Phóng sự
Chiến công thầm lặng của đơn vị ở vùng biên
10:11, 14/01/2019 (GMT+7)
Khi có án, tất cả đều là trinh sát, điều tra viên; đều lăn lộn bền bỉ, dẻo dai trên khắp các bản làng. Đôi chân họ "bạt" núi, "xé" rừng, không quản gian khổ vì bình yên nơi "phên giậu" của Tổ quốc.
"Lính chiến văn phòng"
Tâm sự với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Sơn La tự hào cho biết, giai đoạn 1990-2004 là thời gian chiến đấu sôi động và gian khổ nhất của anh em Văn phòng Cơ quan CSĐT.
Là đơn vị mũi nhọn trong điều tra, giải quyết các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn, nhiều vụ án xảy ra ở những nơi khó khăn về kinh tế, xã hội nhất trong tỉnh, cán bộ chiến sĩ của đơn vị phải xuống bám địa bàn, ăn ở với dân hàng tháng trời, thiếu thốn về kinh phí, phương tiện.
Họp bàn đấu tranh với nhóm tội phạm có tổ chức. |
Những chuyến đi bạt núi, xé rừng trong những ngày đông giá rét, tuyết rơi trắng trời càng tôi luyện thêm quyết tâm cho những người lính điều tra.
Giai đoạn từ 2004 đến nay, Văn phòng Cơ quan CSĐT là lực lượng trực tiếp chiến đấu, được Ban Giám đốc Công an tỉnh tin tưởng giao nhiều việc khó, phức tạp. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ của văn phòng đều làm nhiệm vụ trinh sát, điều tra, phá án. Điển hình là Chuyên án đấu tranh với 2 đối tượng Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận tại xã Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La).
Sau khi Tuân và Thuận bị tiêu diệt, Văn phòng Cơ quan CSĐT được Ban Giám đốc Công an tỉnh tin tưởng, giao nhiệm vụ chủ trì, tiến hành thụ lý điều tra vụ án, củng cố tài liệu, chứng cứ, phân hóa đối tượng, mở rộng tiến hành khởi tố 2 vụ án, 6 bị can về các tội: Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; chống người thi hành công vụ, tàng trữ trái phép chất ma túy, vi phạm các qui định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm chia sẻ: "Với một tập thể thống nhất, đoàn kết, mặc dù quân số không đông nhưng mạnh và đa năng, mỗi cán bộ chiến sĩ Văn phòng Cơ quan CSĐT đều có trình độ nghiệp vụ, có niềm đam mê, nhiệt huyết với công việc, có khả năng trinh sát, thụ lý điều tra án, tham mưu tổng hợp, kiểm tra, hướng dẫn... Chính điều này đã làm nên "thương hiệu" của Văn phòng Cơ quan CSĐT".
Từ năm 2013 đến cuối năm 2016 trên địa bàn thành phố Sơn La xuất hiện nhiều đối tượng hình sự từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Phú Thọ, Hòa Bình... câu kết với các đối tượng hình sự trên địa bàn thành phố thành lập các ổ nhóm tổ chức đánh bạc, cho vay nặng lãi, "tín dụng đen"; sử dụng hung khí nguy hiểm đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, trả thù, thanh toán lẫn nhau, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản... gây tâm lý hoang mang, lo sợ và bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm mất ổn định an ninh trật tự.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh với quyết tâm đấu tranh, làm rõ và xử lý nghiêm các ổ nhóm đối tượng, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với lực lượng Công an, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với một số đơn vị tổ chức điều tra, xác minh, xác lập chuyên án, huy động lực lượng, xác minh, truy bắt các ổ nhóm đối tượng hoạt động phạm tội trên địa bàn thành phố.
Kết quả, đã xác định được 7 ổ nhóm tội phạm với gần 70 đối tượng hình sự có biểu hiện hoạt động tổ chức đánh bạc, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản...Từ đó xây dựng kế hoạch đấu tranh chuyên án, tổ chức phá án thành công.
