Phóng sự
Hiểm họa từ những 'thầy lang vườn'
Hiện nay có không ít người dân vẫn còn tin tưởng vào những bài thuốc, những cách chữa trị lạ đời của những "thầy lang vườn". Trên thực tế, đã có không ít người bệnh rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang, thậm chí thiệt mạng vì tin vào "lang băm". Mới đây, Bộ Y tế đã có khuyến cáo về thực trạng đáng lo ngại này.
Chữa bách bệnh bằng phương pháp thổi hơi, phun nước, niệm chú…
Vừa qua, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tiếp nhận một bệnh nhân nữ tên Nguyễn Thị M. (42 tuổi, quê An Giang) nhập viện trong tình trạng ói ra máu, xuất huyết đường tiêu hóa.
Khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết người bệnh từng bị sưng khớp, đi khám và được chẩn đoán là viêm khớp dạng thấp. Bác sĩ đã cho chỉ định dùng thuốc kháng viêm để điều trị. Tuy nhiên, sau một tuần dùng hết thuốc, người bệnh không quay lại tái khám. Bệnh nhân này cho biết mình được một người hàng xóm mách bảo có loại thuốc của một "thầy lang vườn" chữa bệnh khớp rất hay. Tin tưởng, người bệnh đã mua về sử dụng và cảm thấy triệu chứng đau nhức giảm hẳn.
Nhưng điều đáng nói, người bệnh phải sử dụng thuốc liên tục, bởi cứ hết thuốc là triệu chứng lại xuất hiện trở lại. Và sau 3 tháng liên tục tự chữa bằng loại thuốc "lang vườn" thì người bệnh bị ói ra máu, phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Những cách chữa bệnh lạ kỳ của một số "thầy lang vườn". |
Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định vì bệnh nhân có một thời gian dài sử dụng loại thuốc giảm đau có chứa Corticoid và lệ thuộc thuốc gọi là bị hội chứng Cushing. Bác sĩ phải vừa điều trị bệnh vừa "cai thuốc" cho người bệnh. May mắn là sau đó, người bệnh hồi phục và an tâm điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ.
Theo các bác sĩ, việc sử dụng thuốc kháng viêm có hai loại, đó là loại không chứa Corticoid và loại có chứa Corticoid. Với loại kháng viêm không chứa Corticoid, nếu người bệnh sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ sẽ dễ gây ra những tác dụng rất nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa hoặc làm tăng những biến cố về bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, gây suy thận nặng hơn.
Còn loại thuốc kháng viêm có chứa Corticoid, khi mới dùng, người bệnh cảm giác rất thoải mái, dễ chịu, giảm đau, ăn ngon, ngủ dễ. Nhưng nếu người bệnh không biết liều lượng mà vẫn sử dụng trong một thời gian dài với liều cao thì sẽ dẫn đến những biến chứng như loãng xương, tăng huyết áp, tiểu đường, rạn da, dễ nhiễm trùng, đục thủy tinh thể,… những triệu chứng này gọi chung là hội chứng Cushing.
Bên cạnh các "thầy lang vườn", có người chưa từng học về chữa bệnh hay thuốc men, nhưng đã dám tự xưng là "Thánh" và trở thành "thầy bùa" chữa bách bệnh bằng các phương pháp thổi hơi, phun nước, quơ nhang, niệm chú. Một trong những trường hợp này là ông Nguyễn Văn Danh (hay còn gọi là thầy Năm, 57 tuổi, ngụ xã Khánh Bình, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang).
Cần tỉnh táo và cảnh giác trước các loại thuốc "gia truyền" không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. |
Người đàn ông này có biệt danh là "Thần gió" bởi cách chữa bệnh bằng phương pháp… thổi hơi cho hầu hết các loại bệnh (?!) Chẳng hạn với một người đến gặp ông và bảo rằng mình bị đau khớp vai, ông thầy này đã yêu cầu cởi áo ra rồi thổi liền ba hơi lên vai, sau đó ông dùng cọ quét một loại thuốc màu hồng, nồng nặc mùi dầu lên người. (Theo lời giải thích của vị "Thần gió" thì loại thuốc này là hỗn hợp các vị thuốc gồm nang mực, thạch cao, long não, son tàu và châu thần).
