Phóng sự
Thép cần nhưng cá cần hơn
Kính gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh! “Thư gửi từ cuộc sống” xin gửi tới Bộ trưởng lời chào trân trọng nhất và muốn được giãi bày đôi điều với Bộ trưởng về sự kiện Tập đoàn Hoa Sen Group triển khai bước đầu dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.
Đây là một sự kiện thu hút sự quan tâm của toàn xã hội cũng như dư luận dậy sóng theo những chiều ngược nhau với những tranh luận cá cần hay thép cần? Liệu có cần thêm một dự án thép khổng lồ ở vùng biển có thể coi là đẹp nhất, tiềm năng nhất Việt Nam hay không?
Thực ra dư luận chỉ thực sự quan tâm sau hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Group Lê Phước Vũ cam kết: "Chúng tôi sẽ không xả thải ra biển, nếu nhà máy của Hoa Sen khi đi vào vận hành mà gây ô nhiễm môi trường thì chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước”.
Kế đó ngày 6/9/2016, Hoa Sen tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để xin ý kiến về kế hoạch đầu tư dự án luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná. Kết quả, các cổ đông đã thông qua kế hoạch này. Để được sự chấp thuận, ông Vũ đã đưa ra nhiều luận điểm để thuyết phục các cổ đông và khẳng định khu vực ven biển Cà Ná được đánh giá là phù hợp nhất thế giới để làm nhà máy thép.
Cũng trong đại hội, ông Vũ tuyên bố Hoa Sen không lo ngại về vốn dù đó là số vốn khổng lồ 10,6 tỷ USD. Đồng thời ông Lê Phước Vũ buông ra những lời nói khó nghe để lên án một vài trường hợp báo chí đã chỉ trích dự án và sau cùng là câu nói nổi tiếng của chính ông: “Ngu gì mà không làm thép”. Gần như ngay lập tức dư luận ào ạt bình luận về sự kiện này cũng như thái độ cùng cách xưng hô mày tao của ông Vũ với báo chí.
Dư luận càng quan tâm và thắc mắc khi trước đó theo Quyết định số 3447/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 22/8/2016, phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, tại danh mục chương trình, dự án đầu tư ngành luyện kim được kể đến như: nhà máy phôi thép, luyện thép tại Nghi Sơn – Thanh Hoá; nhà máy sắt xốp, luyện gang tại Nghệ An; liên hợp luyện kim tại Nhơn Hội – Bình Định; nhà máy luyện cán thép tại Đà Nẵng.
Đáng lưu ý, dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ USD, tương đương hơn 230.000 tỷ đồng, công suất 16 triệu tấn/năm không có tên trong danh mục.
Thế nhưng chỉ sau đó mấy ngày theo Quyết định số 3516/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 25/8/2016, dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận lại được bổ sung vào Quy hoạch. Nghĩa là Bộ Công Thương chấp nhận cho Hoa Sen triển khai dự án thép trong hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.
Giải đáp thắc mắc này, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho rằng Hoa Sen được “thừa kế” từ dự án tổ hợp thép Vinashin – Lion từng được Thủ tướng xem xét, phê duyệt cách đây 8 năm. Sau sự đổ vỡ của Vinashin cộng sự khó khăn về tài chính của đối tác Lion nên Bộ Công Thương khi đó quyết định tạm rút ra khỏi quy hoạch. Và ông khẳng định việc bổ sung dự án thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận không đốt cháy giai đoạn, không vội vàng và đúng.
Sự đúng sai thật ra cũng chỉ là trong một ranh giới mỏng mờ. Nếu đã có sự không vội vàng này tại sao trong bản Quy hoạch trước đó lại không có tên của dự án Hoa Sen. Điều gì đã khiến chỉ 4 ngày sau lại có một quyết định bổ sung?
Dư luận râm ran cho rằng có sự không minh bạch trong chuyện này đặc biệt là sau những phát biểu mang đầy tính thách thức dư luận của ông Lê Phước Vũ. Phải chăng đã có một liên minh vững chắc từ lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đến Bộ Công Thương và Tập đoàn Hoa Sen Group để dự án thép Cà Ná được bổ sung quy hoạch? Những câu hỏi đó xã hội chỉ thỏa mãn khi được chính Bộ trưởng giải đáp.
Thưa Bộ trưởng!
Hẳn Bộ trưởng cùng 90 triệu người dân chưa quên thảm họa Formosa đã khiến người dân bốn tỉnh miền Trung điêu đứng ra sao. Thép đấy, thép của Formosa dù chưa vận hành đã khiến cá chết, biển chết kéo theo nhiều cái chết khác. Du lịch chết, các ngành nghề biển chết kéo theo sự bần cùng của hàng triệu ngư dân.
Người dân bị đẩy ra khỏi biển bằng một cách không thể điêu đứng hơn. Không chỉ người dân những tỉnh xảy thảm họa mà người dân cả nước cũng phải chịu những thiệt thòi đáng kể khi nhiều người phải lo sợ từ bỏ thói quen dùng những sản vật biển.
Và nữa, có biết bao nhiêu người đã nuốt độc vào người khi ăn hải sản được đánh bắt từ những vùng biển độc phân tán khắp nước. Những ngư dân nghèo khó trong sự bần cùng đã liều đánh bắt hải sản để duy trì sự sống. Đau xót lắm.
