Gia đình xã hội

Nơi ấy bình yên...

15:48, 26/07/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Tham gia chiến trận, vào sinh ra tử vì mục tiêu ngày mai toàn thắng, những người lính Cụ Hồ năm xưa nay tập trung về sinh hoạt trong một mái nhà chung - Trung tâm Điều dưỡng thương binh.

Đa phần vì sự khốc liệt của cuộc chiến nên tỉ lệ thương tật của các thương, bệnh binh được điều trị tại đây đều khá nặng (trên 81%). Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chăm sóc tích cực, chu đáo của đội ngũ điều dưỡng tại đây, nhiều người đã vượt lên nỗi đau thể xác, những ám ảnh nhức nhối về bom đạn chiến tranh để vươn lên khẳng định mình, dựng xây cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Ông Phan Huy Phác (SN 1933) - người lính Cụ Hồ năm xưa, từng đặt chân đến khắp các chiến trường ở Bắc Ninh, Bắc Giang trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nay đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm”.

Tuổi cao, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng khi nhắc về những kỷ niệm, năm tháng hào hùng của quá khứ, ông lại móm mém cười và kể lại với sự say mê, nhiệt tình. Quê tại Phủ Diễn, năm 23 tuổi, ông lên đường nhập ngũ. Sau 2 năm chiến đấu tại các chiến trường miền Bắc, trong một trận càn quét dữ dội của địch, ông bị thương nặng với tỉ lệ thương tật 81%. Phục viên, trở về quê hương, ông không lập gia đình, sống cuộc sống đơn lẻ. Đến khi Trung tâm Điều dưỡng thương binh được thành lập, ông vào đây và từ đó đến nay, đã gắn bó với mái nhà chung này.

Cách phòng ông Phác một dãy nhà là căn phòng nhỏ của bệnh binh Trần Hữu Diến (SN 1950). Năm 20 tuổi, chàng trai trẻ quê xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. 11 tháng trong quân đội với những trận chiến khốc liệt đã để lại di chứng nặng nề cho người lính này. Ông xuất ngũ với tỉ lệ thương tật 95%, liệt hai chân, sinh hoạt của bản thân phải nhờ tới sự giúp đỡ của người khác. Trong căn phòng nhỏ tại Trung tâm, từ năm 1976 đến nay, luôn có một điều dưỡng thường xuyên túc trực 24/24 giờ để chăm sóc ông.

Điều dưỡng Hồ Quỳnh Anh, người có “thâm niên” chăm sóc ông Diến trong thời gian dài cho biết: “Mỗi lần thời tiết thay đổi, ông bị đau nhức dữ dội. Việc mổ não ngày xưa cũng ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của ông. Do ông không có gia đình nên chúng tôi vừa phải chăm sóc, vừa thường xuyên quan tâm, chuyện trò để ông bớt hiu quạnh trong những năm tháng tuổi già”.

Bác sĩ Lê Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm thăm hỏi sức khoẻ thương, bệnh binh
Bác sĩ Lê Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm thăm hỏi sức khoẻ thương, bệnh binh

Ông Phác, ông Diến là hai trong nhiều bệnh binh đang được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An. Ông Nguyễn Thiếu Lâm, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An cho biết, hiện nay, Trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng, tổ chức thực hiện các chế độ chính sách với 71 thương, bệnh binh của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh (trước đây có cả tỉnh Quảng Trị).

Trong 71 thương, bệnh binh, có 40 đồng chí ngoài những vết thương chiến tranh còn mang thêm nỗi đau da cam/điôxin với những chứng bệnh nan y và di chứng nặng nề cho thế hệ con cháu. Do tỉ lệ thương tật lớn nên 35 thương, bệnh binh phải dùng xe lăn, có 2 người bị mù mắt, 12 thương binh độc thân.

Ngoài yêu cầu chăm sóc tại Trung tâm, đội ngũ điều dưỡng còn phải thường xuyên túc trực tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương mỗi lần có thương, bệnh binh lâm bệnh nặng. Có đợt điều trị kéo dài cả tháng trời. Tuy nhiên, vượt qua những nỗi đau về thể xác, những ám ảnh về tâm lý, nhiều thương, bệnh binh đã vươn lên dựng xây cuộc sống yên ấm. Đó là thương binh Lê Ngọc Lan (Đức Thọ, Hà Tĩnh), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam của Trung tâm, ông chủ trang trại, điển hình trong phát triển kinh tế tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc. Đó là vợ chồng ông Lô Văn Minh, bà Bùi Thị Hoàng, nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành…

Đến Trung tâm những ngày tháng 7 này, ngoài bóng dáng của các điều dưỡng viên còn có màu áo xanh tình nguyện của các sinh viên Trường Đại học Y khoa Vinh. Anh Lê Đông Hiếu, Bí thư Đoàn trường Đại học Y khoa Vinh cho biết, hàng năm, Trường đều tổ chức Đội SVTN Điều dưỡng thương bệnh binh với khoảng 50 bạn trẻ, sẽ đến Trung tâm vệ sinh môi trường, hỗ trợ chăm sóc và tổ chức giao lưu văn nghệ… Ngoài ra, còn có Đội SVTN tại Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sĩ Nghệ An (xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu) với 25 người hoạt động thường xuyên.

Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Nghệ An luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các thương, bệnh binh được chăm sóc, an dưỡng. Cứ đến tháng 7 hàng năm, mỗi người con xứ Nghệ lại lắng lòng mình lại, thể hiện tấm lòng tri ân, tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ sự thành kính với những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Xuân Thống - Mai Hậu

Các tin khác