Phóng sự
'Thần y' cứu người từ cõi chết
Những người quanh vùng vẫn thường gọi bà Triệu Thị Liên (phố Bưởi, Hạ Bì, Kim Bôi, Hòa Bình) là "thần y". Bởi thực tế bà Liên đã cứu được rất nhiều bệnh nhân bỏng, ngộ độc từ cõi chết trở về.
Có nhiều trường hợp đã bị bệnh viện trả về chờ ngày đi gặp diêm vương, vậy mà qua tay bà họ đã được "tái sinh". Đã từng có nhiều người đến gạ bà bán bí quyết về bài thuốc gia truyền với giá hàng tỉ đồng nhưng bà từ chối. Bà bảo, bốc thuốc thì phải có tâm. Nếu không có tâm thì vẫn là những nguyên liệu ấy nhưng bệnh nhân không thể khỏi bệnh.
Được tái sinh nhờ bài thuốc chữa bỏng gia truyền
Trước khi đến gặp "thần y" Liên, chúng tôi đã có cuộc thăm dò với những người xung quanh. Quả thực, khi nhắc đến bà Liên, nhiều người trong vùng đã không ngớt lời thán phục. Thấy chúng tôi tỏ ý nghi ngờ, một người quả quyết, nếu không tin thì cứ đến xóm Nội Dung (xã Hạ Bì) hỏi thăm nhà anh Bùi Văn Hiệu thì sẽ biết bà ấy chữa bỏng giỏi như thế nào.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đã tìm đến nhà anh Hiệu. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, khỏe mạnh và nhất là cơ thể lành lặn của anh Hiệu khó ai có thể tin anh đã từng bị Viện bỏng trả về chờ ngày chầu ông bà tổ tiên.
Anh Bùi Văn Hiệu đã từng có thời gian ngồi nhà chờ chết. |
Nghe chúng tôi hỏi về bà Liên, anh Hiệu hào hứng nói: "Với mình, cô Liên như một người mẹ thứ 2 vậy. Nếu không có cô Liên thì chắc giờ này mình là người cõi âm lâu rồi". Như để minh chứng cho khả năng chữa bệnh thần kỳ của bà Liên, anh Hiệu mang cho chúng tôi xem một bức ảnh chụp anh khi ở giai đoạn chờ chết.
Cơ thể chỉ còn da bọc xương, các vết lở loét kín người đến mức anh Hiệu không thể mặc quần áo mà chỉ che một tấm vải nhỏ vào chỗ kín. Suốt ngày chỉ ngồi trong phòng, không dám nằm xuống vì đau đớn. Kể lại tai nạn bất ngờ xảy ra mấy năm trước anh Hiệu vẫn thấy rùng mình: "Hôm đó, tôi trèo lên cột điện 35kv để bắt chim sáo về nuôi.
Vừa trèo lên đến tổ chim thì bị điện giật dính luôn trên cột. May thế nào mà gần đó lại đang có một anh thợ điện sửa đường dây, thế là họ gọi điện báo lên chi nhánh điện cắt cầu dao. Lúc người ta đưa được tôi xuống thì cơ thể tôi đã bị cháy xám, chỉ còn một tí chỗ bụng là chưa cháy thôi. Lúc đó thì tôi nghĩ 10 phần chết 9 rồi, chả còn hy vọng gì đâu".
Anh Hiệu hiện nay. |
Ngay sau đó mọi người đã đưa anh Hiệu đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Thấy tình trạng của anh Hiệu quá nặng nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đề nghị gia đình chuyển anh lên Viện Bỏng Trung ương. Tại đây, anh Hiệu đã phải nằm điều trị đúng 1 tháng tròn nhưng do vết thương bị nhiễm trùng quá nặng khó có khả năng cứu chữa nên các bác sĩ đã khuyên gia đình đưa anh về nhà.
Anh Hiệu nhớ lại: "Mỗi ngày tôi nằm viện chi phí hết 1 triệu đồng, 1 tháng nằm viện thì hết đúng 30 triệu. Tiền này bố mẹ tôi phải vay mượn người thân rồi bán cả đất đi mới có. Thế mà cuối cùng cũng vô phương, vẫn phải về nhà nằm chờ chết. Gia đình tôi vẫn cố giấu tôi về tình trạng sức khỏe nhưng làm sao mà giấu được. Sức khỏe mình thế nào thì mình biết chứ.
Thực tế gia đình cũng đã chuẩn bị lo hậu sự cho tôi rồi. Thế mà run rủi thế nào có một người đến chơi lại mách mẹ tôi ở phố Bưởi có bà Liên chữa bỏng rất giỏi. Mẹ tôi bảo còn nước thì còn tát nên nhờ người khiêng tôi đến nhà cô Liên". Cũng theo lời anh Hiệu, sau khi xem xong các vết thương, bà Liên đã nhận lời chữa cho anh.
Đến nhà bà Liên, chúng tôi hỏi về trường hợp của anh Hiệu, bà Liên vui vẻ kể lại: "Ôi, lần đầu tiên nhìn thấy vết bỏng trên người Hiệu tôi cũng thấy hoảng. Nước mủ từ các vết nhiễm trùng chảy dầm dề. Chiếc khăn quấn quanh người cũng ướt sũng do ngấm nước chảy ra từ cơ thể. Đầu tiên tôi dùng thuốc sát trùng bôi khắp người cho Hiệu, sau đó thì dùng loại thuốc gia truyền của gia đình".
Ngày 2 lần đều như vắt chanh, bà Liên bôi thứ thuốc nam gia truyền lên người anh Hiệu. Đúng 1 tháng sau, các vết bỏng trên người anh Hiệu đã hết nhiễm trùng và bắt đầu mọc da non. Đến khoảng 3 tháng thì cơ thể anh Hiệu gần như đã trở lại một người bình thường. Kéo một người trở về từ cõi chết nhưng bà Liên cũng chỉ lấy tiền công vỏn vẹn có 1 triệu đồng.
