Phóng sự
Phần của cháu con!
Lại càng phải thừa nhận hơn nữa sự quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý này. Rõ ràng, đây là một bài học đau lòng.
1. Tôi không bàn đến mức bồi thường 500 triệu USD cùng các điều khoản khôi phục môi trường biển mà Formosa đề ra. Bởi tôi có đủ thông tin để hiểu rằng, đó là một sự cố gắng rất lớn của các lãnh đạo. Bằng quá nhiều kinh nghiệm trong các cuộc chiến môi trường trước đó ở các nước khác, Formosa thừa hiểu họ phải ứng phó với những tình huống ấy như thế nào. Còn với chúng ta, đây là vụ việc khá mới mẻ.
Tháng 9-2008, tôi nhận lệnh của Ban Biên tập thực hiện các tuyến bài điều tra về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp nhân vụ Công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải bị bắt quả tang.
Trong suốt nhiều ngày lang thang trên các con sông Thị Vải, Đồng Điền, trong suốt nhiều ngày tiếp xúc với những người dân sinh sống tại khu vực bị ô nhiễm, trong suốt những ngày váng vất với không khí nồng nặc mùi hóa chất hôi thối, tôi mới vỡ lẽ ra môi trường quan trọng với đời sống con người như thế nào.
Phải xông vào những chốn ấy mới biết thương những gì người dân đã phải chịu đựng, phải có mặt ở những điểm ấy mới thấy hết sự tàn phá của những hệ thống xả thải công nghiệp không đạt chuẩn.
Tôi nhớ, trao đổi với một lãnh đạo Công ty Vedan, tôi hỏi: "Ở Đài Loan, các ông có xả thải không đạt chuẩn ra sông không?".
Vị lãnh đạo này trả lời: "Không có đâu, ở Đài Loan chúng tôi làm ăn đàng hoàng lắm". "Vậy tại sao ở Việt Nam, nơi các ông đang kinh doanh và kiếm lợi từ người tiêu dùng Việt Nam, các ông lại thực hiện hành vi đó?". Vị đại diện im lặng không trả lời, một lát sau ông quay sang người phiên dịch nói gì đó tôi không hiểu được. Buổi trao đổi có phần nặng nề.
Minh họa: Hữu Khoa. |
2. Có rất nhiều câu chuyện được kể lại trên các trang mạng xã hội, trên kênh YouTube về những quốc gia đang ra sức giữ gìn môi trường của họ như thế nào, càng xem càng khao khát, càng xem càng mơ ước.
Ở Nhật có làng thủy sinh, xem xong rất xúc động, xem xong mới hiểu sống hòa mình với thiên nhiên không hề khó khăn, không hề là việc gì quá sức, chỉ là chúng ta có thật sự muốn điều đó hay không.
Nước ta đang chuyển mình, là một nước đang phát triển. Bất cứ quốc gia nào đang trong giai đoạn này bắt buộc phải tranh thủ các khoản đầu tư từ những tập đoàn, tổng công ty lớn của nước ngoài. Để những tập đoàn, các tổng công ty này chọn Việt Nam là nơi hoạt động, chúng ta nhất định phải có những ưu đãi đúng mức. Thậm chí có phần vượt trội hơn những quốc gia khác.
Và chúng ta thừa hiểu rằng, bất cứ sự phát triển nào cũng luôn đi kèm cái giá phải trả. Tuy nhiên, nhà quản lý cần hết sức tỉnh táo với giấc mơ ngoại tệ và con đường phát triển để đưa ra mức giá phải trả hợp lý nhất. Bởi đơn giản, không thể vì phát triển mà đánh đổi tất cả. Đặc biệt là môi trường.
Tháng 5, cao điểm mùa hạn, tôi đi công tác ở Gia Lai, đến vùng tâm hạn là xã H'Bông, huyện Chư Sê. Cái nắng, cái hạn ở vùng đất này không thấm vào đâu so với nỗi lo lắng về sự biến đổi khí hậu trong tôi.
Cứ tưởng nỗi lo lắng này là xa xôi lắm, nhưng thực tế lại gần lắm. Nó hiển hiện ngay trước mắt thôi, nơi những cái giếng sâu hoắm khô khốc, nơi những cánh đồng xác xơ, nơi những dây tiêu chết rũ, nơi khuôn mặt người lo lắng trông theo số gạo cứu đói trữ trong nhà.
3. Có 9 người láng giềng của tôi vừa mất trong tháng này, ngoại trừ 1 người mất do tuổi cao thì còn lại 8 người kia đều có chung một mẫu số: "ung thư".
Những người nhà quê bị ung thư hàng loạt, mất vì ung thư hàng loạt. Những cậu bạn hay những cô bác láng giềng hỏi tôi: "Cậu là nhà báo, cậu suy luận gì?'. Tôi không biết suy luận ra sao, tôi không biết trả lời ra sao. Tôi chỉ đưa ra nhận định là biết đâu do nguồn nước. Khi trả lời câu hỏi này, nỗi hoảng sợ vì một môi trường ngày càng tiêu cực ám ảnh tôi hơn bao giờ hết.
Có một thuyết đang thịnh hành trên thế giới là thuyết không chạm vào tự nhiên, nghĩa là không khai thác các rừng nguyên sinh, các khu đồi núi tự nhiên. Về mặt nào đó, họ từ chối cáp treo và các con đường có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên ở vùng đất hoang sơ nào đó.
Họ bảo, đây là phần của con cháu. Họ lại bảo, tác động vào tự nhiên thì không cách nào có thể khôi phục lại hiện trạng như ban đầu trong lúc hiệu quả kinh tế là thứ không được đảm bảo. Họ kiên quyết thực hiện điều này. Thế nên, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định đóng cửa, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác trừ các dự án liên quan đến quốc phòng - an ninh, tôi thật sự cảm thấy vui mừng. Dẫu rằng, nỗi vui mừng có muộn màng.
Tất cả những gì chúng ta để lại cho thế hệ hậu sinh đều không phải là món quà quý giá nhất nếu thiếu đi một môi trường trong sạch, một không khí mát lành. Nơi thế hệ con cháu của chúng ta được thụ hưởng nguồn nước sạch, thực phẩm sạch, môi trường sạch.
Ấy là chưa nói đến câu chuyện chẳng đặng đừng khi bắt buộc phải tính đến hướng chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân. Vì biển, ngoài là tiềm năng kinh tế, là sinh kế cho ngư dân thì còn mang ý nghĩa chủ quyền thiêng liêng, toàn vẹn lãnh thổ và trọn vẹn sơn hà.
Hi vọng, bài học Formosa đủ lớn cho tất cả.
Nguồn: ANTGCT/Báo CAND