Gia đình xã hội
Chuyện người trinh sát khiến tội phạm phải thúc thủ
(Congannghean.vn)-Cho đến bây giờ, khi đã về với đời thường, cái tên Nguyễn Trọng Năm, trinh sát Đội Điều tra trọng án hình sự năm xưa thuộc Công an Nghệ An vẫn còn được nhiều người nhắc đến. Qua đồng đội cũ của ông mới biết, hiện nay, ông Nguyễn Trọng Năm cùng gia đình cư trú tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông.
Bén duyên với nghề
Đầu năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai tuổi đôi mươi Nguyễn Trọng Năm ở xã Thanh An, huyện Thanh Chương lên đường nhập ngũ. Sáng sớm mùa xuân năm ấy, ông được cha mẹ, người thân tiễn chân xuống thị tứ của huyện. Tại đây, sau khi tập trung ở huyện, ông được cấp trên cho về nhà nghỉ 3 ngày để chuẩn bị đi học ngành Công an. Khi có quyết định đi học Trường k2 do Bộ Công an tổ chức, Nguyễn Trọng Năm khoác ba lô, vai mang nải gạo đi bộ suốt gần 1 tháng trời để ra Hà Nội. Tuy gian khổ, khó khăn nhưng trong đội hình con em xứ Nghệ cùng lên đường năm ấy, ai cũng căng tràn sức sống, nguyện cống hiến tuổi xuân vì nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó.
Ông Nguyễn Trọng Năm kể về cuộc đời làm trinh sát hình sự của mình |
Sau thời gian đào tạo, cuối năm 1967, Nguyễn Trọng Năm được điều về nhận nhiệm vụ tại Công an Nghệ An, công tác tại Công an huyện Con Cuông. Với những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong nhà trường, ông cùng với đồng đội được cấp trên giao nhiệm vụ đảm bảo ANTT, giúp bản làng vùng cao nơi đây yên tâm sinh sống, tích cực sản xuất để cùng với quân dân tỉnh nhà trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt vào những năm chống Mỹ cứu nước.
Thời kỳ ấy, lợi dụng địa bàn rừng núi hiểm trở, nhiều kẻ xấu đã xâm nhập vào huyện Con Cuông, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng. Trước tình hình đó, Nguyễn Trọng Năm được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ bám sát, cùng ăn, cùng ở với bà con để phá nhiều vụ án quan trọng. Rồi cả những vụ trọng án trong chiến tranh, người lính hình sự này phải lăn lộn hàng tháng trời để lần tìm manh mối, dấu vết của thủ phạm.
“Để dân tin, dân quý, dân chở che thì trước tiên, mình phải sống tốt. Dựa vào dân để kết hợp truy tìm manh mối là phương châm của một người lính hình sự trẻ như tôi trong thời kỳ ấy. Và càng về sau, khi đã tạo được hình ảnh tốt đẹp trong nhân dân thì làm việc gì cũng đầu xuôi đuôi lọt. Điều làm tôi bén duyên với nghề, là một trinh sát hình sự đó là tìm thấy cái thiện, cái ác trong mỗi vụ án để thức tỉnh cộng đồng xã hội”, ông Nguyễn Trọng Năm chia sẻ.
Khiến tội phạm phải thủ
Sau khi bén duyên với nghiệp lính hình sự, tạo uy tín với cấp trên bằng việc tham gia phối hợp phá thành công nhiều vụ án, đến năm 1972, Nguyễn Trọng Năm nhận quyết định về công tác tại Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Nghệ An. Nghiệp vụ tinh thông, lại có “duyên” với việc phá án nên Nguyễn Trọng Năm được điều về Đội trọng án của đơn vị.
Trong câu chuyện kể về nghề, với chất giọng trầm ấm, lại có lúc đanh thép khi kể về hành vi phạm tội trong một số vụ trọng án, ông Nguyễn Trọng Năm như đưa tôi về với nhiều âm bản đen, trắng của từng số phận, từng con người mà ông đã gặp; cho đến việc bám cơ sở, bám địa bàn để lần tìm dấu vết, nhận diện tội phạm, với ông, đó là cả một quá trình kiên trì, bền bỉ, dài lâu. Rồi đến khi đối mặt với tội phạm để khai thác tâm lý đối tượng cũng phải khôn khéo, không cho phép mình có sự sơ hở trong mỗi vụ trọng án.
Ông Năm chăm sóc vườn cam của gia đình |
Nhiều đối tượng đã gây ra những cái chết thương tâm, oan nghiệt. Sau khi gây án, chung tạo các vỏ bọc tinh vi sau khi gây án khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Ông thường trăn trở, để những vụ án kéo dài thêm ngày nào thì bản thân lại cảm thấy có lỗi với người đã khuất ngày ấy. Vì vậy, phải nhanh chóng tìm ra đối tượng để trừng trị thích đáng trước pháp luật. Đó là mục tiêu mà trinh sát hình sự tham gia phá các vụ trọng án như ông suốt nhiều năm liền đã đặt ra cho mình. Rồi cả những lúc giáp mặt với đối tượng cộm cán, có vũ khí “nóng”, phải làm gì để bảo toàn được tính mạng? Kể cả việc để đối tượng phạm tội phải tự khai nhận hành vi của mình không phải là việc dễ. Nghĩ về những năm tháng từng trải gian khổ, nhớ về từng thân phận đã gặp, đã có lúc, ông không thể tin rằng mình đã vượt qua những giây phút nguy nan.