Xong xuôi, ông thầy phán do bệnh nặng nên phải về sắp xếp công việc rồi tới ở nhà ông để ông thổi trong vài tháng mới hết bệnh hẳn. Điều đáng nói là quy trình chữa bệnh này của ông áp dụng cho hầu hết các loại bệnh mà người bệnh các nơi tìm tới, thậm chí cả bệnh ung thư và nhiều bệnh nan y khác.Và cũng không biết thực hư ra sao nhưng thực tế đã có không ít người tìm tới với vị "thầy lang vườn" này để được chữa bệnh.
Biết được cách chữa bệnh lạ kỳ và không có cơ sở khoa học này, chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở nhưng ông Danh vẫn hành nghề. Đề cập đến trường hợp này, theo một vị lãnh đạo Trạm Y tế xã Khánh Bình thì các loại thuốc mà ông Danh dùng bôi ngoài da cho bệnh nhân chỉ có khả năng làm mát ngoài da chứ không có tác dụng chữa bệnh.
Ngoài ra, chính ông Danh khi nói chuyện với vị lãnh đạo Trạm Y tế xã cũng cho rằng việc ông thổi hơi chỉ vì người bệnh tìm tới nhờ thì ông thổi và loại thuốc ông bôi lên da cho bệnh nhân bản thân ông cũng không biết nó có tác dụng gì…
Một trường hợp khác cũng lạ kỳ không kém đó là Huỳnh Tấn Phát, năm nay chỉ mới 32 tuổi và đang là một lái buôn, thợ sửa điện thoại, nhưng sau khi được "ứng" anh này tự xưng mình là "Thánh" và có khả năng chữa bá bệnh bằng việc cho bệnh nhân… uống nước lã. Có lẽ cũng vì thế mà có người gọi anh ta là "Thầy bùa nước lã".
Cách chữa bệnh của vị "Thánh" này rất lạ kỳ, đó là làm phép, bệnh ở đâu vuốt ở đó hoặc thổi hơi gió rồi cho người bệnh uống nước lã chừng năm, mười bữa là… hết bệnh, nhưng phải làm liên tục không được nghỉ ngày nào mới có kết quả?!
Theo lời người mẹ của vị thầy bùa này thì dù là nước lã nhưng sau khi con trai bà khấn vái ơn trên, múc nước trong lu ra nhúng hoa vạn thọ hoặc hoa sen vào rồi dùng hai ngón tay chỉ trỏ, miệng lầm bầm "phù phép", lập tức ly nước trở thành "nước Thánh" chữa được bá bệnh. Ly nước này sẽ được "Thánh" cầm quơ khắp người bệnh rồi sau đó cho họ uống.
Nghe hoang đường như vậy nhưng đã có không ít người bệnh cả tin tìm tới với ông thầy bùa này. Chính quyền địa phương nhiều lần đến vận động, lập biên bản, và Huỳnh Tấn Phát hứa sẽ ngừng chữa bệnh, nhưng sau đó vẫn tiếp tục hoạt động.
Ngoài những cách chữa bệnh vô thưởng vô phạt như trên thì cũng có những "thầy lang vườn" có cách chữa bệnh khiến bệnh nhân không còn cơ hội đi chữa bệnh lần thứ hai ở đâu nữa.
Gần cuối năm 2015, ông Đoàn Văn Hoàng (58 tuổi, ngụ xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã tử vong sau khi uống thuốc của một "thầy lang vườn"ở tỉnh Sóc Trăng. Theo gia đình thì vào cuối tháng 8/2015 ông Hoàng đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khám và được chẩn đoán u ác tính trên mũi và viêm dạ dày. Sau khi được điều trị, ngày 1/9, ông được xuất viện, về nhà uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Vài hôm sau, nghe người quen giới thiệu thầy lang Nguyễn Văn Đỉnh (ngụ tỉnh Sóc Trăng) nên ông Hoàng đến nhờ chữa bệnh. Khi đến, ông Hoàng được thầy lang này xem mạch và bán cho 10 chai thuốc, 1 chai mật ong (350ml) và hộp dầu cù là.
