Phóng sự

Quyết liệt ngăn chặn tình trạng vượt biên bán con (Bài 2)

11:48, 16/01/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng phụ nữ mang thai vượt biên sang bên kia biên giới sinh đẻ rồi bán con, gây nên tình hình phức tạp, trong khi việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn vì vướng phải các quy định, chế tài của luật pháp.

Bài 2: Khó khăn, vướng mắc trong chế tài xử lý

Trước thực trạng buôn bán bào thai qua biên giới xảy ra trong thời gian gần đây, Công an Nghệ An đã quyết liệt chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn. Tuy nhiên, do vướng mắc chế tài nên việc xử lý còn gặp khó khăn.

Công an huyện Kỳ Sơn tổ chức ký cam kết cho phụ nữ không sang Trung Quốc bán bào thai
Công an huyện Kỳ Sơn tổ chức ký cam kết cho phụ nữ không sang Trung Quốc bán bào thai

Liên quan đến vấn đề thực trạng vượt biên bán bào thai của những phụ nữ vùng cao, mới đây nhất, phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra từ ngày 10 - 12/12/2018, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh cũng đã báo động về thủ đoạn buôn người rất mới này. Theo Giám đốc Công an tỉnh, đây là một thủ đoạn mới của những kẻ buôn người, vừa rộ lên từ khoảng đầu năm 2018 đến nay. Chủ yếu tập trung ở đồng bào người Khơ Mú tại huyện Kỳ Sơn. Mặc dù Công an địa phương đã nắm được sự việc, song quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn vì vướng chế tài, hành lang pháp lý.

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý

Trước đó, về thực trạng này, Công an Nghệ An cũng đã trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), tuy nhiên, đến nay cả 2 đơn vị này cũng chưa có hướng xử lý. Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, có 5 tội liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai. Tranh cãi ở chỗ, bị hại trong các vụ án này chính là những bào thai, chưa sinh nở nên gần như trong các vụ án này là không có bị hại. Trường hợp sinh ra mẹ tròn con vuông thì không sao, nhưng nếu mất trong bụng mẹ, hoặc chết khi vừa sinh ra thì rất khó để xác định bị hại.

Trở lại với 5 tội liên quan đến hành vi mua bán người được quy định tại Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, thì các hành vi bộ luật này quy định về tội Mua bán người (Điều 150), Mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), Đánh tráo người dưới 1 tuổi (Điều 152), Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153) và tội Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154). Không có quy định nào nói về việc mua bán bào thai. Dẫn chứng cho việc khó xử lý vì thiếu chế tài này, là câu chuyện anh Lữ Văn Thương trú tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn tố cáo bà Moong Thị Ba dụ dỗ, đưa vợ anh sang Trung Quốc để bán con nhưng sau khi trở về không chịu trả tiền như đã hứa.

Trong vụ việc này, sau khi tiếp nhận thông tin, Công an Nghệ An đã vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, nạn nhân bị mua bán trong vụ việc là cháu bé. Việc sinh cháu bé sau đó bán ở Trung Quốc hiện chỉ có lời khai không xác định được cụ thể bị hại, vì vậy việc xử lý hình sự sẽ rất khó khăn. Lời khai của mẹ cháu bé là chị Lương Thị M. cho rằng mình bị dụ dỗ sang Trung Quốc, song quá trình xuất cảnh chị này cũng đi “chui”, theo đường tiểu ngạch chứ không xác định được thời gian, cửa khẩu và nơi đến của chị M.. Do đó, cũng chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo quy định tại Điều 349, Bộ luật Hình sự.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, để xử lý được hành vi này, trước hết cần phải ký lại Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Từ năm 1998, 2 nước đã ký Hiệp định này, để tương trợ  pháp lý về các vấn đề dân sự như: Tống đạt giấy tờ; điều tra, thu thập chứng cứ; triệu tập và bảo hộ người làm chứng và người giám định… Giờ đây, để tạo điều kiện thuận lợi cho Công an 2 nước có thể qua lại 2 bên, cần phải thay đổi, sửa lại. Ngoài ra, về phía các cơ quan tố tụng như Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và TAND tối cao cần sớm có một thông tư liên tịch để hướng dẫn, xử lý về hành vi này. Thậm chí, về lâu dài cũng cần phải sớm đưa hành vi này vào Luật Hình sự. Liên quan đến vấn đề này, Công an Nghệ An cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương để xin ý kiến, hướng dẫn xử lý tình trạng mua bán bào thai.

Không ít gia đình rơi vào khốn đốn vì có người thân sang Trung Quốc bán bào thai
Không ít gia đình rơi vào khốn đốn vì có người thân sang Trung Quốc bán bào thai

Đẩy mạnh công tác khuyến cáo, tuyên truyền

Luật sư Tạ Ngọc Vân, luật sư trưởng của Tổ chức trẻ em Rồng Xanh - Một tổ chức phi chính phủ, chuyên làm từ thiện, hỗ trợ trực tiếp các trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm có các văn bản hướng dẫn để xử lý hành vi buôn bán bào thai. Bào thai phải được coi là một “bộ phận con người” thì mới có cơ sở để  xử lý hình sự với người mua bán bào thai.

Cách đây không lâu, ông Vân cùng với tổ chức Rồng Xanh cũng đã giải cứu thành công một phụ nữ quê ở huyện Kỳ Sơn bị dụ dỗ qua Trung Quốc bán bào thai. Theo vị luật sư này, có trường hợp khi bị dụ dỗ qua bên kia biên giới trong thời điểm đang mang thai, nhưng vì thương con nên quyết định không bán nữa. Tuy nhiên, ở xứ người, do bị giam lỏng, bị ép buộc nên phải bán con ngay khi mới sinh. “Mua bán bào thai, cũng như các vụ đẻ thuê, các đối tượng và nạn nhân đều thừa nhận hành vi nhưng theo quy định pháp luật thì không xử lý được. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại khách thể được bảo vệ là bào thai, chúng ta cần sớm có cách thức xử lý”, trích lời luật sư Vân.

Liên quan đến vấn đề này, trong một diễn biến khác, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Nghệ An đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi xảy ra tình trạng mua bán bào thai. Ngoài ra, Công an Nghệ An cũng sẽ nỗ lực triệt phá các đường dây mua bán người để làm trong sạch địa bàn. Trung tá Lô Văn Thao, Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn thông tin thêm, để ngăn chặn tình trạng mua bán người, mua bán bào thai, nâng cao nhận thức cho người dân, không tiếp tay và tránh xa cạm bẫy của loại tội phạm mua bán người kiểu mới, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các bản làng, các xã trọng điểm về tội phạm mua bán người, các xã có số lượng phụ nữ sang Trung Quốc bán bào thai, bán trẻ sơ sinh nhiều.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Công an huyện Kỳ Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở 26 bản làng thuộc 8 xã, vùng đồng bào Khơ Mú sinh sống. Qua đó, vận động các trường hợp đã từng đi sinh con và bán con tại Trung Quốc, bao gồm cả vợ lẫn chồng tiến hành ký cam kết không tái diễn. Rà soát các điểm bản có phụ nữ đang mang thai để giám sát, ký cam kết sẽ không thực hiện việc bán con. Đối với 25 phụ nữ từng có hành vi qua bên kia biên giới thực hiện việc mua bán bào thai, Công an huyện Kỳ Sơn cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng giám sát để họ không tái diễn.

Thiên Thảo

Các tin khác