Người viết bức thư này mới đây đã đi dọc biển miền Trung. Thật đau lòng khi phải chứng kiến những bãi biển hoang tàn, những con thuyền mục nắng trên cát. Còn đâu những bãi biển nổi tiếng: Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Việt… Con đường biển Nhật Lệ vốn là vùng biển du lịch tấp nập vào hàng nhất nhì đất nước giờ tiêu điều hoang hóa.
Mà đấy mới chỉ là xả thải dưới nước, còn nữa là hàng ngàn tấn chất thải Formosa tẩu tán khắp các vùng trên đất nước. Những chất thải này mang theo những độc tố gì và nó phát tác ra sao, tác động tiêu cực thế nào đến môi trường còn là những điều chưa được giải đáp.
Cũng là bờ biển miền Trung từ Đà Nẵng hất vào nhưng lại là sự trái ngược với những tỉnh chịu thảm họa Formosa. Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang…những bãi biển tuyệt vời và tấp nập khách du lịch mang về những khoản thu khổng lồ. Còn rất nhiều vùng biển đẹp đến mê hồn nhưng chưa được khai thác mà Cà Ná chính là một trong những vùng biển đó. Những bãi biển đá Cà Ná như là những tặng vật của thiên nhiên ban cho con người.
Tôi đã lặng người đi khi đến Mũi Dinh thuộc biển Ninh Thuận. Bãi biển hoang sơ cát vàng, sóng trắng và biển xanh như biển Địa Trung Hải. Nước trong vắt nhìn thấu tận đáy. Không đành được tôi đã lội xuống ngâm mình dưới làn nước biển mát lạnh, sướng tê tái đến từng tế bào da thịt giữa cái nắng lửa trưa hè.
Tuyệt vời làm sao cảnh vật nơi này. Mũi Dinh núi đá. Những đàn dê thong thả. Mấy ngôi nhà đơn sơ nép vào chân núi và những con thuyền neo đậu no nê giấc ngủ ngày sau đêm đánh bắt ngoài biển. Ai đã đến đây, tắm ở bãi biển hoang này hẳn sẽ động lòng để nói không với mọi thứ sắt thép làm chết biển. Tôi tin thế.
Biển Ninh Thuận là một vùng biển đẹp nhất nước trong đó có Cà Ná. Nơi đây nếu đầu tư vào du lịch thì đó sẽ là một nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời cho không chỉ người dân Việt. Đấy là chưa kể nguồn lợi ngàn đời từ đánh bắt trên biển. Những đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương đang mang lại những khoản thu lớn cho ngư dân và ngân sách tỉnh. Sao nỡ vì những lợi nhuận trước mắt để chịu cảnh mất mát lâu dài. Sao nỡ thưa Bộ trưởng?
Mới đây lại là một vụ cá chết ở biển Nghi Sơn nơi đang triển khai dự án luyện thép Nghi Sơn- Thanh Hóa. Giống như Formosa, lúc đầu nhiều nhà chức trách đã lên tiếng cho rằng đấy là hiện tượng tự nhiên tảo nở hoa (thủy triều đỏ). Chỉ đến khi Formosa nhận tội thì những nhận định trên mới lộ hết sự lố bịch, tắc trách thậm chí là tội ác.
Nghi Sơn cũng vậy, liệu có là trùng hợp không khi ngày 12/9, thông tin với báo chí, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, đơn vị này vẫn đang tạm giữ tàu LA 03266 để điều tra về hành vi lén lút xả chất thải ra biển ở vùng giáp ranh biển Thanh Hóa và Nghệ An. Thuyền trưởng khai nhận, chất thải nói trên là bùn hút nạo vét luồng của Cảng Gang thép Nghi Sơn.
Không thể không nghi vấn để đặt câu hỏi đã có bao nhiêu tấn chất bùn thải có thể đã được thả ngay khu vực Nghi Sơn. Và những con cá vô tội kia mãi mãi chết trong câm lặng nếu sự việc không được điều tra rõ ràng để có những kết luận chính xác. Trong tất cả những trường hợp này, thiệt hại nặng nề vẫn thuộc về người dân.
Bộ trưởng kính mến!
Vẫn biết dự án thép của Hoa Sen mới chỉ là khởi đầu nằm trong kế hoạch. Để dự án triển khai, xây dựng thì còn phải trải qua rất nhiều bước nữa cùng nhiều cấp duyệt. Nhưng phía nhà đầu tư đã bước đi những bước khởi động khiến xã hội quan tâm đặc biệt với một sự lo lắng. Công nghệ nào, nguồn vốn ra sao, xử lý chất thải bằng biện pháp gì…tất cả vẫn là sự mông lung.
Thêm thái độ và những phát biểu của ông Lê Phước Vũ càng khiến mọi người nghi ngờ tính thực thi và sự an toàn của dự án này. Hãy nhìn Formosa để có một cái nhìn khách quan và công bằng.
Chúng tôi mong muốn Bộ trưởng góp một tiếng nói quan trọng về sự kiện này. Nếu tiếp tục triển khai cần phải có sự đánh giá khoa học và công khai trước dư luận về mọi dữ kiện. Nhưng có lẽ chúng ta cần thép để phát triển kinh tế nhưng có cần thiết phải đánh đổi thế không? Cá cần hơn. Đúng thế thưa Bộ trưởng, thép cần nhưng cá cần hơn với 90 triệu người dân Việt. Chúc sức khỏe và sự công tâm của Bộ trưởng.
Nguồn: Báo CAND