Văn hóa - Giáo dục
Vài mẩu chuyện trên dặm đường tác nghiệp
(Congannghean.vn)-1. Năm 1999, khi ấy, tôi mới học lớp 8 trường làng, rất mê văn chương và nghiệp báo chí. Những tờ báo trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, theo suốt từng bước chân của tôi trong những năm tháng học trò, đặc biệt là Báo Thiếu niên Tiền phong.
Từ đam mê, tôi bắt đầu tập tành viết lách với đủ thể loại. Hàng trăm mẩu tin, cốt truyện được viết bằng tay, trên khổ giấy học trò được gửi đến tòa soạn bằng đường bưu điện.
Và niềm mong mỏi bấy lâu của tôi cũng đã được thoả nguyện khi “bài báo” đầu đời được chọn in. Đó là một mẩu truyện cười và thành quả thu về là số tiền nhuận bút đầu tiên trong đời 25.000 đồng. Lúc đó, tôi phải đạp xe gần 30 cây số lên bưu điện huyện để nhận, tuy vất vả nhưng cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện vô cùng.
Bắt đầu từ đó, mật độ bài được chọn in cũng nhiều lên theo thời gian, với đủ các thể loại. Thú thật, ngày ấy, ngoài niềm đam mê, viết báo cũng là một nguồn thu nhập chính của tôi, bởi hoàn cảnh của gia đình tôi lúc bấy giờ rất khó khăn.
Đến năm học đầu tiên của cấp 3, tôi vẫn là cộng tác viên “ruột”, rất trung thành của Báo Thiếu niên Tiền phong và được cấp thẻ “phóng viên trẻ” của tờ báo này vào tháng 3/2002. Đó là một kỷ niệm vui và cho đến bây giờ, tấm thẻ này vẫn được tôi lưu giữ cẩn thận, vì đó như một dấu mốc đặc biệt của nghiệp viết lách.
Tác giả bài viết trong một lần tác nghiệp |
Bước chân vào giảng đường đại học, tôi có cơ hội được tiếp cận với Báo Công an Nghệ An và đã “kết” ngay từ lần đọc đầu tiên. Từ đấy, tôi chuyển sang cộng tác với tờ báo này. Năm 2008, sau nhiều nỗ lực, tôi đã được về công tác tại Ban Phóng viên của Báo Công an Nghệ An. Năm 2009, tôi chính thức được tuyển dụng vào ngành Công an. Nhờ vậy, hai niềm mơ ước từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường là trở thành phóng viên và được đứng vào hàng ngũ của lực lượng CAND nay đã thỏa nguyện.
2. Với quãng thời gian hơn 7 năm là phóng viên Báo Công an Nghệ An, tôi đã đặt chân đến khắp các huyện, thành, thị trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thậm chí vào tận Quảng Bình và ra thủ đô Hà Nội để đưa tin, viết bài.
Mỗi chuyến đi đều để lại những cảm xúc, kỷ niệm đặc biệt, vui buồn lẫn lộn. Song, chuyến đi đáng nhớ nhất trong những tháng ngày làm báo cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in.
Ấy là lần vào Quảng Bình tác nghiệp khi đưa tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ vào năm 2013. Chiều thứ 6 ngày 11/10/2013, nhận “lệnh” của Ban biên tập, tôi bắt chuyến xe muộn vào đến TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình lúc nửa đêm.
Liên hệ với các đồng nghiệp đang có mặt tại đây, ai cũng bận bịu với tin bài, trong khi phòng nghỉ đã kín nên tôi đành phải tự xoay xở. Mãi đến sáng hôm sau, được sự giúp đỡ của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình, tôi có trong tay tấm thẻ để tác nghiệp trong những ngày đại tang của Đại tướng.
Trưa 13/10, tôi cùng nhà báo Lam Giang, Báo Tuổi trẻ chọn được vị trí đắc địa trên sân thượng tòa nhà 3 tầng ngay lối vào sân bay Đồng Hới để tác nghiệp và phải “cố thủ” đến gần 2 giờ đồng hồ giữa ngày nắng nóng mới “chộp” được những khoảnh khắc “vàng”. Trên đường theo đoàn ra Vũng Chùa - Đảo Yến, do lượng người đổ ra đường quá đông nên xe của Ban tổ chức phải nhích từng tí một.
Để kịp cung cấp tin, bài cho số báo ngày mai, chúng tôi đã buộc phải vừa ngồi trên xe ôtô vừa viết bài. Xe đi đến xã Quảng Thuận, cách Vũng Chùa khoảng 10 km thì bài viết của tôi cũng vừa hoàn thành. Tuy nhiên, lúc này, mạng 3G lại gặp trục trặc, không thể truyền tín hiệu nên tôi phải cùng một số đồng nghiệp xuống xe ven đường, tìm quán internet để gửi các ảnh và bài viết về tòa soạn.
Đó thực sự là một chuyến tác nghiệp đáng nhớ trong cuộc đời cầm bút của bản thân. Chuyện tuy đã khá lâu nhưng bây giờ mới có dịp kể.
Thiên Thảo