Phóng sự
Lính cứu hộ kể chuyện giải cứu người rơi xuống hang đá
08:34, 28/06/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-“Nhìn dưới hang đá sâu hun hút, tối om, cảm giác ban đầu hơi sợ nhưng tôi vẫn cố gắng lấy lại bình tĩnh, mang dây đeo bảo hộ và bình dưỡng khí từ từ thả người xuống hang. Càng xuống sâu, miệng hang càng bị thu hẹp, núi đá cheo leo, lởm chởm, nếu không có kinh nghiệm, lính cứu hộ cũng sẽ gặp nguy hiểm chứ chưa nói đến chuyện đưa nạn nhân lên. Sau hơn 1 giờ vật lộn, khó khăn lắm cả tôi và nạn nhân mới thoát được ra ngoài”, Thượng sĩ Đoàn Khánh Linh, Đội Chữa cháy, CNCH chuyên nghiệp, Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 kể. Thượng sỹ Linh chính là người đã trực tiếp xuống hang đá sâu 70 m giải cứu nạn nhân bị rơi xuống hang ở huyện Đô Lương ngày 10/6 vừa qua.
Khi ấy, khoảng 9 giờ 40 phút ngày 10/6, đơn vị nhận được tin báo về việc anh Đào Văn Tâm (SN 1971) trú tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương trong quá trình đi bắn chim cùng bạn đã sẩy chân rơi xuống hang đá. Nạn nhân bị rơi ở khu vực mỏ đá xây dựng của Công ty TNHH Toàn Thắng, địa chỉ tại xóm 16, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương. Khi lực lượng cứu nạn, cứu hộ tiếp cận hiện trường, 2 công nhân của công ty đã thả dây xuống nhưng do địa hình hiểm trở, càng vào sâu hang càng thu hẹp, không có ánh sáng nên họ lại bỏ cuộc. Lúc này, Thượng sĩ Linh, người có nhiều kinh nghiệm xử lý các tình huống này được giao nhiệm vụ xuống hang cứu người.
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ tham gia trục vớt, cứu người mắc kẹt trong xe bị tai nạn ở huyện Hưng Nguyên |
Thượng sĩ Linh cho biết: “Nhận được tin, đơn vị cử 10 cán bộ đi thực hiện nhiệm vụ cứu người bị nạn. Chúng tôi phải dừng xe ngoài đường đi bộ hơn 1 km lên đồi mới đến được hiện trường. Sau khi kiểm tra hang núi, tôi được trang bị đai bảo hộ và bình dưỡng khí trực tiếp xuống cứu người bị nạn. Càng xuống sâu, miệng hang càng hẹp, thành hang núi đá lởm chởm, thiếu ánh sáng. Hang đá sâu khoảng 70 m, nạn nhân bị rơi ở độ sâu 30 m lúc này đã bị ngất xỉu, thở dốc, vùng đầu mất nhiều máu, gãy xương, đa chấn thương. Việc đưa nạn nhân lên miệng hang trong tình trạng như vậy, với điều kiện địa hình hiểm trở, là hết sức khó khăn và nguy hiểm”.
Do đáy hang nhỏ, thành hang có nhiều vỉa đá nhô, không có chỗ bám ra nên Thượng sĩ Đoàn Khánh Linh buộc nạn nhân vào đai bảo hộ rồi buộc vào người mình, vừa đu dây, ở những đoạn hang hẹp, một tay vừa chống đẩy, còn tay kia đỡ lấy nạn nhân rồi dùng hết sức nâng người và đẩy nạn nhân lên. Phía trên miệng hang, các chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ với sự hợp sức của người dân địa phương hỗ trợ kéo lên. Sau hơn 1 giờ, mới đưa được nạn nhân ra ngoài và đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
“Trong những tình thế nguy hiểm như thế, điều quan trọng nhất là phải tự tin với khả năng, nghiệp vụ của mình. Muốn cứu được người khác, trước hết phải đảm bảo an toàn cho chính mình. Càng trong nguy hiểm, lính cứu hộ càng phải bình tĩnh, khôn khéo”, Thượng sĩ Linh chia sẻ. Thượng sĩ Linh cũng chính là người dùng máy banh thủy lực cắt thang cuốn để đồng đội giải cứu bé trai bị kẹt chân ở thang cuốn, siêu thị BigC năm 2013.
Công tác cứu nạn, cứu hộ là công tác rất quan trọng trong tình hình hiện nay nên ngay từ khi mới thành lập, lãnh đạo Cảnh sát PC&CC tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cứu nạn, cứu hộ, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trên thao trường nắng lửa, hàng ngày, các chiến sỹ phải rèn luyện thể lực, võ thuật để nâng cao sức khỏe, cách sử dụng thang dây, thang cuốn, kích, kìm trợ lực và các loại dụng cụ chuyên dụng trong cứu nạn, cứu hộ. Đơn vị cũng tập trung huấn luyện bơi lội và cứu nạn dưới nước cho CBCS. Đến nay, các chiến sỹ đều đã nắm bắt được những cách thức cơ bản khi cứu người trong lũ, dưới sông…
Trong mỗi vụ cháy, bên cạnh những người lính cứu hỏa tay lăng vòi lao vào đám cháy là những chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ mặc đồ bảo hộ, đeo mặt nạ dưỡng khí leo lên những tòa nhà cao tầng để cứu người bị mắc kẹt, khi thì nhảy xuống sông để cứu người... Từ khi thành lập đến nay, Cảnh sát PC&CC tỉnh đã cứu hộ thành công 14 vụ tai nạn, đưa 43 người đi cấp cứu kịp thời. Những tình huống cứu hộ khác cũng rất nguy cấp, đã giải cứu nạn nhân an toàn như vụ lật xe tải chở gỗ ở huyện Thanh Chương, lật xe cát ở huyện Hưng Nguyên...
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được vai trò và công việc của lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Thượng sĩ Đoàn Khánh Linh trăn trở: Nhiều người dân chỉ biết Cảnh sát PC&CC có nhiệm vụ chữa cháy chứ không biết nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, vì vậy các vụ tai nạn xảy ra không thông báo cho lực lượng cứu hộ. Để người dân hiểu rõ hơn về công việc của Cảnh sát PC&CC và để công tác cứu nạn, cứu hộ được kịp thời, đạt hiệu quả cao thì cần làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người hiểu cứu nạn, cứu hộ cũng là một phần công việc của Cảnh sát PC&CC.
Huyền Thương