Phóng sự
Đau đáu hành trình đưa các anh về đất mẹ...
(Congannghean.vn)-Để đấu tranh cho nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, rất nhiều người lính, thanh niên xung phong đã anh dũng ngã xuống. Họ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, khi những khát vọng trong tim vẫn nung nấu từng ngày, từng giờ. Có người được đồng đội chôn cất trên đất mẹ, nhưng cũng có hàng nghìn người lính, quân tình nguyện đã hy sinh trên nước bạn Lào, phần mộ vẫn chưa được tìm thấy.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, gia đình thân nhân các liệt sỹ vẫn đang nỗ lực không ngừng trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Đất mẹ Việt Nam vẫn đang đau đáu ngóng chờ được đón các anh trở về…
Đội Quy tập mộ liệt sỹ tìm hiểu thông tin trước khi lên đường |
1. Khi chúng tôi tìm gặp, Thượng tá Phùng Ngọc Phương, Đội trưởng Đội Quy tập mộ liệt sỹ thuộc Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang cùng đồng đội tất bật chuẩn bị hành lý cho chuyến “hành quân” mới. Trong mùa khô 2016 - 2017, mục tiêu đặt ra là phải quy tập 80 ngôi mộ tại 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Xay Xổm Mun và Viêng Chăn, nước CHDCND Lào và quy tập 5 ngôi mộ trong nước.
Theo kế hoạch, chuyến đi sẽ bắt đầu từ tháng 10/2016 và kéo dài đến tháng 5/2017. Hiện, anh cùng chỉ huy Đội đang tổng hợp tài liệu, hồ sơ, thông tin đã thu thập phục vụ cho chuyến đi, kế bên là “lớp học dã chiến” với hơn 70 CBCS đang học tiếng Lào, tìm hiểu thêm phong tục tập quán của người dân bản xứ. Xen giữa những tất bật là những cuộc điện thoại liên tục của thân nhân gia đình liệt sỹ.
Cũng như mọi lần, tham gia chuyến đi này, ngoài đoàn quy tập của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, còn có rất nhiều gia đình, thân nhân gia đình liệt sỹ đến từ các tỉnh: Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam… Tất cả sẵn sàng trèo đèo lội suối với mong mỏi tìm thấy phần mộ của người bố, người anh, người em là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh trên đất nước Lào.
Dù khoảng cách địa lý xa xôi và hành trình tìm kiếm vất vả nhưng nhiều người đã tham gia cùng đoàn 3 - 4 lần, trải qua những mùa khô khắc nghiệt nhất cùng người dân bản xứ. Trong đó có trường hợp của gia đình liệt sỹ Nguyễn Công Côn, quê ở huyện Thanh Chương.
Ông Nguyễn Công Kình - con trai liệt sỹ Nguyễn Công Côn là một trong nhiều thân nhân gia đình liệt sỹ đang tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Cha ông Kình hy sinh khi ông mới 5 tuổi. Trong ký ức non nớt đó, ông không có nhiều kỷ niệm về cha, chỉ biết, năm 1953, cha đã hy sinh ở Lào…
Ròng rã suốt 60 năm qua, ông Kình cùng gia đình đã thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Nguyễn Công Côn. Phải mất 3 lần sang Lào, ông và gia đình mới tìm đúng phần mộ của cha mình.
Lần thứ nhất, ròng rã nhiều ngày trời, qua nhiều khu rừng, đồi núi mà chẳng tìm thấy. Lần thứ hai, tại khu vực bản Keobatunoi, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, ông cùng với các chiến sỹ đào bới hơn 10 ngày thì tìm thấy 2 ngôi mộ liệt sỹ. Ông như vỡ òa trong niềm xúc động. Ngỡ niềm mong mỏi đưa cha về quê mẹ đã được thỏa nguyện. Nào ngờ, sau khi xét nghiệm ADN lại không phải là hài cốt của người cha thân yêu, mà trùng hợp thế nào, đó lại là ADN của một người cùng quê.
Không nản lòng, ông và người thân tiếp tục cùng tham gia chuyến đi lần thứ 3. Và lần này, cách khu vực cũ khoảng 10 km, ông cùng Đội Quy tập đã tìm thấy hài cốt liệt sỹ. Sau 2 lần xét nghiệm ADN, kết luận đó chính là hài cốt của người cha kính yêu mà ông và gia đình đang ngóng chờ từng ngày. Ngày đón cha về đất mẹ cũng là ngày mà mái tóc ông Kình đã ngả bạc, nhưng đó là niềm vui mà không có gì đánh đổi được…
Các CBCS Đội Quy tập trong một lần quy tập tại nước bạn Lào (Ảnh do Đội Quy tập cung cấp) |
2. Di chuyển trong thời gian ngắn ở địa hình rừng núi, với đa số chúng ta, chẳng phải là chuyện đơn giản. Với những CBCS làm công việc quy tập mộ liệt sỹ, chuyện cả tháng trời thực hiện nhiệm vụ giữa những khu rừng có độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, mò mẫm trong rừng sâu, núi thẳm đã trở nên quen thuộc.
