Phóng sự
Lật tẩy mánh khóe tinh vi của tội phạm 'ảo'
Liên tiếp trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã điều tra, làm rõ nhiều vụ sử dụng công nghệ cao, thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, đáng chú ý là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Trong các vụ án này, đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của khoa học thông tin để đánh vào lòng tham của người bị hại, khiến các "con mồi" dễ dàng rơi vào bẫy...Vào những ngày cuối năm, tội phạm này càng có diễn biến phức tạp. Việc phòng ngừa, ngăn chặn đòi hỏi sự cảnh giác của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an.
1001 thủ đoạn tinh vi
Từ các vụ án được điều tra, làm rõ trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Đại tá Cù Ngọc Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự khẳng định: Thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo trên địa bàn tỉnh Hải Dương có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức phạm tội rất khác nhau.
Đầu tiên phải kể đến là thủ đoạn giả danh cán bộ Công an và Viện Kiểm sát để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, đối tượng thông qua mạng Internet gọi điện đến số máy cố định của người bị hại, tự xưng là nhân viên công ty viễn thông, thông báo nợ cước viễn thông với số tiền lớn.
Sau đó, một đối tượng khác gọi điện đến số máy của bị hại, tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát thông báo tài khoản của người bị hại mở tại các ngân hàng, có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền…, rồi yêu cầu bị hại rút tiền trong tài khoản cá nhân của mình, chuyển vào tài khoản của Cơ quan Công an (tài khoản này do đối tượng đưa ra) để kiểm tra.
Để đánh vào lòng tin của nạn nhân, đối tượng hứa hẹn, sau khi kiểm tra, nếu số tiền trên không có vấn đề gì thì sẽ trả lại người bị hại. Bị hại tưởng thật, chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp và đã bị chiếm đoạt. Việc điều tra các vụ án này khó khăn chẳng khác gì "mò kim đáy bể".
Các đối tượng gây án thường là người Việt Nam cấu kết với người Trung Quốc, thực hiện hành vi lừa đảo trên lãnh thổ Trung Quốc hoặc vùng giáp ranh với Trung Quốc.
Đối tượng Nguyễn Xuân Tình tại Cơ quan Công an. |
Trường hợp khác, đối tượng thông qua mạng xã hội như Facebook, Skyper, Zalo để làm quen, giả vờ yêu đương, hứa hẹn kết hôn sau đó đưa thông tin lừa dối là sẽ cho, tặng quà có giá trị cao từ nước ngoài về Việt Nam cho các nạn nhân.
Sau khi biết "Cá đã cắn câu", các đối tượng giả danh là nhân viên ngân hàng, hải quan nói hàng đã về Việt Nam đề nghị bị hại nộp các khoản tiền cước thuế, tiền phạt…, qua tài khoản ngân hàng để được nhận quà. Bị hại tưởng thật chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để chiếm đoạt.
Đối tượng thực hiện hành vi này thường tập trung ở các tỉnh Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh; kết hợp với đối tượng là người nước ngoài, thường là người Malaysia, châu Phi. Vụ việc do Nguyễn Thị Hồng Hạnh (31 tuổi, trú tại khối 2, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và đồng bọn thực hiện vừa được Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hải Dương điều tra, làm rõ vào những ngày tháng 1-2019 là một ví dụ.
Theo lời khai của Hạnh khi bị bắt giữ thì khoảng tháng 9-2018, qua mạng xã hội, đối tượng quen một phụ nữ tên thường gọi là Hiền ở TP. Hồ Chí Minh (chưa rõ lai lịch). Hiền thường liên lạc với Hạnh bằng phần mềm của mạng xã hội (Whatsapp).
Hai bên thỏa thuận, sau khi nhận được thông tin do Hiền gửi, Hạnh sẽ liên hệ với những người này, giới thiệu là nhân viên Hải quan, giao hàng và nói nạn nhân là có người gửi quà có giá trị lớn từ nước ngoài gửi về cho họ.
Nếu các nạn nhân muốn lấy quà thì Hạnh yêu cầu họ nộp các loại tiền lệ phí, tiền nộp phạt, tiền thuế…, bằng cách chuyển tiền vào các số tài khoản do Hiền cung cấp cho Hạnh. Số tiền chiếm đoạt được, Hiền chia cho Hạnh từ 8 đến 10% .
Khoảng cuối năm 2018, Hạnh và Hiền gặp nhau tại TP. Hồ Chí Minh và Hiền đã đưa cho Hạnh 1 chiếc điện thoại cùng 2-3 chiếc sim và chỉ đạo Hạnh liên lạc với Hiền bằng số điện thoại trên. Cùng thời gian này, Hạnh đang có quan hệ tình cảm với người đàn ông quốc tịch Uganđa có tên là Alex Lubega (32 tuổi).
Khi Hạnh từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để giúp Alex Lubega xin cấp thị thực thì nhận được tin nhắn và điện thoại của Hiền, cung cấp thông tin về số điện thoại và tên một số người cùng một số tài khoản để Hạnh gọi điện lừa đảo. Dưới sự chỉ đạo của Hiền, Hạnh đã liên lạc với người bị hại.
Bị hại trong trường hợp này là chị Tạ Thị H (trú tại tỉnh Hải Dương). Với chiêu bài tự giới thiệu là lính Mỹ, đang làm nhiệm vụ tại Syria, có khoản tiền tích lũy khoảng 274 triệu USD và một số đồ vật khác đóng vào 1 hộp quà gửi về Việt Nam cho chị H, Hạnh đã dễ dàng đánh vào lòng tham của người bị hại, chiếm đoạt gần 400 triệu đồng.
