Phóng sự
Chuyện chưa kể về một đơn vị chuyên 'săn' tội phạm ngoại
Thời gian gần đây cùng với sự hội nhập về nhiều mặt thì tội phạm người nước ngoài có chiều hướng gia tăng tại Thủ đô. Đội Hướng dẫn và Điều tra án có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội là một trong số ít đơn vị công an cấp tỉnh, TP được giao chuyên trách xử lý những vụ án hình sự liên quan đến các “ông Tây, bà đầm”.
Dưới sự chỉ huy của lãnh đạo Công an TP và Phòng PC45, CBCS Đội 10 đã từng bước trưởng thành, góp chung vào “thương hiệu” số 7 Thiền Quang.
Là đơn vị trẻ nhất Phòng CSHS, Đội 10 đã kịp ghi dấu ấn bằng nhiều chiến công. |
1. Chúng tôi có mặt tại Đội 10 PC45 vào 17 giờ chiều một ngày giữa tháng 8.
Mặc dù đã hẹn trước, song chúng tôi vẫn phải ngồi chờ vì CBCS của đội đang bận túi bụi với những vụ án. Lặng lẽ quan sát, có thể thấy góc nọ một trinh sát trẻ măng đang “lủng xủng xoẻng, góc kia nữ trinh sát lại “xì la xì lô”... cứ gọi là Anh, Hoa, Nga, Pháp đủ cả. Thi thoảng lại thấy chiếc xe taxi đỗ xịch thả xuống một nhóm người tóc vàng, tóc đỏ, da trắng, da đen đi lại tấp nập.
Góc trong cùng của căn phòng, Thượng tá Ngô Văn Đáp (Đội trưởng Đội 10) cần mẫn đọc từng dòng văn bản là những báo cáo nhanh, biên bản khám nghiệm hiện trường... cần phê duyệt gấp.
Phải đến 30 phút sau, người Đội trưởng kỳ cựu của Phòng CSHS mới ngừng tay để kể với chúng tôi một trong những chuyên án gay cấn nhất mà anh cùng đồng đội từng phá là chuyên án bắt đối tượng ấu dâm người Canada.
Khoảng tháng 5-2015, Phòng PC45 tiếp tục nhận được nhiều thông tin về một đối tượng nam có gương mặt điển trai, tóc nhuộm vàng thường xuyên có mặt tại khu vực quận Hoàn Kiếm để rủ các bé nam về nhà giở trò đồi bại. Hắn vốn là giáo viên của một trung tâm Anh ngữ tại Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm, Hà Nội), đồng thời là ca sỹ thường xuyên chơi nhạc tại một quán bar trên phố Hàng Chĩnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Kẻ biến thái này thường xuyên rủ “trai mầm” (các bé trai từ 13-15 tuổi, đẹp trai, ngây thơ) ở khu vực hồ Hoàn Kiếm về nhà hắn để thực hiện hành vi dâm ô. Nhận thấy đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng PC45 đã chỉ đạo Đội 10 lập chuyên án điều tra.
Để vạch mặt hắn, tổ công tác của Đội 10 đã lên phương án trinh sát, theo dõi chặt những di biến động của đối tượng. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng xuất nhập cảnh Công an Hà Nội, Công an quận Tây Hồ..., chuyên án đã đạt kết quả tốt.
Cũng theo một điều tra viên Đội 10, đối tượng biết rõ hành vi của hắn là vi phạm pháp luật, nên luôn cảnh giác, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Gần thời điểm phá án, hắn thuê một căn phòng tại ngôi nhà của một người nước ngoài làm nơi hành sự. Vì thế đã gây không ít khó khăn cho công tác điều tra của lực lượng công an.
Sau khi nghiên cứu tỉ mỉ các phương án, giữa tháng 6-2015, lực lượng CSHS quyết định phá án. Sáng 17-6-2015, đối tượng vừa thực hiện xong hành vi dâm ô với một bé trai thì các trinh sát bất ngờ ập vào. Khi được đưa về cơ quan điều tra, hắn được làm rõ là Vadim Scott Benderman (SN 1970, quốc tịch Canada) một mực không thừa nhận hành vi phạm tội. Phải mất nhiều ngày đấu tranh với đối tượng, Ben mới ngoan ngoãn ký vào biên bản phạm pháp.
Trước đó, đầu năm 2015, cán bộ chiến sỹ Đội 10 còn bắt được một gã trùm chuyên lừa đảo qua mạng Internet. Oshanugor James Anyasi (còn gọi là James, SN 1980, quốc tịch Nigeria) cùng nhiều đối tượng trong đường dây đã thiết lập một ổ nhóm chuyên lên mạng “bẫy” các quý bà quý cô để nẫng đi nhiều tài sản của họ.
James liên tục giả làm doanh nhân giàu có lên mạng Internet tìm gặp nhiều phụ nữ thuộc các nước Đông Nam Á để trò chuyện, làm quen. Khi thấy có người “bắt sóng”, James sẽ giở bài than thở rằng mình đang rất cô đơn, rất cần có bạn, và vẽ ra viễn cảnh sống sung sướng, giàu có nếu đối tác ra nước ngoài sống cùng James.
