Phóng sự
Cần mạnh tay với những clip nhảm gắn mác trẻ em
14:33, 17/01/2019 (GMT+7)
Hiện xuất hiện rất nhiều clip sử dụng hình ảnh nhân vật hoạt hình quen thuộc, sau đó biến tấu cách ăn mặc phản cảm, hở hang, nội dung không phù hợp với trẻ em. Rồi còn cả hàng loạt những clip có nội dung điên rồ, vô bổ hướng tới đối tượng là các em học sinh.
Dư luận cho rằng, những clip này đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức, hành động của trẻ em. Vì thế việc đưa ra những chế tài xử phạt đối người sản xuất và cả những đơn vị Network là việc làm cấp bách hiện nay.
Tràn lan clip nhảm gắn mác trẻ em
Với sự phát triển của Internet, điện thoại smartphone, để sản xuất ra một clip sau đó chia sẻ lên mạng xã hội trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trào lưu này mới chỉ du nhập vào Việt Nam nhưng đã được đón nhận hết sức mạnh mẽ. Khi mà Youtube, trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới, trả tiền cho các nhà làm video thông qua các quảng cáo hiển thị trên video chia sẻ lên Youtube, càng khiến nhiều người tự thực hiện để kiếm thêm thu nhập.
Thực tế có nhiều video được các nhà sản xuất thực hiện rất tốt, họ đầu tư kỹ lưỡng cả về nội dung và hình ảnh, âm thanh. Các video này có những nội dung hữu ích, chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống, kinh nghiệm cho những chuyến đi, thông tin lịch sử, kỹ năng sống…
Tuy nhiên bên cạnh đó lại xuất hiện nhiều video có nội dung nhảm nhí, thậm chí điên rồ và nguy hiểm để đăng tải lên Youtube, với mục đích gợi trí tò mò của người xem và thu hút càng nhiều lượt xem càng tốt.
Chẳng khó khăn gì để tìm kiếm những clip có những nhân vật hoạt hình quen thuộc được biến tấu rồi đăng tải trên Youtube dành cho trẻ em. Những nhân vật đó như công chúa Elsa. Spiderman, Joker, Superman… Tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh đã không khỏi giật mình bởi những người sản xuất clip đó lại biến tấu các nhân vật hết sức phản cảm.
Chị Lê Thanh Tú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường cho cháu (3 tuổi) xem Youtube công chúa Elsa, một lần bất ngờ nhìn thấy hình ảnh hở hang, nhảm nhí nên cấm cháu không cho xem nữa. Công chúa Elsa mặc áy rất đẹp nhưng lại ngắn, thậm chí hở đến ¾ ngực. Đó là chưa kể nội dung nhiều chỗ rất dung tục. Từ đó không dám cho cháu xem nữa. Như con bé nhà cô bạn tôi, thấy ai cũng lao vào hôn, mẹ nói thì bé bảo làm giống công chúa Elsa”.
Thử thách 24h làm trò đang là trào lưu của giới trẻ. |
Trên thế giới đã có nhiều kênh dạng này như SuperheroIRL, Webs $ Tiaras – Toy Monster Compilations thường hướng đến nội dung nhẹ nhàng, các tình huống gần gũi với trẻ em hoặc lựa chọn đồ chơi, bánh kẹo…
Những kênh giải trí kiểu này luôn thu hút một lượng người xem rất lớn, chính vì thế một số nhà sản xuất nội dung tại Việt Nam cũng đã làm theo. Tuy nhiên bên cạnh những video đúng tiêu chí trẻ em, nội dung hài hước, gợi mở tò mò cho trẻ thì không ít kênh lại lợi dụng và lồng ghép vào các cảnh hở hang, nội dung kỳ lạ, nhưng vẫn gắn tag hướng tới trẻ em. Các clip này được gắn từ khoá, gợi ý hết sức chuyên nghiệp, chính vì thế chúng đạt được lượt người xem khổng lồ.