Theo Trung tá Lương Hoàng Tùng, Trưởng ban Chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, hầu hết các ngôi mộ ở khu vực gần đã được tìm thấy, quy tập. Hiện nay, CBCS trong Đội chủ yếu hành quân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi địa hình dốc núi hiểm trở và có những nơi, bàn chân con người hầu như chưa đặt tới.
Từ khi thành lập đến nay (4/1984), đã có 9 đồng chí hy sinh, 16 đồng chí bị thương khi làm nhiệm vụ. Có người ra đi khi con đang bi bô tập nói, có chiến sỹ trẻ lên đường mới vài tháng, lời hẹn ước với người thương trở về xây dựng gia đình hạnh phúc cũng phải dở dang. Đó là trường hợp của Thiếu tá Lê Công Đường, quê ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn; liệt sỹ Nguyễn Văn Khanh ở huyện Con Cuông; chiến sỹ Lương Văn Hải, quê ở xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc…
Làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sỹ, ngoài tố chất về sức khỏe, yếu tố bản lĩnh, tâm huyết với nghề là yêu cầu không thể thiếu. Chuyện ôm hài cốt liệt sỹ lúc ngủ để bảo vệ khỏi cơn mưa rừng, việc chặt từng bụi chuối để lấy chút nước cầm hơi giữa rừng sâu, lấy áo lót lọc nước suối để có nước dùng cho thân nhân gia đình liệt sỹ đi cùng… là “chuyện thường ngày ở huyện”. Trước mỗi chuyến đi, các anh thường mang thêm chút cá khô, tép khô chuẩn bị trong hành trang cho mình.
Tại nước bạn Lào, các vị trí đóng quân đều được UBND các tỉnh đầu tư. Dù chẳng thể kiên cố nhưng cũng đảm bảo phần nào những nhu cầu sinh hoạt thông thường. Ngoài ra, các hộ gia đình còn tăng gia trồng thêm rau, chăn nuôi gà, lợn để bổ sung thêm lương thực cho bộ đội Việt Nam những lần vào rừng. Nguồn lương thực, thực phẩm này cũng được các đoàn quy tập hỗ trợ chi phí cho bà con bản xứ.
Hàng năm, Ban Công tác đặc biệt tỉnh Nghệ An tiến hành quy tập mộ liệt sỹ cả trong và ngoài nước. Đội quy tập mộ liệt sỹ tiến hành quy tập tại 4 tỉnh: Nghệ An, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Xay Xổm Mun. Từ khi thành lập (tháng 4/1984) đến nay, Đội Quy tập mộ liệt sỹ đã quy tập 11.924 hài cốt liệt sỹ, tổ chức bàn giao 921 liệt sỹ cho các thân nhân, gia đình. Riêng trong 2 mùa khô 2014 - 2015 và 2015 - 2016, Đội đã quy tập 142 hài cốt liệt sỹ. |
Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch để tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác với nước bạn Lào. Với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, bà con bản xứ đã được tuyên truyền, đã ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều CBCS Đội Quy tập thực hiện nhiệm vụ.
Không chỉ cho cán bộ ở cùng, chỉ đường, cung cấp thông tin, họ còn sẵn sàng để cán bộ đào sân, dỡ nhà, dỡ những công trình xây dựng để tìm hài cốt liệt sỹ. Khi quy tập, các chiến sỹ đều không quên bốc theo nắm đất dưới mộ gói vào cùng với hài cốt bộ đội. Nắm đất có một phần máu thịt, đã ôm ấp, che chở và bảo vệ các liệt sỹ trong suốt nhiều năm qua…
Những ngôi mộ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam có đặc điểm riêng. Hầu hết đều được chôn cất quy củ, đầu thường hướng về núi theo phong tục người Việt Nam. Và đặc biệt, hài cốt đều được quấn trong chiếc tăng và thường được thắt bằng 3 dây dù. Trong hài cốt thường có thêm các di vật khác như cúc áo bộ đội, dép rọ, đế giày, 1 lọ thủy tinh (lọ thuốc benixinlin) thường ghi rõ họ tên, ngày nhập ngũ. Tuy nhiên, do thời gian, biến đổi địa chất, những thông tin trên đều không thể đọc được nữa.
Khi tìm thấy những ngôi mộ không có họ tên, các cán bộ thường lấy thêm mẫu phẩm, khi bàn giao hài cốt cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đội sẽ bàn giao luôn mẫu sinh phẩm này để xét nghiệm ADN.
3. Thượng tá Phùng Ngọc Phương, Trung tá Lương Hoàng Tùng - những cán bộ trong Đội quy tập đều đã nhiều tuổi, từng trải và kinh qua nhiều vất vả, gian truân. Tuy nhiên, khi chia sẻ về công việc, về những kỷ niệm gắn bó trong suốt thời gian qua, ai cùng bồi hồi xúc động. Họ khóc không vì vất vả, không vì những khó khăn mà bản thân đã trải qua, mà xúc động vì vẫn khắc khoải tâm nguyện sớm đưa các anh về với đất mẹ thân yêu. Họ, cũng như bao thân nhân gia đình liệt sỹ, như bao người con Việt Nam, đều muốn phần mộ các anh sớm được quy tập, để các thế hệ sau được thắp nến tri ân.
Mai Hậu