Phóng sự
Lát cắt đời thường
Người đàn bà ấy mới 30 tuổi, còn rất trẻ nhưng đã dính vào chuyện nợ nần. 240 triệu đồng, đó là số tiền mà người đàn bà có nghĩa vụ thanh toán cho chủ nợ. Và một vở kịch đã được dàn dựng: Thuê người chặt chân tay mình rồi giả làm nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông để được hưởng 3,5 tỷ đồng của hai công ty bảo hiểm.
1. Cậu bé đó tên là Ksor Sôn, 11 tuổi, đang học lớp 6 ở Ia Der, Gia Lai. Như nhiều đứa trẻ khác ở Tây Nguyên, cậu sinh ra và lớn lên giữa núi rừng hùng vĩ, bạt ngàn cây cỏ, nhưng gia đình cậu lại quá nghèo. Cái nghèo, cái cơ cực bám riết lấy họ trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
Một sáng như mọi ngày, cậu dậy nấu cơm cho cha mẹ đi làm rẫy về có cái ăn rồi dùng một sợi dây chuẩn bị trước, bình thản treo cổ lên cột nhà. Ksor Sôn tự kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của mình chỉ vì một lý do vô cùng đơn giản: Bố mẹ hứa mua cho bộ quần áo mới diện đến trường nhưng rồi thất hứa. Lời hứa vắt qua 2 năm, bố mẹ không muốn nhắc tới, nhưng với Ksor Sôn thì bộ quần áo luôn hiện về trong những giấc mơ của em.
Bộ quần áo rẻ lắm, có 130 nghìn đồng. Vâng, một trăm ba mươi nghìn đồng. Đọc tin này mà tất cả chúng ta muốn khóc. Khóc thật to, thật nhiều vì giữa cuộc sống ồn ào hôm nay lại phải nghe một câu chuyện đau buồn đến thế. Tôi tin, nếu có thể, bố mẹ em sẽ mua không chỉ một mà nhiều bộ quần áo đẹp đẽ cho em.
Minh họa Lê Tâm. |
11 tuổi, em còn rất nhỏ. Ước mơ của em cũng nhỏ bé như thế. Khi em mất niềm tin, khi ước mơ nhỏ bé mãi chỉ là mơ ước thì em tìm đến cái chết cũng là một sự giải thoát khỏi cảnh nghèo túng, đói khổ.
Năm trước, người anh của em cũng 11 tuổi tự tìm đến cái chết để không phải sống trong cảnh bần hàn. Liệu trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ đó còn bao nhiêu gia đình phải sống trong cảnh này?
Còn nơi thành phố phồn hoa, đâu đó vẫn có những kẻ ném tiền qua cửa sổ, vẫn có những bữa tiệc tiếp khách trị giá vài trăm triệu đồng. Kinh khủng hơn, có những người khi được giữ một chức vụ nào đó, họ thả sức tiêu tiền chùa để rồi thất thoát vài trăm tỷ, vài nghìn tỷ đồng mà vẫn vô can, thậm chí được cất nhắc lên những cương vị mới. Số tiền thất thoát đó tôi tin là đủ xóa đói giảm nghèo cho hàng vạn người đang sống cực khổ tại vùng sâu, vùng xa.
2. Người đàn bà ấy mới 30 tuổi, còn rất trẻ nhưng đã dính vào chuyện nợ nần. 240 triệu đồng, đó là số tiền mà người đàn bà có nghĩa vụ thanh toán cho chủ nợ. Và một vở kịch đã được dàn dựng: Thuê người chặt chân tay mình rồi giả làm nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông để được hưởng 3,5 tỷ đồng của hai công ty bảo hiểm.
Rùng mình, buốt óc, choáng váng. Đó là cảm giác của tất cả mọi người khi đọc tin này. Cuộc sống luôn có những nguyên tắc của nó và hành vi của con người cũng luôn có mối quan hệ nhân quả. Dùng dao chặt tay chân đương nhiên vết thương sẽ khác hoàn toàn so với bị tàu hỏa cán qua. Sự việc vỡ lở khi cơ quan điều tra vào cuộc, người đàn bà không được nhận một đồng bảo hiểm mà còn thành người tàn tật suốt đời, bị người đời chê cười, đàm tiếu.
Vì thiệt hại chưa xảy ra nên người đàn bà đó không bị xử lý về hành vi trục lợi bảo hiểm. Nhưng, theo báo cáo của Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính cho thấy, trong giai đoạn 2007- 2014, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,3%/năm (bình quân mỗi năm 8.000 vụ). Tổng số tiền trục lợi giai đoạn này khoảng 850 tỷ đồng, trung bình gần 110 tỷ đồng/năm.
Một chuyên gia về bảo hiểm cho rằng, dù chế tài chặt chẽ, song các gói bảo hiểm bồi thường tiền tỷ vẫn là những miếng mồi ngon với kẻ trục lợi. Do vậy, dù phạt đi tù hay thậm chí nặng hơn, có thể vẫn có những người bất chấp để thực hiện hành vi của mình.
3.Giữa bức tranh muôn màu phác họa đời sống hôm nay, cùng với gam màu xám, chợt thấy lóe lên sắc màu ấm áp: ngày 28-8, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân (Thành đoàn TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức họp báo giới thiệu lễ cưới tập thể năm 2016 cho 100 đôi uyên ương được tổ chức vào dịp kỷ niệm 71 năm ngày Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-2016). Chương trình nhằm phổ biến nếp sống văn minh, tiết kiệm cho thanh niên cũng như chăm lo cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn và tôn vinh những nét đẹp truyền thống của lễ cưới Việt Nam.
Đám cưới luôn là sự khởi đầu cho những đôi lứa yêu nhau, muốn trọn đời bên nhau và làm những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Đây thật sự là một hoạt động bổ ích và nhiều ý nghĩa.
Nguồn: Báo CAND