Văn hóa - Giáo dục

Hướng đi nào cho các trường THPT ngoài công lập

08:21, 25/06/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(congannghean.vn)-Trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT, với ưu thế riêng, các trường công lập có thể chủ động trong việc đưa ra mức điểm chuẩn đầu vào nhằm lựa chọn những thí sinh có điểm số cao, trong khi các trường ngoài công lập lại gặp khá nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh vì nhiều lý do khác nhau.
 
Trước thực trạng trên, việc tự đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học để từng bước tạo dựng “thương hiệu” có thể xem là hướng đi thích hợp nhằm thu hút học sinh, cũng là cách để giúp nhà trường tồn tại và phát triển.
 
Có một thực tế là, hiện nay, cơ chế hoạt động của loại hình trường THPT ngoài công lập vẫn chưa thực sự rõ ràng, cụ thể. Các chế độ, chính sách dành cho giáo viên tại phần lớn các trường này còn nhiều hạn chế, bất cập; do đó đã xảy ra tình trạng nhiều giáo viên có trình độ, tâm huyết nảy sinh tâm lý không thích hoặc không có nguyện vọng dạy học tại các trường ngoài công lập.
Các trường THPT ngoài công lập cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng                          dạy và học để thu hút học sinh
Các trường THPT ngoài công lập cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học để thu hút học sinh
Có không ít trường hợp giáo viên có năng lực và kinh nghiệm sau một thời gian giảng dạy đã tìm mọi cách “xoay xở” để tìm được một “chỗ đứng” trong một trường công lập. Điều này đã dẫn đến tình trạng các trường ngoài công lập, tư thục phải đối mặt với “bài toán” khá nan giải về chất lượng đội ngũ giáo viên. Nhiều trường tư thục hiện nay đã phải thực hiện phương án mời các giáo viên đã về hưu, hay những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở các trường công lập về dạy “thỉnh giảng” ở một số bộ môn. 
 
Song, với tình trạng “chân trong, chân ngoài”, không ai dám đảm bảo về chất lượng giảng dạy của số giáo viên “thỉnh giảng” này. Bởi, ngoại trừ những giáo viên đã về hưu, những giáo viên dạy “thỉnh giảng” đến từ các trường công lập còn phải chú trọng, chăm lo cho công tác giảng dạy ở “trường nhà’. Cũng với lý do tiền lương thấp, chế độ ưu đãi còn hạn chế, nên việc thu hút những sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm có học lực khá, giỏi vào các trường tư thục cũng gặp nhiều khó khăn.
 
Bên cạnh chất lượng đội ngũ giáo viên, mức thu học phí cũng là mối quan tâm của các trường tư thục, nhất là của đông đảo phụ huynh học sinh. Với mô hình tư thục, các trường sẽ phải tự hạch toán thu, chi về tài chính, từ việc xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất đến công tác chi trả lương cho giáo viên. Do đó, mức thu học phí của các trường tư thục thường cao hơn từ 2 - 3 lần so với trường công lập.
 
Trong khi đó, nhiều trường tư thục hiện đóng trên địa bàn các vùng nông thôn, trung du, nơi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, bởi vậy, việc học tập ở các trường tư thục sẽ kéo theo gánh nặng học phí, ảnh hưởng lớn tới việc đến trường của không ít học sinh. Không những thế, đây còn là nguyên nhân khiến cho chất lượng “đầu vào” của các trường ngoài công lập thường thấp hơn so với các trường công lập. Chất lượng “đầu vào” thấp sẽ kéo theo chất lượng “đầu ra” không cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các trường này không tạo được sức hút đối với học sinh. Cái vòng luẩn quẩn đó đang khiến phần lớn các trường tư thục gặp không ít khó khăn; đồng thời ảnh hưởng tới mục tiêu đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. 
 
Trong điều kiện đa số các trường ngoài công lập chưa thể cạnh tranh bình đẳng với các trường công lập từ điều kiện, cơ sở vật chất đến các chính sách đãi ngộ như hiện nay, bên cạnh những cơ chế hỗ trợ cần thiết từ các ngành chức năng, bản thân các trường cần “tự thân vận động” để tự khẳng định mình. Có thể nói, dù các trường hoạt động theo mô hình nào thì chất lượng dạy và học vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy, các trường tư thục phải tìm cách nâng cao chất lượng dạy và học, bắt đầu từ khâu xây dựng đội ngũ giáo viên bằng những cơ chế đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút những người có năng lực về công tác.
 
Cùng với đó là việc đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, song song với việc thu hút sự quan tâm, lựa chọn của phụ huynh, học sinh bằng chính những thành tích thực chất trong quá trình dạy và học của nhà trường. Tóm lại, các trường phải luôn ở thế chủ động, chấp nhận sự cạnh tranh để từ đó biết cách tự làm “mới” mình theo xu hướng tích cực, nhằm “kéo” học sinh về trường, qua đó từng bước khẳng định “thương hiệu” để có thể cạnh tranh trong môi trường giáo dục đang có xu hướng phân hóa ngày càng cao.

Bùi Minh Tuấn

Các tin khác