Thông qua mạng xã hội, một số đối tượng gửi các tin nhắn gian dối trúng thưởng với tài sản có giá trị cao hoặc rao bán mô tô thanh lý với giá rẻ để đánh vào lòng tham của người bị hại. Sau khi nạn nhân đồng ý, đối tượng lấy lý do phải nộp tiền lệ phí hồ sơ, vận chuyển, thuế giá trị gia tăng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một số trường hợp, thông qua mạng viễn thông, đối tượng gọi điện thoại đến cho bị hại nói là nhân viên, giám đốc công ty xổ số cho số lô, số đề để đánh, lấy lòng tin, sau đó bảo cho người góp tiền vào công ty sẽ có lãi cao, sẽ tiết lộ các số tự nhiên để đánh số lô, số đề, đánh sẽ trúng. Khi bị hại tin tưởng chuyển tiền, chúng sẽ chiếm đoạt (các đối tượng này là người người Bạc Liêu, Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh hoạt động)
Gần đây, nổi lên tình trạng lấy trộm tài khoản facebook để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng lợi dụng sơ hở của người dùng mạng xã hội để chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của họ. Sau đó, sử dụng tài khoản của nạn nhân để liên hệ với bạn bè của chủ tài khoản vay mượn tiền bằng cách chuyển mã thẻ nạp hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng, sau đó chúng chiếm đoạt (nhóm đối tượng này thường hoạt động tại, Quảng Trị, Đà Nẵng).
Trường hợp của Nguyễn Xuân Tình (24 tuổi, trú tại phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) bị Công an tỉnh Hải Dương bắt giữ về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là một ví dụ. Trước đó, Tình đã lấy trộm được tài khoản của một người bạn của chị H, hiện đang sống ở Đức.
Qua các tin nhắn đọc được trên đó, anh ta hiểu được mối quan hệ của nạn nhân và nhờ chị H gửi tiền qua hai tài khoản ngân hàng với tổng số tiền 330 triệu đồng. Tưởng rằng đó là bạn của mình, chị H đã đồng ý chuyển khoản tiền trên. Đến ngày hẹn 2-10-2018, khi liên lạc với nạn nhân để đòi tiền, chị H mới biết đã bị lừa...
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Hải Dương đã bắt giữ Tình. Tại cơ quan Công an, Tình khai nhận kể từ tháng 5-2018, Tình đã chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook của một số người đang sinh sống, làm việc ở Đức, Hàn Quốc... Sau đó, đối tượng giả danh là chủ tài khoản vào nhắn tin, hỏi vay tiền hoặc yêu cầu bị hại chuyển tiền để mua tài sản ở nước ngoài rồi chiếm đoạt.
Với thủ đoạn này, Tình lừa đảo của gần chục người với số tiền trên 600 triệu đồng. Tiền chiếm đoạt được Tình đem đổi sang tiền ảo (Bitcoin), đánh bạc và sử dụng ma túy.
Đối tượng Nguyễn Thị Hồng Hạnh. |
Phá án
Khi điều tra các vụ án này, Công an tỉnh Hải Dương gặp không ít khó khăn do công tác hợp tác quốc tế giữa các quốc gia còn gặp nhiều vướng mắc về hành lang pháp lý, về cơ chế phối hợp.
Trong các vụ án này, đối tượng người Việt Nam câu kết với người nước ngoài thực hiện hành vi lừa đảo tại địa phận nước ngoài như các vụ giả danh nhân viên viễn thông, Công an, Viện Kiểm sát để lừa đảo, có vụ Công an Hải Dương đã xác định được tên tuổi của đối tượng liên quan tại Trung Quốc, tuy nhiên công tác phối hợp còn nhiều hạn chế.
Đối tượng lừa đảo tài sản thưởng sử dụng thẻ nạp điện thoại di động của các mạng viễn thông, rồi chuyển đổi thẻ nạp sang ví tiền ảo. Số tiền này được chuyển qua nhiều cổng công ty thanh toán trung gian, các tài khoản game, rồi chuyển về tài khoản ngân hàng.
Trong khi đó, việc làm rõ danh tính của các tài khoản ngân hàng này không dễ dàng. Những vụ án được điều tra, làm rõ cho thấy để che dấu hành vi phạm tội, kẻ chủ mưu, cầm đầu có nhiều mánh khóe tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội: Thuê các đối tượng nghiện, lang thang mở hoặc mua CMND cũ rồi đem ra ngân hàng mở tài khoản.
Một số đối tượng còn chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội rồi sử dụng tài khoản mạng xã hội đó để nhờ người quen của tài khoản đó để mở tài khoản ngân hàng…). Trong khi đó, công tác phối hợp với các nhà mạng, ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn do rất mất thời gian. Mà đặc trưng của loại tội phạm này là đối tượng ngồi tại chỗ có thể điều khiển chuyển tiền, rút tiền rất nhanh, thông tin đầu cuối sử dụng tài sản là rất ít, công tác đấu tranh đạt hiệu quả thấp.
Để tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, theo Đại tá Cù Ngọc Nam thì cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức toàn diện về các chủ trương, đường lối, chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chuẩn mực đạo đức, lối sống, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của người Đảng viên, của công dân…
Trên cơ sở đó, phát huy hơn nữa vai trò tiên phong gương mẫu trên mọi lĩnh vực, tự giác học tập rèn luyện, giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nâng cao năng lực chuyên môn, tích cực đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực…
Về phía lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo đơn vị ban hành các văn bản tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về loại tội phạm này cũng như tăng cường công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong công tác phối hợp với các bộ, ban ngành tăng cường quản lý tài sản giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng, các trò chơi trực tuyến, các cổng thanh toán trung gian; xây dựng quy chế phối hợp với các nhà mạng viễn thông, ngân hàng trong việc trao đổi thông tin với cơ quan Công an, làm sao phải nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Nguồn: CSTC/Báo CAND