Phóng sự
Lỗ thủng
Việc ăn cắp thời gian, tiền của của Nhà nước ở các cơ quan, công trình, dự án không thể nói là ít. Nhưng chúng ta đã làm quá sơ sài như là cố tình bỏ qua hoặc không làm gì. Trong khi hai thanh niên ăn cắp 2 chiếc bánh thì bị truy đến cùng. Và đấy là một LỖ THỦNG trong việc hành pháp của chúng ta.
Bác Lê Văn Phương (Vĩnh Trụ, Hà Nam): Trong những ngày tháng 7 qua, chúng tôi đọc được thông tin trên báo, việc: Trên địa bàn quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, hai thanh niên Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân vì quá đói bụng nên giả vờ mua bánh mì ăn rồi bỏ chạy.
Sau khi Cơ quan công an điều tra bổ sung, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố 2 thanh niên trên về tội “cướp giật tài sản” với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù (tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử ngày 20-7, HĐXX đã tuyên phạt Tuấn 10 tháng tù, Tân lĩnh án tù 8 tháng 20 ngày).
Trong những ngày trước phiên xét xử, truyền thông đưa tin liên tiếp chuyện 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà nhưng lãnh đạo Vinaconex vẫn được miễn xử lý hình sự, vì “vi phạm lần đầu”!!! Thậm chí, những vị lãnh đạo tập đoàn này còn không bị khởi tố vì thiếu trách nhiệm, thiếu giám sát để xảy ra hậu quả trên.
Thực sự, chúng tôi không hiểu được sự mạnh mẽ cứng rắn của luật pháp đến như vậy trong việc xử phạt 2 thanh niên “bùng” mấy ổ bánh mì (trị giá 45 nghìn đồng), trong khi lại rất nương nhẹ, “chiếu cố” cho những lãnh đạo của Vinaconex đã để xảy ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến thế. Chúng tôi xin được nghe ý kiến của nhà báo?
Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân tại tòa. |
Nhà báo Minh Đức: Thưa bác Lê Văn Phương, ý kiến mà bác đưa ra đã tạo nên một sự tương phản mạnh mẽ. Sự so sánh của bác làm tôi nhớ đến một câu nói của người Việt chúng ta lâu nay: “Con mèo tha con cá thì bị đuổi đánh, con hổ tha con lợn thì không ai nói gì”.
Tôi cứ băn khoăn nhiều ngày qua về chuyện hai thanh niên đói quá không có tiền mà phải cướp hai chiếc bánh mỳ. Mà cho dù họ không đói nhưng vẫn làm thế thì có cần phải xử họ từng đó thời gian tù không và tội danh như vậy có thực sự đúng không. Luật pháp thường là rất rõ ràng, cụ thể và minh bạch nhưng nó luôn ẩn chứa trong đó tính nhân văn của những người làm ra luật.
Mục đích cao nhất của luật pháp vẫn là tạo ra những cơ hội để người phạm tội nhận ra tội của mình và sửa chữa chứ không phải truy đến cùng và trừng phạt hết mức. Theo quan sát, phân tích của tôi và cũng của không ít người hiểu biết luật pháp thì: Hai chiếc bánh kia đúng là tài sản của người dân, việc cướp hai chiếc bánh ấy đúng là cướp đi một tài sản cho dù tài sản ấy to hay nhỏ.
Hình thức là thế nhưng điều bên trong của hình thức ấy lại không hoàn toàn như vậy. Lúc này, điều quan trọng là người xử án sẽ nhìn hình thức và bản chất của sự việc ấy như thế nào. Nếu cứ xử nhất nhất như vậy thì hằng ngày chúng ta phải đưa biết bao người vào tù.
Người nhặt một viên gạch ở công trường xây dựng mà không được phép phải vào tù.
Người hái một quả ổi trong vườn người khác không được phép phải vào tù.
Người giành giật những lon bia hay nước ngọt mà một chiếc xe làm đổ trên phố phải vào tù.
Người bật điều hòa ở cơ quan, ngồi chơi cờ trong giờ làm việc phải vào tù.
Người dùng xe công đi chơi, đi lễ, về quê... phải vào tù.
Người dùng tiền công quỹ đi biếu xén phải vào tù.
...
Bởi tất cả những thứ như tôi vừa kể trên: Viên gạch, quả ổi, lon bia, điện, phương tiện, tiền công quỹ... đều là tài sản của nhân dân và của Nhà nước. Tất cả những tài sản ấy không khác gì “2 chiếc bánh mỳ” kia đứng về bản chất.
Nhưng những hành vi ăn cắp tài sản ấy lại không bị xét xử(?!) Vấn đề ở đây không phải cái này là tài sản và cái kia không là tài sản mà là việc xét xử không nghiêm minh, thiếu tính nhân đạo và nhiều lúc tùy tiện.
Đường ống nước Sông Đà liên tiếp gặp nhiều sự cố vỡ ống. |
Nhưng điều bác đưa ra ở vế hai của câu hỏi mới là điều đau đớn và là một vấn đề nghiêm trọng. Trong khi hai thanh niên kia ăn cắp hai chiếc bánh mỳ thì mang ra xét xử như là rất nghiêm minh còn những kẻ vô trách nhiệm làm thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỷ thì chỉ rút kinh nghiệm cùng lắm là thuyên chuyển công tác từ vị trí lãnh đạo này sang một vị trí lãnh đạo khác.
Việc ăn cắp thời gian, tiền của của Nhà nước ở các cơ quan, các công trình, dự án không thể nói là ít. Nhưng chúng ta đã làm quá sơ sài như là cố tình bỏ qua hoặc không làm gì. Trong khi hai thanh niên ăn cắp hai chiếc bánh thì bị truy đến cùng.
Vì sao lại có chuyện này? Vì tính không nghiêm minh trong luật pháp và vì những người có trách nhiệm không đủ dũng cảm, không vì lẽ phải, không vì sự công bằng và thiếu tính nhân văn. Và đấy là một LỖ THỦNG trong việc hành pháp của chúng ta.
Lâu nay, một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nói về việc giảm sút uy tín trầm trọng của những cá nhân và cơ quan Nhà nước. Việc giảm sút uy tín này có nhiều nguyên nhân và một trong những nguyên nhân ấy là sự không công bằng của những người cầm cân nảy mực khi thi hành luật pháp.
Khi một người được giao trọng trách xét xử những người vi phạm luật pháp mà không nghiêm minh, không công bằng và không đúng tội thì người đó đã phạm tội. Nguy hiểm hơn, chính những hành động đó sẽ là nguyên nhân làm cho người dân mất lòng tin vào kỷ cương của một nhà nước. Và khi không còn tin vào kỷ cương của nhà nước thì họ một ngày nào đó sẽ phá vỡ kỷ cương đó.
Xin cảm ơn bác đã đặt ra một vấn đề để chúng ta và bạn đọc cùng suy ngẫm, cùng lên tiếng bằng nhiều cách để kỷ cương của đất nước ngày một nghiêm minh cũng như làm cho luật pháp của chúng ta vừa khoa học vừa nhân văn. Bởi luật pháp của bất cứ nhà nước nào từ xưa tới nay đều vì lợi ích của đất nước đó.
Nguồn: CSTC/Báo CAND