Phóng sự
Chuyện chống gián điệp qua ký ức của Thượng tá Công an
(Congannghean.vn)-Trong con ngõ trên đường Mai Hắc Đế, TP Vinh, có ngôi nhà nhỏ của một vị Thượng tá Công an, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ chính trị, người gắn với hàng chục chuyên án chống gián điệp nổi tiếng. Ngôi nhà nhỏ của ông những ngày này luôn rộn rã tiếng cười, những lời chúc mừng, những cuộc điện thoại của đồng đội cũ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam. Trong dòng cảm xúc khi những kỷ niệm ùa về, ông lặng lẽ chia sẻ câu chuyện về những lần “đánh án”, những nỗi niềm và cả tình thương yêu, sự vị tha dành cho những đối tượng ở bên kia chiến tuyến. Ông là Thượng tá Lê Văn Hồng (SN 1948), nguyên Trưởng phòng Bảo vệ Chính trị Công an Nghệ An từ năm 1993 - 2003.
Tiếp tôi trên căn gác nhỏ, ông kể cho tôi nghe về những năm tháng gắn bó với Công an Nghệ An. Dù đã được nhiều người giới thiệu, được nghe kể nhiều về ông, về những chuyên án nổi tiếng mà ông đã từng tham gia nhưng phong thái giản dị của Thượng tá Hồng vẫn khiến tôi cảm thấy gần gũi lạ thường. Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh chống Mỹ và cả thời kỳ đổi mới đầy khó khăn, biến động, ông đã cùng đồng đội dũng cảm xông pha, phá nhiều chuyên án lớn nhỏ, đập tan nhiều âm mưu thâm độc của các đối tượng phản động nối gót Mỹ ngụy tiến hành chống phá cách mạng nước ta. Năm nay tuy đã gần 70 tuổi nhưng Thượng tá Lê Văn Hồng vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Có lẽ, qua nhiều năm công tác, phục vụ chiến đấu trong lực lượng Công an đã rèn giũa nên đức tính khiêm nhường và sự tinh tường ấy...
Thượng tá Lê Văn Hồng lần dở kỷ niệm về những năm tháng khi đang công tác |
Là đảng viên trẻ, gia đình thuộc diện cơ bản, năm 18 tuổi, ông Hồng được cử đi học tại Trường Đào tạo Công an. 1 năm sau đó, ông ra trường và về nhận công tác tại Phòng Bảo vệ Chính trị Công an tỉnh Nghệ An. Và ngay sau đó, chàng sỹ quan Công an được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia Chuyên án chống phản động L107 ở Nghi Tân, TX Cửa Lò. Theo đó, lực lượng trinh sát phát hiện một số đối tượng chuẩn bị trốn vào Nam theo Mỹ ngụy, chống lại Đảng và Nhà nước ta. Sau khi nhận thông tin, lãnh đạo Phòng Bảo vệ Chính trị đã cử các trinh sát xuống địa bàn trực tiếp đấu tranh, bao gồm đồng chí Hoàng Xuân Luyện, thuộc Tổ đấu tranh chống gián điệp Mỹ và tay sai; Nguyễn Minh Xích, cán bộ Tổ xác minh của Phòng; đồng chí Nguyễn Văn Viên và Lê Văn Hồng phụ trách địa bàn có các đối tượng nghi vấn.
Qua thời gian theo dõi, đến cuối năm Đinh Mùi, đầu Tết Mậu Thân 1968, CBCS trong đơn vị nhận lệnh phải sớm đấu tranh, bắt giữ nhóm đối tượng trên. Để giữ nguyên tắc bí mật trong suốt quá trình chiến đấu, ông Hồng nhiều lần phải thay tên đổi họ, đóng vai là một cán bộ mặt trận mẫn cán để tiếp xúc với nhân dân, thu thập thêm nhiều thông tin quý giá, phục vụ công tác đấu tranh. Những kiến thức về nông nghiệp từ những ngày còn ở nhà phụ giúp gia đình trở thành “phương tiện” đắc lực để ông gần hơn với bà con tại địa bàn, từ cách cày cấy theo hình chữ A, Z đến phương pháp làm bèo hoa dâu... Đến khi 3 đối tượng bị bắt, bọn chúng không khỏi ngạc nhiên và cũng không biết vì sao mình bị phát hiện dù đã che đậy âm mưu bằng nhiều thủ đoạn.
Thượng tá Lê Văn Hồng (đứng giữa) và đồng đội lên kế hoạch đảm bảo ANTT |
Ngay sau thành công của chuyên án đầu tiên, ông Hồng tiếp tục bám dân, chọn lọc nguồn tin phục vụ công tác. Sau Tết Mậu Thân 1968, quân đội ta chủ động tấn công vào trung tâm huyện lỵ của Mỹ ngụy như Nha Cảnh sát, Tòa Đại sứ Mỹ... ở khắp các đô thị của miền Nam. Trước tình hình đó, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã gửi điện cho Công an toàn quốc tiến hành tấn công chính trị vào các đối tượng gián điệp, phản động ở miền Bắc, miền Nam để làm chúng phải bộc lộ ý định và đầu hàng. Trong thời kỳ này, quân ta đã đấu tranh với nhiều chuyên án, trong đó có chuyên án gián điệp Mỹ đánh từ Thái Lan về, qua hình thức lợi dụng Việt kiều hồi hương những năm 1960 - 1962 là Nguyễn Văn Quân ở xóm Tân Long, xã Nghi Phú, huyện Nghi Lộc (nay là TP Vinh).