Bà Liên chia sẻ: "Nhiều người trước khi tìm đến tôi họ đã chữa trị khắp các bệnh viện lớn nhỏ rồi. Chi phí thì không biết bao nhiêu mà tính. Đấy, như nhà anh Hiệu bán cả đất cả cát để chữa cho con, giờ mình mà lấy đắt nữa thì sao đành".
Bốc thuốc phải có cái tâm
Chúng tôi đang ngồi trò chuyện với bà Liên thì một người lạ đi vào. Bà Liên tươi cười nói: "Cô chú cứ ngồi đi, đừng ngại. Không phải khách lạ đâu mà là khách quen đấy".
Nói rồi bà Liên quay ra đon đả với người khách mới đến. Hỏi ra mới biết, chị là Nguyễn Thị Hoàn ở Lò Đúc, Hà Nội. Hôm nay có việc lên Hòa Bình nên chị Hoàn lại ghé thăm bà Liên.
Chị Hoàn kể, 3 năm trước chị bị ngộ độc khi mua nấm ngoài chợ về ăn. Chất độc nhiễm vào cơ thể ngấm tới các bộ phận: dạ dày, thận, gan... Gia đình chị đã đưa chị đi khắp các bệnh viện nhưng các bác sĩ đều lắc đầu bất lực. Đã có thời điểm chị Hoàn chết lâm sàng suốt 2 ngày.
Bà Liên đang bôi thuốc cho một bệnh nhân. |
"Gia đình tôi lúc đó cũng chuẩn bị tinh thần hết rồi, hậu sự cũng đã chuẩn bị sẵn sàng chờ giờ tôi đi thôi. Lúc bệnh viện trả về tôi chỉ còn nặng có 30kg. Tự nhiên một hôm có người bạn của mẹ tôi đến nhà thăm, bác ấy bảo ở Hạ Bì, Hòa Bình có bà Liên chữa bỏng, chữa cả ngộ độc rất tốt. Thế là ngày hôm sau gia đình đưa tôi lên thẳng đó. Ở đây, tôi chỉ uống thuốc nam của cô Liên thôi mà chất độc cứ dần dần thải ra. Tôi khỏe mạnh và hồng hào lên trông thấy".
Khoảng hai tháng chữa trị, chị Hoàn đã trở lại như một người bình thường. Trở về từ cõi chết nên chị Hoàn luôn coi bà Liên như vị cứu tinh của đời mình. Chẳng thế mà hễ có dịp qua đây, chị lại ghé chơi với ân nhân của mình.
Qua tìm hiểu thì thấy cách chữa bệnh bỏng của bà Liên cũng đơn giản. Theo bà giải thích thì bệnh bỏng hay bị nhiễm trùng. Với những bệnh nhân lâu ngày không chữa hoặc chữa nhiều nơi không khỏi thì việc đầu tiên phải rửa sạch vết thương bằng thuốc sát trùng. Sau đó dùng thuốc cao lá cây rừng bôi lên vết thương để làm mát. Còn những bệnh nhân nhẹ dùng thuốc bột lá cây hút hết mủ.
Bài thuốc này bà học được từ mẹ bà. Nhà bà có 4 anh chị em, mẹ thấy bà là người hợp với nghề thuốc truyền lại. Bây giờ bà có 3 người con và bà đang truyền lại bài thuốc này cho người con út là Nguyễn Hải Chi. Những thành phần để nấu cao chữa bệnh đều được lấy trên rừng. Để có thuốc thì bà Liên phải là người trực tiếp đi tìm thuốc. Và chỉ có bà là người bốc thuốc nấu được cao.
Bà Liên tâm sự: "Nhiều người theo nghề thuốc đã đến tận nhà tôi đặt vấn đề mua lại bí quyết cách nấu cao với giá cả tỉ đồng nhưng tôi không đồng ý bán. Đã gọi là gia truyền thì chỉ được truyền cho những người trong gia đình mình thôi. Ai lại đi bán cái nghề của gia đình mình, nó là mồ hôi, công sức và cả nước mắt của những người đi trước. Tôi dặn các con của mình dù ai đưa giá thế nào cũng nhất quyết không được bán".
Tiếng lành đồn xa, trong căn nhà nhỏ của bà Liên lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Bệnh nhân của bà ở khắp mọi miền đất nước, từ Hà Nội, Hưng Yên đến cả Nghệ An, Hà Tĩnh… Những ca bệnh nặng, những người ở xa về đây chữa bệnh bà Liên luôn tạo điều kiện thu xếp chỗ ăn, nghỉ cho bệnh nhân. Có những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, sau khi được chữa bệnh miễn phí, khi về bà Liên còn cho họ tiền tàu xe. Đối với hầu hết những bệnh nhân khác, bà Liên chỉ lấy tiền khi họ khỏi bệnh.
Phương thuốc chữa bỏng của gia đình bà đã được Sở Y tế Hòa Bình công nhận là bài thuốc gia truyền. Bà Liên tự hào khoe rằng, có lần, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Quốc Trung - Chủ tịch Hội Bỏng Việt Nam về tận nhà bà Liên với ý định muốn bà xuống đó chữa bệnh thử nghiệm một thời gian. Tuy nhiên, bà Liên đã không chấp nhận lời đề nghị đó của Giáo sư Trung bởi một lý lẽ rất đơn giản: "Tôi xuống đấy rồi thì lấy ai là người chữa trị cho những bệnh nhân ở đây. Quanh đây, họ hầu hết đều là những người nghèo, họ cần tôi hơn".
Nguồn: Báo CAND