Phóng sự
Khi mọi thứ đều có thể trở thành trò cười
Có lẽ sẽ không còn một ngôn ngữ nào có thể mô tả được phản ứng của cộng đồng mạng xã hội (mà trong đó có không ít người mệnh danh là trí thức, là người cầm bút) trước hình ảnh cô gái lao ra khỏi tiệm karaoke đang cháy rừng rực ở phố Nguyễn Khang với chiếc áo con bịt mũi lại để chống ngạt khói…
Đám đông ấy (rất nhiều người là đàn ông, luôn miệng nói điều quân tử, tử tế, đàng hoàng, tiến bộ, văn minh) xoáy vào cái chi tiết chiếc áo con, coi nó là chi tiết nổi bật nhất của bức ảnh, để bình phẩm như đó là một trò cười mua vui cho họ.
Họ làm cho người đọc những dòng bình phẩm kia có cảm giác rằng, nếu họ đang đứng đó, trước mặt cô gái đang chạy một cách hoảng hốt khỏi đám cháy, chạy vì sinh mệnh của mình, họ sẽ cười hô hố, tay chỉ trỏ thô lậu chỉ vì trên tay cô ấy là chiếc áo con, cái thứ mà không ít kẻ tu mi nam tử coi đó là nguồn kích thích tầm thường bí ẩn của mình.
Quá bức xúc, cô gái ấy phải lên facebook thẳng thắn nói hết những suy nghĩ của mình. Cô thừa nhận mình làm việc trong quán karaoke, và hỏi lại một cách mạnh mẽ rằng "làm ở quán hát có gì là xấu?", đồng thời khẳng định việc cô làm là vì sự sinh tồn.
Điều cô chia sẻ cho thấy ít ra cô còn hiểu biết về việc thoát hiểm khỏi đám cháy hơn nhiều người trong số đông. Cô biết rằng khi ngập ngụa khói độc như thế, việc có một miếng vải ướt để lọc không khí tránh hít khí độc vào phổi gây ngộ độc khí là cần thiết.
Vâng, ngộ độc khí đấy ạ. Nhiều người đàn ông đã tử nạn vì ngộ độc khí một cách kém hiểu biết trong bao nhiêu tai nạn cháy nổ xảy ra hàng chục năm qua. Vậy mà vẫn có những người đàn ông mang cô gái ấy ra làm trò hề, dù kết cục cuối cùng của câu chuyện này thì chính họ đang là trò hề bởi sự xuẩn ngốc và ác độc thô thiển của mình.
Câu chuyện cô gái thoát khỏi tiệm karaoke bốc cháy bỗng làm chúng ta liên tưởng đến anh tài xế Phan Văn Bắc trên đèo Bảo Lộc cách đây chẳng lâu. Từ một người xử trí kịp thời để tham gia cứu nạn, anh thành chỗ cho đám đông rỉa rói, mổ xẻ đến mức khi xuất hiện lần gần nhất trước báo giới, đôi mắt anh không giấu nổi nỗi u buồn và hoảng sợ.
Làm người tốt đã khó. Vậy mà cái đám đông này là đám đông gì để đến mức làm một người bình thường, biết thoát nạn khi mình cần phải thoát nạn tự nhiên còn khó hơn cả làm người tốt. Giả sử như Phan Văn Bắc không cố tình làm người hùng đi nữa, cái việc anh phải vững tay lái, xử lý tình huống hợp lý kịp thời để cứu chính mình trong tình huống xe khách đang sầm sập lao từ phía sau lưng và chực đâm vào xe tải của mình cũng đã đáng ngợi khen lắm rồi.
Bỗng nhiên thấy đám đông ngày một gần sự dữ đến kinh hoàng. Phải chăng, phải có người chết trong tai nạn thì họ mới có thể im miệng lại? Chưa chắc. Lúc đó, họ sẽ tìm chính những điểm khác để "tiêu khiển", một thú tiêu khiển như kiểu Gustave Le Bon đã nhận định "Nền văn minh chẳng có sự cố định nào, nó bị phó mặc vào tay ngẫu nhiên… bọn dã man tiến lên".
Nếu chúng ta nhìn vào phản ứng của dư luận vào tất cả những sự kiện xảy ra mỗi ngày bình thường, chúng ta sẽ nhận ra càng rõ hơn cái sự tiến lên của dã man ấy. Tất cả đều dễ dàng bị lôi ra làm trò đùa cho thỏa mãn cái thú vị kỷ của người đời.
Đồng ý là đời sống rất cần tiếng cười, để giải tỏa, để lạc quan hơn, và thi vị hơn. Nhưng đời sống không thể tồn tại với những tiếng cười dã man vô cảm.
Giữa cái thời văn hoá đã bị ngộ độc này rồi, tránh cho mình ngộ độc khói ít ra vẫn còn là điều cần làm, để giữ mạng sống, để biết mình không thể bị ngộ độc văn hoá như người khác được.
Nguồn: VNCA/ Báo CAND