Văn hóa - Giáo dục

Bản nghèo không còn 'đói' chữ

15:15, 14/07/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những lớp học hoạt động không cố định vào một thời điểm nào mà phụ thuộc vào học sinh rảnh lúc nào, có khi là buổi tối, cũng có lúc vào buổi trưa. Ở đó học sinh là những chị em phụ nữ trong bản, không phân biệt tuổi tác nhưng cùng chung một ước mơ con chữ. Đã gần một năm nay, ở các bản làng miền núi phía Tây Nghệ An xuất hiện những lớp học xóa mù chữ như thế. Những khuôn mặt rạng rỡ niềm vui, những ánh mắt lấp lánh, tiếng í ới gọi nhau đi học và cả tiếng đánh vần ê a rộn vang giữa bản làng. Từ nay, bà con dân bản đã biết chữ, biết viết mà không cần phải nhờ ai ký thay, đọc hộ. 
 
Theo lời giới thiệu của cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, từ TP Vinh, chúng tôi bắt chuyến xe sớm lên huyện Con Cuông để “mục sở thị” lớp học xóa mù chữ dành cho chị em người Thái và người Đan Lai ở bản Mọi, xã Lục Dạ. Đến thị trấn Con Cuông, chúng tôi mượn xe máy của cán bộ huyện, vác ba lô vào bản. Từ đây vào bản Mọi khoảng 30 cây số, nhưng với những vị khách không thuộc đường thì phải mất hơn một giờ mới đến nơi. Con đường từ trung tâm xã vào bản gần 15 cây số, lúc này, hành trình leo dốc mới thật sự gian nan bởi những con dốc cao, ngoằn ngoèo, rải đầy đá dăm.
Cô giáo Lưu Thị Phượng hướng dẫn “học sinh” tập viết
Cô giáo Lưu Thị Phượng hướng dẫn “học sinh” tập viết
Sau gần 30 phút ì ạch leo dốc, nếm đủ những cung bậc cảm xúc khi băng đèo, vượt núi, chúng tôi có mặt tại bản Mọi. Đứng từ trên dốc nhìn xuống, bản Mọi nằm lọt thỏm giữa rừng núi bạt ngàn, bên những ruộng lúa nước xanh mướt. Những ngôi nhà sàn cổ vững chãi từ bao đời nay của đồng bào người Thái và người Đan Lai là nơi ở của hơn 160 hộ dân. Ở giữa bản là Trường Tiểu học 2 Lục Dạ, điểm bản Mọi - nơi các chị em học chữ, được lợp mái đỏ tươi. 
 
Đi học buổi ban trưa
 
Mặt trời lên cao, khi những ánh nắng chói chang chiếu thẳng từ trên cao xuống cũng là lúc chị em trong bản í ới gọi nhau tới trường. 12 giờ trưa, cô giáo Lương Thị Ba, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A đánh trống báo giờ vào học. Tiếng trống trường vang lên giữa núi rừng, báo hiệu cho học sinh đến giờ vào lớp. Chị Hà Thị Nga, 34 tuổi, đã là mẹ của 4 đứa con nhưng bây giờ mới được đến trường học chữ. Giờ chị đang là “học sinh” lớp 3, cùng lớp với cô con gái.
 
Từ ngày chị đi học, ở nhà, mẹ và các con lại cùng nhau ôn bài. Những chỗ nào chưa hiểu, chị lại nhờ các con giảng lại. Hôm nay cũng như bao ngày khác, sau bữa cơm trưa, chị vội vàng dọn dẹp nhà cửa rồi để đứa con út chưa đầy 2 tuổi cho chồng trông nom, sau đó tất tả đến lớp cho kịp giờ. Được chồng và các con động viên, cộng với sự chăm chỉ, chị ngày càng tiến bộ hơn. Ngoài chị, ở bản này còn có hơn 30 chị em đang ngày ngày cắp sách tới trường, nuôi ước mơ con chữ. Những bàn tay chai sạn rung rung cầm bút, vừa viết, thi thoảng các chị lại nhìn lên bảng để viết theo cho đúng.
 