Theo lời thầy lang dặn dò muốn hiệu quả thì người nhà phải trộn mật ong vào thuốc rồi cho bệnh nhân uống 2 giờ/lần. Sau đó, lấy dầu cù là xoa lên người. Thực hiện theo những lời dặn của thầy lang, ông Hoàng uống thuốc đến khuya cùng ngày thì tử vong.
Nguy hại khôn lường
Có thể nói, chuyện về những "thầy lang vườn", hành nghề chui, không có cơ sở khoa học, báo chí truyền thông từng nhiều lần phản ánh, vạch trần những thủ đoạn lừa bịp, dùng những phương cách lạ lùng để chữa bệnh kiếm tiền của họ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn có không ít người mù quáng tin tưởng vào các "thầy lang vườn" theo lời đồn thổi, mách bảo hoặc do người bệnh có quan niệm "có bệnh thì vái tứ phương" nên các "thầy lang vườn" này vẫn lén lút hoặc công khai hoạt động.
Khi có bệnh, người dân nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện có uy tín để được khám chữa đúng bệnh, đúng thuốc. |
Theo một thống kê thì hiện cả nước có tới 70.000 thầy thuốc Đông y đang hoạt động, nhưng trong số này lại có đến 60.000 người đang hoạt động không phép vì chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Con số này cho thấy, bên cạnh những lương y có thực tài, chữa bệnh bằng cái tâm thì hiện đang tồn tại rất nhiều thầy lang dù không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn ngang nhiên bắt mạch, kê đơn và bốc thuốc, chưa kể có những cách chữa bệnh lạ lùng như kể trên. Hậu quả là không ít người tiền mất tật mang, thậm chí phải đổi cả mạng sống vì tin vào thầy lang rởm.
Về phía cơ quan quản lý, mới đây, ngày 10/10/2016, khi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tin tưởng vào các thầy lang vườn sẽ dễ rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Với những bài thuốc dân gian "lang vườn" chưa được kiểm chứng nếu tự ý sử dụng sẽ dễ dẫn đến việc người dân chậm điều trị bệnh, để đến khi bệnh không thể cứu chữa mới tìm tới cơ sở y tế thì đã quá muộn.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa thì không ít người dân dễ dàng tin vào "thầy lang vườn" chứng tỏ ý thức bảo vệ sức khỏe vẫn còn nhiều hạn chế. Người dân muốn khỏi bệnh, việc khám chữa bệnh phải đảm bảo quy trình toàn diện từ thăm hỏi, khám lâm sàng để chẩn đoán và chỉ định điều trị cho bệnh nhân.
Ngoài việc kê đơn còn phải hướng dẫn chi tiết việc dùng thuốc và lưu ý liên quan đến bệnh tật. Việc tự chữa bệnh nghe theo lời đồn thổi sẽ gây những nguy hại tới sức khỏe. Nếu chữa không đúng bệnh, không đúng thuốc sẽ gây những tác hại lớn.
Với các đối tượng hành nghề y dược, quảng cáo phương pháp chữa bệnh chưa được cấp phép "thầy lang", theo vị Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, việc xử phạt cao nhất lên tới 40 triệu đồng.
"Để hạn chế việc người dân tin theo phương pháp khám chữa bệnh không có cơ sở qua mạng internet hoặc truyền miệng, thầy lang vườn, ngành Y tế rất mong có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí để tuyên truyền cũng như cảnh báo người dân không nên mù quáng tin tưởng vào những phương pháp phi khoa học, đánh cược sức khỏe bản thân. Ngoài ra, chính quyền địa phương, cơ quan y tế địa phương cũng phải vào cuộc cùng với Bộ Y tế để cung cấp thông tin, xử lý những đối tượng hành nghề trái phép, giúp người dân nhận ra bản chất vấn đề và có ứng xử phù hợp", vị lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh nhắn nhủ.
Nguồn: Báo CAND