Văn hóa - Giáo dục
'Khoảng trống' tuổi thơ
16:04, 01/07/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Không muốn xa con, xa người thân, nhưng vì miếng cơm manh áo, những người làm cha, làm mẹ không còn sự lựa chọn. Họ đành gửi lại những đứa con bé bỏng cho ông bà, anh chị, “dứt áo” đi làm ăn xa, để lại “khoảng trống” trong tuổi thơ con trẻ.
Trời xế chiều, tìm về các vùng quê nông thôn, không khó để bắt gặp cảnh từng tốp trẻ em đang chơi đùa trên những cánh đồng, con đường, ngõ xóm. Dừng chân trên mảnh đất lúa xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, chúng tôi nghe vọng tiếng gọi mấy đứa trẻ về nhà tắm rửa để chuẩn bị cho bữa cơm tối. Những người cha, người mẹ cầm tay con trò chuyện, trêu đùa vui vẻ trên đường.
Trẻ em cần sự chăm sóc, dạy bảo của cha mẹ để hình thành nhân cách ngay từ lúc còn nhỏ - Ảnh minh họa |
Chúng tôi bất chợt bắt gặp ánh mắt buồn, cái dáng thui thủi của cậu bé Hà Trung Sỹ, ở xóm Đông Phú, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành. Hỏi chuyện thì được biết, Sỹ hiện đang ở với bà nội. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi sinh Sỹ được hơn 1 năm, bố mẹ đã gửi em cho bà nội để vào miền Nam tìm việc làm. Từ đó đến nay, đã gần 5 năm nhưng Sỹ chỉ được gặp bố mẹ trong mấy ngày Tết ngắn ngủi. Có những năm bố mẹ không về, em mất đi niềm vui đoàn tụ gia đình ngày Tết.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Năm, bà nội của Sỹ cho biết: “Bố mẹ cháu lấy nhau khi cả hai còn ít tuổi, gia đình lại khó khăn nên sau khi sinh con, hai vợ chồng đã bỏ lại đứa con cho tôi chăm sóc để vào tận miền Nam kiếm tiền. Tôi chỉ biết cho cháu ăn, hàng ngày đưa cháu đến trường mà không hiểu được tâm tư, suy nghĩ của cháu để cùng chia sẻ”.
Cũng vì mẹ đi làm ăn xa nên ba chị em Phạm Thị Lan Anh ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành phải tự bảo ban nhau vượt qua khó khăn. Bố mất sớm do bạo bệnh, gánh nặng đè lên đôi vai gầy của người mẹ. Để lo cho các con ăn học, chị Nguyễn Thị Hiệp phải xa con, đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan.
Với những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”, quãng thời gian thiếu vắng sự chăm lo của bố mẹ đã để lại “khoảng trống” không thể lấp đầy, với bao nỗi cô đơn và tủi hờn. Các em có thể có cuộc sống đủ đầy về vật chất, nhưng lại thiếu hụt về tinh thần, đặc biệt là khi bước vào lứa tuổi vị thành niên với những thay đổi tâm sinh lý, các em không biết chia sẻ cùng ai.
“Mặc dù được mẹ chu cấp đầy đủ về vật chất nhưng mỗi lúc có chuyện buồn, em không biết tâm sự với ai nên luôn cảm thấy cô đơn, thậm chí nhiều lúc chán nản, không muốn học hành. Gia đình bạn bè đến giờ ăn lại quây quần bên nhau, còn gia đình mình thì mỗi người một nơi. Năm vừa rồi, vì buồn tủi nên em đã có thời gian bỏ bê việc học hành, suýt tí nữa là không đủ điều kiện lên lớp”, em Lan Anh rơm rớm nước mắt tâm sự.
Có thể nhận thấy rằng, tuổi thơ là khoảng thời gian quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ em thông qua sự hỗ trợ về mặt vật chất lẫn tinh thần từ gia đình. Trẻ em thiếu sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn thương tâm sinh lý, hình thành các tính cách như tự ti, hay căng thẳng, sợ hãi, chứng trầm cảm... Trẻ em sống xa bố mẹ từ nhỏ nên không biết tâm sự, bày tỏ nỗi lòng cùng ai, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ thích ở một mình, khó hòa nhập với xã hội, từ đó dẫn đến tinh thần rối loạn, bỏ bê việc học và có nhiều hành vi lệch chuẩn.
Lao động sản xuất để tạo ra của cải cho gia đình, xã hội là nguyện vọng, việc làm chính đáng của các bậc cha mẹ. Để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, đồng thời nhằm thu hẹp và từng bước lấp dần những “khoảng trống” tuổi thơ của con trẻ, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, khi trẻ bắt đầu bước vào môi trường giáo dục Tiểu học, Trung học cơ sở, ở lứa tuổi vị thành niên, tâm sinh lý có nhiều thay đổi, các bậc cha mẹ cần đặc biệt quan tâm tới trạng thái tâm lý của con em, tránh trường hợp con cái phát triển theo hướng lệch lạc.
Đặng Duyên