Văn hóa - Giáo dục
Nhạc sĩ An Thuyên: Người nặng lòng với quê hương
09:50, 06/07/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Xin được mượn mấy câu thơ của tác giả Hà Thủy để nói lời tiễn biệt với nhạc sĩ An Thuyên, một người con xứ Nghệ suốt một đời nặng lòng với quê hương: “Vậy là anh đã ra đi/ Bến quê neo đậu còn gì nữa đâu/ Ca dao anh bắc nhịp cầu/ Vầng trăng cắt nửa hai đầu chia xa”.
Chiều 3/7, nhạc sĩ An Thuyên đột ngột ra đi sau khi lên cơn nhồi máu cơ tim cấp. Người nghệ sĩ ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng nghiệp, những người yêu âm nhạc nói chung và người dân xứ Nghệ mến mộ ông nói riêng.
Nhạc sĩ An Thuyên |
Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949, tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mảnh đất ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn người nhạc sĩ từ khi còn thơ bé. Tuổi thơ của ông gắn liền với hạt lúa, củ khoai, những năm tháng nghèo đói triền miên. Từ trong đói khổ, người dân nơi đây vẫn ngân nga câu hát ru, vẫn thiết tha điệu hò, câu ví quê nhà. 11 tuổi, An Thuyên đã có thể chơi được rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc. 15 tuổi, cậu bé An Thuyên đã sáng tác ca khúc đầu tiên “Nối gót anh hùng” trước sự ngỡ ngàng của bà con lối xóm.
Năm 1967, An Thuyên bắt đầu công tác tại Ty Văn hóa Nghệ An. Năm 1975, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Hai năm sau, ông trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Quân khu IV, sau đó được cử đi học tại Nhạc viện Hà Nội. Tốt nghiệp, An Thuyên về Phòng Văn nghệ Quân đội, nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, công tác tại đây cho đến khi nghỉ hưu.
Dành trọn cuộc đời cho âm nhạc, đến nay, nhạc sĩ An Thuyên đã để lại một kho tàng những ca khúc gắn liền với nhiều thế hệ người Việt. Ca khúc nổi tiếng đầu tiên gắn với tên tuổi của nhạc sĩ An Thuyên (khi đó nhạc sĩ 21 tuổi) là “Em chọn lối này”, được viết theo làn điệu dân ca Thái, Nghệ An. Đặc biệt, những bài hát của ông luôn gắn liền với quê hương như “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”... Nghe những ca khúc này, mới thấy được nhạc sĩ An Thuyên yêu quê hương đến mức nào. Yêu quê từ những hình ảnh thân thuộc, ấy là cây đa, bến nước, con đò, là câu ca dao xưa của bà, của mẹ, là những đêm trăng hò hẹn.
Nhạc sĩ An Thuyên đã có khoảng thời gian 5 năm đi sưu tầm dân ca trong thời kỳ chiếc tranh ác liệt. Lặng lẽ, miệt mài, ông đã thu âm được hàng trăm bài hát dân gian có giá trị... “Nhạc sĩ An Thuyên là một trong những thế hệ đầu tiên làm công tác điền dã, sưu tầm dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Cùng với các nhạc sĩ như Hoàng Thọ, Lê Hàm, Văn Thế..., An Thuyên đã có công lớn trong việc phát triển âm điệu dân ca thành những ca khúc. Ông đã có vai trò quan trọng trong việc lôi đẩy âm vực, khúc thức ca dao, dân ca lên thành tác phẩm độc lập, được cả xã hội ghi nhận”, Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Di sản văn hóa dân ca ví, giặm xứ Nghệ cho biết.
Suốt một đời nặng lòng với quê hương, giờ đây, trái tim người nghệ sĩ đã “neo đậu bến quê” nhà. Dù nhạc sĩ An Thuyên đã đi xa, nhưng tôi vẫn còn nghe đâu đó những ca từ còn vang ngân mãi “Người về neo đậu bến mô, hồn tôi bến quê neo đậu...”.
Tất Vượng