Kinh tế xã hội
Tái định cư, lỗi hẹn đến bao giờ?
08:34, 25/07/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông thứ 4, phân bố tập trung chủ yếu ở đồng bằng, rải rác ở vùng miền núi, trung du. Những năm vừa qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành Trung ương cùng sự nỗ lực của tỉnh nhà, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận dân cư đang gặp nhiều khó khăn về ổn định chỗ ở. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã lập phương án và trình Trung ương phê duyệt nhiều dự án xây dựng các khu tái định cư, định canh; song sau nhiều năm xây dựng, đến nay nhiều dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao.
Xây dựng các khu tái định cư (TĐC) cho người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung là một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai đồng loạt hàng chục dự án trong cùng thời điểm, trong khi nguồn vốn giải ngân “eo hẹp” đã khiến dự án nào cũng nằm trong tình trạng dang dở.
Người dân vạn chài ven sông Lam mong ngóng sớm được lên nơi ở mới |
Dân bất an trước mùa mưa bão
Tính đến nay đã gần 6 năm sau trận lũ lịch sử (2009), thế nhưng, ông Vi Văn Thanh trú tại bản Quắn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp vẫn không thể quên được những hình ảnh hãi hùng, đau thương về trận lũ quét năm ấy. Con suối, con khe cạnh sườn nhà bao đời nay hiền hòa là vậy bỗng trở nên dữ dằn, “gầm rú” như con thú hoang bị thương, chỉ trong chốc lát đã cuốn phăng gần 20 ngôi nhà của cả bản, lúa, ngô, hoa màu, gia súc cũng bị trôi theo dòng nước. Dân bản chỉ biết ngậm ngùi đứng nhìn. Lâu nay, đồng bào dân tộc ở vùng Mường Hạt, Mường Nghinh thuộc các xã Châu Tiến, Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp vẫn giữ thói quen làm nhà ở bên cạnh các con suối để thuận tiện cho sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt. Thế nhưng, sau trận lũ quét năm đó, nhiều hộ dân ở đây vẫn đang phải sống trong tâm thế bất an, nơm nớp lo sợ, nhất là mỗi khi mùa mưa bão đến gần.
Với người dân vạn chài trên sông Lam, họ đã có hàng chục năm lênh đênh trên sông nước và chính sông Lam đã làm sinh sôi con tôm, con cá nuôi sống họ. Thế nhưng, sản vật từ sông nước không còn dôi dư như trước nữa, trong khi khí hậu thay đổi, dân số ngày càng tăng, nguồn thủy sinh sông Lam cũng cạn kiệt dần. Hơn nữa, thời tiết khắc nghiệt kéo theo tình trạng hạn hán, lũ lụt hàng năm gia tăng cũng đang đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhiều người dân sinh sống ở những khu vực ven sông Lam. Niềm mong mỏi bấy lâu nay của người dân vạn chài là sớm có “tấc đất cắm dùi” để ổn định cuộc sống, chăm lo con cái học hành.
ài ra, trên địa bàn tỉnh ta có nhiều dân tộc sinh sống, với tập quán “quảng canh, quảng cư”, nay đây mai đó, không còn phù hợp, họ cũng cần có nơi ở để ổn định cuộc sống. Có thể nói, nhu cầu TĐC của hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu trên địa bàn tỉnh đang ngày càng trở nên bức thiết.
Dở dang nhiều dự án tái định cư
Ông Sầm Văn Bửu, Trưởng phòng Định canh, định cư (ĐCĐC) - Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 10 dự án ĐCĐC cho đồng bào dân tộc các huyện miền núi, với tổng mức đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt là hơn 171 tỉ đồng; trong đó vốn Trung ương hỗ trợ là 60 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Tuy nhiên, do nguồn vốn giải ngân “nhỏ giọt”, vốn đối ứng của địa phương không có nhiều, cộng thêm việc đội giá xây dựng nên đến nay, sau gần 10 năm triển khai, nhiều dự án vẫn chưa hoàn thành, hoặc có những dự án người dân đã vào ở nhưng còn thiếu vốn để chi trả cho nhà thầu.
