Phóng sự

Tiếp bài người mẹ quyết định hiến tạng con chết não để cứu người

09:53, 29/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Mất đi người con trai út, nỗi đau còn chưa nguôi ngoai thì bà Cấn Thị Ngần (xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Nội) đã quyết định không phải bà mẹ nào cũng dám làm. Đó là hiến tạng con mình để cứu 4 người khác. Quyết định của bà Ngần nhận được nhiều đồng tình nhưng cũng không ít lời ra tiếng vào. Với bà, cứu một người phúc đẳng hà sa, cho đi tức là con trai mình vẫn còn sống.

"Hiến tạng con tức là con vẫn còn sống"

Chuyện đau lòng xảy ra vào đêm ngày 26/7, anh M (SN 1986) nằm trên lan can tầng 2 để hóng mát. Đêm đã về khuya, anh M ngủ quên trên lan can lúc nào không hay nên đã bị rơi xuống tầng 1. Mãi đến 4h sáng, một người bạn đến ngủ cùng  không thấy M đâu, tá hỏa đi tìm thì phát hiện anh M đã bị rơi xuống tầng 1, nằm bất động bên vũng máu.

Sau khi nhận được tạng hiến, các bác sĩ nhanh chóng ghép tạng cứu người
Người mẹ quyết định hiến tạng con chết não để cứu người



Nhận thấy M vẫn còn thở, người nhà nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 103. Sau khi khám, các bác sĩ kết luận, M bị chấn thương sọ não, máu tụ dưới màng cứng ở vùng thái dương trái, dập não ở 2 bán cầu, dập phổi, gãy đầu dưới xương quay. Với hàng loạt những chấn thương nặng, các bác sĩ buộc phải báo với người nhà không thể cứu chữa cho anh M, anh đã bị chết não. Trước tình hình ấy, các bác sĩ đã vận động gia đình hiến tạng con để cứu nhiều người khác đang rất cần.

Không ai khác, bà Ngần là người có quyền đưa ra quyết định cuối cùng có hiến tạng con hay không. Các bác sĩ, đều hiểu nỗi đau mất con vừa ập đến nay lại phải quyết định hiến tạng của con, không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm.

Bà Ngần kể lại: "Chồng tôi mất sớm, một mình nuôi 3 đứa con khôn lớn. Hai đứa lớn đã dựng vợ gả chồng, thằng M là con út, mọi chuyện vui buồn hai mẹ con thường chia sẻ với nhau. Sau khi nghe giáo sư Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân Y động viên, tôi đã có những suy nghĩ khác. Hiến tạng con tức là thân thể con vẫn còn sống, tức là sẽ cứu được rất nhiều người".

Không khí trở nên căng thẳng, người mẹ đắn đo suy nghĩ, hỏi ý kiến người thân. Còn các bác sĩ sẵn sàng làm thủ tục để nhận tạng. Cuối cùng, sau nửa ngày, bà Ngần đã đồng ý ký vào đơn cam kết hiến tạng dù trong lòng quặn đau. Danh sách các bệnh nhân chờ được ghép tạng nhanh chóng được rà soát.

Theo thông tin từ bệnh viện, có 3 bệnh nhân được ghép là Nguyễn Nam T, được ghép tim; bệnh nhân Vũ Xuân C, được ghép 1 quả thận và bệnh nhân Trần T.H được ghép 1 quả thận còn lại. Lá gan được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức để ghép cho một bệnh nhân rất nguy kịch đang chờ đợi. Ai cũng hiểu, quyết định của bà Ngần khó khăn thế nào, bởi sinh ra ở một làng quê nghèo, hủ tục vẫn còn.

Trong tư duy ai cũng muốn người thân của mình mất đi sẽ phải được toàn thây. Hơn nữa, bản thân người mẹ cũng đau xé lòng khi để nhân viên ngành y cắt bỏ đi những bộ phận của con mình. Hành động ấy không chỉ khiến các y bác sĩ bệnh viện lúc đó mà còn rất nhiều người xúc động, cảm phục.

Chị Nguyễn Thị V, người nhà của một bệnh nhân được hiến thận xúc động: "Chúng tôi chẳng biết lấy gì để báo đáp cô Ngần. Cô ấy đã hồi sinh người nhà chúng tôi, chúng tôi mong sẽ nhiều người học theo nghĩa cử đầy nhân văn của cô".

Cuộc đời đầy nước mắt của người mẹ

Câu chuyện ký hiến tạng con của bà Ngần lan đi khắp xã, đâu đâu người ta cũng bàn ra tán vào. Người thì cảm phục trước hành động nhân văn của bà Ngần, nhưng cũng không ít kẻ độc miệng cho rằng như vậy "con bà không chết toàn thây", rồi còn có người ghen ghét nói hiến như vậy gia đình bà sẽ nhận được rất nhiều tiền. Có gặp bà mới thấy được người mẹ ấy kiên cường thế nào. Không phải người phụ nữ nào cũng dám quyết định, dám vượt qua định kiến cổ hủ đã ăn sâu vào tiềm thức ở vùng quê.

Dù đau đớn nhưng bà Ngần vẫn tin rằng cứu một người phúc đẳng hà sa.
Dù đau đớn nhưng bà Ngần vẫn tin rằng cứu một người phúc đẳng hà sa.