Những nét chữ vẫn còn nguệch ngoạc, nhưng đó là cả một quá trình đầy nỗ lực, cố gắng. Đưa cho tôi xem cuốn vở tập viết, chị Nga khoe đã viết được tên mình. Giờ ở xã có việc gì, chị đã tự ký được mà không cần phải nhờ người khác. Chị Nga vui mừng cho biết: “Ngày trước do khổ quá nên làm chi được đi học, cũng có mấy người đi học nhưng phải bỏ dở giữa chừng. Ở bản này, hầu hết người dân đều không biết chữ. Nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm nên hôm nay chị em ta lại được đến lớp. Bản Mọi không còn mù chữ nữa rồi”. 
 
Nhọc nhằn gieo chữ nơi bản nghèo
 
Rời Con Cuông, chúng tôi tiếp tục hành trình lên với Kỳ Sơn để thăm lớp học ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý. Dưới ánh điện chạy bằng tua bin nước vừa đủ chiếu sáng một góc lớp, thầy giáo Bùi Hoài Nam, giáo viên Trường Tiểu học Mường Lống 2 đang dạy cho 23 học sinh. Thầy Nam là giáo viên cắm bản đã hơn 7 năm nay. Đã ngoài 30 tuổi, thầy chưa lập gia đình nhưng lại được phụ trách lớp học toàn chị em đã có chồng. Không chỉ dạy chữ, đôi lúc, thầy lại trở thành nhà tâm lý bất đắc dĩ của chị em, tư vấn về những vấn đề trong cuộc sống, về chuyện gia đình.
Một góc bản Mọi nhìn từ trên cao
Một góc bản Mọi nhìn từ trên cao
 
Vì vậy, không biết tự bao giờ, giữa thầy và trò thân thiết như những người trong gia đình. Thầy vẫn nhớ kỷ niệm hôm khai giảng, bà con dân bản tổ chức liên hoan, học sinh và chồng của họ lần lượt đến chúc rượu khiến thầy giáo say bí tỉ đến tận hôm sau. “Cái khó nhất đó là sắp xếp được thời gian hợp lý để học sinh đi học đều, chủ yếu là lớp học vào ban đêm. Lịch học là do học sinh tự sắp xếp, lúc nào bà con rảnh thì thông báo cho thầy trước nhưng điểm thuận lợi là chị em rất ham học nên cứ rảnh là lại điện thoại cho thầy vào dạy”, thầy Nam chia sẻ. 
 
Từ chỗ không quen chạy xe đường đèo, cô giáo Lưu Thị Phượng, giáo viên lớp xóa mù chữ ở bản Mọi giờ đã là “tay lái lụa”, vì ngày nào cô cũng phải đi từ trung tâm xã vào bản dạy chữ. Cũng vì thương các cô đêm hôm đi đường nguy hiểm nên từ khi các cô nghỉ hè, không phải dạy chính khóa nữa, chị em học sinh đã chuyển giờ học sang buổi trưa để các cô đỡ vất vả. Sáng bà con lên rẫy, dọn dẹp xong bữa trưa thì đi học đến 4 giờ chiều. Chồng cô Phượng là bộ đội cũng thường xuyên vắng nhà nên cô thường gửi 2 đứa con cho ông bà nội chăm sóc.
 
Ngày hai buổi lên lớp, tối vào bản dạy học, đến khi nghỉ hè, hàng ngày, cô vẫn dạy chữ nên không có thời gian dành cho gia đình. Vào những đêm chồng trực, cô phải gọi điện xin phép lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện cho anh về ngủ với các con, bởi khi cô dạy xong về đến nhà cũng đã hơn 11 giờ đêm. Nay nghỉ hè, phải dạy buổi trưa, dù trời nóng nhưng lại đỡ vất vả và cũng phần nào an tâm hơn.
 
