Văn hóa - Giáo dục

Giật mình với thói quen nói tục, chửi bậy của giới trẻ

09:20, 24/06/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chỉ cần vào mạng xã hội facebook, gõ cụm từ “hội những người nói tục, chửi bậy”, lập tức gần 30 kết quả sẽ được hiển thị. Trong đó, trang facebook có lượng người tham gia đông nhất là “Hội những người thích chửi bậy”, với trên 10.000 lượt thích. Con số này khiến nhiều người phải giật mình về sở thích kỳ lạ, có phần nhố nhăng của một bộ phận các bạn trẻ. 
 
Lời nói là công cụ giao tiếp, thể hiện phẩm chất đạo đức, trình độ nhận thức của mỗi người. Từ xa xưa, ông cha ta đã đúc rút những kinh nghiệm quý báu và có lời chỉ dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Lời ăn, tiếng nói thể hiện văn hóa giao tiếp ứng xử của con người, góp phần hình thành nếp sống văn hóa của xã hội. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại ngày nay, nét văn hóa này không còn được một bộ phận các bạn trẻ coi trọng và có ý thức trau dồi. Văng tục, chửi thề đang dần trở thành thói quen hàng ngày, thậm chí là những câu cửa miệng của nhiều bạn trẻ. 
Giới trẻ hiện nay nói tục, chửi bậy tràn lan trên các trang mạng xã hội - Ảnh minh họa
Giới trẻ hiện nay nói tục, chửi bậy tràn lan trên các trang mạng xã hội - Ảnh minh họa
 
Ngoài xã hội, về nhà hay trên giảng đường…, những lời nói tục tĩu được phát ra một cách tự nhiên mà không hề ngượng ngùng. Người trẻ nói năng thiếu văn hóa một cách vô tư, ở bất cứ nơi đâu và đáng lo ngại hơn, đó còn là cách mà không ít bạn trẻ sử dụng để “chứng tỏ” bản thân. Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, tình trạng này là biểu hiện sự đảo lộn của hệ thống giá trị chuẩn mực trong xã hội, dẫn đến sự xuống cấp trong giao tiếp, ứng xử. Thực trạng này cho thấy vai trò của những người lớn, những bậc làm cha làm mẹ, người thầy còn nhiều hạn chế, trong đó có một bộ phận không gương mẫu, thiếu chuẩn mực trong lời ăn, tiếng nói hàng ngày, từ đó tác động xấu đến con cái. Nhiều người lớn dù nghe giới trẻ nói tục, chửi bậy nơi công cộng nhưng lại tỏ thái độ thờ ơ, không quan tâm nhắc nhở. 
 
Những ngày qua, cộng đồng mạng “dậy sóng” vì facebook của một nam học sinh cấp 3 ở Hà Nội, chỉ trong vòng 2 tuần, 16 trạng thái (status) facebook của chủ nhân này được đăng đều có lời lẽ chửi bậy. Đáng bàn hơn khi các trạng thái này lại trở nên sôi nổi bởi số lượng người vào bình luận, trong đó 70% những bình luận và trả lời của chủ nhân lại xuất hiện những lời văng tục và nói bậy. Chưa bao giờ tình trạng nói tục, chửi bậy trong giới trẻ lại đáng báo động như thế.
 
Trước tình trạng này, lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các ngành liên quan xem xét và có biện pháp xử lý nhằm hạn chế những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp rất nhiều lúng túng, như cách xác định thế nào là nói tục, chửi bậy, rồi các vấn đề liên quan đến cơ chế xử phạt... Liên quan đến vấn đề này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng đang soạn thảo bộ quy tắc ứng xử, tuy nhiên, để bộ quy tắc này đảm bảo tính khả thi vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi.
 
Cách đây không lâu, một video clip quay cảnh một nữ sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh đánh bạn nam cùng lớp cũng đã thu hút sự chú ý của dư luận, bởi nữ sinh này không chỉ đánh bạn mà còn không ngừng văng tục. Rồi những câu chuyện của các bạn thanh niên ngồi uống trà đá vỉa hè, thỉnh thoảng, nếu không nói là thường xuyên, vẫn xuất hiện những lời nói văng tục. Từ lời nói, cách hành xử không đúng chuẩn mực..., tất cả đều có thể là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc mâu thuẫn nghiêm trọng. Trên thực tế, những vụ việc cố ý gây thương tích, trộm cắp, giết người cướp của ngày càng gia tăng trong thời gian qua mà hung thủ là những thanh thiếu niên chưa đủ 18 tuổi đã phản ánh một thực trạng đáng báo động, đó là sự xuống cấp, băng hoại các giá trị đạo đức, văn hóa. Điều đó cũng đã kéo theo những sự đổ vỡ của nhiều hệ giá trị đạo đức truyền thống, như quan hệ trong gia đình, thầy trò và nhiều mối quan hệ xã hội khác. 
 
Văn hóa ứng xử xuống cấp trầm trọng là thực trạng đáng báo động, khi mà một bộ phận người trẻ hiện nay đang có những hành vi “lệch chuẩn”. Thay đổi thói quen, sở thích của một người không phải là chuyện làm được trong ngày một ngày hai. Để làm được điều đó, cần phải tác động trực tiếp đến giới trẻ qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để họ thẳng thắn nhìn nhận cách ứng xử của bản thân, từ đó thể hiện văn hóa giao tiếp ứng xử phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Đồng thời, những bậc làm cha làm mẹ cần phải nghiêm khắc phê phán, nhắc nhở từng lời ăn, tiếng nói của con em để trở thành tấm gương cho con cái noi theo.

Huyền Thương

Các tin khác