Ông không thể quên được vụ án giết 3 người phụ nữ ở dốc Truông Rếp thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu với xã Nghĩa Thuận, TX Thái Hòa cách đây hơn 30 năm về trước. Cuối năm 1983, nhận được tin tại khu vực dốc Truông Rếp xảy ra vụ 3 người phụ nữ bị bắn chết trong đêm tối, sau nhiều ngày vẫn chưa thể tìm ra hung thủ, các trinh sát hình sự dày dạn kinh nghiệm của Công an tỉnh Nghệ Tĩnh được lệnh vào cuộc. Nguyễn Trọng Năm cũng tham gia vào tổ phá án. Chỉ sau nửa tháng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ông đã tiếp cận được đối tượng gây ra vụ thảm sát, đó là 2 anh em ruột tên Được và Lĩnh. Nhờ tài nắm bắt tâm lý đối tượng của ông, cuối cùng, 2 đối tượng Lĩnh và Được đã phải cúi đầu nhận tội trước những lý lẽ, bằng chứng mà tổ công tác đưa ra.
Cũng trong năm 1983, đích thân Nguyễn Trọng Năm đã tiếp cận, bắt giữ đối tượng Phan Long (tức Điệp), tên cầm đầu nhóm cướp liều lĩnh, táo tợn ở huyện Thanh Chương lúc bấy giờ. Với hành vi cướp tài sản trắng trợn, của Phan Long khiến người dân nơi đây không khỏi hoang mang. Qua 3 tháng liên tục bám địa bàn, theo dõi quy luật hoạt động của nhóm đối tượng do Phan Long cầm đầu, cuối cùng Nguyễn Trọng Năm cũng đã khiến kẻ cầm đầu phải nhận tội.
Ông Năm kể, khi Phan Long thi hành mức án 20 năm tù giam, cải tạo được một thời gian, hắn đã viết thư gửi người đã bắt giữ mình để gửi lời “cảm ơn”. Đây là chuyện chưa từng có trong cuộc đời làm trinh sát của ông. “Dù ban đầu, đối tượng tỏ ra hung hăng, không hợp tác nhưng trước những chứng cứ không thể chối cãi, Phan Long cũng phải nhận tội. Kể cả sau này, khi Long ra tù, biết quay đầu hướng thiện, tôi nhận thấy rõ hơn việc làm của mình đã góp phần giúp những mảnh đời từng lầm lỗi có cơ hội làm lại cuộc đời”, ông Năm tâm sự.
Lặng thầm những hy sinh
Nói về người đồng đội, đồng chí của mình, Đại tá Nguyễn Viết Hòa, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an Nghệ An cho biết: “Nguyễn Trọng Năm là một trong những trinh sát hình sự được lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo Phòng luôn tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Có những nhiệm vụ, dù biết trước là rất nguy hiểm nhưng đồng chí đã không ngại hy sinh, quên mình vì sự nghiệp bảo vệ ANTQ và giữ gìn TTATXH. Bất cứ nhiệm vụ nào được giao, đồng chí cũng đều hoàn thành xuất sắc. Có những chuyên án, đồng chí Năm tham gia và bị đối tượng tấn công bị thương nặng, phải cấp cứu và điều trị dài ngày. Với đồng chí, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dù đầy thách thức và nguy hiểm nhưng đồng chí vẫn lạc quan và quyết tâm phá án đến cùng”.
Nghề trinh sát luôn phải đối mặt với những hiểm nguy không thể lường trước. Thế nhưng, dù ở bất cứ nhiệm vụ nào, trong 23 năm công tác, có những lúc xa gia đình, vợ con hàng tháng trời, ông Nguyễn Trọng Năm vẫn luôn nêu cao tinh thần cống hiến, phụng sự vì quê hương, đất nước. Đã quen với việc thiếu bóng dáng của người chồng trong gia đình, vợ ông, bà Nguyễn Thị Huệ, một giáo viên tiểu học ở xã Lạng Khê ngày ấy vẫn luôn đảm đang việc nhà, chăm sóc con cái mỗi khi ông đi công tác xa nhà.
Rồi có thời gian vợ ốm nằm viện hơn nửa năm trời, kinh tế gia đình khó khăn, ông phải vừa lo công việc cơ quan, vừa phải ngồi bán từng bó chè xanh ở chợ Vinh để kiếm thêm thu nhập. Vất vả là vậy nhưng chưa lúc nào ông lơ là nhiệm vụ của mình. Bây giờ, ông đã trở về với cuộc sống đời thường, những thương tích trong những năm phá án lại hành hạ ông mỗi lúc trái gió trở trời. Ở tuổi xưa nay hiếm, trong ngôi nhà 3 gian cấp 4 đơn sơ nằm nép mình bên QL7, dù chỉ với đồng lương hưu ít ỏi nhưng ông vẫn sống vui vẻ cùng gia đình, hàng xóm láng giềng.
Ngọc Thái