Phóng sự
Làm sao để chặn bánh 'xe điên'?
09:52, 22/01/2019 (GMT+7)
7 trên tổng số 48 tài xế container ra vào cụm cảng quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã dương tính với ma túy trong cuộc xét nghiệm đột xuất ngày 12 và 13-1. Lái xe “phê pha” đã biến chiếc xe thành những “cỗ máy chết chóc” đang là một vấn nạn mà dư luận đã râm ran từ lâu.
Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại tỉnh Long An mới đây như một lời cảnh tỉnh để có một cuộc ra quân tổng kiểm tra đối với tài xế hiện nay. Nỗi khắc khoải trông ngóng của dư luận phải chăng đã có lời giải?
Đi tìm “thủ phạm”
Đối với người lái xe ô tô, kỹ năng xử lý các tình huống giao thông trên đường vô cùng quan trọng. Thầy Trần Ngọc Tình, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe, Học viện Cảnh sát nhân dân luôn nhắc nhở các học viên trong và ngoài lực lượng công an rằng, phải luyện cho thành thục kỹ năng phán đoán, nhận biết kịp thời các tình huống phức tạp để có phản xạ chính xác, trong đó khả năng dừng phương tiện trong cự ly an toàn có ý nghĩa sống còn.
Ông nói: “Khi vận hành trên đường, xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ. Với trọng lượng và tốc độ di chuyển, phương tiện này có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm, uy hiếp tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông. Chẳng hạn, khi xe chạy với tốc độ 50km/h, chỉ 1 giây thôi, xe đã trôi về phía trước được quãng đường khoảng 14m. Nếu lái xe không kịp thời nhận ra chướng ngại vật phía trước để đạp phanh giảm tốc độ hoặc dừng xe thì tai nạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, sự tỉnh táo của tài xế là yếu tố quyết định mạng sống con người”.
Vẫn theo thầy Tình, lái xe phải triệt để tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, tuyệt đối không được sử dụng rượu bia, đặc biệt là ma túy hay các chất kích thích khác, trước khi cầm vô lăng, bởi phía trước tay lái là sự sống.
Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình kiểm tra sức khỏe lái xe. |
Trong vụ tai nạn thảm khốc khiến 4 nạn nhân tử vong tại chỗ, 19 người bị thương xảy ra chiều 2-1-2019 tại ngã tư Bình Nhật trên Quốc lộ 1A, đoạn gần cầu Bến Lức, Long An, tài xế Phạm Thành Hiếu lái xe container đã không hề đạp phanh khi đối diện với chướng ngại vật là đám đông đang chờ đèn đỏ phía trước. Kết quả giám định cho thấy hệ thống phanh xe bình thường nhưng sức khỏe của tài xế thì rất không bình thường. Bất thường ở chỗ qua 3 lần xét nghiệm, đều cho phản ứng “dương” với chất ma túy.
Chưa hết, máu và khí thở của “hung thần xa lộ” nọ đã hiển thị hàm lượng cồn tồn dư khá cao, cho dù thời điểm đến đầu thú rất muộn kể từ lúc gây ra tai nạn. Với kết quả đó, có thể khẳng định “kẻ giấu mặt” trong ca bin của tài xế Hiếu chính là chất ma túy và cồn, được anh ta chủ động đưa vào cơ thể mình trước khi cầm vô lăng.
Đi tìm lời giải cho tác hại của ma túy đối với sức khỏe tài xế, bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: “Theo cơ chế hoạt động của hệ thần kinh con người, từ hình ảnh thấy được qua thị giác (mắt), để chuyển đến não bộ, rồi ra phản ứng tay chân... phải mất một khoảng thời gian nhất định. Chất ma túy là một trong số “thủ phạm” chủ yếu gây ra tai nạn, vì nó làm cho “hệ điều hành” của tài xế bị rối loạn thể hiện ở chỗ làm mất khả năng điều phối đa nhiệm, khả năng phối hợp vận cơ, năng lực phán đoán, mất đi lý trí, mất trí nhớ ngắn hạn, giảm hoặc mất khả năng tập trung để kiểm soát tốc độ, giảm năng lực nghe nhìn, xử lý thông tin...”.
