Phóng sự

Nhận diện tội phạm mua bán người (kì cuối)

08:47, 26/07/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Kì cuối: Chung tay vì một lá chắn bình yên

(Congannghean.vn)-Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, thời gian gần đây, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng đã có nhiều biện pháp, phối kết hợp với chính quyền địa phương để tổ chức tuyên truyền, kết hợp với đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán người. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt này, vấn nạn mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa đã có những chuyển biến tích cực.

Hiệu ứng từ những mô hình

Để ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người, trong thời gian qua, Công an tỉnh Nghệ An đã triển khai có hiệu quả nhiều kế hoạch, trong đó đáng chú ý là thực hiện Đề án 2/CT 130/CP, do Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an tỉnh chủ trì. Thông qua Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là tại các địa bàn nhức nhối về tệ nạn mua bán người, đã tập trung khảo sát tình hình tội phạm mua bán người. Qua đó, lập danh sách các nạn nhân bị bán và những đối tượng có tiền án về tội mua bán người, đồng thời dựng các đường dây, ổ nhóm có biểu hiện nghi vấn phạm tội mua bán người để có kế hoạch đấu tranh, triệt xoá.

Tại các địa bàn Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Công an huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương và Huyện đoàn, tổ chức vận động, tuyên truyền đến tận bà con dân bản về những hệ lụy của việc mua bán người thông qua các hình thức mới mẻ hơn như sân khấu hóa, tiểu phẩm kết hợp phát động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.

Đơn cử như tại xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, sau một thời gian ngắn phát động, đã có 23 lá đơn của nhân dân tố giác về hành vi mua bán người. Ngay sau đó, Ban Công an xã kết hợp với Công an huyện Con Cuông đã triệu tập, gọi hỏi các đối tượng bị nhân dân tố giác để điều tra, làm rõ, răn đe.

Ngoài ra, tại một số xã là “điểm nóng”, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các tổ chức hội khác đã có những mô hình tuyên truyền, vận động hiệu quả. Đơn cử như tại xã Đôn Phục, từ tháng 7/2013, câu lạc bộ (CLB) “Lá chắn” của bản Hồng Điện đã được thành lập nhằm tuyên truyền, vận động bà con, nhất là chị em phụ nữ và các cô gái mới lớn trong bản tránh xa sự dụ dỗ, lôi kéo của kẻ xấu. CLB “Lá chắn” có sự tham gia của trên 30 thành viên là chị em phụ nữ trong bản.

Ngoài việc đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con nâng cao tính cảnh giác, đề phòng trước những thủ đoạn và chiêu trò dụ dỗ chị em phụ nữ đi làm ăn xa, các thành viên trong CLB còn tiến hành sinh hoạt mỗi tuần một lần để nâng cao nhận thức cho từng thành viên và cách làm kinh tế, giữ hạnh phúc gia đình. Hiệu quả là từ khi thành lập đến nay, nhiều chị em đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và tình trạng mua bán người, dụ dỗ, lôi kéo chị em phụ nữ và các em gái trong bản đi làm ăn xa cũng đã giảm hẳn.

Một buổi sinh hoạt tại CLB “Phòng chống buôn bán người” ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương
Một buổi sinh hoạt tại CLB “Phòng chống buôn bán người” ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương

Một mô hình khác cũng phát huy hiệu quả tích cực là CLB “Phòng chống buôn bán người”, do Hội Phụ nữ và Ban Công an xã Tam Quang, huyện Tương Dương phối hợp với Hội Phụ nữ Công an tỉnh Nghệ An thành lập. Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn xã Tam Quang có 9 người bị lừa bán sang Trung Quốc và 20 người bị lừa sang Trung Quốc lao động trái phép.

Từ cuối năm 2014 đến nay, CLB "Phòng chống buôn bán người" đã trở thành địa chỉ tin cậy, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng. Tham gia CLB, chị em được trang bị các kỹ năng cần thiết để nhận biết các dấu hiệu, thủ đoạn, hành vi lừa đảo của tội phạm mua bán người.

Quyết liệt trong đấu tranh, ngăn chặn

Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Công an huyện Tương Dương cho biết thêm: Theo số liệu thống kê tại thời điểm cử tri phản ánh trước kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVI, trên địa bàn huyện Tương Dương có 1.716 người đi lao động tự do ở nước ngoài, trong đó có 816 phụ nữ; riêng xã Xá Lượng có 94 phụ nữ trong tổng số 174 người đi làm ăn xa. Hầu hết các trường hợp trên đều tự ý rời khỏi địa phương, không làm thủ tục hoặc báo cáo với chính quyền địa phương.

Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 235 người trở về địa phương, trong đó có 226 người tự về và 9 người do Trung Quốc và Thái Lan trao trả. Mặc dù cấp ủy, chính quyền huyện Tương Dương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp ngăn chặn người dân đi lao động bất hợp pháp, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi năm, Công an huyện Tương Dương đấu tranh, triệt xóa từ 2 - 3 đường dây, đối tượng mua bán người. Để đấu tranh, ngăn chặn, Công an huyện Tương Dương đã chú trọng kết hợp đấu tranh với công tác tuyên truyền, đồng thời tăng cường công tác quản lý cư trú và quản lý tạm trú, tạm vắng tại cơ sở.

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Văn Đề, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: Do trình độ dân trí ở các xã miền núi Kỳ Sơn còn hạn chế nên đa phần người dân dễ bị bọn buôn người dụ dỗ. Thời gian qua, Công an huyện Kỳ Sơn đã phá 7 vụ mua bán người, bắt 6 đối tượng, giải cứu 9 phụ nữ. Ban đầu, các đối tượng mua bán người nói rằng sẽ đưa các nạn nhân đi lao động ở các công ty, nhưng sau đó lại bán ra nước ngoài. Thủ đoạn của chúng có sự biến hoá linh hoạt, rất tinh vi và tiến hành trao đổi qua nhiều trung gian khác nhau để qua mắt cơ quan chức năng. Khó khăn nhất trong việc xử lý tội phạm mua bán người là những nạn nhân sau khi trốn được về nhà, cán bộ Công an đến lấy lời khai để có căn cứ xử lý, nhưng hầu như các nạn nhân đều không khai báo vì thực tế, có những điều không dễ chia sẻ trong thời gian họ bị lừa bán ở xứ người. Điều này vô hình trung đã tạo nên nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng và cũng chính là kẽ hở để tội phạm mua bán người tiếp tục “lộng hành”.

Cùng quan điểm này, Thượng tá Châu Văn Thao, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết, tội phạm mua bán người chỉ nhằm vào đối tượng là đồng bào các dân tộc thiểu số có trình độ, nhận thức còn hạn chế.

Trong năm 2014, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với Công an tỉnh xác lập chuyên án, phá 4 vụ mua bán người. “Do tội phạm mua bán người hoạt động rất tinh vi, chúng không ở trong một địa bàn, lại được các đối tượng buôn người chuyên nghiệp ở nước ngoài hậu thuẫn, trong khi hiện vẫn chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc đấu tranh chống tội phạm buôn người nên quá trình điều tra, truy bắt các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn, dù lực lượng chức năng đã rất quyết liệt trong đấu tranh với loại tội phạm này”, Thượng tá Châu Văn Thao cho biết thêm.
 

Thiên Thảo

Các tin khác