Phóng sự

Giữ nước thời bình

09:41, 30/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là một chân lý được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết từ tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam và cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, lệ thuộc trên thế giới.

Nước có độc lập thật sự, nhân dân mới có tự do, hạnh phúc. Khi đất nước đã có độc lập thì kế sách giữ cho được nền độc lập ấy là sứ mệnh đòi hỏi “người chèo lái” phải nhìn lại lịch sử để đúc rút bài học, nắm lấy vận mệnh nước nhà.

Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải (1241-1294), con trai thứ ba của vua Trần Thánh Tông không những là một danh tướng kiệt xuất mà còn là một nhà thơ đã in dấu ấn trong văn chương dân tộc. Mùng 6, tháng 6 năm Ất Dậu 1285, sau khi đánh bại đạo quân của Thoát Hoan khỏi kinh thành Thăng Long, danh tướng Trần Quang Khải phò vua Trần về lại kinh đô. Thời khắc đó được lưu truyền trong bài thơ 4 câu Tụng giá hoàn kinh sư:

Chương Dương cướp giáo giặc,

Hàm Tử bắt quân thù.

Thái bình nên gắng sức.

Non nước ấy ngàn thu.

         (Trần Trọng Kim dịch)

Thời khắc lịch sử ấy tới nay đã hơn bảy thế kỷ, đất nước qua bao phen chiến chinh, giang sơn, bờ cõi bao lần lung lạc. Nền thái bình của dân tộc vốn trải qua bao mất mát, hy sinh suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn với những cuộc chiến chinh bảo vệ độc lập, chủ quyền.

Khoan thư sức dân là thượng sách giữ nước mọi thời đại.
Khoan thư sức dân là thượng sách giữ nước mọi thời đại.

Điều ấy càng hun đúc khát vọng hòa bình, độc lập mà ráng sức gìn giữ. Nhưng một quy luật tất yếu, muốn thái bình phải “tu trí lực”, ấy là gắng sức dựng xây cả về nền tảng kinh tế, vật chất, cũng như củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân gắn với sức mạnh quốc phòng, an ninh. Thời Lý được coi là một thời đại cực thịnh của Đại Việt.

Ngay sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn đã hạ chiếu tha bổng sưu thuế trong nhiều năm. Trong gần 18 năm cầm quyền, nhà vua đã 3 lần tha, giảm sưu thuế cho nhân dân. Ông cũng là người quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.

Trong Chiếu dời đô ông viết: “Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh…”.

Điều đó cho thấy tấm lòng của những ông vua hiền sáng bao giờ cũng hướng đến nhân dân, dựa vào nhân dân để giữ nước.

Đến triều Trần, một vương triều có võ công hiển hách của dân tộc Việt: “Đến nay nước sông tuy chảy hoài/ Mà nhục quân thù khôn rửa nổi” (Bạch Đằng giang phú - Trương Hán Siêu). Để có được những võ công ấy thì việc dưỡng nhuệ sức dân luôn là kế sách hàng đầu. Người thể hiện rõ tư tưởng này chính là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Trước lúc lâm chung, trả lời câu hỏi của vua Trần Anh Tông rằng: “Nếu có điều chẳng may mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”, Hưng Đạo Vương đã trả lời: "Ngày xưa Triệu Vũ Đế dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau.

Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế.

Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp.

Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.

Lời dạy của Hưng Đạo Vương là bài học xuyên suốt lịch sử dân tộc - nền độc lập quốc gia, sự vững mạnh của mọi triều đại đều phụ thuộc vào lòng dân. Dân đồng lòng, ủng hộ thì dù quân giặc đông và hung bạo đến đâu cũng sẽ phải chịu thất bại. Còn khi lòng dân lung lạc, quay lưng với triều đình thì dù có thành cao hào sâu, có quân đông thì vận nước cũng khó bề giữ vững (bài học Hồ Quý Ly để mất nước vào tay giặc Minh là minh chứng).

Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - thời đại đất nước độc lập, đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân làm chủ đất nước, đồng thời khẳng định cơ sở chính trị - thực tiễn và cơ sở pháp lý của nền độc lập.

Tuyên ngôn là sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc và khẳng định rõ ý chí, quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập. Độc lập của Tổ quốc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”

(Ảnh chụp Lễ diễu binh chào mừng Quốc khánh, ngày 2-9-2015)
(Ảnh chụp Lễ diễu binh chào mừng Quốc khánh, ngày 2-9-2015)

Người từng ví công việc cách mạng như “hòn đá to, hòn đá nặng, một người nhấc, nhấc không đặng”. Ngược lại cũng hòn đá ấy nếu có nhiều người cùng nhấc thì sẽ được. Suy rộng ra, việc cứu nước, xây dựng quốc gia nếu nhiều người đồng lòng thì nhất định sẽ thành công.

Người khẳng định, Đảng phải lãnh đạo để nhân dân đứng lên đấu tranh tự giải phóng và xây dựng xã hội mới do mình làm chủ. Sự nghiệp ấy chỉ có thể được thực hiện bằng sức mạnh của quần chúng nhân dân.

Thực hiện lời thề độc lập, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã anh dũng chiến đấu suốt 30 năm chống sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, giành độc lập, thống nhất non sông, vững bước xây dựng, phát triển đất nước từ quá độ lên CNXH.

30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự phát triển của đất nước ta. Bằng những cải biến sâu sắc và toàn diện, quá trình đổi mới đã đem lại những thành tựu phát triển to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Liên tục trong nhiều năm, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, góp phần đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, nâng cao đời sống nhân dân. Bài học được đúc kết trong 30 năm đổi mới cũng như hơn 70 năm kể từ ngày đất nước giành độc lập, đó chính là việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, dựa vào dân để giữ vững nền độc lập.

Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành “Nghị quyết về việc thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Trung ương Đảng đánh giá, hơn 10 năm đầu thế kỷ XXI, việc thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc luôn đặt trong sự gắn kết với bối cảnh đa dạng, phức tạp, nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức của tình hình quốc tế và trong nước; được vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp, đáp ứng những yêu cầu cơ bản của thực tiễn. Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng nền quốc phòng toàn dân; tăng cường thế trận quốc phòng và an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ trên các địa bàn chiến lược đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Các lực lượng vũ trang được xây dựng theo hướng tinh gọn, sức cơ động và chiến đấu cao. Các lực lượng vũ trang đã thể hiện cao tinh thần trung thành với Tổ quốc, với Đảng, giữ vững vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc và trật tự xã hội...

Dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là quy luật có ý nghĩa sống còn trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Luận thuyết và thực tiễn các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập chủ quyền ở Việt Nam cũng chứng minh rõ, yếu tố quyết định sự thành bại trong mọi cuộc chiến là ở sức mạnh nhân dân với đường lối, chiến thuật đúng đắn.

Khí tài quân sự giữ vai trò quan trọng nhưng không có ý nghĩa quyết định. Phát huy kế sách giữ nước khi bình thời thì nền thái bình, độc lập ấy được đảm bảo, còn để nguy nan mới “vái tứ phương”, để lòng dân suy loạn thì hậu họa đã rồi.

Là một quốc gia chịu nhiều đau thương, mất mát của các cuộc chiến tranh xâm lược, chúng ta khao khát, chúng ta mong muốn hòa bình, độc lập nhưng thực tiễn lịch sử trường tồn, phát triển của dân tộc cũng chỉ rõ rằng, nền hòa bình, độc lập ấy chỉ có được khi chúng ta biết dựng xây sức mạnh có ý nghĩa cốt lõi từ quần chúng nhân dân, gắn với việc củng cố sức mạnh quốc phòng, an ninh.

“Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” là bài học xuyên suốt chiều dài lịch sử, là thượng sách giữ nước muôn đời vậy.

Theo Báo CAND

Các tin khác