Bác sĩ Kiên lý giải sự liên kết giữa các cơ quan trong cơ thể người như não bộ, mắt, tay chân (để bẻ lái, đạp phanh) sẽ trở nên rời rạc, thiếu đồng bộ, nhất quán... dưới tác động của cồn hay các chất ma túy như morphin/heroin, cocain, marijuana (cần sa), amphetamine, methamphentamine (ma túy tổng hợp). Khi hệ thần kinh trung ương ở dạng ức chế hay kích động, hiện tượng hưng phấn quá đà hay buồn ngủ thường xảy ra, khiến lái xe mất đi sự tỉnh thức, giảm kiểm soát các nhóm cơ nhỏ, giảm chức năng thị giác... dẫn đến giảm khả năng phát hiện các vật thể dịch chuyển xung quanh, giảm tốc độ phản ứng. Trạng thái “ảo giác” sau khi dùng ma túy khiến họ bị dẫn dắt sai lạc, giảm khả năng phán đoán tình huống.
Bác sĩ Nguyễn Văn Năm, Bệnh viện Bạch Mai phân tích: “Hiện tượng khá phổ biến hiện nay là người nghiện ma túy thường “đi” với rượu, bởi trạng thái “đói thuốc” rất khó chịu nhưng dễ giải tỏa bằng rượu. Họ đâu biết rằng rượu và heroin đều là chất gây ức chế thần kinh. Hai chất này khi được cộng hưởng với nhau, càng nhanh đẩy người dùng lâm vào trạng thái mất kiểm soát. Nếu lái xe đường dài sử dụng đồng thời 2 chất này sẽ là điều khủng khiếp vì họ sẽ rất buồn ngủ hoặc phản xạ chậm trễ trong các tình huống nguy hiểm, chẳng hạn như đạp nhầm chân ga thay vì phanh, dẫn đến hậu quả thảm khốc.
Kiểm tra sức khỏe lái xe container tại Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh (ngày 12 và 13-1). |
Ngoài ra, chúng tôi từng điều trị cho những người nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp. Trường hợp này còn nguy hiểm hơn việc sử dụng ma túy có nguồn gốc thực vật vì ma túy tổng hợp “đánh thẳng” vào não bộ, gây ra những hưng phấn hoặc ức chế quá độ. Người đưa vào cơ thể chất ma túy chiết xuất từ phòng thí nghiệm (thường gọi là ma túy đá, ma túy tổng hợp), rất dễ bị “ảo giác”. Nghĩa là họ có cảm giác hoặc nhận thức không đúng hoặc hoang tưởng về hiện thực, về thế giới xung quanh. Khi tài xế “chơi” loại ma túy này, rất dễ dẫn đến những thao tác sai lầm khủng khiếp trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông”.
Kiểm soát chặt chẽ sức khỏe lái xe
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 ngày 4-1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có những chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn nạn này. Những động thái mới đây của ngành chức năng sau vụ tai nạn tại Long An, Đà Nẵng cũng đã được dư luận đón nhận tích cực.
Việc ra quân tổng kiểm tra sức khỏe lái xe, xử lý nghiêm khắc những trường hợp tài xế sử dụng ma túy, chất kích thích khác... được cho là đúng hướng và cần kíp lúc này. Tuy nhiên, những giải pháp tổng thể, căn cơ để kiểm soát tình hình, phòng ngừa lâu dài về sau vẫn đang được tìm kiếm.
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới, Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên điều tra viên cao cấp, Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan như hỏng hóc kỹ thuật bất ngờ của phương tiện hoặc tác động bất lợi của tự nhiên, thời tiết, sự xuống cấp của hạ tầng giao thông thì những vụ tai nạn do lỗi chủ quan của lái xe chiếm tỷ lệ rất cao. Điều này xuất phát từ ý thức chấp hành luật giao thông yếu kém của một bộ phận người dân.