Các trinh sát Phòng PC45 Công an TP Hà Nội đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu tỉ mỉ đường đi nước bước của hắn. Ngặt một nỗi James cứ ung dung ngồi ở “bển” chỉ đạo và trực tiếp tham gia những phi vụ lừa đảo các quý bà quý cô người Việt. Nhiều lần các trinh sát phải vờ tự “chui mình vào rọ” để khiến James phải xuất hiện ở Việt Nam, song hắn đều khôn ngoan tránh được.
Kiên trì bám theo mọi di biến động của đối tượng, tháng 2-2015, các trinh sát Đội 10 phát hiện ra James đang trong hành trình di chuyển từ Dohar (Qatar) sang Phnom Penh (Campuchia). Lần này, anh em quyết tâm phải tóm bằng được đối tượng. Một sợi dây tình cảm với James được thiết lập cùng cuộc hẹn tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). James không thể ngờ đó lại là cái bẫy giăng sẵn...
Hai trinh sát giàu kinh nghiệm của PC45 được lệnh bí mật từ Hà Nội bay vào TP HCM, phối hợp cùng với Đồn công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đón lõng đối tượng. Khi được mời xuống máy bay, James vẫn luôn miệng nói rằng... công an bắt nhầm người! Hắn bảo với các trinh sát rằng, “người mà các ông truy nã là người anh em sinh đôi với tôi”. Nhưng mọi chiêu trò của James đều bị các trinh sát lật tẩy dễ dàng.
Ngoài ra, cán bộ chiến sỹ Đội 10 còn ghi dấu ấn trong các vụ bắt đối tượng truy nã “đỏ” mang quốc tịch Hàn Quốc, hay vụ bắt ổ nhóm người Peru chuyên trộm cắp tài sản tại các khách sạn hạng sang...
2. Có thể nói Đội 10 PC45 là đơn vị “trẻ” nhất của Phòng CSHS với chưa đầy 5 năm tuổi. Số lượng cán bộ cũng rất mỏng, chỉ xấp xỉ 20 CBCS, chủ yếu là cánh lính trẻ, ít kinh nghiệm. Tuy vậy, khối lượng công việc mỗi năm của Đội giải quyết là không hề ít. Đơn cử trong năm công tác 2015, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị quận huyện giải quyết đến 90 vụ việc có yếu tố nước ngoài, thụ lý 12 vụ án, tiếp nhận 69 đơn thư và 19 đầu mối...
Từ tháng 10-2015 đến tháng 7-2016 đơn vị đã phối hợp giải quyết 66 vụ việc có yếu tố nước ngoài, điều tra khám phá 20 vụ án; bắt giữ 4 đối tượng có lệnh truy nã của Interpol...
Cũng theo Thượng tá Đáp, vì thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài, cán bộ đại sứ quán các nước... nên tất cả CBCS của Đội đều có trình độ ngoại ngữ hạng khá trở lên. Có 4 cán bộ điều tra tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ... Sự chủ động trong ngôn ngữ đã giúp giải quyết được không ít vụ việc khó, phức tạp.
Tháng 7-2014 Đội 10 nhận được thông tin một người quốc tịch Anh tên là William Edward Woods (thường gọi là Will) bị mất tích tại Việt Nam. Theo lời cha của Will, đã hơn 7 tháng họ không nhận được tin tức từ anh ta. Họ lo sợ rất có thể Will đã bị bắt cóc hoặc bị thủ tiêu...
Thấu hiểu nỗi lo lắng từ người cha tội nghiệp, các trinh sát, điều tra viên thuộc Đội 10 PC45 đã tổ chức kế hoạch tìm kiếm. Bởi bằng sự nhạy cảm của mình, các điều tra viên nhận thấy đây là một sự mất tích không bình thường. Cũng không loại trừ khả năng có hành vi phạm tội xảy ra.
Được biết, sau khi nhập cảnh vào Việt Nam thông qua sự bảo lãnh của Công ty Nam Long, Will đã có thời gian dạy học tại một trung tâm Anh ngữ quốc tế trên phố Vạn Bảo (Ba Đình, Hà Nội). Tiến hành xác minh các giáo viên hiện đang làm việc tại đây, trinh sát được biết trước kia có một giáo viên tên Will, song nhiều tháng nay anh ta đã bỏ đi đâu không rõ. Cũng không ai liên lạc được với anh ta.
Tiến hành rà soát thông tin từ nhiều công ty lữ hành quốc tế, đặc biệt là những công ty thường có khách đi từ Hong Kong, nhưng vẫn chưa có kết quả. Các trinh sát cũng dành nhiều thời gian dò tìm tung tích Will từ địa chỉ email mà người cha cung cấp, song vẫn chưa tìm được manh mối nào.
Hai tuần trôi qua, khi mà hy vọng tìm kiếm anh chàng “hot boy” người Anh dần đi vào ngõ cụt, thì một manh mối hiện ra. Các trinh sát phát hiện Will nhập cảnh vào Việt Nam từ năm ngoái, và chưa xuất cảnh. Thời hạn được phép ở Việt Nam đã gần hết, do vậy chắc chắn anh ta sẽ phải làm thủ tục gia hạn. Lần theo đầu mối này, trinh sát phát hiện Will đã nhờ một công ty lữ hành tại TP HCM làm thủ tục gia hạn tạm trú từ ngày 16-5-2014.
Tiếp tục theo đầu mối này, trinh sát có được thêm một số thông tin về Will, đặc biệt là thông tin anh ta vừa từ TP HCM ra Hà Nội được ít ngày. Vậy là một nữ cán bộ thuộc dạng “siêu” ngoại ngữ nhất của Đội 10 đã gọi vào số điện thoại của Will và biết được anh ta đang tạm trú tại ngõ 203 Trường Chinh (Thanh Xuân, Hà Nội).
Cho đến ngày 7-8-2014, Will đã có mặt tại trụ sở của Đội 10, PC45, để trình diện. Thông tin và hình ảnh của Will ngay lập tức được chuyển về cho ông Norman Woods để người cha yên tâm về việc đứa con của mình vẫn còn sống, và khỏe mạnh.
Bên cạnh những chiến công truy lùng các đối tượng người nước ngoài chuyên trộm cắp, lừa đảo, cướp hoặc xử lý các đối tượng gây rối trật tự công cộng, tìm kiếm người mất tích..., cán bộ chiến sỹ Đội 10 còn phải giải quyết những vụ việc hết sức tế nhị, nhạy cảm liên quan đến người nước ngoài khác.
Thượng tá Ngô Văn Đáp (bên phải) trao trả tài sản bị mất trộm cho công dân nước ngoài. |
3. Khoảng 0 giờ một ngày tháng 7-2016 khi Thượng tá Đáp đang trực tại cơ quan thì số máy “đường dây nóng” của đội đổ dồn. Phía đầu dây thông báo tại một khách sạn hạng VIP trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), một người đàn ông mang quốc tịch Nhật Bản vừa tử vong không rõ nguyên nhân. Chỉ sau 10 phút anh cùng đồng đội đã có mặt tại hiện trường.
Theo người nhà của nạn nhân, cụ ông ngoài 70 tuổi sang Việt Nam du lịch với vợ, con trai và con dâu. Khi phát hiện ông có dấu hiệu suy hô hấp, người nhà đã gọi cấp cứu, song cụ đã ngừng thở ít phút sau đó. Thượng tá Đáp cùng đồng đội tiến hành khám nghiệm hiện trường, sơ bộ xác định đây có phải là án mạng hay chỉ là một ca tử vong thông thường.
Vì người nhà cụ ông có yêu cầu được giải phẫu tử thi để xác định nguyên nhân cái chết, nên cơ quan chức năng tiến hành đưa thi thể cụ về nhà xác để chờ được giải phẫu. Tuy nhiên, khi khiêng cáng đưa cụ xuống xe thì lại chỉ có hai nhân viên khiêng hai góc cáng. Nếu chờ thêm người thì sẽ mất thời gian và gây ấn tượng xấu với công dân nước bạn, Thượng tá Đáp không ngại ngần đỡ hai đầu cáng còn lại đưa cụ xuống mấy tầng lầu để ra xe. Trước khi đưa vào buồng lạnh, Thượng tá Đáp yêu cầu nhân viên phải có biện pháp nhận diện chính xác cụ ông, tuyệt đối không để nhầm lẫn.
Ngày hôm sau Thượng tá Đáp liên hệ với Phòng Kỹ thuật hình sự, VKSND cùng một số cơ quan hữu quan có mặt để tiến hành giải phẫu tử thi, xác định nguyên nhân cái chết. Sau khi xác định nguyên nhân cụ ông chết là do bệnh lý, gia đình nạn nhân đã làm thủ tục đưa ông về nước mai táng.
“Năm 2014, Đội đã phối hợp giải quyết 32 vụ người nước ngoài chết tại Hà Nội. Năm 2015 là 19 vụ. Từ tháng 10-2015 đến nay đã có 17 vụ người nước ngoài chết, chủ yếu là do nguyên nhân bệnh lý. Mỗi khi vụ việc xảy ra, Đội phải cắt cử một điều tra viên phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý. Những vụ việc như vậy vừa phải giải quyết nhanh gọn, lại vừa phải cẩn thận không để xảy ra bất cứ sai sót nào” - thượng tá Đáp chia sẻ.
Mải trò chuyện, nhìn đồng hồ mới biết đã quá giờ cơm tối, chúng tôi xin phép ra về. Vừa bước ra cửa thì bắt gặp mấy người nước ngoài lục tục đi vào, tôi bấm đồng nghiệp nán lại. Qua phiên dịch viên, chúng tôi biết được họ là người nhà của cụ ông người Nhật quy tiên ít hôm trước. Họ cho biết, trước khi lên đường về Nhật, muốn quay lại chào và cảm ơn công an Việt Nam vì sự tận tâm của các anh. Rồi cứ thế, họ vừa cúi gập người, vừa luôn miệng: “Arigatou gozaimasu!” (Cảm ơn rất nhiều).
Theo Báo CAND