Một ngày đầu tháng 7/2015, chúng tôi ngược theo Quốc lộ 7A, tìm đến khu TĐC Thung Chanh, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn. Sau một hồi dò hỏi, chúng tôi vào tới nơi được gọi là khu TĐC. Đập vào mắt là một khu đất hoang, cỏ dại um tùm, xen lẫn vào đó là vài khóm mía nhỏ… Hơn 6 năm về trước, dự án TĐC Thung Chanh được khởi công xây dựng với mục đích ổn định cuộc sống cho hơn 50 hộ dân đồng bào dân tộc Thái. Dự án có tổng kinh phí được phê duyệt là hơn 12 tỉ đồng, do UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này mới chỉ giải ngân được 3 tỉ đồng, do vậy, sau 6 năm triển khai xây dựng, nhiều hạng mục công trình vẫn chưa hoàn thiện.
Năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã đề xuất xin Trung ương hỗ trợ 7,4 tỉ đồng cho dự án ĐCĐC tại Thung Chanh nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Theo tìm hiểu, không chỉ dự án TĐC Thung Chanh bị dở dang mà còn có một số dự án TĐC khác cũng cùng chung “số phận” vì thiếu vốn xây dựng. Điển hình như: Dự án ĐCĐC tại Khe Nóng (xã Châu Khê, huyện Con Cuông); dự án ĐCĐC Piêng Luống (xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp); dự án tái ĐCĐC Phà Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương); dự án ĐCĐC Khe Linh (xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn)…
Đáng chú ý là dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở, thiên tai tại các xã Châu Tiến, Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp. Đến nay, sau gần 6 năm, dự án vẫn đang là bãi đất trống. Dự án được triển khai thực hiện với mục đích di dân khẩn cấp nhưng lại kéo dài liên tục trong 6 năm đã làm mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Hay như dự án TĐC cho người dân làng chài ven sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Chương, có tổng mức đầu tư phê duyệt hơn 83 tỉ đồng, được khởi công xây dựng vào năm 2010, dự kiến cuối năm 2012 sẽ đưa hơn 100 hộ dân đến khu TĐC. Vậy nhưng, cho đến nay, dự án vẫn chưa thể bàn giao vì đang còn một số hạng mục chưa hoàn thiện. Theo ông Hoàng Đình Hùng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển Nông thôn, hiện còn 2 dự án TĐC khác do Chi cục PTNT làm chủ đầu tư cũng đang thi công dang dở.
Đâu là nguyên nhân?
Ông Sầm Văn Bửu cho biết: “Để xảy ra tình trạng các dự án TĐC kéo dài, chậm tiến độ, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó quan trọng nhất vẫn là thiếu nguồn vốn đầu tư. Dự án được phê duyệt với số vốn hàng chục tỉ đồng nhưng thi công gần chục năm nay mới chỉ giải ngân “nhỏ giọt” được vài ba tỉ, đó là chưa nói đến việc đội giá xây dựng nhưng không được điều chỉnh”. Còn ông Hoàng Đình Hùng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục PTNT cho hay: “Dự án mà không có vốn đầu tư thì không xây dựng được gì cả, vốn giải ngân “nhỏ giọt” thì dự án cũng thi công “nhỏ giọt” mà thôi”.
Câu hỏi đặt ra là, trong khi nguồn vốn đầu tư eo hẹp, việc giải ngân vốn lại “nhỏ giọt” nhưng tại sao lại triển khai đồng loạt nhiều dự án đến vậy? Để rồi tất cả các dự án TĐC đều kéo dài trong nhiều năm, thậm chí có dự án di dân khẩn cấp nhưng xây dựng gần 6 năm vẫn chưa xong?
Đức Thắng