Văn hóa - Giáo dục
Lô Thị Y Mai
Sơn ca của núi rừng xứ Nghệ
14:39, 23/06/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của bản làng, nghệ nhân Lô Thị Y Mai sớm được trời phú cho giọng hát ngọt ngào và tình yêu với các làn điệu dân ca của dân tộc Thái. Hơn 20 năm tỏa sáng trên sân khấu với nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá, chị đã và đang là “cánh chim đầu đàn” mải miết cống hiến cho hành trình quảng bá và bảo tồn văn hóa Thái.
Lô Thị Y Mai, người gửi trọn hồn mình vào các làn điệu dân ca Thái |
Hồn vấn vương điệu nhuôn, điệu xuối
Sinh ra và lớn lên ở bản Pà Nạt, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, từ nhỏ, Lô Thị Y Mai đã được sống trong không gian dân ca Thái đằm sâu, trữ tình. Thời ấu thơ của chị là những buổi chiều bên thềm cửa, mế đẩy võng ru ngủ nhịp nhàng. Lớn lên một chút, chị theo các bà, các chị lên nương rẫy làm đồng, được nghe những điệu nhuôn, điệu xuối rộn rã cầu mùa màng bội thu. Chị cũng được tham gia những cuộc đối đáp giao duyên từ đêm này qua đêm khác trong những đám hội của bản làng. Cứ thế, tình yêu với các làn điệu dân tộc Thái theo năm tháng đã thấm sâu vào tâm hồn Y Mai và trở thành một “mạch nguồn” không bao giờ vơi cạn.
15 tuổi, Y Mai được nghệ nhân Vi Thị Hoan nhận làm học trò, truyền dạy những điệu hát cổ và kỹ năng luyến âm, nhả chữ của dân ca Thái. Chị kể, các làn điệu âm nhạc của người Thái như lăm, nhuôn, xuối, khắp đều được truyền khẩu và không có nốt nhạc nên quá trình ghi nhớ, tập luyện cực kỳ vất vả. Hầu như khoảng thời gian nào trong ngày, chị cũng tranh thủ tập hát. Lúc nấu ăn thì dùng đũa gõ lấy nhịp, vừa tập cách ngân, cách đổ theo nhịp sao cho hay, cho nhuyễn; lúc đi ngủ cũng phải nhớ lại các làn điệu đã học, khẽ hát thầm một lượt rồi mới yên tâm say giấc.
Năm 1991, khi vừa tròn đôi mươi, Lô Thị Y Mai được chọn vào Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghệ An. Cùng năm đó, chị giành được Huy chương Vàng cuộc thi Sơn ca toàn quốc. Với giọng hát trong và ngọt, chị đã gặt hái nhiều thành công trong các hội thi chuyên nghiệp như: Huy chương Bạc “Hát ru các dân tộc Việt Nam tại Huế (1992); Huy chương Vàng “Liên hoan đàn và hát dân ca khu vực miền Trung (1994); Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc (1995); Huy chương Bạc “Giọng hát hay dân ca các dân tộc trên sóng phát thanh toàn quốc (1998)…
Một đời dành trọn cho dân ca
Năm 1998, rời bỏ ánh đèn sân khấu khi con đường nghệ thuật đang mở ra với rất nhiều thành công, chị quyết định làm một cán bộ văn hoá, gắn bó với quê hương, bản làng. Từ đó đến nay, Y Mai là một trong những “cánh chim đầu đàn” trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Thái.
Xuất phát từ đặc trưng của dân ca Thái là nguồn âm nhạc không có sẵn, các làn điệu và bài hát chỉ được sáng tác trong các dịp lễ hội như lễ mừng dâu, mừng nhà mới do các nghệ nhân ngẫu hứng “xuất khẩu thành nhạc”, nên công tác bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chị Y Mai đã không quản ngại vất vả, đến từng thôn bản để tổ chức nhiều đợt ghi âm, ghi hình các cuộc hát đối đáp, giao duyên của đồng bào dân tộc Thái. Ngoài mục đích lưu giữ, chị còn làm hồ sơ gửi lên các bộ, ban, ngành đề nghị công nhận hát nhuôn, hát luống và cồng chiêng, khắp luống là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Hiện nay, với vai trò là Trưởng phòng Văn hóa huyện, chị Y Mai đang tích cực triển khai tổ chức các lễ hội, cuộc thi nhằm thu hút sự tham gia của những người yêu dân ca Thái, văn hóa Thái, với mục đích góp phần quảng bá, phát triển loại hình âm nhạc này. Dự định của chị trong tương lai gần là đưa dân ca Thái vào các trường học và mở rộng thêm mô hình các câu lạc bộ trên địa bàn huyện.
Hơn 20 năm miệt mài với hành trình lưu giữ tinh hoa dân ca Thái, tình yêu với các làn điệu âm nhạc truyền thống, với nền văn hóa của dân tộc mình ngày càng trở nên sâu nặng trong lòng chị. Nói về những điều còn trăn trở, chị bày tỏ: “Tôi chỉ mong sao lớp trẻ kế cận có thể hiểu và yêu thêm những làn điệu dân ca vốn là tiếng lòng của ông bà, cha mẹ mình; từ đó, tiếp nối con đường mà thế hệ chúng tôi đang đi, đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị tinh thần mà cha ông để lại…”.
Thu Phương