Như vậy có nghĩa là, đã có hàng chục triệu người, không kể trẻ em – người lớn, đã và đang theo dõi những clip có nội dụng được đánh giá là thiếu tính giáo dục. Qua tìm hiểu của phóng viên, các video này không ít cảnh hở hang, máu me, bạo lực liên tục được lặp đi lặp lại. Thậm chí có nhiều phân cảnh hôn nhau, công chúa Elsa bị cưỡng hiếp… hết sức gợi dục.
Đối với các bạn thiếu nhi không còn lạ gì với kênh Youtube có tên “Cà chua đỏ”, đây là những clip chuyên về những trò chơi, câu chuyện của lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên nhiều người đánh giá đã có những nội dung hết sức phản giáo dục.
Cụ thể, trong clip “Học sinh bá đạo – Cách giấu slame trong lớp không bị phát hiện”. Youtuber hướng dẫn các em học sinh cho slame vào hộp phấn, hộp bút chì… đặc biệt có cả hình ảnh kiểm tra của cô giáo nhưng không thể phát hiện ra cách giấu slame của các em học sinh.
Chị Bùi Thị Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: “Đúng là kênh Youtube của “Cà chua đỏ” các con tôi rất thích xem, đi học về đến nhà là bật xem, đôi lúc chúng còn tỏ ra thích thú và cười rất nhiều. Thường thì tôi không quan tâm nhiều đến nội dung cho lắm. Tuy nhiên, vừa rồi có xem một đoạn thấy người ta hướng dẫn các con làm slame, dù đã được cảnh báo đó là trò chơi nguy hiểm.
Đặc biệt lại dạy các cháu giấu slame để mang đến lớp mà cô giáo không thể phát hiện. Như vậy chẳng khác nào dạy các cháu không trung thực, dạy các cháu cách đối phó với thầy cô giáo. Tôi nghĩ các clip khi được đưa lên công khai cần phải có cơ quan nào đó kiểm duyệt về nội dung, hình ảnh, đặc biệt đối tượng lại là trẻ em”.
Không những vậy, hiện nay còn xuất hiện rất nhiều video “thử thách” để kiểm tra sức chịu đựng của con người, tuy nhiên đó thực sự là những thử thách hết sức điên rồ và vô nghĩa. Chẳng hạn như với video “Thử thách 24h làm heo”, một bạn trẻ đã… chui vào chuồng lợn 24h, thực hiện những hành động, cách sống của một chú lợn trong 24h, rồi quay lại clip, sau đó đăng tải lên Youtube.
Clip này thu hút tới 16 nghìn lượt xem. Tương tự là các thử thách như “Thử thách 24h làm chó”, nguy hiểm hơn là “Thử thách 24h sống trong quan tài”, “Thử thách 24h sống trong nhà dưới đất”, “Thử thách bơi trên sông bằng túi nilon”, khủng khiếp hơn là “Thử thách uống dung dịch vệ sinh phụ nữ”.
Cụ thể, có đoạn clip với tiêu đề “Uống nước nhà vệ sinh ngon như nước lọc”, trong đó có quay cảnh múc nước từ bồn cầu nhà vệ sinh vào ly, sau đó người trong video tham gia chơi để xem ai là người phải uống nước trong cốc nước đó. Điều đặc biệt, đoạn clip này thu hút tới 160 nghìn người xem. Như vậy trong hàng trăm nghìn lượt xem, chắc chắn có những em nhỏ còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Với tâm lý còn non nớt, đang phát triển và hoàn thiện, ai sẽ đảm bảo các em không làm theo những clip thử thách điên rồ, vô bổ đó. Có lẽ nhiều bạn trẻ Việt đã chấp nhận dẹp bỏ tất cả, từ danh dự đến sức khoẻ của mình để trở nên nổi tiếng trên Youtube, để kiếm nhiều tiền từ trang web này?
Rất nhiều clip được biến tấu các nhân vật hoạt hình một cách phản cảm. |
Không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất
Các kênh này, được giới thiệu là đăng ký tại Mỹ nhưng vẫn cho phép theo dõi tự do ở Việt Nam. Sau nhiều phản ánh của dư luận, của các bậc phụ huynh hiện các kênh đã khoá nhiều video tại Việt Nam. Tuy nhiên theo nhiều người thạo về công nghệ, nếu giả lập địa chỉ IP, người dùng vẫn có thể tìm thấy và xem các clip này.