Sự việc đau lòng đã xảy ra gần 1 tháng nhưng bà Ngần vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng. Đôi mắt quầng đen, trũng sâu vì không ngủ, bà gạt nước mắt kể lại cuộc đời đầy bi kịch của mình. Năm 1991, cuộc sống gia đình đang hạnh phúc, ổn định thì chồng bà đột ngột qua đời. Bao gánh nặng cuộc sống đổ hết lên đôi vai bà. Bà Ngần làm đủ thứ nghề chỉ mong đủ cái ăn cái mặc cho 3 đứa con nhỏ.

Bà kể: "Ngày ông ấy mất, ba đứa con tôi còn nhỏ lắm. Cũng vì thương con, sợ con tủi thân mà tôi không bao giờ có ý định đi bước nữa. Mấy mẹ con dựa vào nhau mà sống, rau cháo qua ngày. Chỉ mong các con lớn khôn nên người, lập gia đình riêng, có hạnh phúc là tôi mừng lắm rồi. Ai ngờ lại xảy ra chuyện đau lòng này".

Ba người con của bà Ngần thì 2 đã được dựng vợ gả chồng. Những tưởng chẳng còn phải lo gì cho con thì năm ngoái con rể không may qua đời, con gái bà một mình chăm sóc hai con nhỏ và bố mẹ chồng. Nói đến đây bà Ngần không cầm được nước mắt: "Thằng M rất ngoan, hiểu mẹ và sống rất tình cảm. Dự định cuối năm nay cưới vợ cho nó. Đấy, tôi khổ các con tôi cũng khổ theo tôi. Tôi còn biết kêu ai bây giờ".

Các bác sĩ dành một phút mặc niệm cho bệnh nhân hiến tạng.
Các bác sĩ dành một phút mặc niệm cho bệnh nhân hiến tạng.

Quyết định hiến tạng con của bà Ngần vấp phải không ít người phản đối, họ cho rằng như vậy phải tội với người đã mất. Từ những lời động viên của bác sĩ, với lý lẽ riêng của mình, bà đã bỏ mặc ngoài tai, làm theo trái tim mình mách bảo "cứu một mạng người phúc đẳng hà sa"; "nếu con mình có biết chắc chắn cũng ủng hộ quyết định này".

Nhớ lại khoảnh khắc đặt bút ký, bà Ngần nói: "Đúng là trước khi đặt bút ký, tôi cũng như người nhà, anh chị của con đều đau xót lắm. Con đang lành lặn như vậy, ai chẳng muốn để nguyên con như thế. Dù đã nghĩ thông mọi chuyện nhưng tôi cũng phải rứt ruột, rứt gan ký quyết định hiến tạng con để cứu những bệnh nhân khác".

Sau khi lo tang cho con, bà Ngần như được an ủi phần nào khi biết tin đã có 3 ca ghép ở Bệnh viện Quân Y 103 thành công ngay hôm đó. Bà bảo: "Thôi thì cũng mừng cho gia đình họ, mà một phần cơ thể con mình vẫn còn sống cơ mà. Gần đây gia đình một bệnh nhân được ghép gan cũng đã đến thắp hương cho M. Họ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với gia đình chúng tôi".

Có trò chuyện với bà Ngân chúng tôi mới hiểu được đó là quyết định khó khăn thế nào. Và, chúng tôi cũng hiểu một điều rằng: Bà quyết định như vậy chẳng mong muốn được báo đáp hay đòi hỏi bất cứ thứ gì. Lòng bà chỉ mong muốn những người được cứu chữa luôn khỏe mạnh. Đó là niềm an ủi lớn nhất của bà lúc này. "Tôi không ngờ hành động của mình lại được nhiều người quan tâm đến vậy. Tôi cũng chỉ mong mọi người hiểu, ủng hộ cho quyết định này. Con tôi mất đi nhưng được tiếng thơm cho đời, để lại phúc đức về sau" - Bà Ngần tâm sự.


Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa cho biết: Hoàn cảnh gia đình bà Ngần thuộc diện khó khăn. Năm năm trở lại đây gia đình bà cũng ổn định hơn.

Về chuyện buồn mà gia đình bà Ngần gặp phải, địa phương đã nắm bắt được thông tin và đã đến gia đình động viên. Đây là nghĩa cử đáng ca ngợi. Bởi trong điều kiện hoàn cảnh con bị tai nạn họ vẫn vượt qua được nỗi đau để can đảm hiến tạng. Hành động này không phải ai cũng có thể làm được khi mà những cổ hủ, định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức.

Giáo sư Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết, rạng sáng 27/7, Bệnh viện 103 tiếp nhận nam thanh niên trong tình trạng chấn thương nặng, dập não có tụ máu, dập phổi, chết não.

Bác sĩ sau khi thông báo tình trạng của chàng trai đã vận động gia đình hiến tạng con để cứu nhiều người khác. Bà Ngần là người mẹ rất dũng cảm. Bà ngồi bên giường con, mất nửa ngày để suy nghĩa và đưa ra quyết định. Chúng tôi rất mừng vì quyết định ấy, đồng thời chia sẻ nỗi đau to lớn của người mẹ.

Đêm 27/7, san các nghi thức tri ân người hiến tạng, cả trăm bác sĩ thuộc hai bệnh viện 103 và Việt Đức đã bắt tay vào 4 ca phẫu thuật cùng lúc ghép tạng cho 4 bệnh nhân. Trong khi lá gan của chàng trai được đưa sang Bệnh viện Việt Đức để ghép cho bệnh nhân cần ghép gan thì kíp phẫu thuật ở Bệnh viện 103 tiến hành ghép tim và thận cho 3 người khác. Sau ca ghép, 4 bệnh nhân vẫn đang được theo dõi sức khỏe, những tạng được ghép đã hoạt động trên cơ thể người mới.

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác