Phóng sự

Các chòm bản đậm dấu chân anh

09:22, 30/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Mường Tè là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Cái tên Mường Tè nghe thì thấy rất xa, rất diệu vợi, nhưng khi đến thì lại thấy gần, thật gần. Con đường ngoằn ngoèo dẫn tôi trở lại Mường Tè sau 4 năm.

Nếu như 4 năm trước, để đến được nơi đây, tôi phải mất cả buổi thì nay nhờ hệ thống đường sá không ngừng được nâng cấp, chiếc xe chở tôi đã đến với Mường Tè dễ dàng hơn.

1. Đây là lần thứ hai tôi có dịp được đặt chân lên các chòm bản Mường Tè. Lần đầu vào cuối năm 2012, khi tôi có chuyến thực tế lên đây, viết bài về sắc xuân đang lan tỏa nơi huyện vùng biên Mường Tè.

Tổ công tác của Công an huyện Mường Tè thăm hỏi, tuyên truyền pháp luật tới các hộ dân ở bản Ka Lăng, xã Ka Lăng.
Tổ công tác của Công an huyện Mường Tè thăm hỏi, tuyên truyền pháp luật tới các hộ dân ở bản Ka Lăng, xã Ka Lăng.


Khác với thời điểm bấy giờ, trở lại nơi đây vào những ngày Mường Tè đang vào độ tiết trời mùa thu, tôi thấy cuộc sống, cảnh vật của các chòm bản Mường Tè đang đổi thay từng ngày, từng giờ. Mặt hồ nước trong xanh nằm lọt thỏm giữa trung tâm thị trấn bất giác khiến ai qua đây cũng đều nán lại, ngắm nhìn.

Trung tá Phan Văn Sơn, Trưởng Công an huyện Mường Tè bảo: "Được sự quan tâm của các ngành, các cấp, cuộc sống của bà con Mường Tè đã đổi thay từng ngày. Nhiều tuyến đường, hệ thống cầu cống đã và đang được bê tông hóa. Không ít công trình dân sinh, vui chơi cộng đồng theo đó cũng đã được khánh thành và đi vào hoạt động".

Nhìn sân cỏ nhân tạo dành cho môn bóng đá 7 người nằm nép mình bên thị trấn đông kín thanh niên, tôi thấy nơi đây không khác xa là mấy so với địa bàn dưới xuôi.

Anh Vàng A Xám, 22 tuổi, nhà ở thị trấn Mường Tè ra sân nghỉ ngơi sau nửa hiệp cống hiến những pha sút cháy lưới. Người ướt đẫm mồ hôi, anh Xám hồ hởi nói, từ khi có sân cỏ nhân tạo này, anh và nhóm bạn của mình thi thoảng sau một ngày làm việc lại ra đây để rèn luyện thể lực thông qua trái bóng.

Qua trò chuyện với một số thanh niên đang bị môn bóng đá nam 7 người thu hút, tôi được biết, nhờ có sân chơi bổ ích trên nên tệ nạn xã hội, thú uống rượu theo đó cũng bị đẩy lùi.

Ở Mường Tè thời gian qua, sau khi đồng bào các dân tộc nơi đây chung sức xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường liên xã đã được bê tông hóa, việc đi lại đã thuận tiện hơn trước rất nhiều.

Chẳng nói đâu xa, nếu như trước đây từ trung tâm huyện Mường Tè, để đến được xã Ka Lăng, Mù Cả, Tà Tổng… phải mất cả ngày đường thì nay, trên con đường đã được tu sửa, nhiều đoạn đường được bê tông hóa, thời gian đã được rút ngắn đi rất nhiều.

2. Trung tá Phan Văn Sơn chia sẻ, tuy cuộc sống của bà con đã có những đổi thay đáng kể, thế nhưng do địa hình hiểm trở, rừng núi chia cắt mạnh, đường đi lại còn nhiều khó khăn, trong khi một bộ phận người dân trình độ nhận thức còn hạn chế.
Do đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự, đẩy lùi tệ nạn xã hội luôn được các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mường Tè chú trọng.

Trong đó, phải kể đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy. Bởi, với bà con vùng cao Mường Tè, ma túy luôn là nỗi ám ảnh, là cái "gai" mà lực lượng Công an luôn nỗ lực nhổ bỏ.

Hôm chúng tôi đến Công an Mường Tè cũng là lúc mà Tổ công tác Công an huyện do Đại úy Sùng A Phòng, Phó trưởng Công an huyện dẫn đầu lên đường tới xã Ka Lăng để phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, đẩy lùi tệ nạn xã hội, ma túy trên địa bàn. Là người con của các chòm bản Mường Tè nên Đại úy Phòng hiểu tâm lý của bà con các dân tộc nơi đây hơn bao giờ hết.

Đại úy Phòng cho hay, trước đây một số người dân thiếu ý thức khi cho rằng việc trồng cây thuốc phiện, mua bán, sử dụng chất ma túy sẽ giúp kinh tế gia đình khá giả hơn, sẽ giúp bản thân có "chỗ đứng" trong bản. Nên tội phạm ma túy luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp.

Nắm rõ suy nghĩ này của một bộ phận người dân nên thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện Mường Tè, Công an huyện đã triển khai nhiều tổ công tác bám bản, bám dân tuyên truyền, phá bỏ diện tích trồng cây thuốc phiện trên địa bàn. Nhờ vậy, ý thức của bà con đã nâng lên rõ rệt.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như ý thức tố giác tội phạm của bà con, Công an huyện đã phá nhổ được 63 đám nương với hơn 69 ngàn m2 diện tích tái trồng cây thuốc phiện…

Con đường khó đi vắt ngang lưng chừng núi đưa chiếc xe đặc chủng chở Tổ công tác của Công an huyện Mường Tè có mặt tại bản Ka Lăng - một trong những bản xa xôi nhất của huyện Mường Tè.

Hôm nay cũng vậy, sau khi thăm hỏi cuộc sống của bà con, Đại úy Phòng lại cùng anh em trong Tổ công tác sử dụng tiếng Hà Nhì tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống tội phạm ma túy cho bản con.

Những nội dung như: "bà con không được tái trồng cây thuốc phiện", "bà con cần tăng gia sản xuất, lên nương trồng lúa, hoa màu", "bà con hãy cung cấp thông tin về người trồng cây thuốc phiện ngay cho cán bộ Công an" v.v… được Đại úy Phòng và Tổ công tác truyền đạt cặn kẽ tới bà con Ka Lăng…

Nghe đến đâu, gia đình anh Khoàng Lỳ Phạ, người Hà Nhì lại gật gù cái đầu đến đấy. Anh Phạ cũng như người thân anh hiểu rằng, thuốc phiện, ma túy chính là "con ma", cần phải ngăn và đuổi nó ra khỏi bản làng vậy.

Cán bộ Công an huyện Mường Tè thường xuyên bám bản, bám dân.
Cán bộ Công an huyện Mường Tè thường xuyên bám bản, bám dân.

Có chứng kiến buổi tuyên truyền pháp luật của Tổ công tác Công an huyện Mường Tè với bà con các chòm bản Ka Lăng, tôi mới thêm thấy câu nói "nơi các chòm bản đậm dấu chân anh" là như thế nào.

3. Dẫu không được nghe các anh - cán bộ Công an huyện Mường Tè kể nhiều về công việc của mình, song khi tiếp xúc, cùng đi "cắm bản", tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới bà con các chòm bản, tôi hiểu phần nào về những khó khăn, vất vả của các anh.

Bởi trong số 14 xã, thị trấn cũng như những điểm bản thuộc các xã nằm cách xa trung tâm huyện đến cả ngày đi đường như: bản Là Si, U Ma (xã Thu Lũm), Lè Giàng (xã Ka Lăng), Nhú Ma (xã Pa Ủ)… vào mùa khô đường đi đã khó, mùa mưa, đường sá nhiều điểm bị sạt lở, trơn trượt, khó khăn lại gấp bội phần.

Khó khăn là thế, vất vả là vậy, thế nhưng, với phương châm "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), các anh đã không quản khó khăn, bám bản, bám dân để góp yên bình nơi các chòm bản Mường Tè.

Theo Trung tá Lỳ Go Xá, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự, Công an huyện Mường Tè, thời gian qua, Công an huyện đã luôn đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tích cực tham gia các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phát huy hiệu quả các mô hình tự quản về bảo vệ an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn.

Với hơn 170 tổ an ninh tự quản, 12 tổ bảo vệ dân phố cùng gần 180 tổ hòa giải ở các thôn bản… đã góp phần xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh liên quan đến an ninh trật tự ở cơ sở, tham mưu cho lực lượng Công an thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đẩy lùi tội phạm trên địa bàn cũng đã được Công an huyện Mường Tè thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ phá án luôn cao.

Để làm được điều này, thời gian qua, Công an huyện đã luôn chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, gọi hỏi, răn đe các đối tượng trong diện quản lý nghiệp vụ, các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động vi phạm pháp luật.

Qua đó, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Tính từ đầu năm 2016 đến thời điểm hiện tại, Công an huyện đã điều tra làm rõ 33 vụ với 47 đối tượng phạm pháp hình sự.

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác