Phóng sự
Xâm hại trẻ em – Cần chặn đứng từ nguy cơ
Mỗi năm, chỉ riêng đường dây nóng của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã nhận được hàng ngàn cuộc gọi tư vấn và can thiệp về việc trẻ em bị xâm hại. Không chỉ các em gái, nhiều em trai cũng đã và đang trở thành “miếng mồi ngon” của những kẻ ấu dâm.
Khu biệt thự số 35 phố Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội) có một căn phòng nhỏ mà nhiều năm nay đã trở thành nơi xoa dịu những nỗi đau cho trẻ bị xâm hại tình dục. Đó là “đại bản doanh” của Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em).
Có mặt tại đây, chúng tôi cảm nhận được phần nào nỗi đau của những ông bố, bà mẹ khi có con bị xâm hại; đặc biệt là những nỗ lực của cán bộ nhân viên Đường dây để góp phần hạn chế những tổn thương cho trẻ, giúp các cháu có điều kiện phát triển tốt nhất cả về tinh thần và thể chất.
BÀI 1: TƯỜNG TRÌNH TỪ ĐƯỜNG DÂY NÓNG
1. Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (TTTV&DVTT) vào một sáng đầu thu. Cơn mưa đêm đã làm dịu đi cái oi bức, ngột ngạt của thời tiết Hà Nội trước cơn bão.
Chúng tôi được chị Hoàng Lê Thủy, trưởng ca trực đón tiếp với nụ cười tươi tắn. Chị cho biết trung tâm vừa nhận được thông tin tốt lành về một số ca tư vấn cũng như can thiệp về bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em. Nhưng tôi vừa định bắt đầu cuộc phỏng vấn thì một tư vấn viên chạy vội đến xin ý kiến trưởng ca để kịp thời hỗ trợ cho một ca khó.
Trong căn phòng rộng chừng hơn 20m2 được chia làm 5 cabin xinh xắn. Mỗi tư vấn viên sẽ phụ trách một cabin, trực tiếp nhận cuộc gọi từ trẻ em và người dân cả nước 24/24h.
Chừng 15 phút sau, chị Thủy quay lại cuộc trò chuyện với chúng tôi và khuôn mặt mang đầy vẻ ưu tư. Chị bảo: “Lại có thông tin về một vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở một trường tiểu học các anh ạ. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ phải tiến hành kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng. Song linh cảm của tôi thì những điều vị phụ huynh vừa trình bày có độ tin cậy”.
Cũng theo chị Thủy, mỗi ngày 19 tư vấn viên của Đường dây được chia làm 3 ca trực điện thoại để cung cấp thông tin, kịp thời tư vấn, hỗ trợ cho những người gọi đến. Ca đầu từ 6 giờ sáng cho đến 14 giờ chiều, ca thứ hai từ 14 giờ đến 22 giờ và ca thứ ba từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
Các cuộc gọi đến thường là những thắc mắc của người dân về vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ, hoặc trẻ bị bạo lực, bị mua bán, bị lạc, bị bỏ rơi, trẻ cần hỗ trợ về tài chính... Thống kê cho thấy, mỗi tháng đường dây nhận trung bình 2.500 cuộc gọi, trong đó có hàng trăm ca về xâm hại tình dục trẻ em.
Khi nhận được những cuộc gọi đó, tư vấn viên trước hết bằng nghiệp vụ của mình sẽ cung cấp thông tin, tư vấn về những việc mà các bậc phụ huynh cần phải làm để tránh tổn thương thêm cho trẻ. Nếu gặp ca nghiêm trọng, cần có sự can thiệp, hỗ trợ từ chính quyền cũng như các tổ chức xã hội, đầu tiên các tư vấn viên phải tự sàng lọc về độ tin cậy của thông tin, từ đó kết nối với địa phương có trung tâm xã hội, đề nghị họ xác minh.
Khi đã xác định có sự việc xảy ra thì cán bộ địa phương sẽ thực hiện kế hoạch can thiệp theo đúng quy trình mà Bộ LĐ-TB&XH đã đề ra. Phía TTTV&DVTT sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát và hỗ trợ cho cán bộ đó. Những trường hợp trẻ bị tổn thương tâm lý nặng nề, cần được trị liệu một cách chuyên nghiệp thì các chị sẽ tạo điều kiện đưa trẻ đến Văn phòng trị liệu của Cục.
Hãy gọi đến đường dây khi phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục. |
“Các tư vấn viên cũng cần có nhiều kinh nghiệm, bởi có không ít cuộc gọi đến chỉ là “hoang báo”. Không loại trừ việc có những người “rảnh rỗi” gọi đến chỉ để có người nói chuyện cho vui, thậm chí đóng giả là người nhà của trẻ để trêu đùa” - chị Thủy kể.
Nhưng đa phần những cuộc gọi cầu cứu trung tâm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em thì đều là những cuộc gọi chan chứa nước mắt của những bậc sinh thành. Chị Thủy nhớ lại một trong những ca can thiệp mà chị và các tư vấn viên có rất nhiều kỷ niệm...
2. Cũng giống như sáng nay, nhưng cách đây khoảng 2 năm, chị Thủy nhận được một cú điện thoại từ tỉnh Quảng Ninh. Phía đầu dây là một giọng nữ rất yếu ớt. Có thể nghe được những lời kể lẫn trong tiếng khóc sụt sùi đượm sự căm giận, tủi hổ. Chị V.T.B (SN 1982, trú tại một xã vùng xa của huyện Móng Cái) trình bày việc cháu N.T.N.M (SN 2007, là con gái của chị B.) vừa bị một gã bảo vệ trường tiểu học xâm hại tình dục.
Là một tư vấn viên giàu kinh nghiệm, chị Thủy động viên chị B. hết sức bình tĩnh, kiềm chế để trình bày rõ sự việc. Có thể dừng cuộc gọi, hít thở sâu một lúc rồi gọi lại. Chừng 10 phút sau, chị B. gọi lại, giọng đã bình tĩnh hơn. Nội dung câu chuyện có thể nói một cách vắn tắt. Buổi chiều mấy hôm trước, chị B. sau khi đón con từ trường về nhà thì phát hiện thấy cháu M. có những biểu hiện rất lạ. Bình thường cháu luôn cười nói, kể chuyện bạn bè ở lớp... Nhưng hôm nay, cháu im lặng suốt nhiều giờ, hỏi gì cũng không nói. Đôi mắt lúc nào cũng ầng ậng nước.
Động viên mãi, cháu M. mới kể buổi trưa hôm đó cháu bị gã bảo vệ trường là ông H. rủ vào phòng bảo vệ chơi, cho kẹo ăn. Thế rồi gã xâm hại cháu bằng tay. Cháu đau quá khóc thét lên thì gã mới thôi. Cháu vùng chạy vào lớp học. Cũng từ ngày đó, M. luôn cảm thấy lo sợ mỗi khi gặp người lạ, nhất là đàn ông. Đêm ngủ cháu thường la hét. Cô bé hay cười ngày nào giờ đây luôn buồn rầu, trầm lặng. Cháu sợ không dám đến lớp nữa, và nằng nặc đòi mẹ chuyển trường.
Chị B. cũng đề nghị đường dây nóng phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ sự việc, bắt giam gã bảo vệ đốn mạt để đòi lại công bằng cho cháu và gia đình.
Sau khi đã hỏi cặn kẽ câu chuyện, đánh giá đây là một ca rất nghiêm trọng, chị Thủy đã báo cáo ban lãnh đạo trung tâm, đồng thời liên hệ với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh để xác minh, kịp thời có phương án hỗ trợ cho trường hợp này.
Thông tin từ địa phương báo về, xác định đúng là có trường hợp này xảy ra trên địa bàn, đề nghị Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em có biện pháp hỗ trợ. Tiếp tục tiến hành tư vấn cho chị B., chị Thủy cố gắng giải thích cho chị B. biết nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phải làm mọi biện pháp để giảm đi những tổn thương cho cháu bé. Còn câu chuyện khởi tố, bắt giam gã yêu râu xanh sẽ có các cơ quan pháp luật xử lý.
Nhận thấy cháu M. có những sang chấn tâm lý, chị Thủy bàn với lãnh đạo trung tâm có thể đưa cháu lên Hà Nội để tiến hành trị liệu tâm lý cho bé (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em có một văn phòng trị liệu chuyên can thiệp và trị liệu tâm lý cho các cháu bị bạo lực, xâm hại tình dục). Chị B. đồng ý và đã đưa cháu M. lên Hà Nội vào cuối tháng 12-2014.
Tổng đài 18001567 đã kết nối với Ngôi nhà bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển) để lo chỗ ăn, ngủ cho cháu M. và mẹ. Hằng ngày cháu M. được cán bộ tổng đài đưa đến Văn phòng trị liệu để các chuyên gia tâm lý triển khai chương trình can thiệp và trị liệu tâm lý cho bé. Đồng thời cháu cũng được cán bộ Tổng đài đưa đến bệnh viện để khám và điều trị phụ khoa.
Sau 12 buổi trị liệu tích cực, sức khỏe của cháu M. đã dần ổn định, bệnh viêm phụ khoa cũng được kiểm soát. Về tâm lý, cháu đã vui vẻ trở lại, muốn đi học. Đồng thời, cháu cũng không còn những cơn ác mộng, cởi mở khi tiếp xúc với chuyên gia, biết thể hiện tình cảm yêu thương với mẹ và với giáo viên dạy. Cháu được đưa trở lại địa phương để hòa nhập cuộc sống bình thường. Cũng theo cán bộ của Đường dây, hằng tháng các chị đều gọi điện thoại xuống để hỏi han, theo dõi tình hình cháu bé. Cho đến thời điểm hiện tại, cháu đã trở lại là cô bé vui vẻ như ngày nào.
Cũng trong năm 2014, cán bộ trung tâm còn can thiệp một ca vừa xâm hại tình dục, vừa buôn bán người. Cháu H.T.T (SN 2001, trú tại một huyện xa xôi của tỉnh Điện Biên) bị một đối tượng nam vờ yêu đương rồi bán sang Trung Quốc. Nhận được thông tin từ bố mẹ cháu, Trung tâm đã kết nối với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an tiến hành giải cứu thành công cháu T. Sau đó, cháu cũng được tư vấn tâm lý để trở về hòa nhập với cuộc sống bình thường.
3. Bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cung cấp cho chúng tôi những con số đau lòng. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Trung tâm trực tiếp can thiệp hàng trăm ca trẻ bị xâm hại tình dục. Năm 2012 số ca lên tới gần 200. 6 tháng đầu năm 2016, số ca phải can thiệp cũng lên tới hàng trăm.
Theo bà Hải, khi một vụ xâm hại xảy ra thì việc cần thiết nhất là phải bảo vệ trẻ trước các tổn thương về tâm lý, sức khỏe. Còn việc xử lý đối tượng chỉ là một phần. Bản thân đứa trẻ chưa ý thức được việc phải trừng phạt kẻ dâm ô. Nghiên cứu của thế giới và Việt Nam cho thấy, trẻ bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ sẽ để lại những hậu quả rất nghiêm trọng về sau, thậm chí là cho tới khi lập gia đình, sinh con đẻ cái. Bên cạnh đó, những trẻ bị xâm hại tình dục ở độ tuổi cuối bậc tiểu học trở lên (khi cháu đã có những ý thức rõ ràng hơn về cơ thể mình) thì nguy cơ tự tử rất cao, đến trên 95%.
Tiếp nhận những ca xâm hại, cán bộ tư vấn luôn chú trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần cho bé. Về thể chất thì cháu sẽ được đưa đi khám và chăm sóc sức khỏe. Về tinh thần, cháu và phụ huynh cũng được tư vấn qua điện thoại giúp trẻ và gia đình vượt qua khủng hoảng. Những ca đánh giá là nghiêm trọng thì sẽ được đưa lên Hà Nội để các chuyên gia tâm lý trực tiếp tư vấn.
Bên cạnh chức năng can thiệp khi sự cố đã xảy ra, thì cán bộ tư vấn của đường dây luôn rất chú ý đến những nguy cơ trẻ bị xâm hại. Khi nhận được những cuộc gọi tư vấn có nghi ngờ về xâm hại tình dục (của trẻ hoặc của bố mẹ), cán bộ Trung tâm luôn tư vấn rất kỹ về khả năng tự bảo vệ cho các cháu.
Bà Hải cũng lưu ý với các bậc sinh thành, khi sự việc đã xảy ra thì với trẻ, người thân nhất, tin tưởng nhất chỉ có mẹ. Thực tế trong nhiều trường hợp người xâm hại trẻ lại chính là người thân trong gia đình (anh trai của mẹ, cha dượng, chú, bác...) đã khiến cho một số bà mẹ thiếu tin tưởng ở trẻ, cho là trẻ nói dối và trừng phạt các cháu. “Chúng tôi luôn khuyến cáo rằng, trẻ không bao giờ là người có lỗi trong câu chuyện này, mẹ sẽ là người phải làm cho bé cảm thấy tin tưởng tuyệt đối, để chia sẻ tất cả các câu chuyện cho mẹ. Người mẹ chính là điểm tựa vững chắc chất để bé vượt qua khủng hoảng tâm lý, trở lại với cuộc sống”.
Khi làm việc với Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, một số tổ chức xã hội và Cơ quan công an, chúng tôi phát hiện ra một vấn đề rất nghiêm trọng mà hiện đang dường như bị bỏ qua, đó là không chỉ trẻ nữ mà cả trẻ nam cũng là đối tượng bị xâm hại tình dục...
Ra mắt vào tháng 5-2004, cho đến nay Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 đã tiếp nhận hơn 2 triệu cuộc gọi của trẻ em và người dân trên toàn quốc. 20% các cuộc gọi tư vấn và trên 3.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị lạc, bị bỏ rơi, trẻ cần hỗ trợ về tài chính... đã được Đường dây can thiệp, trợ giúp. Số cuộc gọi tăng dần theo từng năm. Nếu như 3 năm đầu tiên, mỗi năm chỉ có gần 37 ngàn cuộc gọi thì 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm đã có trên 250 ngàn cuộc gọi đến.
Đã có hơn 2 triệu cuộc gọi đến đường dây tư vấn 18001567 trong vòng 11 năm. |
Đường dây đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế những tổn thương cho trẻ em, giúp trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất về tinh thần và thể chất. Trong những năm qua, đường dây tiếp cận đến từng trẻ em có nhu cầu được chăm sóc, bảo vệ thông qua xử lý các cuộc gọi và giải quyết các trường hợp cần can thiệp khẩn cấp. Đồng thời, đường dây đảm bảo cho những em có hoàn cảnh khó khăn nhất ở đô thị cũng như ở nông thôn có thể tiếp cận với các dịch vụ điện thoại, từng bước vận động cung cấp dịch vụ cho trẻ em tại những nơi trẻ chưa thể tiếp cận được hoặc các dịch vụ đó chưa có đủ hoặc chưa hề có.
Quan trọng hơn, đường dây đã tạo ra một mạng lưới phối hợp giữa những tổ chức, ban ngành và kết nối giữa các tổ chức này để hỗ trợ hệ thống chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại Việt Nam.
Nguồn: Báo CAND