Giải cứu nạn nhân trong đường dây mua bán người
Từ đầu năm 2017 đến đầu năm 2018, tại địa bàn các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Quỳnh Nhai (Sơn La) xảy ra tình trạng phụ nữ và trẻ em vắng mặt tại địa phương không rõ lý do, nghi bị lừa bán sang Trung Quốc.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT quyết định đề xuất với Ban Giám đốc Công an tỉnh cho đấu tranh với tội phạm mua bán người. Đơn vị đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, bám nắm các đối tượng nghi vấn tại các địa bàn trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Khó khăn, vất vả không thể đong đếm. Mùa đông trên vùng rẻo cao, nhiệt độ có khi xuống dưới 5 độ C cộng với những cơn mưa phùn triền miên đã "quần tơi tả" bước chân của người lính.
Các đối tượng bị bắt trong ổ nhóm tội phạm có tổ chức. |
Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm tâm sự: "Đi về những bản làng xa hun hút ấy, chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi ánh mắt ngây thơ, trong sáng của những đứa trẻ và đôi bàn tay lấm lem bùn đất của người mẹ. Cuộc sống của họ bình yên là thế nhưng đã bị đối tượng xấu lừa gạt, mang đi buôn bán kiếm tiền. Cán bộ điều tra luôn tự nhủ với lòng, phải quyết tâm làm việc, giải cứu họ, trả họ về ngôi nhà thân yêu của mình".
Qua công tác nắm tình hình và nguồn tin của quần chúng nhân dân cung cấp, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận định, một số đối tượng từ nơi khác đến câu kết với đối tượng cư trú ở địa bàn đã sử dụng thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo, lừa dối những người phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đi làm thuê với lời hứa sẽ trả lương cao rồi đưa thẳng sang Trung Quốc bán.
Trong quá trình xác minh, điều tra đường dây mua bán người, các trinh sát Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã lặn lội về những bản làng xa xôi nhất, cheo leo nhất của tỉnh Sơn La và các tỉnh "địa đầu" như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái.
Ngày 12/4/2018, tại bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), Ban chuyên án phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai giải cứu Thào Thị Sú (SN 1992) và Sùng Thị Giống (SN 2002), cùng trú tại bản Suối Ún (xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La).
Ngày 19/4/2018 tại thị trấn Phù Yên, Tổ công tác phối hợp với Công an huyện Bắc Yên phát hiện, ngăn chặn 2 nạn nhân bị các đối tượng lừa đi Lào Cai là Hạng Thị Vàng (SN 1988) và Hạng Thị Giống (SN 2002), cùng trú tại bản Háng B (xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La).
Do hám lợi và điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khoảng tháng 1 năm 2018 Lù Văn Thảnh (SN 1979, trú tại bản Huổi Cuổi, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) nảy sinh ý định đưa con gái là Lù Thị Phương (SN 2006) đi làm con nuôi hoặc cho người khác lấy làm vợ để lấy tiền.
Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận cờ thi đua của Bộ công an. |
Qua mối quan hệ từ trước, Thảnh biết người phụ nữ tên là Là Thị Pánh (SN.1982, trú cùng xã) đi lấy chồng ở bản It Chom Dưới (xã Tà Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) có mối quan hệ bên Trung Quốc nên đã liên lạc với Pánh qua điện thoại nhờ vả. Pánh giới thiệu và cho số điện thoại của một người phụ nữ tên Sẳng ở Trung Quốc. Thảnh đã nói chuyện, trao đổi qua điện thoại với bà Sẳng việc cho, nhận con nuôi.
Sau đó Thảnh được Dạ A Phóng (SN 1985 trú tại bản Nà Sài, xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) quen biết bà Sẳng khi đi làm thuê ở Trung Quốc liên lạc để làm cầu nối.