Lãnh đạo Phòng Bảo vệ Chính trị đã cử 3 trinh sát gồm đồng chí Lê Thi - Tổ trưởng, đồng chí Lê Văn Thịnh - trinh sát trực tiếp và ông Lê Văn Hồng tổ chức đấu tranh. 3 trinh sát vừa bao vây vừa dùng cơ sở để tác động, buộc Quân phải đầu thú. Qua 1 tuần đấu tranh, Quân đã ra đầu thú. Đối tượng khai, hắn nhận nhiệm vụ của tình báo Mỹ ngụy về viết thư bằng mực hóa học (viết xong thì sẽ mờ đi) để cung cấp thông tin về tình hình của quân đội ta nhưng âm mưu trên chưa kịp thực hiện thì đã bị các trinh sát phát hiện. Sau đó, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã quyết định cho Quân lên đọc lời đầu thú trên Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội. Thành công trong chuyên án này đã trở thành động lực, nguồn cổ vũ tinh thần to lớn để ông Hồng tiếp tục phấn đấu và giành thêm nhiều thành tích.
Từ sau chiến dịch Mậu Thân 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước sang giai đoạn mới với nhiều thuận lợi, quân đội ta chủ động tấn công vào các căn cứ quan trọng của địch. Lực lượng Công an nói chung và Công an Nghệ An nói riêng đã đóng góp nhiều thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh chung của đất nước. Đến cuối tháng 10/1974, miền Bắc đang làm nhiệm vụ đẩy mạnh chi viện lực lượng, khí tài, đạn dược cho chiến trường miền Nam bằng nhiều con đường, phương tiện như tàu hỏa, đường thủy nội địa. Thời gian đó, ta nhận được tin báo có một phụ nữ làm tình báo cho Mỹ ngụy dưới vỏ bọc là một bác sĩ ra hoạt động ở Quân khu 4.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Phòng Bảo vệ Chính trị đã cử đồng chí Lê Văn Hồng phối hợp với Công an TP Vinh bí mật rà soát đối tượng trên địa bàn. Sau 3 ngày thu thập thông tin, đồng chí Nguyễn Hồng Bàng, Đồn trưởng Đồn Công an số 2 (nay là Công an phường Cửa Nam, TP Vinh) cùng trinh sát phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Phương Khanh có đặc điểm như thông tin cung cấp. Hiện, đối tượng đang lẩn trốn trong lán trại nơi giáp ranh giữa TP Vinh và huyện Hưng Nguyên, giao nhau giữa các tuyến đường sắt và đường bộ.
Từ những thông tin trên, lãnh đạo Phòng đã quyết định cử thêm 2 trinh sát cùng các trinh sát Công an TP Vinh bí mật theo dõi hoạt động của đối tượng. Theo đó, đối tượng đã lén lút ra sân bay Vinh và ga Vinh theo dõi các chuyến hàng chi viện của ta để cung cấp thông tin cho địch. Trước âm mưu đã rõ của Khanh, Trưởng Ty Công an Nghệ An lúc bấy giờ đã xin lệnh của Bộ Công an tiến hành bắt đối tượng. Ngay trong ngày, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã trả lời: Công an Nghệ An phải bí mật theo dõi đối tượng trên đường đi vào Quảng Trị và giao cho Công an Quảng Trị xử lý. Sau đó, Công an Nghệ An đã hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ trưởng yêu cầu...
Gắn bó với nghiệp an ninh, với công tác chống gián điệp gần 20 năm, tham gia nhiều chuyên án với nhiều chiến công, Thượng tá Lê Văn Hồng vẫn giữ nguyên vẹn hồn quê, sự chân chất của người con quê lúa Yên Thành. Khi đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng, ông vẫn lần dở những tấm ảnh kỷ niệm khi còn công tác tại Phòng Bảo vệ Chính trị. Dường như niềm say mê với công việc vẫn luôn chảy trong huyết mạch của vị Thượng tá này. Bây giờ, hạnh phúc lớn nhất của ông là những giây phút sum vầy bên con cháu. 5 người con của ông đã trưởng thành, đều có cuộc sống ổn định, trong đó có 2 người con trai nối nghiệp bố, hiện đang công tác tại Công an TP Vinh và Công an huyện Nghi Lộc.
“Có được niềm hạnh phúc hiện tại, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn vợ, người phụ nữ tần tảo đã không ngại gian khó, hy sinh vì gia đình, chồng con. Trước đây, vì yêu cầu công việc, vợ tôi vẫn không hề biết về nhiệm vụ mà tôi đảm nhận, với những chuyến công tác xa nhà không một lời giải thích. Là giáo viên, bà ấy vừa hoàn thành công việc, vừa phải chăm sóc con cái, đêm về lại làm thêm việc may vá để cải thiện cuộc sống gia đình. Sự cảm thông, sẻ chia đó đã tiếp thêm động lực giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ và gắn bó với nghiệp phản gián”, Thượng tá Lê Văn Hồng chia sẻ.
Mai Hậu