Thượng tá Trịnh Kim Vân cho biết cách đây 6 năm, đã có một báo cáo kết quả khảo sát về việc khoảng 30% các tài xế container nghiện ma túy. Dư luận và báo chí đã phản ánh hiện tượng này từ nhiều năm nay nhưng dường như chưa có một động thái quyết liệt nào mang tính tổng thể để ngăn chặn thực trạng này từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Những vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra mới đây lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và giờ là lúc cần phải có những chương trình, kế hoạch, giải pháp tổng thể để phòng ngừa, ngăn chặn những vụ tai nạn giao thông thảm khốc có nguyên nhân từ việc tài xế sử dụng ma túy và chất kích thích mạnh khác.
Muộn còn hơn không, theo Thượng tá Trịnh Kim Vân, giờ là lúc phải gia tăng hoạt động kiểm tra sức khỏe lái xe. Ngành Giao thông, Y tế và lực lượng công an cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau, triển khai một cách liên tục, thường xuyên trên quy mô toàn quốc hoạt động này. Diện đối tượng phải kiểm tra sức khỏe như đo thị lực, tim mạch, huyết áp, xét nghiệm máu, test ma túy... không chỉ có lái xe khách đường dài, xe tải, xe container mà nên mở rộng ra các đối tượng khác như lái xe taxi, xe buýt, xe chạy hợp đồng...
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại tỉnh Long An chiều 2-1. |
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cần xử lý nghiêm như giữ đăng ký, tước bằng lái, giữ phương tiện, phạt hành chính, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện... Lực lượng chức năng trong quá trình tuần tra kiểm soát giao thông cần tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất sức khỏe của lái xe, nhất là số tài xế đường dài, xe tải, xe container, taxi... theo các chuyên đề công tác. Căn cứ trách nhiệm từng ngành và chính quyền các địa phương, tổ chức hoặc cá nhân nào không làm tròn trách nhiệm thì phải xử lý kỷ luật thích đáng.
Một giải pháp khá hiệu quả nữa đó là nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ sử dụng lao động tại các doanh nghiệp vận tải. Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự cho biết, nếu chỉ xử lý số lái xe sử dụng chất kích thích mà không “đụng” tới các chủ xe, chủ sử dụng tài xế tại các doanh nghiệp vận tải là chưa toàn diện. Trong khi luật pháp đã có đủ quy định và chế tài xử lý.
Chẳng hạn, vấn đề trách nhiệm bồi thường dân sự của chủ xe trong trường hợp lái xe gây tai nạn thực hiện theo quy định tại Điều 601, Bộ luật Dân sự 2015. Điều 263, Bộ luật Hình sự 2015 quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm đối với người có thẩm quyền (chủ phương tiện, chủ sử dụng tài xế) mà biết rõ tài xế không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện, người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Vấn đề còn “vướng” hiện nay khi áp dụng điều luật này, đó là luật yêu cầu người chủ xe, người sử dụng lái xe phải “biết rõ” việc tài xế có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác. Tuy nhiên, đó không phải là khó khăn không thể tháo gỡ. “Nếu có những quy định bắt buộc chủ phương tiện, người sử dụng lái xe phải tự kiểm tra sức khỏe tài xế trước mỗi chuyến đi, bằng các thiết bị, công cụ hợp chuẩn, lưu lại chứng cứ, thì đó là căn cứ để xử lý họ nếu tài xế của họ qua kiểm tra không đủ sức khỏe, độ tuổi hoặc đã sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác” - ông Hiển nêu quan điểm.
Hiện nay đã vào tháng “củ mật”, nhu cầu lưu thông rất lớn, kéo theo hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách tăng cao. Áp lực tăng chuyến, tăng ca đè trĩu vai cánh tài xế. Tuy nhiên, không phải vì thế mà lấy câu chuyện lái xe phải “đập đá, cắn cỏ” nhằm giữ tỉnh táo để biện minh, bởi nó hoàn toàn không có cơ sở khoa học, chỉ là sự nguỵ biện nhằm che đậy lối sống buông thả. Tăng cường công tác kiểm tra sức khỏe lái xe là việc làm cần thiết lúc này và trong thời gian tới, để giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm, những nỗi đau bất ngờ như từ “trên trời rơi xuống”.
Nguồn: Đào Trung Hiếu/CAND