Gia đình xã hội
Thương binh thật chật vật vì thương binh giả
(Congannghean.vn)-Hụt hẫng, tổn thương, một cảm giác tương tự như bị xúc phạm, đó là tâm trạng chung của những cựu chiến binh trong thời gian qua bị đình chỉ chi trả chế độ thương binh vì bị nghi giả mạo giấy tờ, sổ sách thương binh để hưởng chế độ chính sách. Quá bức xúc, các cựu chiến binh đã tìm đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) để đối chất, một số khác có đơn kiến nghị, khiếu nại gửi các cấp.
Vì đâu 195 hồ sơ thương binh bị đình chỉ chế độ?
Từ ngày 16/6 - 9/7/2014, Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH đã tiến hành thanh tra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Qua kiểm tra 1.500 bộ hồ sơ ngẫu nhiên tại các huyện Đô Lương, Hưng Nguyên và TP Vinh (trong tổng số 10.675 hồ sơ do Bộ CHQS tỉnh Nghệ An thẩm định), đã phát hiện 421 hồ sơ có nghi vấn, chưa đảm bảo pháp lý. Cụ thể, trong số này, có 17 hồ sơ không đảm bảo pháp lý, không đủ điều kiện xác nhận là thương binh; 188 hồ sơ xác lập trên cơ sở giấy tờ gốc có nghi vấn tẩy sửa, nội dung cũ viết lại nội dung mới không đúng với nội dung “nguyên thủy”; 202 hồ sơ được xác lập trên cơ sở danh sách lưu quân nhân bị thương có nghi vấn viết mới, viết thêm và 15 hồ sơ khác được xác lập trên cơ sở 2 người làm chứng chưa đảm bảo.
Giấy tờ gốc trong hồ sơ bị Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH nghi ngờ “giả mạo” của một thương binh |
Theo Kết luận số 178/LK-TTr ngày 5/9/2014 của Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH, đã đề nghị đình chỉ, tạm đình chỉ chi trả chế độ trợ cấp đối với 421 trường hợp để chờ kết quả xác minh, làm rõ. Tiếp đó, ngay sau khi có kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật Hình sự - Bộ Quốc phòng và kết quả xác minh của các đơn vị liên quan, Bộ LĐ,TB&XH đã có thông báo kết quả xử lý sau thanh tra (số 150/TTr-NCC ngày 19/3/2015), với nội dung đề nghị về việc tiếp tục được hưởng chế độ đối với 147 trường hợp; đình chỉ 210 trường hợp và tạm đình chỉ 51 trường hợp khác vì chưa tìm thấy hồ sơ gốc và chưa có kết quả xác minh.
Trước đó, vào ngày 23/10/2014, ngay sau khi có kết quả thanh tra, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 7884/UBND-TM về việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH, giao cho Bộ CHQS tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở LĐ,TB&XH tiến hành kiểm tra, rà soát hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội xác lập theo Thông tư liên tịch số 16 năm 1998 giữa 3 đơn vị, gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ,TB&XH. Để xác minh, làm rõ các trường hợp mà Bộ LĐ,TB&XH nghi vấn, Bộ CHQS tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ, đối chất với các trường hợp có hồ sơ không đảm bảo pháp lý và điều kiện xác nhận thương binh theo kết luận thanh tra.
Kết quả, trong số 195 trường hợp mà Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH kết luận giả mạo giấy tờ, khai man hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi thương binh, bắt đầu hưởng chế độ lâu nhất là từ năm 1997 và mới nhất là từ năm 2011, qua gặp gỡ và đối chất với các đối tượng, đều khẳng định có tham gia quân đội, lý lịch và các giấy tờ xác nhận bị thương đều do đơn vị cấp. Do đó, đến nay, đã có 26 trường hợp bổ sung đầy đủ các loại giấy tờ còn thiếu sót; 2 trường hợp bổ sung bản sao và 18 trường hợp có đơn kiến nghị đề nghị các cấp xem xét về hồ sơ của mình. Trong thời gian qua, Sở LĐ,TB&XH cũng đã tiếp nhận hơn 60 lượt khiếu nại của các thương binh bị nghi làm giả, yêu cầu làm sáng tỏ về vấn đề này.