Rất may, chồng chị lại hiểu và hoàn toàn ủng hộ, luôn động viên chị cố gắng làm việc. Hơn 20 năm đứng lớp, biết bao thế hệ học trò đã nên người nhưng khi được phân công dạy lớp xóa mù chữ, cô Phượng vẫn không khỏi lo lắng. “Học sinh phần lớn là người hơn tuổi mình nên khi dạy, tôi phải luôn chú ý cẩn thận trong cách ăn nói, làm sao để khuyến khích họ cố gắng vươn lên trong học tập mà không làm họ cảm thấy xấu hổ và mặc cảm”, cô tâm sự. 
 
Lớp học ở bản Mọi này cũng là lớp xóa mù chữ có đông học viên nhất của tỉnh, với 35 người, được chia làm 2 lớp, do 4 cô giáo phụ trách. Học sinh thuộc diện đặc biệt nên giáo án lên lớp cũng là giáo án riêng do các cô soạn, ngoài những bài học Tiếng Việt và Toán từ lớp 1 đến lớp 3, còn có những bài học về pháp luật. Không chỉ dạy chữ, các thầy cô còn là những tuyên truyền viên phổ biến pháp luật, đó là luật về hôn nhân gia đình, pháp lệnh về dân số, không sinh con thứ 3, phòng chống tệ nạn mua bán người..., nhằm góp phần nâng cao nhận thức của chị em trong việc tự giác chấp hành các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Chị La Thị Vân, người dân tộc Đan Lai dù đang mang thai ở tháng thứ 6 nhưng vẫn đi học đều đặn. Chị đã có 2 đứa con, nay lại chuẩn bị sinh đứa nữa. Chị Vân ngập ngừng cho biết: “Các cô dạy, mỗi gia đình chỉ được sinh 2 con nhưng ta đã “lỡ” rồi. Ta về sẽ nói với chồng, chỉ lần này nữa thôi, nhất định không đẻ thêm nữa”. 
 
Chung tay xóa mù chữ
 
Mở lớp xóa mù chữ là chủ trương của Bộ GD&ĐT khi bắt đầu có chủ trương phổ cập giáo dục bậc tiểu học đến THCS. Ở tỉnh ta, nhiều năm nay, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức vận động, kêu gọi các đối tượng mù chữ đi học, trong đó ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, những năm trước, vì nhiều lý do nên việc làm trên không duy trì được, nguyên nhân chính là do phụ cấp của giáo viên quá thấp. Một học viên hoàn thành xong chương trình xóa mù chữ tương đương với 755 tiết học thì mới được thanh toán 150.000 đồng. Từ năm 2014, sau khi có Nghị định 20 quy định về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, UBND tỉnh ra Quyết định 50, trong đó quy định một số chế độ đối với công tác xóa mù chữ, thay đổi về mức chi trả đối với giáo viên đứng lớp.
 
Theo đó, giáo viên được tính theo số giờ thực dạy vượt định mức giờ chuẩn và được thanh toán trả lương thêm giờ bằng 150% lương và phụ cấp lương. Những người vận động học viên đến lớp và hoàn thành xong chương trình xóa mù chữ cũng được nhận hỗ trợ. Đây là nguồn khích lệ, động viên rất lớn để giáo viên cũng như mọi người chung tay tích cực xóa mù chữ. Rất nhiều địa phương đã thực hiện có hiệu quả việc làm này, không chỉ vận động học viên đến lớp mà còn thuyết phục gia đình học viên đồng ý, tạo điều kiện cho con, vợ, mẹ mình đến lớp. Từ đầu năm đến nay, đã có 112 lớp xóa mù chữ được mở ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Tân Kỳ, với tổng số 2.238 học viên. 
 
Chia tay lớp học để về xuôi, học viên Hà Thị Lan chạy theo xin số điện thoại của tôi và nhờ tôi khi nào báo được phát hành thì gửi lên cho chị em đọc. Vừa bấm bàn phím, chị Lan vừa khoe: “Nhà báo thấy không, ta đã biết lưu số điện thoại rồi đó”. Chị cười, nụ cười giòn tan, lấp lánh niềm hy vọng. 

Huyền Thương

Các tin khác