Nhiều phụ huynh cho hay, dù lựa chọn clip cẩn thận, hệ thống gợi ý của Youtube thường dẫn đến các video tương tự, trong đó có những video rất phản cảm. Người dùng hoàn toàn bị động trước những gợi ý này, nên khi hiện lên to mò sẽ click vào xem.
“Tôi nghĩ, trách nhiệm không chỉ của những người sản xuất nội dung, mà còn là của mỗi đơn vị hỗ trợ network, vì đây là tư vấn từ khoá, quảng cáo, nhắm vùng hay đối tượng tại tường quốc gia. Các kênh tương tự ra thế giới bị kiểm duyệt mạnh. Khi trẻ con các nước khác xem và biết đó là do Việt Nam sản xuất, nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến vấn đề khác” – Anh Lê Minh Sơn (một phụ huynh trên địa bàn quận Hà Đông) chia sẻ.
Với những hình ảnh phản cảm, nội dung không phù hợp, nhiều nhóm Facebook, diễn đàn đang có các chiến dịch tẩy chay, báo cáo các kênh trên Youtube. Việc tồn tại các clip vô bổ, sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ như vậy là không thể chấp nhận được. Những status được đăng tải rất nhiều trên các fanpage, các diễn đàn như: Không hiểu vì sao những clip này vẫn vô tư được phát tại Việt Nam.
Công chúa Elsa ăn mặc hở hang là cảnh không thiếu trong các clip dành cho trẻ em. |
Trẻ em xem cái này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển tư duy, hình ảnh những suy nghĩ, tư tưởng lệch lạc, sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường về sau”; hoặc “Vấn đề là vì sao các đơn vị network trong nước vẫn đồng ý liên kết với những kênh đó có nội dung phản cảm, hướng sai đối tượng. Có phải network đã “nhắm mắt đưa chân”, hay còn mục đích nào khác”.
Mới đây, đại diện truyền thông của Youtube tại Việt Nam cho hay, đây là nền tảng mở, nên sẽ có cơ chế xử lý dựa trên cộng đồng. Nếu video/kênh video ảnh hưởng đến cộng đồng, Youtube sẽ xem xét gỡ bỏ, thực tế đã có một vài video bị cảnh bảo quá nhiều và bị xoá.
* Nhà Xã hội học Trịnh Hoà Bình nhận định: "Ở đây chúng ta nên đặt ra vấn đề là, tất cả những chỗ nào mang tính chất như trận địa, quyết chiến mà chúng ta đã thua trận thì phải khôi phục cái trận địa ở chính chỗ đó. Từ đấy đặt ra câu chuyện, thay vì những clip nhảm nhí ở trên mạng thì những người yêu quý trẻ em, những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục trẻ em nên gia tăng thêm những thông tin bổ ích chính trên mạng.
Thay vì những lớp giáo dục chính thống, giáo điều, những chương trình cứng nhắc thì hãy tạo ra nhiều chương trình ý nghĩa, gần gũi. Bên cạnh đó thì nhà chức trách phải dùng kính chiếu yêu để giản lược những clip "đen", những clip xấu có thể đầu độc giới trẻ. Ngoài ra phải tranh thủ tối đa chính cộng đồng mạng để tuyên truyền, giáo dục tới nhận thức của lớp trẻ".
* Bộ Thông tin - Truyền thông vừa ban hành Thông tư 38, quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. Thông tư quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tại nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng, dịch vụ tìm kiếm và các loại hình tương tự khác trên mạng để cung cấp thông tin công cộng mà người sử dụng tại Việt Nam có truy cập hoặc sử dụng dịch vụ.
Thông tư khẳng định các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện chính sách phát triển, quản lý thông tin trên mạng.
Một điểm nổi bật của Thông tư là cơ quan quản lý Nhà nước có quyền thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn yêu cầu trang mạng cung cấp thông tin qua biên giới thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Nguồn: Phong Anh/CAND