Nỗi niềm thương binh thật bị nghi ngờ là giả
Lần theo danh sách 195 trường hợp bị đình chỉ chi trả chế độ thương binh, chúng tôi tìm đến nhà riêng của ông Trần Văn Chắt tại 87 Nguyễn Đức Cảnh, TP Vinh. Từ ngày 1/4/2015 đến nay, cũng như nhiều đồng đội khác, ông Chắt đã bị “cắt” chế độ. Cũng từ đó đến nay, ông Chắt đã 3 lần viết đơn khiếu nại, 2 lần vào tỉnh Kiên Giang để xin xác nhận từ đơn vị cũ. Tháng 2/1975, ông Chắt nhập ngũ tại Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu 4).
Tháng 6/1976, ông là lái xe tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam chống quân Pôn Pốt, được tăng cường về Trung đoàn 152 thuộc Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang. Ngày 14/3/1978, ông bị thương trong trận đánh ở Hà Tiên, điều trị gần 2 tháng với thương tật 41%. Từ năm 2001, ông làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh, nhưng vừa rồi Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH nghi là giả mạo danh sách quân nhân bị thương chỉ vì không có danh sách lưu tại gốc.
Ông Lê Vĩnh Đồng trú tại khối 11, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên nhập ngũ tháng 1/1979, thuộc đơn vị C3, D44, E176 đóng tại tỉnh Polykhamxay (Lào). Tại trận đánh phòng ngự trận địa ngày 20/12/1981 tại cầu Nậm Chinh, huyện Thà Bốc, ông bị địch bắn, mắt mờ, tai không nghe rõ sau đó ngất lịm, được điều trị tại Trung đoàn E176 với 3 mảnh đạn trong đầu. “Giây phút đối diện với cái chết, thân thể không còn lành lặn, giờ bị quy kết làm hồ sơ giả để hưởng chế độ, tôi thực sự rất buồn và đau lòng”, ông Đồng tâm sự. Trên đây chỉ là hai trong số hàng chục trường hợp mà chúng tôi đã tiếp xúc, gặp gỡ. Ai cũng thương tích đầy mình, đã xả thân vì đất nước, thậm chí có người còn để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, có người còn mang trong mình chất độc hóa học, con cháu hôm nay đang phải “lãnh” hậu quả. Thực tế là vậy, song chỉ vì những thiếu sót về mặt giấy tờ trong hồ sơ, những người này bị coi là giả mạo, là “thương binh giả” khiến ai cũng hụt hẫng, đau lòng.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Lương Hoàng Tùng, Trưởng ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cho biết, việc xác lập hồ sơ là theo Thông tư liên tịch số 16, trong đó ngành lao động là đơn vị cuối cùng tiếp nhận và ra quyết định chi trả. Hồ sơ do ngành Quân đội và Công an xác lập, được triển khai theo quy trình hết sức chặt chẽ và kỹ lưỡng, nên không thể có hồ sơ giả thương binh. Thực tế, qua đối chất 195 trường hợp này cho thấy, con người là có thật và họ khẳng định đã trực tiếp chiến đấu và bị thương tại chiến trường. Kết luận của Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH, theo Thiếu tá Tùng là “hơi vội vàng, dùng câu chữ hơi nặng nề, làm ảnh hưởng đến danh dự của các cựu quân nhân”.
Về hướng giải quyết, Bộ chỉ huy Quân sự Nghệ An đề xuất: Đối với các trường hợp đã giám định và có tỉ lệ thương tật dưới 21%, đề nghị cho các đối tượng được giám định lại vết thương để tránh thiệt thòi. Đối với những hồ sơ bị kết luận giấy tờ gốc không đảm bảo tính pháp lý, hoặc xác minh tại đơn vị không có trong danh sách lưu quân nhân bị thương, đối tượng xin được bổ sung phim X. quang có các mảnh kim khí trong cơ thể, là vật chứng khẳng định việc đã chiến đấu tại chiến trường và bị thương là có thật. Trong khi đó, về phía Sở LĐ,TB&XH cho biết, đang tập hợp ý kiến, bổ sung giấy tờ và đề xuất từ phía Quân đội để trình Bộ LĐ,TB&XH giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền.
Thiện Thành