Phóng sự
Lại báo động về cử nhân thất nghiệp
Anh bạn tôi kể một câu chuyện cười ra nước mắt: Vợ chồng anh có một cậu con trai duy nhất. Nhà có điều kiện nên sau khi học xong THPT, anh quyết định cho con du học ở Singapore chuyên ngành mỹ thuật vì như anh nói, đời mình khổ nhiều, có một mụn con nên cho nó bay nhảy, tiếp thu văn minh nhân loại để sau này có nhiều cơ hội lập nghiệp.
Số tiền ba năm cho con ăn học tại một đất nước vào loại đắt đỏ nhất nhì thế giới có thể mua được một ngôi nhà khang trang ở trung tâm thành phố. Nhưng anh chị không hề ân hận mà tràn ngập tự hào vì đứa con đã đi theo đúng lộ trình vợ chồng anh vạch ra.
Về nước, trong khi chờ một công việc phù hợp, thằng con anh được người bạn rủ đến quán bar phụ giúp, vừa có thêm trải nghiệm, vừa phát huy vốn tiếng Anh đã học. Tại đây, một bước ngoặt đã đến với cuộc đời nó.
Ngoài việc quản lý bar, nó vô cùng say mê với việc pha chế rượu. Ai cũng phải thừa nhận nó có tài vì không chỉ tiếp thu rất nhanh các công thức pha chế mà các vị khách tây còn đặc biệt thích thú với những ly cocktail đẹp mắt của nó.
Ảnh minh họa |
Chỉ sau một thời gian ngắn, nó đã trở thành nhân viên pha chế chính của bar và tất nhiên, thu nhập cũng khá cao. Cùng thời gian, một công ty kiến trúc có uy tín gọi nó đi làm nhưng nó từ chối và quyết định gắn bó lâu dài với công việc ở bar.
Từ câu chuyện trên, tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, học cao biết rộng là nhu cầu chính đáng của mỗi người, nhưng để làm một công việc mình yêu thích, phát huy tốt nhất sở trường cá nhân lại là một câu chuyện khác.
Và không ai khác, chính bạn phải lựa chọn lối đi cho mình vì đó là cuộc sống của bạn. Thất nghiệp ư, điều đó không có gì là xấu, bạn vẫn có thể làm những công việc khác để nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng gia đình.
Còn đây là câu chuyện thực tế vừa diễn ra không dành cho những người sống ảo. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê vừa công bố, quý II-2016 có 1,088 triệu lao động thất nghiệp, tăng 16.400 lao động so với quý I-2016.
Đáng chú ý là có tới 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp dài hạn. Một lãnh đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phải thốt lên: Chưa bao giờ tỷ lệ cử nhân thất nghiệp nhiều và đáng báo động như hiện nay.
Thật ra, thất nghiệp là chuyện muôn thuở, chẳng có gì là lạ. Tuy nhiên, nhiều ngành vẫn thiếu lao động trầm trọng. Như thực tế hiện nay, thị trường đang bão hòa lao động ngành Quản trị kinh doanh, kinh tế, ngân hàng nhưng lại thiếu các kỹ sư công nghệ, chuyên ngành kỹ thuật hay dịch vụ cao cấp.
Những con số thống kê chưa hẳn chính xác hoàn toàn, song nó phản ánh trung thực một thị trường lao động vốn thiếu bền vững.
Nhìn vào góc độ đào tạo, có thể thấy nhóm lao động có số người thất nghiệp nhiều nhất thuộc về những người có trình độ đại học trở lên, sau đó mới là nhóm cao đẳng và cuối cùng là trung cấp chuyên nghiệp.
Có nhiều nguyên nhân khiến các cử nhân của chúng ta dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm, song nguyên nhân quan trọng là do các em thiếu sự định hướng khi chọn nghề, chọn ngành học.
Đa số các em thường chọn những ngành nghề hot mà không có những thông tin cần thiết về tuyển dụng cũng như xu thế định hướng ở những ngành này.
Trong khi đó, khả năng phát triển các kỹ năng mềm, kiến thức nền tảng quá mỏng, nặng về lý thyết nên không thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Tình hình còn bi đát hơn khi mấy năm qua, thế giới chịu ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu nên nhiều doanh nghiệp phải tinh giản bộ máy, bố trí lại nhân sự nên phải là những người thật sự có năng lực mới đủ sức trụ vững. Điều này còn lý giải cho một thực tế là nhiều cử nhân tốt nghiệp loại khá, giỏi, thậm chí là thạc sĩ nhưng vẫn không có được những cơ hội tốt.
Có nhiều con đường để các bạn trẻ lập nghiệp và học đại học không phải là lựa chọn tối ưu nhất vì như trên đã nói, số lao động trình độ đại học khá lớn nhưng nhu cầu thực tế của thị trường chỉ cần một nửa. Bên cạnh đó, cũng cần gạt bỏ quan niệm đứng núi này trông núi nọ, đừng để vuột mất những cơ hội hiếm hoi đến với mình.
Nguồn: Báo CAND