những phần quà đã được trao đến những hoàn cảnh đặc biệt, kém may mắn. Dù chỉ là những bát cháo nóng, tấm chăn hay dăm ba hộp sữa nhưng ngọn lửa yêu thương đã bùng cháy, phần nào sưởi ấm được những mảnh đời bất hạnh, những người vô gia cư.

Nguồn: Phong Anh/CAND

Các tin khác