Tháng 3/2018 Phóng cùng vợ đến nhà Thảnh chơi. Tại đây Thảnh đặt vấn đề nhờ Phóng dẫn đường đưa cha con Thảnh sang Trung Quốc và hứa sẽ "lại quả" cho Phóng sau khi có người mua con.
Vài ngày sau, Thảnh chở vợ con ra bến xe khách huyện Quỳnh Nhai cầm xe máy được 1,5 triệu đồng. Sau đó, Thảnh nhờ Là Văn Chiến (người cùng bản) dẫn đường đưa vợ và cháu Phương lên xe khách đi sang tỉnh Lai Châu và được vợ chồng Phóng đón về nhà ăn nghỉ.
Ngày hôm sau, nhóm 6 người gồm Phóng, cháu Phương, Là Văn Chiến, Lò Thị Chiến và vợ chồng Thảnh đi xe khách lên khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng (thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) rồi theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và được bà Sẳng đón về nhà.
Thảnh trao đổi với bà Sẳng, nếu ai lấy cháu Phương thì phải trả cho Thảnh số tiền 20.000 nhân dân tệ (khoảng 65 triệu đồng tiền Việt Nam). Trong thời gian ở nhà bà Sẳng có một số người Trung Quốc đến xem cháu Phương nhưng do Phương nhỏ tuổi quá nên bà Sẳng chưa bán được.
Thảnh đã giao Phương cho bà Sẳng và tạm ứng 300 NDT (khoảng 1 triệu đồng Việt Nam) rồi cùng mọi người về Việt Nam. Được 2 ngày thì bà Sẳng giao bán cháu Phương cho người Trung Quốc và gọi Thảnh sang lấy tiền. Bà Sẳng đưa cho Thảnh 15.000 nhân dân tệ.
Về đến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Thảnh đã đổi ra tiền Việt Nam được 53.200.000 đồng. Toàn bộ số tiền bán con, Thảnh dùng trả nợ, chuộc xe máy và mua thuốc sâu, gạo, mắm... phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Cháu Phương bị đưa đi sâu vào nội địa Trung Quốc, bị ép làm vợ cho người đàn ông khoảng 28 tuổi. Phương không đồng ý và bỏ trốn đến đồn Công an Trung Quốc trình báo.
Ngày 16/7/2018 cháu Phương được Công an Trung Quốc trao trả về Việt Nam. Sau khi tiếp nhận cháu Phương từ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với Công an huyện Quỳnh Nhai, UBND xã Chiềng Bằng, chính quyền bản Huổi Cuổi bàn giao cháu Phương cho đại diện gia đình.
Căn cứ vào tài liệu chứng cứ thu thập được cùng lời khai của bị hại, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt khẩn cấp Lù Văn Thảnh, Dạ A Phóng và ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "mua bán người dưới 16 tuổi". Trong các vụ mua bán người, có lẽ đau lòng và nhức nhối nhất là vụ Lù Văn Thảnh.
Nhìn ánh mắt bé Phương ngơ ngác, hoảng loạn trong ngày được giải cứu đã chạm vào lương tri của bất cứ ai. Tại sao một người cha lại đang tâm mang con ruột của mình đi bán? Đây là câu hỏi mãi day dứt, trăn trở với những người làm công tác điều tra.
Kết quả đấu tranh với tội phạm mua bán người, Văn phòng Cơ quan CSĐT đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 16 vụ, 26 đối tượng về tội mua bán người, giải cứu 4 nạn nhân.
Trải qua thời gian, ở mỗi giai đoạn, Văn phòng Cơ quan CSĐT đều để lại dấu ấn và những chiến công vẻ vang. Đơn vị vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba, được Bộ Công an tặng 1 Bằng khen, UBND tỉnh Sơn La tặng 11 Bằng khen... 8 năm đạt danh hiệu đơn vị Quyết Thắng...
Nguồn: CAND